Tranh dân gian đông hồ: từ maurice durand đến nguyễn đăng chế


 

 
       LTS: Từ đầu năm 2013, Nghề làm tranh Đông Hồ đang được hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015. Ngay trước đó, Bộ VHTTDL đã quyết định đưa Tranh dân gian Đông Hồ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những việc làm thiết thực nhằm khoanh vùng lại di sản quý giá này của dân tộc đồng thời tìm mọi cách thức tích cực để vệ nó trước sự xói mòn của thời gian cũng như dòng chảy cuộc sống đương đại. Gần đây, thêm một tin vui đến với người yêu quý di sản này là sự xuất hiện của 27 bản tranh lần đầu tiên được biết đến, ngay cả với chính người làm nghề lâu năm như nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.
      Cho dù được mô tả với bất cứ chủ đề gì, ta vẫn dễ dàng nhận ra rằng tranh Đông Hồ thường là dòng tranh chúc tụng, tranh trang trí, tranh lịch sử và tranh bộ, có đưa thêm một số chữ Hán hoặc Nôm kết hợp trên bề mặt tranh để làm rõ nội dung hơn. Những đặc điểm này làm cho tranh Đông Hồ có sự khác biệt so với những dòng tranh dân gian khác ở Việt Nam như: tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hà Nội) và tranh làng Sình (Huế). Tranh Đông Hồ được dùng vào dịp năm mới, nên từ lâu, người Việt đã quen thuộc với cái tên: tranh tết. 
     Ngày nay, dù không còn được sử dụng đúng với chức năng phục vụ ngày tết, nhưng nhờ tâm huyết của số lượng rất ít nghệ nhân hiện còn, như gia đình hai nghệ nhân cao tuổi của làng Song Hồ (nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam) mà nghề làm tranh Đông Hồ đã tồn tại, lưu giữ, trao truyền và phát triển cho đến nay.
      Một trong hai nghệ nhân mà bài viết này muốn đề cập đến là cụ Nguyễn Đăng Chế. Hiện dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, mặc dù còn nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn và phát triển, nhưng ông vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội, dành sức lực, trí tuệ cho nghề in tranh dân gian. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình làm nghề chế tác tranh Đông Hồ lâu đời, gắn bó với nghề làm tranh, ông là thế hệ thứ 20 tiếp tục theo đuổi, phục dựng dòng tranh in độc đáo này. Ông đã dày công thu thập những ván khắc cổ, phục chế, tạo mới một số ván khắc theo mẫu in truyền thống và không ngừng quảng bá tìm đầu ra cho sản phẩm… Sau nhiều năm theo đuổi, những nỗ lực của gia đình nghệ nhân, mà đặc biệt là cá nhân ông Nguyễn Đăng Chế, đã góp công sức làm sống dậy quy trình làm tranh như: kỹ thuật in, hồ điệp, phơi tranh, chế tạo màu sắc…, thể hiện ở những thành quả mà ông cùng các thành viên trong gia đình đang có được: phục chế, sưu tầm và sở hữu hơn 150 ván khắc cổ trong số 1.000 ván khắc, ván cổ nhất là 150 năm và ván mới nhất cũng trên 50 năm (1). Thời gian gần đây, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã nhận được một số tiền tài trợ nhỏ, đủ giúp ông phục chế lại10 bộ ván in tranh cũ nát. 
      Vì nỗ lực không ngừng trong công tác bảo tồn, phát triển nghệ thuật tranh dân gian, nghệ nhân đã được ông Alain Henry, Giám đốc Văn phòng Phát triển Pháp (L’AFD) tại Việt Nam đã trân trọng tặng cuốn sách mới tái bản năm 2011 tại Paris, Limagerie populaire Vietnamienne (Tranh dân gian Việt Nam). Đây là cuốn sách tổng hợp bộ sưu tập tranh những năm đầu TK XX tại Việt Nam của Maurice Durand, một nhà sử học người Pháp, xuất bản lần đầu tiên tại Paris năm 1966. Cuốn sách được tái bản dưới sự hỗ trợ của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Paris, đại diện là ông Phillipe Papin, nguyên Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Việt Nam và Văn phòng Phát triển Pháp tại Việt Nam. 
       Trong lá thư gửi kèm theo cuốn sách quý này, ông Alain Henry đã bày tỏ lòng kính trọng và sự đánh giá cao những đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế trong nhiều năm qua. Bức thư có đoạn: “Văn phòng Phát triển Pháp xin được chúc mừng vì những tác phẩm mà ngài đã dành sự ưu ái đối với tranh dân gian Việt Nam… Mong ngài sẽ tìm thấy trong các ấn phẩm này sự bày tỏ lòng kính trọng của chúng tôi, cũng như người hâm mộ – người Việt Nam và các nước – về sự nghiệp đầy ấn tượng của ngài. Tôi hy vọng ngài và gia đình mình có thể tìm thấy trong cuốn sách này những cảm hứng để tái tạo và để tạo mới những bức tranh để có thể làm giàu thêm kho tàng của tổ tiên…”.
       Trong số những tranh dân gian mà cuốn sách này giới thiệu, có 27 bức tranh Đông Hồ mà chính nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cũng phải thừa nhận là lần đầu tiên ông nhìn thấy chúng trong suốt thời gian gắn bó với nghề làm tranh dân gian. 27 bức ấy khác hẳn về có nội dung, hình thức thể hiện và thể loại. Đáp lại tình cảm, sự trân trọng của những người bạn Pháp, ông đã tập trung thời gian và công sức để khắc mới các ván gỗ, in thử nghiệm, khôi phục lại 27 tấm ván khắc theo những hình ảnh mới ấy. Ông cũng hy vọng bộ tranh sẽ nhận được sự ủng hộ và chấp thuận từ phía những người yêu thích tranh dân gian Đông Hồ. 
      27 bức tranh thuộc nhiều chủ đề khác nhau song cùng nằm trong mạch nguồn chủ đề quen thuộc của tranh Đông Hồ. Với chủ đề chúc tụng, vẫn là những môtip quen thuộc, hình ảnh ngộ nghĩnh đáng yêu và đặc biệt là các màu sắc mang đặc trưng của dòng tranh. Chủ đề này có hai bộ tranh: bộ thứ nhất thể hiện hai em bé, bé gái ngồi trên lưng dê, phía trên có hai chữ Nôm Sơn du (lang thang trên núi), bé trai ngồi trên lưng gà trống với chữ Nghi xuân (du xuân); bộ thứ hai là hình ảnh đôi trẻ ôm cá, đi kèm 4 chữ: Phúc lộc song toàn; Và một cậu bé đang đọc sách với 6 chữ Tạ Đạo Uẩn năng vịnh ngâm.
      Ở chủ đề lao động sản xuất, các tranh mô tả nhiều công đoạn của nhà nông trong loạt các hình vẽ rất ngộ nghĩnh, những người nông dân đang cấy lúa, đi bừa, gánh lúa về nhà, đi cày, nhổ cỏ dại, tưới lúa, đi bừa, hay chỉ đơn giản thanh thản ngồi nghỉ sau giờ làm việc vất vả… Cũng như các tranh Đông Hồ quen thuộc khác, những hình vẽ này cũng kèm theo các chữ Nôm như vừa làm cân bằng bố cục, vừa chú giải thêm về nội dung tranh, như các chữ: Nông sự khai cơ, dụng ý đưa ra một lời khuyên, nên chăm chỉ làm ruộng vì làm nghề nông đem lại thịnh vượng; Canh điền nhị thực (làm đất để có cái ăn); Canh điền kiếm nghiệp (làm ruộng vất vả tựa như đi lính)
       Bộ tranh về chủ đề biết ơn công dưỡng dục của cha mẹ gồm có hình ảnh vẽ người mẹ và hai đứa trẻ, với 4 chữ Nôm bên trái Tam niên nhũ bộ (cho con bú đến năm 3 tuổi) và 14 chữ Hán ở cột dọc bên trái, có nghĩa: Ba năm bú mớm chuyên cần, mẹ cầm phúc đức để phần cho con; tranh còn lại vẽ người mẹ cho con bú, với 4 chữ bên trái Thập nguyệt dưỡng thai (mười tháng mang thai) và 14 chữ nằm ở ba cột dọc bên phải có nghĩa: Mười trăng trong bụng nặng nề, đến ngày hoa nở mọi bề tròn vuông. 
Bộ tranh chủ đề về cuộc sống vẽ hai nhà hiền triết già đang ngồi làm thơ bên chiếc bàn nhỏ, chính giữa tranh, phía trên có 4 chữ Nôm Song tiên vịnh thi; một tranh khác có tên Tương tri, vẽ người đàn ông ngồi câu trên thuyền, có thêm dòng chữ Nôm Hai chữ thanh nhàn dòng nước biếc (cuộc sống trôi bình yên như dòng nước trong xanh).
      Chủ đề châm biếm, trào phúng được lột tả trong hai bức tranh rất dí dỏm. Một bức vẽ hình người phụ nữ quần xắn cao, dáng người khỏe mạnh, phốp pháp, trên tay cầm giỏ đi câu tôm, bắt ốc. Các chữ đề trên góc tranh đều mang ý nghĩa trào phúng, nhẹ nhàng: Giang hồ chút phận đàn bà, gặp người quân tử ắt là thành thân. Tranh còn lại vẽ hình người đàn bà bụng chửa đang gánh nước, với 14 chữ Nôm: Giang sơn một gánh đảm đang, có công tưới tắm nở nang có ngày, ngụ ý ca ngợi sự chăm chỉ, bởi người phụ nữ như vậy sẽ được đánh giá cao, khi lấy chồng nhất định sẽ sớm có con nối dõi. Sự châm biếm nhẹ nhàng còn được mô tả ở hành động biểu thị sự vui mừng khi gặp nhau của hai người Tây phương (người Việt bấy lúc bấy giờ cho là rườm rà, phô trương), thể hiện qua hình ảnh hai người đàn ông mũi lõ, dắt chó, dắt xe đạp đang bắt tay nhau, được giải thích bằng 4 chữ Phong tục cải lương.
       Các tranh còn lại thuộc về các chủ đề như: tôn giáo (Mẫu đơn thái dược, Thiên nữ việt hoa (tiên nữ rải hoa- mang niềm vui đến cho mọi người); tích truyện Lưu Bình – Dương Lễ (thể hiện trong hai bức vẽ, một mô tả hình ảnh Dương Lễ, cùng vợ cả, vợ hai và Lưu Bình, đứng dưới bức hoành phi có ghi ba chữ: Dương công đàng (phủ đệ nhà Dương Lễ); một mô tả hình ảnh Châu Long gặp lại Lưu Bình tại nhà vào mùa xuân, trong hình vẽ, hai người bạn đứng dưới bức hoành phi có ghi câu Nghênh xuân quán; lịch sử nước Việt với tranh về vua An Dương Vương và thần Kim Quy; bà Triệu Việt Vương cưỡi rồng; Trần Hưng Đạo cùng các chữ đề Hoàng triều vạn niên và Thác sử phiến minh Trần Quốc tướng (chân dung của tướng nhà Trần).
       Đặc biệt, một số chủ đề khác có liên quan đến Trung Quốc mà người viết bài này chưa rõ lý do tồn tại trong bộ sưu tập của Maurice Durand, đó là tranh vẽ Tổng thống Trung Hoa dân quốc Lê Nguyên Hồng (2), với các chữ đề Trung Hoa dân quốc và chữ Tiên đại tổng thống Lê Nguyên Hồng. Riêng bức tranh này chắc chắn sẽ gợi ra nhiều chủ đề nghiên cứu mở rộng rất thú vị về tranh dân gian Đông Hồ trong giai đoạn đầu TK XX, hy vọng sẽ được đề cập đến trong một bản viết khác. Bên cạnh đó, còn có tranh đề cập đến các điển tích Trung Hoa như bộ 2 tranh: một vẽ Tề thiên Đại Thánh (minh họa tích Đại Thánh và Đường Tăng gặp Phật Bà Quan Âm) với 5 chữ Đại Thánh xuất nhạc sơn, một vẽ Đại Đường Tăng vượt sông trên lưng rùa, với 5 chữ Nôm Đại Đường Tăng quá hải, cùng các nhân vật thần Kim Quy, Trư Bát Giới. Ngoài ra còn có bộ 2 tranh mang tên Tiết Đinh Sơn, minh họa lại truyền thuyết về trận đại hồng thủy và tranh có tên Phàn Lệ Hoa, minh họa tích chuyện giải cứu Thanh Long Quan.
        Có thể nói, 27 bức tranh Đông Hồ mới được tái tạo chính là những nỗ lực có giá trị từ phía gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nói riêng và cộng đồng làng Đông Hồ nói chung. Những nỗ lực đó đã góp thêm sức mạnh cho công tác tìm kiếm biện pháp bảo tồn tích cực, hiệu quả và có sức sống lâu bền cho chính cộng đồng sở hữu di sản văn hóa phi vật thể quý giá này. Mặc dầu vậy, có thể không ít người trong chúng ta sẽ đặt câu hỏi về tính chân xác của xuất xứ một vài tranh trong số đó. Ví dụ như bức vẽ Lê Nguyên Hồng: Vì sao lại xuất hiện hình tượng này trong thể loại tranh Đông Hồ và tồn tại khoảng những năm đầu TK XX? Bộ tranh vẽ tích truyện Trung Hoa là thể loại tranh Đông Hồ thường phục vụ người dân nông thôn hay là tranh Hàng Trống phục vụ tầng lớp tiểu thị dân nơi đô thị? Liệu các hình ảnh được in trên giấy điệp, sử dụng màu sắc mang đặc trưng Đông Hồ truyền thống… thì đương nhiên được coi là tranh Đông Hồ? Nếu vậy, đó có phải là cảm tính chủ quan của chính nghệ nhân khi tái tạo lại chúng hay không? Và còn rất nhiều câu hỏi gợi mở khác về việc tìm kiếm các nguồn tài liệu lịch sử cũng như hiện vật khác cho dòng tranh này, liệu còn không những bản tranh bí ẩn lưu lạc đâu đó trên thế giới… Những câu hỏi như vậy, người viết nhận thấy, cần đặt ra cho bản thân nói riêng, cho các nhà nghiên cứu, người làm tranh Đồng Hồ nói chung một nhiệm vụ khảo cứu lại một cách nghiêm túc, xác định và trả chúng về đúng với giá trị đích thực (nếu có). Đây cũng là vấn đề mà người viết hy vọng sẽ nhận được những phản hồi tích cực, tạo động lực và điều kiện để có thể thực hiện một nghiên cứu dài hơi hơn.
_______________
1. Từ Thị Loan, Báo cáo kiểm kê khoa học di sản phi vật thể nghề tranh dân gian Đông Hồ, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2012.
2. Lê Nguyên Hồng (1864-1928) từng có hai lần làm Tổng thống Trung Hoa dân quốc, trong các năm từ 1916 đến 1922. Trước đó, ông làm phó tổng thống bên cạnh Tôn Dật Tiên và Viên Thế Khải. Trung Hoa dân quốc là thời kỳ cận hiện đại của nhà nước Trung Hoa kể từ sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014

Tác giả : Đoàn Mỹ Hương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *