1. Khái quát lịch sử phát triển DLST trên thế giới và Việt Nam
DLST khởi đầu ở các nước đang phát triển vào cuối những năm 60 TK XX. Quần đảo Galapagos là nơi bắt đầu tổ chức DLST và ở khu vực Đông Phi, mặc dù nhiều lĩnh vực của du lịch thám hiểm như săn bắn không đủ tiêu chuẩn là DLST. Trong những năm 60 và 70 TK XX, DLST phân bố hạn chế, chiếm tỷ lệ rất nhỏ của thị trường du lịch quốc tế. Ở các nước phát triển, DLST là trò giải trí phổ biến mang tính nội địa được tổ chức trong những nhóm nhỏ, đặc biệt là nhóm người quan sát động vật hoặc du khách đến vui chơi ở công viên.
Đến cuối những năm 80 TK XX, DLST còn là hiện tượng xa lạ, chỉ mới bắt đầu xuất hiện là từ vựng phổ thông. Từ sau năm 1990, trên thế giới loại hình DLST dần phát triển ở một số quốc gia như Australia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch… Đến cuối những năm 90 TK XX, DLST phát triển mạnh và nổi bật ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ, Nam Mỹ, châu Mỹ La Tinh…
Trong nghiên cứu của Lew năm 1997, DLST ở châu Á – Thái Bình Dương được chia theo 3 khu vực: Nam và Đông Nam Á, bao gồm các khu vực kết hợp với nhau là điểm đến quốc tế lớn; Australia và New Zealand, có các ngành kinh doanh DLST nội địa quan trọng, được xem là thị trường quốc tế thứ hai; khu vực sinh thái ngoại vi, bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản, các đảo Thái Bình Dương.
Theo dự báo của UNWTO, du lịch kinh nghiệm trong đó bao gồm DLST, du lịch thiên nhiên, di sản, văn hóa và mạo hiểm… là một trong những lĩnh vực được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong hai thập kỷ tiếp theo.
Ở Việt Nam, từ sau năm 1975, nhà nước chưa có điều kiện để tổ chức hoạt động du lịch. Đến những năm 90 TK XX, loại hình DLST ở Việt Nam mới bắt đầu tổ chức ở một số tỉnh, thành phố như TP. HCM, Huế, Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Thuận… Dù mới bắt đầu, song loại hình DLST luôn được chú ý và đặt trong kế hoạch 2001 – 2010, nhiều nơi đã có quy hoạch mở rộng loại hình này.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến đầu năm 2000, các sản phẩm DLST đích thực ở Việt Nam chưa có, mà mới chỉ là loại hình du lịch thiên nhiên mang màu sắc của DLST. Đến nay, DLST trong phạm vi cả nước nói chung còn đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên. Các hoạt động mang tính tự phát, chưa có sản phẩm và đối tượng phục vụ, sự đầu tư quảng bá, nghiên cứu thị trường và công nghệ phục vụ cho DLST còn nhiều hạn chế…
2. Nghiên cứu lý luận và thực tiễn phát triển DLST trên thế giới
Khái niệm DLST
Định nghĩa tương đối hoàn chỉnh đầu tiên về DLST do Hector Ceballos – Lascurain đưa ra năm 1987: DLST là du lịch đến những khu vực tự nhiên còn ít bị tác động và không bị ô nhiễm, với những mục đích đặc biệt là nghiên cứu, tham quan, thưởng thức phong cảnh thiên nhiên, động vật và thực vật hoang dã, cũng như bất kỳ khía cạnh văn hóa hiện có được khám phá trong khu vực này. Trong định nghĩa này, trọng tâm mối quan tâm của Hector Ceballos – Lascurain là vấn đề bảo vệ môi trường.
Du lịch cao nguyên Langbiang. Ảnh Hoàng Nam
Năm 1991, Hiệp hội DLST Quốc tế đã đưa ra định nghĩa: DLST là du lịch có trách nhiệm đến các khu vực tự nhiên mà có bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi cho người dân địa phương. Định nghĩa này được chấp nhận rộng rãi, tuy nhiên, nó lại không đóng vai trò như một định nghĩa chức năng để thu thập thống kê về thị trường DLST.
Từ thực tiễn phát triển của DLST, Martha Honey đã đưa ra định nghĩa: DLST là du lịch đến các khu vực nhạy cảm, nguyên sinh và khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, mà những nỗ lực để đạt được tác động thấp ở quy mô nhỏ. Nó giúp cho việc giáo dục du khách, lập quỹ cho công tác bảo tồn, lợi ích trực tiếp cho phát triển kinh tế, trao quyền quản lý cho cộng đồng địa phương, khuyến khích tôn trọng các nền văn hóa khác nhau và quyền con người. Tác giả đã nêu lên những đặc trưng chặt chẽ, đa chiều của DLST, đánh giá việc đảm bảo được những đặc trưng này là thách thức lâu dài. Định nghĩa này đã được sử dụng trong nhiều nghiên cứu của các học giả và tổ chức quốc tế.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới: DLST là loại hình du lịch được thực hiện tại những khu vực tự nhiên còn ít bị can thiệp bởi con người, với mục đích chính là để chiêm ngưỡng, học hỏi về các loại động vật cư ngụ trong khu vực, giúp giảm thiểu và tránh được tác động tiêu cực tới khu vực mà khách đến thăm. Ngoài ra, DLST phải đóng góp vào công tác bảo tồn những khu vực tự nhiên và phát triển khu vực cộng đồng lân cận một cách bền vững, đồng thời phải nâng cao được khả năng nhận thức về môi trường và công tác bảo tồn đối với người dân bản địa, du khách đến thăm.
Mặc dù có nhiều quan niệm chung về DLST, song căn cứ vào đặc thù và mục tiêu, các quốc gia đều phát triển những định nghĩa riêng về DLST. Trong chiến lược quốc gia về DLST của Australia năm 1994 đã nêu: DLST là một hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên mà bao gồm cả việc giáo dục, sự hiểu biết về môi trường tự nhiên và nhân văn, nhằm phát triển bền vững, bảo tồn môi trường. Năm 1998, Hiệp hội DLST của Hoa Kỳ định nghĩa: DLST là loại hình du lịch có trách nhiệm tới những khu vực tự nhiên, hiểu biết về lịch sử văn hóa, lịch sử tự nhiên của môi trường, được sử dụng để bảo vệ môi trường, cải thiện phúc lợi xã hội và kinh tế cho người dân địa phương…
Từ định nghĩa đầu tiên được đưa ra năm 1987 cho đến nay, nội dung của DLST đã có những thay đổi, từ chỗ đơn thuần là loại hình du lịch hoạt động ít tác động đến môi trường tự nhiên sang cách nhìn tích cực, nhấn mạnh vào việc bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa, trong việc kết hợp với phát triển cộng đồng địa phương, cung cấp các vấn đề giáo dục du khách.
Đặc điểm của DLST
Matha Honey đã đưa ra 7 đặc điểm cơ bản của DLST: du lịch đến các khu vực thiên nhiên, có tác động nhỏ nhất đến môi trường tự nhiên và nhân văn, xây dựng những nhận thức về môi trường, cung cấp nguồn tài chính trực tiếp cho việc bảo tồn, cung cấp lợi ích tài chính và vị thế xã hội cho người dân địa phương, tôn trọng văn hóa bản địa, ủng hộ quyền con người, phong trào dân chủ.
Cho đến nay, đã có nhiều cuộc tranh luận về quy mô và tốc độ tăng trưởng của DLST. Việc đánh giá quy mô thị trường DLST phụ thuộc vào định nghĩa được sử dụng để mô tả thị trường đó. Việc thiếu một định nghĩa thống nhất, được sử dụng rộng rãi về DLST làm cản trở việc đánh giá, đo lường thị trường DLST và hạn chế so sánh kết quả giữa các khu vực. Mặc dù những ước tính về tăng trưởng DLST là hiếm hoi, song hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng DLST đã phát triển nhanh hơn so với du lịch nói chung trong suốt nhiều năm qua. Theo đánh giá của WTO, năm 1989 trên phạm vi toàn thế giới DLST mới chỉ chiếm 7 – 10% tổng số khách du lịch quốc tế (45 triệu khách), đến năm 1996 chiếm gần 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế (190 triệu khách) (1). Đến nay, DLST là lĩnh vực tăng trưởng nổi bật nhất trong thị trường du lịch, thậm chí còn chiếm ưu thế ở một số nơi như Kenya, Costa Rica…
Dựa trên dữ liệu thu thập từ khảo sát do HLA và ARA các công ty tư vấn khách hàng du lịch Bắc Mỹ (1994), đã mô tả thị trường khách DLST: tuổi từ 35 – 54, có sự khác biệt ở các hoạt động và chi phí; giới tính là 50% nữ và 50% nam, có sự khác biệt trong các hoạt động; học vấn có 82% trình độ cao đẳng, một sự thay đổi trong mối quan tâm đến DLST từ những người có trình độ giáo dục cao; thành phần gia đình không có sự khác biệt lớn giữa khách du lịch nói chung và khách DLST đã trải nghiệm; thành phần đoàn đa số khách DLST đã trải nghiệm (60%) được hỏi cho rằng thích đi du lịch một cặp vợ chồng, 15% đi du lịch với gia đình và 13% đi du lịch một mình; thời gian chuyến đi có thể kéo dài 8 – 14 ngày; chi phí, khách DLST đã trải nghiệm chi tiêu nhiều hơn; yếu tố quan trọng của chuyến đi có 3 lựa chọn hàng đầu của khách DLST đã trải nghiệm là thiết lập vùng hoang dã, xem động vật hoang dã, đi bộ đường dài.
3. Nghiên cứu lý luận và thực tiễn phát triển DLST ở Việt Nam
Cho đến nay, công tác nghiên cứu, điều tra và quy hoạch phát triển DLST ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Một số công trình nghiên cứu đã tiếp cận những thành tựu nghiên cứu lý luận, thực tiễn DLST của một số nước trên thế giới và ASEAN, bước đầu thống kê một cách hệ thống các nguồn tài nguyên DLST trên phạm vi quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài ra, còn định hướng những nội dung khai thác DLST ở một số khu vực đặc trưng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ở nước ta. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu còn thiên về lý luận, nghiên cứu tổng quát, chưa đi sâu nghiên cứu những vùng miền có tiềm năng phát triển DLST.
Khái niệm DLST
Năm 1999, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với một số tổ chức quốc tế như ESCAP, WWF, IUCN tổ chức Hội thảo Xây dựng chiến lược phát triển DLST ở Việt Nam, đã đưa ra định nghĩa: DLST là một loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Đây được coi là sự mở đầu cho các bước tiếp theo trong quá trình nghiên cứu, phát triển DLST ở Việt Nam. Tuy nhiên, các khái niệm DLST được đưa ra cho đến nay cũng chưa có sự thống nhất.
Theo Phạm Trung Lương và cộng sự: DLST là hình thức du lịch thiên nhiên có mức độ giáo dục cao về sinh thái và môi trường có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường và văn hóa, đảm bảo mang lại lợi ích về tài chính cho cộng đồng địa phương, có đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn.
Theo Điều 4, Luật Du lịch Việt Nam: DLST là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững…
Đặc điểm của DLST
DLST ở Việt Nam có bốn đặc tính cơ bản: phát triển dựa vào giá trị (hấp dẫn) của thiên nhiên và văn hóa bản địa, được quản lý bền vững về môi trường sinh thái, có giáo dục, diễn giải về môi trường, có đóng góp cho những nỗ lực bảo tồn và phát triển cộng đồng.
Như vậy, có thể thấy những đặc trưng cơ bản của DLST là dựa vào giá trị của cảnh quan thiên nhiên, kết hợp với văn hóa bản địa, nỗ lực phát triển bền vững về môi trường, văn hóa và cộng đồng cư dân bản địa.
Nghiên cứu thực tiễn phát triển DLST ở Việt Nam
Trên thực tế hoạt động DLST chủ yếu vẫn do các vườn quốc gia tổ chức, ngoại trừ một vài công ty du lịch đã thành công trong việc vận hành nhiều tuyến DLST, chủ yếu tại những khu bảo tồn. Lợi ích từ hoạt động DLST cho công tác bảo tồn và hỗ trợ phát triển cộng đồng địa phương chưa nhiều (2).
Kết quả Khảo sát ngành Du lịch Việt Nam do tổ chức JICA tiến hành cho thấy, mặc dù Việt Nam được đánh giá có tiềm năng để phát triển DLST, song số lượng khách đến các khu bảo tồn thiên nhiên còn hạn chế: 44,7% số khu bảo tồn có dưới 2.000 lượt du khách, 32% số khu bảo tồn đón từ 2.000 đến 10.000 lượt du khách trong năm 2006 và không có số liệu về khách DLST (3). Theo báo cáo của 14 vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên, trong năm 2011 đã đón 728.000 lượt khách du lịch với tổng doanh thu hơn 30 tỷ đồng. Cụ thể, vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có 261.231 lượt khách, doanh thu là 14,1 tỷ đồng; vườn quốc gia Cát Tiên có 18.224 lượt khách, doanh thu 5 tỷ đồng; vườn quốc gia Ba Vì có 90.582 lượt khách doanh thu 1,6 tỷ đồng; vườn quốc gia Cúc Phương có 69.895 lượt khách doanh thu 3,45 tỷ đồng… Nếu so sánh với cả năm 2011, ngành du lịch Việt Nam đón 6 triệu lượt khách quốc tế và 30 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt hơn 130 ngàn tỷ đồng thì lượng khách đến tham quan và khám phá DLST còn hạn chế (4).
Từ tổng quan nghiên cứu về DLST thấy rằng, một nghiên cứu chuyên sâu về DLST ở vùng Tây Bắc là cần thiết và cấp bách. Trong nghiên cứu về DLST ở vùng Tây Bắc cần quan tâm nghiên cứu trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn.
Về lý luận, kế thừa những quan điểm của các học giả trong nước và quốc tế, từ thực tiễn của Việt Nam đề xuất một khái niệm chung về DLST. Trên cơ sở những đặc trưng cơ bản về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn ở vùng Tây Bắc, đi đến thống nhất về khái niệm, bản chất của DLST.
Về thực tiễn, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển DLST ở vùng Tây Bắc. Tiếp cận với xu thế phát triển, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng những định hướng, chiến lược, giải pháp phát triển DLST ở vùng Tây Bắc. Nghiên cứu xây dựng các mô hình DLST cụ thể ở từng địa phương, phát huy tiềm năng, góp phần bảo tồn, phát triển di sản thiên nhiên và văn hóa truyền thống, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc (5).
_______________
1. Phạm Trung Lương, Cơ sở khoa học phát triển du lịch sinh thái Việt Nam, Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp ngành, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Hà Nội, 1999, tr.29.
2, 3. Dự án hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, Báo cáo hướng tới thiết lập quản lý hợp tác tại vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng, Dự án Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng của vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, 2013, tr.34, 13.
4. Trần Sơn, Thu hút du lịch ở các vườn quốc gia chưa nhiều, thesaigontimes.vn, truy cập ngày 2-11-2015.
5. Bài viết này là sản phẩm của đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái theo hướng phát triển bền vững vùng Tây Bắc, mã số KHCN-TB, 09X/13-18. Đề tài được tài trợ bởi Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, ĐHQGHN.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long