Trong công cuộc đổi mới đất nước, tín ngưỡng dân gian Việt Nam đã phát huy vai trò như một bộ phận của động lực văn hóa truyền thống, góp phần tạo ra những thành tựu ngày càng to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy vậy, dưới tác động của kinh tế thị trường và văn hóa ngoại lai, hệ thống tín ngưỡng dân gian đang có nguy cơ phai nhạt. Việc nghiên cứu những dạng thức thực hành tín ngưỡng tiêu biểu và vai trò của nó đối với các cộng đồng cư dân là một hướng đi cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
1. Vài nét về cộng đồng cư dân ven biển Hậu Lộc
Cộng đồng cư dân ven biển huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay sinh sống trên địa bàn 6 xã Đa Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc, Hòa Lộc với dân số 57.068 người, diện tích tự nhiên 3.442,25 ha. Trong đó, phía bắc là sông Lèn, phía nam là sông Lạch Trường, phía đông giáp biển Đông. Biển tiếp giáp đất liền Hậu Lộc là bộ phận của phần Bắc vịnh Bắc Bộ, chiều dài 12km. Từ bờ biển ra tới đường hải giới, biển Hậu Lộc rộng hơn 2000km2. Cộng đồng cư dân ven biển Hậu Lộc sinh sống trong những đơn vị hành chính nhỏ nhất là làng. Khác với những làng Việt ở châu thổ, làng ven biển Hậu Lộc là nơi có cảnh quan và hệ sinh thái độc đáo, phức hợp, giàu tài nguyên thiên nhiên. Trên cơ sở của hệ sinh thái đa dạng, cư dân ven biển Hậu Lộc chú trọng khai thác trên cả đất liền và biển, tạo thành cơ cấu kinh tế nông – ngư chặt chẽ với các hoạt động sinh kế: đánh bắt thủy hải sản, chế biến thủy hải sản, làm muối, làm thủ công, trồng trọt, chăn nuôi. Mặc dù nông nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng trong sinh kế nhưng biển ngày càng ăn sâu vào đời sống của ngư dân, trở thành nguồn lực chính duy trì đời sống và phát triển của cộng đồng cư dân ven biển Hậu Lộc. Đồng thời, với quá trình chinh phục, thích nghi với thiên nhiên, người Việt ven biển Hậu Lộc cũng nhanh chóng tạo nên những tổ chức gia đình, dòng họ, làng xã, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng vừa mang đặc điểm chung của người Việt vừa có những nét riêng phù hợp với điều kiện địa lý và lịch sử hình thành.
2. Các hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng cư dân ven biển Hậu Lộc
Thờ cúng tổ tiên
Mặc dù sống trong môi trường sinh thái biển cả, nhưng cũng như các cộng đồng dân cư ven biển khác, người dân ven biển Hậu Lộc vẫn mang trong mình tâm thức hướng về cội nguồn, là sản phẩm của lối tư duy duy tình thuộc nền văn hóa văn minh lúa nước cổ truyền. Để thể hiện lòng hiếu thảo và đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn của con cháu đối với người thân đã khuất, hầu hết các gia đình vùng ven biển Hậu Lộc đều thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trừ những gia đình theo đạo Thiên Chúa, ven biển Hậu Lộc, nhà nào cũng có bàn thờ gia tiên, thường được gia chủ chọn hướng hợp phong thủy và đặt ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Trong đời sống xã hội hiện đại, điều kiện vật chất nâng cao, việc bài trí không gian thờ tự được người dân chú ý. Các nhà có điều kiện kinh tế khá giả thường xây dựng phòng thờ riêng tách biệt không gian sinh hoạt của các thành viên. Bàn thờ được trang hoàng nguy nga, vàng son lộng lẫy, có bức đại tự, hoàng phi, câu đối. Những nhà điều kiện trung bình, việc bài trí đơn giản hơn, song vẫn thể hiện sự thanh tịnh, tôn quý, thiêng liêng. Lễ vật thờ cúng tổ tiên của cư dân ven biển Hậu Lộc cũng đa dạng, phong phú và ngày càng có nhiều yếu tố hiện đại. Xuất phát từ tấm lòng đạo lý và tư tưởng nhân văn trần sao âm vậy, người ven biển thường chọn những lễ vật thật quý, thật ngon dâng cúng tổ tiên. Trong những dịp như rằm tháng bảy, lễ xá tội vong nhân, nhiều gia đình làm cơm cúng gia tiên và đốt tiền vàng, dâng tiến lên gia tiên nhiều đồ vàng mã mang tính chất của cuộc sống công nghiệp như xe máy, ôtô, điện thoại di động, máy bay… Nhiều tập quán trong tín ngưỡng thờ gia tiên cũng được đơn giản hóa (như tục cúng bát cơm quả trứng vào những ngày cát kỵ, tục dâng trầu cau, tục vãi muối gạo…) để phù hợp với nhịp sống và sinh hoạt hiện đại của người dân.
Khác với trước đây, nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người dân ven biển Hậu Lộc ngày nay được thực hiện quanh năm. Trong hoạt động đánh bắt hải sản, người dân cũng tin rằng, tổ tiên là những đấng linh thiêng và quyền phép, có thể phù trợ cho họ bình an và gặp may mắn khi đi đánh bắt trên biển, vì thế, trước khi ra khơi dài ngày, nhất là với những thuyền đi đánh giã, câu mực, họ thường thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, cầu mong được bình an, đánh bắt được nhiều hải sản. Trong lễ mua thuyền mới và lễ hạ thủy, cư dân cũng đều thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với tất cả lòng thành kính và sùng tín. Đối với các gia đình nuôi trồng thủy hải sản hoặc làm muối, trước mỗi vụ ngao, vụ muối người dân đều có lễ vật dâng lên ban thờ tổ tiên, xin sự phù trợ của người đã khuất để sản xuất được mùa, đời sống khấm khá, ấm no. Sinh kế gắn liền với biển là gắn với sự vất vả, cực nhọc, luôn phải đối mặt các hiểm họa thời tiết bất thường, niềm tin tuyệt đối vào tổ tiên là cứu cánh giúp người dân ven biển cân bằng đời sống tinh thần, từ đó vượt lên thử thách của cuộc sống.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của cư dân ven biển Hậu Lộc còn thể hiện ở hệ thống các nhà thờ họ, nhà thờ chi họ trong hầu khắp các làng. Theo tư liệu ghi chép của Đào Phụng trong cuốn Địa chí Diêm Phố – Ngư Lộc, riêng làng Diêm Phố có đến 60 nhà thờ họ và chi họ. Những nhà thờ được tổ chức theo tế lễ nghi thức được thống nhất trong họ mạc. Ngày giỗ tổ ở nhà thờ họ là ngày lễ lớn nhất về truyền thống thờ cúng tổ tiên. Ngày giỗ này được tổ chức cỗ bàn, con cháu sum họp đầy đủ, các ngày đầu tháng và ngày rằm tại các nhà thờ họ đều có hương khói và lễ lạt.
Tín ngưỡng thờ thần thành hoàng
Đời sống khó khăn của dân cửa bể luôn phải đối mặt với sóng to, gió cả, nhiều hiểm nguy rình rập nhưng nơi đây chính là môi trường dung dưỡng một đời sống tâm linh dân gian phong phú của cư dân ven biển Hậu Lộc. Tiêu biểu nhất và mang bản sắc nhất là tín ngưỡng thờ thần thành hoàng.
Thành hoàng làng là một trong những thành tố văn hóa mà người nông dân Việt Nam đã sáng tạo ra qua bao nhiêu thế hệ, đóng vai trò là tín ngưỡng liên kết cộng đồng người trong một cộng đồng lãnh thổ nông nghiệp hữu hạn, làm nơi quy tụ tâm linh cho cư dân. Gắn với thành hoàng là hội làng – một hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của từng địa phương. Thành hoàng đã trở thành một biểu tượng tâm linh, một chỗ dựa tinh thần vững chắc của người dân. Bởi với họ, chỉ có thần mới có thể giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, giúp cho cuộc sống ngày một thêm ổn định, thịnh vượng.
Đặc điểm dễ nhận thấy trong tín ngưỡng thờ thành hoàng ở ven biển Hậu Lộc chính là tín ngưỡng thờ phúc thần. Hầu hết các vị thành hoàng được nhân dân lập thờ đều là những vị tướng có công trong quá trình mở mang, khai phá vùng đất mới ven biển, lập làng, lập ấp, có công chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước mang lại đời sống ấm no cho nhân dân. Điều này vừa biểu hiện tâm thức hướng về nguồn cội, vừa phản ánh quá trình chinh phục, cải tạo thiên nhiên lâu dài để tạo lập làng xã, xây dựng bản sắc văn hóa của cư dân ven biển. Cho đến nay, sau nhiều thăng trầm của lịch sử, tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, tín ngưỡng này vẫn không hề thay đổi, thậm chí ngày càng đậm nét hơn.
Trong bối cảnh của đời sống đương đại, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân vùng ven biển nói riêng ngày càng tăng. Tín ngưỡng thờ thành hoàng của cư dân ven biển từ đó cũng có xu thế biến đổi. Nhiều công trình đình, nghè, miếu mạo được nhân dân tu bổ, mở rộng và tôn tạo như đình làng An Giáo (Hưng lộc), nghè Vích (Hải Lộc), nghè Thánh Cả (Đa lộc), cụm di tích lịch sử Diêm Phố (Ngư Lộc)… Hoạt động lễ hội, đặc biệt là hội làng được mở rộng, ngoài phần lễ được tổ chức với quy mô lớn hơn còn có phần hội gồm nhiều trò chơi mang tính chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu giải trí của cư dân sau những ngày lao động vất vả. Từ ý nghĩa hướng đến nguồn cội, tín ngưỡng thờ thành hoàng nói riêng và các tín ngưỡng khác của người Việt dần bị lạm dụng. Mâm cao, cỗ đầy, lễ cúng đắt tiền, nghi lễ phô trương lấn át niềm tin trong sáng gây tốn kém lãng phí tiền của… là những hiện tượng đáng buồn, gây ảnh hưởng đến giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tín ngưỡng thờ thần biển
Cư dân Ngư Lộc là những người ăn sóng nói gió, sống nơi đầu sông cuối bến, cuộc sống và con người gắn bó với biển. Sống bằng nghề lọc nước lấy cái, họ cho rằng cuộc đời mình đã gắn liền với biển, giữa mênh mông sóng nước, không biết trước được những rủi ro, thiên tai, không nắm được số mệnh của mình. Chính công việc đối mặt với nhiều hiểm nguy liên quan đến tính mạng nên con người cần đến một chỗ dựa để giúp họ vững tâm hơn khi đi đánh bắt. Có lẽ vì vậy mà những tín ngưỡng, kiêng kỵ và nghi lễ liên quan đến công việc này ra đời. Trong đó, thờ những vị thần biển là một tín ngưỡng đặc biệt quan trọng, là đặc trưng văn hóa của ngư dân nơi đây.
Khác với cư dân ven biển Bắc Bộ, hệ thống các vị thần biển được cư dân ven biển Hậu Lộc tôn thờ đa dạng hơn. Có 4 vị thần được thờ ở nhiều nơi thuộc vùng biển của Hậu Lộc là Đông Hải Đại Vương, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, Bát Hải Long Vương và Tứ Vị Hồng Nương (tứ vị Thánh Nương). Trong đó vị thần có duệ hiệu Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần (cá voi) thờ chính ở miếu Đức Ông thuộc xã Diêm Phố được khái quát thành hình tượng thần biển – vị thần làm chủ của một vùng mà người dân vùng biển tôn sùng nương bóng để cầu mong biển che chở cho mình được yên lành, no đủ. Vị thần Bát Hải Long Vương (thờ chính ở đền Nẹ Sơn – xã Ngư Lộc) được thờ ở hầu hết các thôn, xã của vùng ven biển Hậu Lộc (1). Ở mỗi làng ven biển Hậu Lộc thường thờ nhiều vị thần cùng lúc, trong đó vị chủ thần thường được gọi với cái tên là Đức Thánh Cả có liên quan đến tục rước và tế lễ cả vùng. Sắc phong cũng cho ta biết công trạng của thần phù giúp dân và các sắc phong theo các loại: thượng đẳng phúc thần, trung đẳng phúc thần. Qua mỗi triều đại, sau mỗi lần khai báo, nếu các vị thần gia tăng công trạng giúp dân đều được ban cấp sắc phong nâng vị thứ và gia tăng mỹ tự (2).
Trong hệ thống thần biển được nhân dân ven biển Hậu Lộc thờ cúng, tục thờ cá voi là một tục lệ riêng biệt và tiêu biểu của cư dân miền biển. Trong tương quan với toàn bộ các vùng ven biển phía Bắc, Hậu Lộc có thể xem là địa phương mang đậm loại hình tín ngưỡng này với số lượng lớn miếu thờ cá ông trong vùng. Theo kết quả điều tra và thực địa của tác giả tại địa bàn nghiên cứu, cả 6 xã ven biển của huyện Hậu Lộc đều có đền hoặc miếu thờ cá ông, tuy quy mô và hoạt động có khác nhau. Khác với tín ngưỡng thờ cá ông của cư dân Nam Trung Bộ, thường thờ cá ông trong lăng, cư dân ven biển Hậu Lộc nói riêng và vùng biển Thanh Hóa nói chung thờ cá ông trong các ngôi đền hoặc miếu nhỏ. Các ngôi đền hoặc miếu này nằm trong quần thể di tích của địa phương như khu di tích Nghè – Diêm Phố (Ngư Lộc).
Theo quan niệm của những ngư dân đi biển, cá ông với vóc dáng to lớn, sức mạnh phi thường, cùng tấm lòng cao cả yêu thương con người, thường xuyên cứu giúp con người khi gặp hoạn nạn trên biển, vì vậy với lòng biết ơn của mình, nhân dân đã tôn xưng cá ông trở thành biểu tượng thiêng liêng, như vị thần hộ mệnh.
Tín ngưỡng thờ tứ vị Thánh Nương
Sách Đạo Mẫu Việt Nam ghi rằng, năm 1276 quân Nguyên Mông ồ ạt tấn công Nam Tống (Trung Quốc) khiến hàng vạn quân Tống bị đánh tan. Trong lúc nguy khốn, Thái hậu và các công chúa nhà Tống xuống thuyền chạy về phía Quảng Đông nhưng gặp gió mạnh thuyền bị đắm, mọi người đều chết. Lúc đó, bỗng xuất hiện rồng vàng tới hộ giá mẫu hậu và ba vị công chúa trôi dạt tới biển Cờn Hải và được vị sư già chùa Quy Sơn cứu sống và trú ngụ tại đó. Sau một thời gian trong chùa có nhiều điều dị nghị về vị sư già với Tống Hậu. Vị sư gia này không biện bạch được bèn khấn Phật và nhảy xuống biển tự vẫn. Mẫu hậu và ba vị công chúa thấy vị sư già vì mình mà chịu oan khuất cũng liều mình nhảy xuống biển chết theo, xác của họ dạt vào cửa Cờn Hải. Họ hiển linh và được dân làng lập đền thờ và phong là Nam Hải phúc thần cai quản 12 cửa biển. Từ đó phàm những người đi biển đều đến cầu đảo tứ vị Thánh Nương.
Ngày nay, ven biển Hậu Lộc có 3 điểm thờ tứ vị Thánh Nương tiêu biểu là: nghè Thánh Cả (Đa Lộc), đền thờ tứ vị Hồng Nương (thuộc khu di tích Nghè – Diêm Phố, Ngư Lộc) và nghè Vích (Hải Lộc). Trong đó, nghè Vích là một điểm thờ tứ vị Thánh Nương linh thiêng hơn cả. Tương truyền nghè Vích được xây dựng từ rất xa xưa (hiện chưa có tài liệu khẳng định chính xác năm xây dựng nghè Vích). Lúc mới xây dựng nghè được lợp bằng tranh, mãi đến thời Lê Gioãn Dai (người làng Y Bích thi đỗ tiến sĩ năm 1743) cung tiến tiền bạc, nghè được xây dựng lại bằng gạch ngói với quy mô rộng lớn. Đây là không gian tâm linh của cả làng Y Bích – Lộc Tiên xưa. Hàng năm, vào ngày 9-6 và ngày30-12 làng làm lễ tế linh đình. Lễ hội làng tổ chức từ ngày 9 đến 12 – 6, là ngày nhân dân lấy làm giỗ tứ vị Thánh Nương.
Cùng với sự tàn phá của thiên tai, hiện tượng nước biển ăn sâu vào đất liền, chiến tranh, nghè Vích bị tàn phá, toàn bộ quy mô kiến trúc và vị trí của nghè Vích không còn được như xưa. Khoảng những năm 1992, từ nhu cầu tâm linh của người dân, chính quyền và nhân dân xã Hải Lộc cùng nhau xây dựng lại nghè, tuy nhiên do chưa có sự đầu tư bài bản nên quy mô và kiến trúc của nghè vẫn còn khiêm tốn. Tuy vậy, đây vẫn là một không gian để nhân dân làng Y Bích nói riêng và cư dân ven biển Hậu Lộc nói chung thể hiện niềm tin tín ngưỡng của mình, giúp cư dân luôn tin rằng họ nhận được sự che chở, phù hộ một quyền lực thần thánh huyền bí, giúp cho đời sống của họ được sóng yên, bể lặng.
Những thực hành tín ngưỡng là yếu tố tâm linh siêu thực, nơi con người gửi gắm ước vọng thầm kín của mình đến thế giới của các vị thần do chính họ tạo ra, với niềm tin rằng đâu đó vẫn có những thế lực siêu nhiên vô hình có thể giúp đỡ họ trong cuộc sống đời thường. Mặc dù, vẫn mang những yếu tố của văn minh nông nghiệp, nhưng trong quá trình lao động gắn với biển, cư dân ven biển Hậu Lộc đã sáng tạo nên hệ thống tín ngưỡng dân gian đa dạng mang sắc thái biển cả, điển hình là tín ngưỡng thờ thần đã được bản địa hóa để mang dáng vẻ địa phương sâu sắc.
Mặc dù, đời sống xã hội hiện đại mang tới nhiều yếu tố, tác động ít nhiều làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa truyền thống của cư dân ven biển Hậu Lộc, nhưng với sự tồn tại và thể hiện của tín ngưỡng dân gian, có thể khẳng định về sự trường tồn của một nền văn hóa duy tình, một thế ứng xử mềm dẻo, hòa hợp giữa con người và tự nhiên, giữa con người với con người và con người với xã hội.
____________
1, 2. Phạm Văn Tuấn, Tài liệu sắc phong của các làng xã vùng ven biển huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Tạp chí Dân tộc học, 5 – 2005, tr.27, 30.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ VIỆT HƯNG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn