Con trâu với xã hội và con người Việt Nam đã khá quen thuộc, nhưng có lẽ từ lâu lắm, ta chỉ biết trâu là một loài mục súc, được nuôi để có sức lực khỏe mạnh mà phục vụ con người, chủ yếu là công việc đồng áng. Trong 6 con vật được khoe công trạng (lục súc tranh công) thì trâu đứng đầu. Chuyện ấy ai cũng rõ. Song thật ra, qua cái nhìn văn hóa, nhất là văn hóa dân gian, thì giá trị của con trâu mới rõ ràng hơn, sinh động hơn.
Người Việt xem con trâu là đầu cơ nghiệp. Trâu là tiêu biểu cho vốn liếng của một gia đình. Ruộng sâu trâu nái là niềm tự hào của những phú ông ở thôn quê. Con người trong đời chỉ có ba việc lớn: lấy vợ, làm nhà và có một con trâu:
Cả ba việc ấy thật là khó thay
Và xem con trâu là bạn sản xuất, có công lao động ngang với con người:
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công
Cái ưu điểm của người Việt là trong quá trình lao động, con người đã biết phân công, đoàn kết, trong đó con vật vẫn bình đẳng với con người.
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa
Cũng xem con trâu là niềm vui, là cái đẹp của môi trường thiên nhiên. Điều này thì phải biết nhìn, biết nghĩ mới cảm thấy được. Sách giáo khoa ngày xưa có bài tập đọc rất nổi tiếng: Ai bảo chăn trâu là khổ…, có thể nói là một bài viết hay, nói lên được cái đẹp của con trâu và sự hào hứng của con người: “trong khoảng trời xanh nước biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì vui thú cho bằng”… Các nhà nho ngày xưa cũng thấy được cái đẹp này: một chú bé ngồi lên lưng trâu, cầm một cái lá sen che nắng cho mình. Đơn sơ thật, nhưng lại mỹ thuật vô cùng. Câu thơ đã thành ngạn ngữ: “Hà diệp cái thanh thanh” (lá sen, cái lọng xanh che cho mình) để tả cái đẹp ấy. Rất tiếc giờ đây, có lẽ rất ít người được nhìn và biết nhìn cái cảnh này.
Cũng có thể còn ít người chú ý đến những tranh tết, hoặc những bức tượng đá có hình trâu… Câu “hà diệp cái thanh thanh” nói trên, thường xuất hiện trên những bức tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng với hình ảnh em bé, lá sen và cây sáo trúc. Cái đẹp, cái mơ, cái hiền hòa của nông thôn và cái bát ngát của vũ trụ (nghĩa là có âm có dương), đều được gợi cảm trên bức tranh trâu đó.
Con trâu còn được xem là biểu tượng gắn với số phận của con người. Trâu là thuộc về năm sửu, người tuổi sửu là người tuổi trâu. Tuổi này ứng với sao Ngưu, là một ngôi sao sáng. Con người tuổi sửu sẽ cần cù, chịu khó, không ba hoa khoác lác, mà rất điềm tĩnh, khéo tay hay làm, cuối đời thường thịnh vượng, đạt được cả phú cả quý. Về mặt tình duyên, phải tìm những chàng trai cô gái nào có cái tuổi tương sinh, tránh được tương khắc thì hạnh phúc gia đình rất được yên tâm.
Rồi con trâu cũng được thành một vật tạo nên giai thoại gắn bó với những nhân vật đặc biệt. Đinh Tiên Hoàng trước khi chỉ huy những đội quân bách chiến, đã chỉ huy những đám trẻ, bầy trâu, dùng cờ lau để rước mình. Có lẽ ông là người trước nhất trong lịch sử đã mổ trâu để khao thưởng đồng đội (lúc đó chưa phải là quân binh). Phạm Ngũ Lão nghĩ đến chí nam nhi, đã tưởng tượng là sức mạnh của chàng trai Việt Nam phải là sức mạnh có thể nuốt được trâu (khí thôn ngưu). Đào Duy Từ muốn tiến thân đã làm một chú chăn trâu để luận bàn điển tích với các nho sĩ. Và không chỉ có trong phạm vi kiếm cung, sách vở, mà cả trong cuộc đời thường. Một nữ chiến sĩ trong quân ngũ Phan Đình Phùng là Nguyễn Thị Tời, tức vợ lẽ Đội Quyên, đã mặc áo của trâu (áo tơi) ra trận, nên người ta mới gọi bà là Ngưu Y Nữ!
Trên đây, ta chỉ nhắc lại những tri thức thông thường mà ai ai cũng biết. Song chuyện trâu còn nhiều điều ý vị vô cùng, mà đều là những chuyện có ý nghĩa văn hóa rất thấm thía. Xin điểm qua thêm vài mẩu ngắn, có thể chưa mấy quen thuộc với một vài người, gọi là chút quà năm mới.
Trâu là con vật linh thiêng
Trâu là con vật linh thiêng, điều ấy thì nhiều người biết, nhưng hình như có ý kiến cho rằng chuyện ấy là ở bên Trung Quốc truyền sang ta với những huyền thoại là có con trâu trắng được Lão Tử cưỡi đi chơi, hay có con quỷ Ngưu Ma Vương từng đánh nhau với Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không. Không hẳn vậy! Trâu là con vật linh thiêng, người Việt Nam tin như thế đã lâu, và hoàn toàn là tín ngưỡng bản địa. Người dân tộc Phù Lá, họ Nhê Xe coi trâu là thủy tổ của mình. Truyền thuyết kể rằng từ xa xưa, ông tổ của người Phù Lá mồ côi lúc còn sơ sinh, đã được trâu cho bú nên mới lớn lên được. Quan niệm này đã tạo nên tục người Phù Lá kiêng ăn thịt trâu.
Truyện gần ta hơn cả là chuyện của đại tướng Yết Kiêu, viên tướng tả hữu của Trần Hưng Đạo đã nhờ có trâu thần mà có sức khỏe tuyệt vời. Yết Kiêu thấy có hai con trâu húc nhau dưới nước, đã nhảy xuống ngăn không cho xảy ra tai nạn thì trâu biến mất, chỉ để lại dấu vết mấy cái lông trâu. Ông nuốt lông vào bụng và trở nên có sức mạnh vô địch, có tài bơi lội, nhất là tài lặn dưới nước. Trước đời Yết Kiêu, trâu thần cũng đã hiện ra trên bờ biển Đồ Sơn chọi nhau trong đêm tối, làm cả vùng đất sáng rực hào quang, và sau đó là một cơn mưa tắm nhuần ruộng đồng cây cỏ. Chính vì sự linh thiêng này mà đất Đồ Sơn có truyền thống chọi trâu:
Nắng Đồ Sơn chói lọi
Trâu chọi kìa trâu hăng
Làn gió mát khẽ thổi
Quận He về đây chăng?
(Nguyễn Bích Ngọc)
Và tất nhiên còn có nhiều tên gọi, nhiều địa danh ở nước Nam này gắn với trâu, mỗi tên gọi là một câu chuyện truyền kỳ. Có trâu vàng ở Hồ Tây Hà Nội (Kim Ngưu), có bến Nghé (Ngưu Chữ) ở TP.HCM, còn gọi là rạch Ngưu Tân. Rồi còn có núi trâu nằm, có tên là hòn Ngọa Ngưu ngoài khơi Hòn Khói.
Trâu còn là vị thần tình yêu nữa! Điều này thì nhiều người chắc sẽ ngạc nhiên. Bởi vì người ta quên chuyện ông bà Ngâu… Ngưu Lang Chức Nữ là của Tàu, chứ ở ta thì gọi vợ chồng Ngâu (Ngâu là ngưu) mới là chính xác. Có ai mà yêu thiết tha, yêu đắm đuối, yêu não nùng như vợ chồng ông bà này. Mỗi năm một buổi chia ly thế mà chia ly khiến cho:
Tiếng khóc như ri
Ầm ĩ thiên hạ
Mưa tuôn tầm tã
Chan chứa trần gian… (Tú Mỡ)
Chuyện tình yêu của thần trâu là như vậy đấy.
Trâu ra chiến trường đánh giặc
Nói đến chuyện cho trâu ra chiến trường cùng quân sĩ giết giặc, ai cũng nhớ đến chuyện Điền Đan, và xem đó là võ công đặc biệt ở Trung Quốc. Nhiều người có thể không biết rằng đó cũng là chuyện quen thuộc ở nước ta. Khoảng những năm sau trước 1870, tại vùng Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay, có Giáp Văn Trận nổi lên chống lại triều đình, đánh phá các vùng Yên Thế, Hiệp Hòa, Lạng Giang. Vua Tự Đức phái Tôn Thất Thuyết ra dẹp. Tướng Ông Ích Khiêm đã vây được Giáp Văn Trận ở làng Đông Lỗ. Ông Trận đã dồn tất cả trâu bò trong làng, buộc giẻ tẩm dầu vào đuôi, buộc giáo vào sừng rồi lấy lửa đốt giẻ. Trâu bò chạy lồng qua vòng vây, quân triều đình bị rối loạn, Giáp Văn Trận thừa cơ thoát được ra ngoài. Có bài vè truyền tụng:
Dùng trâu cố phá vòng vây
Cho dù sinh tử biết tay anh hùng
Lội ao tìm lối đi vòng
Một đoàn trâu lửa vẫy vùng ghê thay
Mà không phải chỉ có Giáp Văn Trận mới dùng trâu trong trận mạc. Hồi cuối TK XIX, ở Nam Bộ còn có một lãnh tụ nghĩa quân đưa trâu đi lập chiến công.
Vị lãnh tụ ấy là Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười. Ông có cái tài đặc biệt là cưỡi trâu ra trận. Đã có lần, ông đem các tướng thủ hạ ra bờ kênh, xem ông cưỡi trâu từ dưới mép nước vượt lên. Các tướng đứng trên bờ, lợi dụng thế cao để ngăn cản ông, nhưng ông đã gạt băng khí giới của họ, thúc mạnh cho trâu vọt lên bờ, giữa sự thán phục của hàng trăm người chứng kiến.
Biết tài của ông, một nghĩa sĩ mang những con trâu rừng đến quy phục… Anh ta điều khiển trâu không cần la hét, hay dùng roi vọt, mà bằng tiếng mõ. Cứ theo tiếng mõ của anh, trâu biết chào chủ tướng, biết đứng, biết quỳ, tiến hay lùi tùy theo ý của người chỉ huy. Thiên Hộ Dương đã tiếp nhận người nghĩa sĩ này, giao cho anh chỉ huy một trận đánh, thu được thắng lợi, ngăn được quân Pháp hành hung. Người nghĩa sĩ này được Thiên Hộ Dương phong là Ngưu quân thượng tướng (tài liệu ghi theo Giai thoại dân gian Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hữu Hiếu. Ông Hiếu cho biết ông đã dựa theo Nguyễn Tinh Dần trong Tháp Mười điển ký, không rõ xuất xứ thế nào).
Lễ cúng trâu
Có lẽ nhiều người nghĩ rằng trâu là con vật chỉ biết “kéo cày trả nợ”, chỉ để sai khiến trong việc cày bừa, chuyên chở hàng nặng phục vụ cho vận tải giao thông. Thật ra, con trâu cũng là giống vật có linh tính, biết làm những điều ân nghĩa, trở thành loài vật linh thiêng. Việt Nam ta có miếu, có đền thờ trâu đấy! Xin mời các bạn về miệt Hậu Giang (Nam Bộ) đến vùng Bảy Núi (Thất Sơn) nơi ông quản cơ Trần Văn Thành dựng cờ chống Pháp ở Bảy thửa Láng Linh. Bạn sẽ được gặp cái miếu thờ trâu, bà con vẫn gọi đây là miếu thờ trâu nghĩa dũng. Miếu dựng ở chân núi Cấm, xã An Hảo (tỉnh An Giang). Chuyện kể rằng, cách đây hàng trăm năm có một gia đình cho một đứa bé đi chăn trâu trong rừng. Một con cọp nhảy ra vồ chú bé, khiến chú bị thương nằm chết giấc. Trâu đã xông lên chiến đấu với cọp cứu chú bé, khiến cọp phải bỏ đi. Trâu đã lấy sừng, lựa chiều vắt chú bé lên cổ mình để chạy về nhà. Người nhà, người làng ra thấy chú bé máu me đầy mình, quần áo tay chân ngoắc vào sừng trâu, thì ngỡ ngay là chú bị trâu hại. Họ cho đây là con trâu điên, nên đưa được chú bé vào nhà, đã hùng hổ xông vào đâm chém trâu. Trâu bị giết nằm phơi xác thì chú bé tỉnh dậy, kể cho mọi người biết chuyện cọp vồ. Mọi người hối hận vì giết oan trâu. Người ta đã dựng lên ngôi miếu để thờ con trâu có nghĩa mà anh dũng. Tên gọi miếu thờ trâu nghĩa dũng từ đó mới ra đời.
Thờ trâu thì có chuyện như vậy. Thờ thần trâu cũng là chuyện thông thường trong xã hội xưa. Các làng quê Việt Nam xưa thường có ngày hội cho anh em chăn trâu, gọi là lễ mục đồng. Các chàng trai, cậu bé chăn trâu ngày đó không phải là quân bầy trâu nữa, mà là các vị chức sắc. Họ được mang áo khăn ra tế ở đình làng. Đồ cúng tế đều do làng đảm nhiệm. Các vị hương hào quan chức trong làng đều phải kính trọng họ vào ngày đó, vì họ đang làm nhiệm vụ cúng bái thần trâu và thần cày bừa, gọi chung là Thần Nông. Cuộc lễ tổ chức trên cánh đồng, rồi rước vào đình, gọi là rước mục đồng. Lễ này thường ba năm tổ chức một lần, rất rầm rộ, đàn sáo, chiêng trống vang lừng. Dân làng lần lượt mang lễ vật ra cúng tế (nhà nào có nhiều trâu bò thì lễ vật phải to hơn).
Ngày nay, ở các làng quê không còn lễ mục đồng nữa. Nhưng trước đây lễ mục đồng nhiều nơi rất có tiếng vang… Chẳng hạn như làng Phong Lệ ở tỉnh Quảng Nam. Cho đến bây giờ, còn có người nhớ được những lời hô cầu khẩn:
Chúng mục đồng Phong Lệ ta! Xin cho tốt lúa, tốt gieo! Vũ thuận phong điều, đồng reo một tiếng!
Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009
Tác giả : Vũ Ngọc Khánh
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám