Triển lãm Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật


Ngày 12-10-2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế Khu vực châu Á (CIAT) đã tổ chức lễ khai mạc trực tuyến triển lãm Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật trên nền tảng Zoom. Đây là một trong các nội dung của dự án quốc tế Li-chăn hỗ trợ các nông hộ nhỏ vùng núi Tây Bắc Việt Nam nhằm tạo ra sinh kế bền vững và hướng đến an ninh lương thực cho các thế hệ tương lai.

Làm vụ đông thắng lợi đẩy mạnh chăn nuôi. Tranh: Thục Phi

 

Nông thôn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam từ xưa đến nay, trong đó có những vật nuôi thân thương như trâu, bò, lợn, gà. Những tranh gà in trên giấy điệp của những nghệ nhân dân gian Đông Hồ vùng Kinh Bắc được xem là biểu tượng cho sự sung túc, no đủ; tranh lợn đàn với hình vòng xoáy âm dương trên lưng tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, cũng như phản ánh quan niệm về giống tốt của người dân xưa…

Những nghệ sĩ hiện đại ngày nay, dù đã tiếp xúc và chiêm nghiệm những khuynh hướng sáng tác hiện đại của nghệ thuật phương Tây, nhưng trong họ vẫn thấm đẫm một tình yêu quê hương, đất nước, một bản sắc Việt Nam. Những con trâu mải miết cày bừa trên cánh đồng hợp tác xã trong Một buổi cày của Lưu Công Nhân, đàn bò được chăn thả tự do trong tác phẩm Đàn bò Việt Bắc của Sĩ Tốt, cô dân quân mải mê Thái chuối nuôi lợn trong tác phẩm của Trần Văn Cẩn, hay bé gái một tay vuốt ve thân gà, một tay âu yếm cho gà mổ thóc trong Bé cho gà ăn của Nguyễn Phú Cường… đều phản ánh hơi thở cuộc sống lao động bình dị mà nên thơ của người nông dân Việt Nam.

Phát triển nhiều trại nuôi gà, 1980. Tranh: Nguyễn Tùng Lâm

Bên cạnh đó, các họa sĩ cũng chuyển tải những thông điệp từ chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với việc phát triển ngành chăn nuôi, thú y một cách dễ hiểu qua các tranh áp-phích như: Đưa nhanh mạnh chăn nuôi lên thành ngành chính của Thế Hải hay Hết sức coi trọng công tác tiêm phòng, vệ sinh thú y chủ động phòng chống dịch cho gia súc của Nguyễn Đăng Phú…

Không những thế, những vật nuôi ấy còn là cảm hứng để các họa sĩ gửi gắm tâm tư, tình cảm, triết lý nhân sinh. Chỉ với hình tượng con trâu to khỏe, quanh năm làm việc trên cánh đồng, đối lập với con chim nhỏ bé, tự do bay bổng trên không trung, họa sĩ Lê Anh Vân đã nâng lên thành triết lý về tình bạn thủy chung, bình đẳng, không phân biệt.

Qua cách tiếp cận kết hợp nghệ thuật với khoa học chăn nuôi, triển lãm trực tuyến Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật giới thiệu 52 hiện vật lựa chọn từ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, gồm tranh dân gian và tranh, tượng hiện đại, được trình bày theo 6 chủ đề: “Giống di truyền”; “Sức khỏe vật nuôi”; “Cây thức ăn chăn nuôi”; “Chăn nuôi và môi trường”; “Chăn nuôi và sinh kế”; “Chăn nuôi và đời sống văn hóa”. Từ đó, triển lãm mong muốn mang đến cho công chúng những góc nhìn đa chiều về chăn nuôi và vật nuôi, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững.

LIÊN HƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *