Tính tẩu trong văn hóa tày ở tuyên quang

Tính tẩu, cây đàn được sử dụng trong nghi lễ then của người Tày, còn có nhiều tên gọi khác nhau như: đàn tính, tàn tính, ăn tính, đàn then, tính then… Trong quá trình hội nhập văn hóa, nghi lễ then đã có nhiều biến đổi, nhiều nghi thức, thủ tục hành lễ dẫn bị lược bỏ. Tuy nhiên, tính tẩu vẫn luôn là vật dụng không thể thiếu trong nghi lễ, người Tày coi đây là nhạc cụ lưu trữ giá trị văn hóa của cộng đồng, mang ý nghĩa đặc biệt về mặt tâm linh.

1. Tính tẩu trong nghi lễ then

Tính tẩu được người Tày coi là vật thiêng nên việc chế tác cây đàn này đòi hỏi sự khắt khe về nguyên liệu, thời gian, kỹ thuật… Bên cạnh đó, người sử dụng tính tẩu phải có căn then, được bề trên lựa chọn làm nghề mới có cơ hội học đàn. Các kỹ thuật chơi đàn, gảy đàn, múa đàn phải đạt yêu cầu mới được cấp sắc, làm thày. Người làm thày được dòng họ công nhận, minh chứng bằng lễ cấp sắc qua các cấp bậc. Cấp bậc thể hiện trình độ của thày, cấp càng cao càng có quyền năng tiếp xúc với thế giới siêu nhiên.

Trước đây, tính tẩu được chế tác bởi những người thực hành nghi lễ then, họ tự làm đàn cho chính mình và truyền phương thức đó cho học trò. Người chế tác tính tẩu phải nghiên cứu kỹ lưỡng về quy trình làm đàn, có đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, biết đàn, hát, cảm thụ âm thanh, âm sắc của mỗi cây đàn…

Trong lịch sử, tính tẩu gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ tín ngưỡng của người Tày, được coi là biểu tượng linh thiêng trong đời sống tinh thần cộng đồng. Sau này do nhiều nguyên nhân, không ít nghi lễ tín ngưỡng của các tộc người bị mai một, trong đó diễn xướng then không phải một ngoại lệ.

Ngày nay, số lượng người theo nghề then không nhiều, một vài nơi vẫn được lưu truyền cho anh em, con cháu trong dòng họ qua hình thức ốp theo nghề. Do cả những yếu tố chủ quan và khách quan mà nghi lễ then xuất hiện nhiều biến đổi về hình thức, nội dung. Sự biến đổi này có thể do ý định của gia chủ, có nghi lễ chỉ diễn ra trong nửa ngày hoặc 1 ngày 1 đêm. Thày then phải lựa chọn những đoạn then có nội dung phù hợp để hát dâng lễ, cũng có khi thời gian quá ngắn nên thày xin chỉ xin quẻ âm dương, khấn, tạ lễ. Trường hợp then được tổ chức từ 2 – 3 ngày, thường là nghi thức lớn, cấp sắc cho người làm nghề cúng bái.

Âm nhạc trong tín ngưỡng then ở Tuyên Quang hiện vẫn sử dụng chủ yếu điệu Tàng nặm, Tàng bốc, là lời các cung then khi đưa đoàn âm binh dẫn lễ lên trời. Tuy nhiên, nhiều thày then cao tuổi, hoặc bị ép theo nghề muộn nên kỹ thuật chơi đàn sẽ không thành thạo, đánh đàn với giai điệu đơn giản, tư thế tay ít di chuyển, không sử dụng đủ 5 âm trong thang âm. Hiếm khi thấy thày then sử dụng kỹ thuật vuốt khi đánh đàn, có cũng chỉ ở quãng 2, nên ít tạo ra các âm luyến láy. Bên cạnh đó, tiết tấu trong then cũng đơn giản, chủ yếu là nốt đen, móc đơn. Một số thày then phát hiện có căn khi còn trẻ, học việc từ nhỏ sẽ có tay đàn tốt hơn, khi nghe giai điệu cũng uyển chuyển, luyến láy lưu loát, âm vuốt cũng nhẹ nhàng, tiết tấu linh hoạt hơn.

Nghi lễ then ở Tuyên Quang đang trong giai đoạn mai một bởi thế hệ thày then ngày càng cao tuổi, thế hệ kế tục lại hiếm, hội nhập cũng làm cho cơ hội lựa chọn nghề làm then bị co lại, sự hưởng thụ then ít dần, các nghi thức trong then giảm bớt bởi sự rườm rà, tốn kém… Điều này đồng nghĩa với việc cây tính tẩu đang dần giảm vai trò trong then tín ngưỡng cũng như trong cuộc sống của người Tày Tuyên Quang.

2. Tính tẩu trong mô hình hát then mới

Xây dựng mô hình hát then mới

Hát then mới chính là việc sử dụng ngôn ngữ phổ thông, lời ca tiếng hát có nội dung mới, gắn bó với đời sống nhân dân. Ở loại hình này, không gian diễn xướng, trang phục được mở rộng, thoát khỏi sự cứng nhắc của các nghi thức trong nghi lễ then trước đây…

Việc bảo tồn những lời hát, điệu nhạc then đầu tiên ở Tuyên Quang được khơi nguồn từ cố nghệ nhân dân gian Hà Phan ở xã Tân An, huyện Chiêm Hóa. Từ các phong trào quần chúng, ông mày mò sưu tầm các bài hát then, cọi, sáng tác ra lời then mới, gắn liền với công việc của nhân dân… Kế tiếp là nghệ nhân ưu tú Hà Thuấn, ông say mê, yêu thích hát then cùng cây tính tẩu, tìm hiểu, tham gia nhiều phong trào văn nghệ của địa phương. Ông cũng tham gia vào công việc sưu tầm, sáng tác lời then mới theo các điệu then của người Tày ở Tuyên Quang. Bên cạnh đó, ông cũng tích cực tham gia vào việc đàn và truyền dạy hát then cho con cháu. Đặc biệt, ông có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng mô hình hát then mới tại xã Tân An như: CLB Người cao tuổi, lớp học tính tẩu cho thanh thiếu niên… Ông chủ động gây dựng phong trào hát then, đàn tính trong toàn xã, tìm ra những hạt giống cho phong trào văn nghệ các cấp, dần dần mở rộng phong trào ra các xã lân cận khác và toàn tỉnh. Những thành tựu mà âm nhạc dân tộc nói chung, hát then nói riêng có được, là nhờ sự đóng góp không nhỏ của những hạt nhân tiêu biểu, say mê, nhiệt tình với việc bảo tồn phát huy, truyền dạy vốn văn hóa cổ.

Thực trạng hoạt động hát then ở huyện Chiêm Hóa

Từ những mô hình lớp học hát then, chơi tính tẩu của xã Tân An, các xã lân cận cũng đến xin học, tham dự, mở lớp. CLB hát then – tính tẩu đầu tiên của xã Yên Nguyên do vợ chồng ông Hà Doãn Hộ, bà Ma Thị Lụa thành lập. Ông, bà đã sang xã Tân An học hỏi, kêu gọi từ người thân tham gia, mời nghệ nhân Hà Thuấn đến dạy, đào tạo hạt nhân nòng cốt cho xã… Yên Nguyên hiện là xã có số lượng thành viên tham gia CLB đông nhất trên địa bàn tỉnh. Đây có thể coi là xã mạnh thứ hai của huyện Chiêm Hóa trong phong trào gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống địa phương. Nghệ nhân Hoàng Tiến Các – phó chủ nhiệm CLB đã có hơn 30 năm gắn bó với then mới. Hiện nay, ông vẫn tranh thủ tổ chức dạy đàn và hát cho thôn, xã. Ông không chỉ truyền dạy hát then – tính tẩu đến bà con trên địa bàn mà còn sáng tạo, cải biên các bài then cổ sao cho thuận lời, dễ hát. Ông luôn mong muốn then được tham gia lồng ghép nhiều hơn vào các phong trào cộng đồng.

Từ những xã tiêu biểu về phát triển văn hóa dân gian dân tộc, lãnh đạo huyện Chiêm Hóa đã phát động các phong trào giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của hát then. Kế hoạch được thực hiện với sự giúp đỡ của nghệ nhân ưu tú Hà Thuấn. Huyện mở lớp, mời ông tới dạy, xây dựng các lớp cốt cán, bồi dưỡng nghiệp vụ đàn – hát cho đội ngũ diễn viên nòng cốt, vận động các xã thành lập CLB, lớp học… Hiện nay, các lớp học bồi dưỡng hát và đàn then vẫn được Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh Tuyên Quang tổ chức, tạo điều kiện cho đội ngũ hạt nhân của các huyện học tập, nâng cao kiến thức, kỹ thuật.

Dần dần mô hình CLB hát then – tính tẩu phát triển rộng khắp địa bàn huyện Chiêm Hóa, địa phương đi đầu trong phong trào gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể.

Việc mở lớp bồi dưỡng hạt nhân nòng cốt cho các huyện do Sở Văn hóa tỉnh phối hợp với huyện Chiêm Hóa mời nghệ nhân có hiểu biết về then, có nhiều năm gắn bó với then truyền dạy luân phiên. Sau đó tỉnh tổ chức tập huấn, các huyện vào mở lớp để bồi dưỡng các hạt nhân văn hóa địa phương tại các xã dưới sự giám sát, hỗ trợ của tỉnh.

Sở VHTTDL đã tổ chức các cuộc thi cấp huyện để tuyển chọn những hạt nhân ưu tú nhằm khích lệ tinh thần. Sau nhiều cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, Liên hoan hát then – tính tẩu chính thức được tỉnh Tuyên Quang tổ chức từ năm 2013.

 Sau một thời gian, do nhiều yếu tố khách quan mà nhiều CLB hoạt động cầm chừng. Theo báo cáo số liệu về CLB hát then – tính tẩu của 3 huyện: huyện Lâm Bình có CLB của Trung tâm Văn hóa huyện và 4/8 xã là Lăng Can, Khuôn Hà, Hồng Quang, Bình An; huyện Na Hang có CLB của Trung tâm Văn hóa huyện và 4/12 xã là Yên Hoa, Đà Vị, Năng Khả, Thanh Tương; huyện Chiêm Hóa có CLB của Trung tâm Văn hóa huyện, 26 thị trấn – xã và 11 CLB khối trường học. Số liệu trên cho thấy phong trào hát then văn nghệ trên địa bàn huyện Chiêm Hóa cao hơn so với các địa phương khác.

3. Một số vấn đề về bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát then ở Tuyên Quang

Về truyền dạy then

Những nốt nhạc trên đàn được định danh, có tính bác học hơn, ghi chép lại nhằm dễ học, dễ thuộc. Những chỗ thiếu, chỗ khuyết của người học được rút kinh nghiệm dần. Số nghệ nhân nòng cốt của các CLB trên khắp tỉnh phần lớn đều là học trò của anh em nghệ nhân Hà Phan, Hà Thuấn. Hầu như việc truyền dạy không thu phí, chỉ cần có người học, ai đã biết đều nhiệt tình chỉ bảo. Hiện nay, nghệ nhân ưu tú Hà Thuấn vẫn qua các địa phương để dạy đàn, dạy hát cho bà con. Tuy nhiên, quá trình truyền dạy cũng gặp không ít khó khăn:

Thứ nhất, với người học là cán bộ văn hóa xã, được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, có khi mới chỉ hết THPT, nên không phải ai cũng có năng khiếu, khả năng, yêu thích đàn hát. Điều đó dẫn đến sự nản chí, thôi học, học đối phó… đến khi về địa phương không thể triển khai phong trào.

Thứ hai, việc lựa chọn thời điểm tổ chức lớp học không được ổn định với nhiều lý do như thời điểm nông vụ, cán bộ đi học nâng cao, gia đình, con cái… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cũng như chất lượng của lớp tập huấn.

Thứ ba, thời gian tổ chức tập huấn quá ngắn, chỉ từ 10 – 15 ngày. Những người lao động ngày ngày tiếp xúc với cuốc cày, đồng áng nay lại phải làm quen với sự mềm mại của sợi cước, nốt nhạc, thực không phải điều dễ dàng.

Thứ tư, mới chỉ đưa ra mô hình lớp học ở trường THPT dân tộc nội trú, có nghệ nhân đến dạy nhưng đối tượng học chưa chọn lọc. Lớp chỉ học cách nhật với phương pháp dạy truyền khẩu nên người học ít được luyện tập, mau quên.

Về vấn đề sưu tầm lời hát then

Nghệ nhân ưu tú Hà Thuấn ngoài công việc đi khắp nới truyền thụ hát – đàn cho bà con còn dành thời gian sưu tầm, ghi chép lại các bài then. Đi đến đâu dạy ông cũng lắng nghe, học lại, ghi chép lại những bài then của địa phương đó. Có khi đó là bài then mới, nhưng cũng có lúc là giai điệu then cổ mà ông chưa được biết. Bên cạnh đó, ông dành nhiều công sức sưu tầm, dịch thuật các bài then lời cổ từ chữ Nôm Tày sang tiếng Tày phổ thông. Đến nay, ông đã sưu tầm được lượng bài then cổ không nhỏ như Cung bướm lượn tháng 3, Cung Sình An, Cung ve sầu, Cung đom đóm… Khi có thời gian ông hay biên tập, dịch thuật, biên soạn nội dung, ý nhạc sao cho thuận hát để dạy. Việc làm này của ông vừa lưu lại tư liệu để sáng tác, truyền dạy, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa cộng đồng. Hiện nay, những bài then được sử dụng tại các CLB chủ yếu là do nghệ nhân Hà Thuấn cung cấp qua các lớp tập huấn của tỉnh, qua lớp dạy tại các xã…

Nhạc cho hát cũng được ông biên tập, dần đưa vào thành bài bản. Với hai điệu Tàng bốc, Tàng nặm vốn vẫn còn được lưu giữ trong các nghi lễ then, ông soạn thảo lại cho phù hợp với nội dung lời ca của mình, đặc biệt chú ý làm nổi bật tính chất tươi vui, mạnh mẽ cho giai điệu cho phù hợp với cuộc sống lao động mới như: Vằn xuân chay mạy (Ngày xuân trồng cây),Cần Mé anh hùng (Người Mẹ anh hùng), Pí lầu ké tọ slim bâu ké (Tuổi già chí chẳng già)

Bên cạnh đó, còn nhiều nghệ nhân có đóng góp cho công tác sưu tầm các bài then như Hoàng Tiến Các, Ma Văn Đức, Hà Đức Khám, Chu Văn Thạch, Thàm Ngọc Kiến… Hành động truyền lửa của các nghệ nhân đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, truyền bá những giá trị văn hóa cộng đồng mình.

Về sáng tác bài hát then và chế tác tính tẩu

Trong then nghi lễ, các cung đường lên trời khi trình diễn được phân chia bởi nội dung những cung then. Chính vì vậy, cây tính tẩu phải thích ứng được với những yếu tố khách quan như: ứng tác tại chỗ với lời ca sao cho phù hợp với mục đích buổi then, gia cảnh gia chủ… Hơn nữa, âm nhạc cũng phải kết hợp nhuần nhuyễn với nội dung lời then. Những sáng tạo đó đã tạo nên lời hát mới, trao truyền trên phương thức truyền miệng, tạo ra dị bản cho cung then. Phương thức ứng tác, truyền thụ như vậy đã làm cho then bị khuyết danh. Điều này cho thấy, tính tẩu chứa đựng đầy đủ các các đặc trưng trong âm nhạc dân gian (1). Trong then, tính tẩu đóng vai trò dẫn câu then, giữ nhịp, tạo giai điệu cho hát, có khi là một giai điệu độc lập dùng để kết nối hoặc kết thúc cung then.

Sau 1945, then đã tham gia vào phục vụ kháng chiến, “góp phần làm tốt công tác giáo dục, động viên khí thế, nhiệt tình cách mạng của quần chúng” (2). Chính vì vậy, việc hát then đã được những cán bộ văn hóa, nghệ sĩ biểu diễn đưa vào sử dụng với nội dung phù hợp với phong trào trong cả nước. Lời then mới có nội dung hiện đại, phù hợp với công cuộc đổi mới của xã hội. Bên cạnh đó, các bài then còn được dịch sang tiếng phổ thông để những người không biết tiếng Tày cũng có thể hiểu và yêu thích.

Chế tác tính tẩu là công việc gắn liền với sáng tác lời then, là một trong những yếu tố cốt lõi của diễn xướng then. Nghệ nhân Hà Thuấn với những mày mò bước đầu đã làm ra cây đàn thô sơ cho bà con dùng. Các nguyên liệu được ông khắc phục như: bầu tự trồng, tự chế; cần đàn, trục đàn, ngựa đàn làm bằng thân cây gỗ bình thường, những nguyên liệu có sẵn quanh nhà miễn không bị cong vênh; mặt đàn làm bằng tấm gỗ ép. Đặc biệt là các dụng cụ gọt dũa cũng hoàn toàn thủ công. Bên cạnh đó, anh Hà Đức Khám, Then Sơn… là những người có đam mê với then, chế tác ra những cây tính tẩu có chất lượng, phục vụ sinh hoạt của người dân trong vùng. Những người có điều kiện hơn chế tác bằng nguyên liệu đạt chuẩn với sự trợ giúp của máy móc nên cây đàn được gọt dũa trở nên tinh tế, chất lượng.

Ông Thàm Ngọc Kiến, anh Hà Đức Khám và anh Chu Văn Thạch đã chế tác ra cây tính tẩu 12. Đây chính là tâm huyết của họ, không chỉ thỏa mãn những khát khao của bản thân, mà còn thỏa mãn niềm say mê, khám phá những giá trị văn hóa dân tộc.

Trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay cây tính tẩu đang thực sự sống dậy, phát triển rộng khắp trong cộng đồng người Tày tỉnh Tuyên Quang. Các mô hình đào tạo tính tẩu – hát then của chính quyền địa phương, nghệ nhân dân gian đã gây được sự chú ý của các cấp, các ngành. Để nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy then đòi hỏi sự nhiệt tình, tâm huyết của những người truyền dạy, sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo ở địa phương trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

______________

1. Bùi Huyền Nga, Âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt  Nam, Tài liệu tham khảo, Nhạc viện Hà Nội, 2005.

2. Nhiều tác giả, Những vấn đề về then Việt Bắc, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1978, tr.8.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ THANH THẢO

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *