Từ thiền sư Từ Đạo Hạnh đến thiền sư Nguyễn Minh Không


Kể từ khi đất nước giành lại độc lập, tự chủ vào TK X, Phật giáo ở Đại Việt đã trở nên thịnh hành và được đề cao. Khi đó, kinh sư Hoa Lư (Ninh Bình) trở thành trung tâm quan trọng của Phật giáo, với các ngôi chùa được nhà nước đứng ra xây cất cùng vai trò tham chính của các thiền sư, bàn định đại sự của đất nước. Trong giai đoạn TK XI – XII, dưới vương triều Lý, các tông phái mới được thiết lập, tạo nên sự đa dạng về quan điểm, tư tưởng trong thiền học, Phật pháp. Các thiền sư vì vậy mà có nhiều điều kiện đóng góp cho xã hội và tạo ra dấu ấn của mình trong dòng chảy lịch sử. Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là hai trong số những thiền sư có nhiều đóng góp cho không chỉ Phật giáo thời Lý mà còn cho cả đời sống chính trị xã hộI.

Tiếp cận từ lý thuyết mẫu người/ nhân vật văn hóa

Để nhìn nhận về hai vị thiền sư triều Lý là Đạo Hạnh và Minh Không, chúng tôi tiếp cận từ góc nhìn/ lý thuyết về mẫu người văn hóa trong diễn trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Lý thuyết về mẫu nhân vật/mẫu người văn hóa, ban đầu, được Đỗ Lai Thúy (1) sử dụng trong quá trình viết về “chân dung của các nhà văn hóa” trong mỗi thời đại lịch sử khác nhau. Với lý thuyết này, ông không thực hiện viết chân dung dưới dạng tiểu sử học, có tính chất liệt kê, theo khuôn mẫu đã sẵn có mà ông tiếp cận vào nội dung các trước tác, tác phẩm, công trình của nhân vật để thấy được tư tưởng, tinh thần, con người thực của họ. Chính vì vậy, chân dung của mỗi nhân vật thường được thể hiện rất sâu sắc, bày tỏ chất văn hóa của con người ấy. Đỗ Lai Thúy cho rằng, trong lịch sử Việt Nam nói chung, mỗi giai đoạn là một thời đại văn hóa và đại diện cho mỗi thời đại văn hóa ấy, có các mẫu nhân vật/mẫu người tiêu biểu.

Trong diễn trình lịch sử văn hóa Việt Nam, có thể nhận thấy gồm có 3 giai đoạn sau: Thứ nhất, là thời đại văn hóa Lạc Việt (tương đương với giai đoạn Cổ đại: từ Văn Lang – Âu Lạc và kéo dài cho đến trước TK X). Thứ hai, là thời đại văn hóa Đại Việt (tương đương với giai đoạn Trung đại, kéo dài từ TK X cho đến trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam vào năm 1858 – giữa TKXIX). Thứ ba, là thời đại văn hóa Việt Nam (tương đương với giai đoạn Cận – Hiện đại, từ giữa TK XIX cho đến nay). Mỗi một thời đại văn hóa trong lịch sử văn hóa Việt Nam có những đặc trưng cơ bản riêng. Thời đại văn hóa Lạc Việt là giai đoạn hình thành và thâu nhận những giá trị văn hóa ngoại sinh, bồi đắp cho yếu tố nội sinh. Trong đó, tín ngưỡng bản địa bắt đầu thâu nhận các yếu tố tôn giáo ngoại lai, nhưng tinh thần chủ đạo các giá trị tư tưởng của các tôn giáo du nhập ấy đã bị bản địa hóa sâu sắc. Thời đại văn hóa Đại Việt là giai đoạn định hình, phát triển và dần hoàn thiện những giá trị văn hóa của thời đại. Đây cũng là thời đại mà hệ tư tưởng phương Đông như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo… trở thành nền tảng cơ bản để thời đại này sản sinh các giá trị đặc trưng của nó. Thời đại văn hóa Việt Nam là giai đoạn mà các giá trị văn minh phương Tây du nhập và làm thay đổi cơ tầng văn hóa, tạo ra “cú hích” để từ thời kỳ văn hóa Đại Việt chuyển sang thời kỳ văn hóa Việt Nam.

Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh tại chùa Thầy

(xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội)

Ảnh: Phạm Lự

Việc ghi nhận những mẫu người/nhân vật văn hóa đại diện cho mỗi một thời kỳ sẽ không chỉ cho thấy rõ vai trò của cá nhân đó trong thời đại họ đang sống mà còn cho thấy diện mạo của giai đoạn lịch sử ấy. Tuy nhiên, các hình mẫu/nhân vật văn hóa tiêu biểu cho mỗi thời đại văn hóa kể trên là đại diện cho diễn trình nói chung của lịch sử văn hóa Việt Nam. Nó mang tính khái quát, đặc trưng cho từng giai đoạn cụ thể trong tổng thể diễn trình văn hóa ấy. Nhưng vì mang tính khái quát cao như vậy nên nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, dù vô tình hay cố ý, cũng đã tạo ra những khoảng trống nhất định cho từng loại hình nhân vật cụ thể, để nhà nghiên cứu khác có thể dựa trên những “khai canh” ấy để mà “thâm canh”.

Thực tế đã chứng minh, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ đầu Công nguyên, từ trung tâm ở Luy Lâu, rồi lan tỏa ra toàn bộ Giao Châu và đi lên phía Bắc (Trung Hoa). Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc, Phật giáo đã phát triển, duy trì và thể hiện vai trò của mình trong xã hội của người Việt nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong mỗi thời đại văn hóa Việt Nam như vậy, lại có các mẫu nhân vật/thiền sư tiêu biểu cho Phật giáo trong thời đại ấy. Mặc dù, họ có nguồn gốc xuất thân, dòng tu hành khác nhau, nhưng các thiền sư vẫn nằm trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Trong thời đại văn hóa Lạc Việt, có các mẫu thiền sư như sau: thiền sư ngoại lai, là những nhà sư từ Ấn Độ hoặc Trung Hoa sang Đại Việt để truyền đạo; thiền sư bản địa, là những nhà sư gốc Việt, quy y, tu tập và phát triển Phật giáo ra vùng đất bản bộ của họ; thiền sư Mật tông, là các nhà sư đã có công lao dung hòa giữa Phật giáo với các yếu tố tín ngưỡng dân gian bản địa, tạo ra dấu ấn riêng có của Phật giáo Việt Nam. Thời đại văn hóa Đại Việt, có các mẫu: thiền sư Trí thức/thiền sư Thiền tông, gắn liền với giai đoạn Đinh – Tiền Lê, Lý, Trần, là tầng lớp có học thức – các cao tăng trong xã hội, được triều đình trọng dụng, mời tham dự các công việc chính sự; thiền sư quý tộc, gắn liền với tầng lớp trên trong xã hội, họ là thân vương, quan lại đương triều, người đứng đầu các địa phương, trở thành Phật tử hoặc quy y, tu hành; thiền sư quân vương, là các hoàng đế/vua của Đại Việt, nhưng trở thành người tu hành và mở mang ra những dòng thiền mới; thiền sư Tịnh độ, gắn liền với thiền sư trong xã hội, đặc biệt giai đoạn TK XVI – XVIII, họ thuộc hai tầng lớp khác nhau trong xã hội, hoặc là nhóm thiền sư xuất thân bình dân, hoặc là nhóm thiền sư xuất thân quý tộc; thiền sư xuất thân là trí thức Nho học, là tầng lớp trí thức Nho học, có địa vị trong xã hội, nhưng bất mãn nên quy y Phật pháp. Thời đại văn hóa Việt Nam có thể được chia thành ba giai đoạn cụ thể: giai đoạn thời thuộc Pháp với mẫu tiêu biểu là những thiền sư đã có ảnh hưởng yếu tố Tây học; giai đoạn Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, tiêu biểu là những thiền sư tham gia phong trào yêu nước, có tinh thần dân tộc; giai đoạn sau 1975 đến nay, tiêu biểu là những thiền sư trong môi trường xã hội xã hội chủ nghĩa.

Về các mẫu nhân vật Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không

Vậy, xét trên bình diện chung, có thể xếp thiền sư giai đoạn Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần nói chung và Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không nói riêng là mẫu người/nhân vật vô ngã trong thời đại văn hóa Đại Việt của lịch sử văn hóa Việt Nam. Nhưng, nếu xét theo phân chia cụ thể các mẫu nhân vật thiền sư trong từng thời đại văn hóa, thì Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không có thể được xếp vào mẫu thiền sư trí thức/ thiền sư Thiền tông. Mặc dù vậy, phải thừa nhận một điều, việc sắp xếp theo cách phân loại, phân kỳ như vậy đôi lúc khiên cưỡng hoặc đưa ra góc nhìn máy móc, phiến diện, thậm chí không chính xác và không đúng với tư tưởng thiền phái của nhị vị thiền sư này.

Trên thực thế, Từ Đạo Hạnh là đệ tử đời thứ 12 và Nguyễn Minh Không đều là đệ tử đời thứ 13 thuộc thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Đây là một dòng thiền xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng giữa TK VI và “có khuynh hướng thiên vọng về Mật giáo, theo tinh thần bất lập văn tự nhưng vẫn chú trọng sự nghiên cứu kinh luận, chủ trương thực tại siêu việt không hữu, chú trọng việc truyền thụ tâm ấn, có khuynh hướng nhập thế giúp dân và biết sử dụng các thuật phong thủy sấm vĩ” (2). Sang đến thời Đinh, Tiền Lê và đặc biệt là Lý, dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi tiếp tục phát triển và có vai trò quan trọng đối với đời sống cung đình quan phương và đời sống dân gian phi quan phương. Mặc dù, từ TK X trở đi, ở Đại Việt, bắt đầu hình thành dòng thiền Thiền tông (3) mang tinh thần Phật/ triết học cao siêu hơn là những pháp thuật huyền hoặc. Nhưng do vương triều Lý vẫn là giai đoạn “quá độ” nên các yếu tố của dòng thiền Mật tông vẫn còn có những ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội. Sự trọng dụng dòng thiền Mật tông của các vua nhà Lý có thể được giải thích như sau: Thứ nhất, sự hình thành của dòng Thiền tông mới (như Thảo Đường) ngay vào thời điểm đó, chưa có nhiều ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đặc biệt là nội dung tư tưởng lại thiên về thiền/triết học, nên chỉ một bộ phận trí thức có thể hiểu được mà khó phổ biến trong đời sống dân gian. Thứ hai, các dòng thiền Mật tông (như Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông…) đã có bề dày quá khứ và tầm ảnh hưởng đến đời sống chính trị, xã hội trong nhiều thế kỷ. Nhưng sang đến thời Lý, nhất là sau khi thiền phái Thảo Đường xuất hiện, các yếu tố thiền học trí thức và thi ca đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới dòng thiền Mật tông. Thứ ba, xã hội nhìn chung có sự cởi mở không chỉ với các hệ tư tưởng (Nho – Phật – Đạo) nói chung, mà cả với các dòng tư tưởng/dòng thiền khác nhau của Phật giáo. Việc chấp nhận các dòng thiền Phật giáo khác nhau của vương triều Lý đã không những tạo ra tính “hỗn dung” về nội dung, tư tưởng, mà còn tạo ra các giá trị tinh thần mới, phù hợp với hoàn cảnh xã hội, văn hóa và công cuộc trị quốc.

Theo nhiều nguồn sử liệu khác nhau, ghi chép về cuộc đời, hành trạng của Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không mang đậm xu hướng và tư tưởng của Mật tông, thông qua những câu chuyện huyền hoặc, thần bí và đầy pháp thuật. Tuy nhiên, thông qua những ghi chép trong các nguồn tài liệu ấy, hơi hướng Thiền học trí thức và thi ca đã xuất hiện trong tư tưởng và hành trạng của hai vị thiền sư này.

Về Từ Đạo Hạnh, ông “họ Từ, húy Lộ. Cha là Từ Vinh, làm quan đến chức Tăng quan đô án… Bản tính ông từ nhỏ hào hiệp, phóng khoáng, có chí lớn, phàm việc làm, lời nói không ai đoán trước được. Ông kết thân với nho sĩ Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và kép hát Vi Ất. Ban đêm, ông miệt mài đọc sách, ban ngày thổi sáo, đá cầu, đánh bạc vui chơi, thường bị cha trách mắng là lười nhác. Một đêm, Từ Vinh lén vào phòng thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đống bên cạnh, còn Từ Lộ thì đang tựa án mà ngủ, tay vẫn cầm quyển sách, tàn đèn rơi đầy cả mặt bàn. Từ đó, cha ông mới không phải lo nghĩ gì nữa. Sau, triều đình mở khoa thi tăng quan, ông dự thi, được trúng tuyển” (4). Hành trạng của thiền sư Từ Đạo Hạnh gắn liền với nhiều câu chuyện thần bí, huyền hoặc mang đầy màu sắc phép thuật. Sau một sự biến, cha ông bị Diên Thành hầu nhờ sư Đại Điên dùng pháp thuật đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Ông đã sang Ấn Độ cầu phép lạ để báo thù cho cha. Ông “đến nước Kim Xỉ (Miến Điện), gặp đường đi hiểm trở nên phải quay về. Từ đó, ông ẩn cư trong hang đá núi Phật Tích, ngày ngày chuyên chú trì tụng Đại bi tâm Đà La Ni (bài thần chú Mật giáo), đủ mười vạn tám nghìn lần. Một hôm, sư thấy thần nhân đến bảo: “Đệ tử là Tứ trấn thiên vương, cảm công đức của sư trì tụng kinh Đại Bi nên xin đến hầu để sư sai phái”. Sư biết là đạo pháp viên thành, đã có thể báo thù cha… Sư bèn đi thẳng đến nhà Đại Điên. Đại Điên trông thấy nói: Ngươi không nhớ chuyện ngày trước sao? Sư ngước nhìn lên trời, không thấy động tĩnh gì, bèn vung gậy đánh. Đại Điên phát bệnh mà chết…” (5). Sau này, nhà sư ngày càng tinh thông pháp thuật, có thể thu phục được rắn rết, ho phong hoán vũ…

Năm 1113, “bấy giờ, vua tuổi đã nhiều mà chưa có con trai để nối dõi, xuống chiếu chọn con của tông thất để lập làm con nối. Em vua là Sùng Hiền hầu cũng chưa có con trai. Gặp lúc nhà sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến nhà chơi, hầu nói về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng: “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì báo cho tôi biết trước để cầu khấn với sơn thần” (6). Đến năm 1117, “mùa hạ, nhà sư trút xác ở chùa núi Thạch Thất. Trước là phu nhân của Sùng Hiền hầu là Đỗ thị đã có mang, đến đây trở dạ, mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán” (7).

Có lẽ, câu hỏi của thiền sư về “chân tâm” đã phần nào mang hơi hướng của thiền học và thi ca. Chuyện kể rằng: sau khi Đạo Hạnh trả thù được cho cha, “từ đó rửa sạch oán thù, việc đời như tro lạnh, sư bèn đi khắp nơi trong chốn tùng lâm để tìm thày ân chứng. Nghe nói Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình, sư tìm đến tham vấn. Sư đọ bài kệ hỏi về chân tâm… [không thỏa mãn với câu trả lời của Trí Huyền, nên] sư vẫn lờ mờ không rõ, bèn tìm đến chùa Pháp Vân thỉnh giáo thiền sư Sùng Phạm. Sư hỏi: Thế nào là chân tâm? Sùng Phạm hỏi lại: Thế cái gì không phải là chân tâm? Sư rạng rỡ, tỉnh ngộ, hỏi lại: Lấy gì làm bảo chứng? Sùng Phạm đáp: Đói ăn, khát uống. [Sau này] có vị tăng hỏi: Đi đứng nằm ngồi đều là Phật tâm. Vậy thế nào là Phật tâm? Sư đọc kệ đáp:

“Tác hữu trần sa hữu (Có thì muôn sự có)

Vi không nhất thiết không (Không thì tất cả không)

Hữu không như thủy nguyệt (Có, không trăng đáy nước)

Vật trước hữu không không (Đừng vướng có không không)…” (8).

Về Nguyễn Minh Không, dù còn nhiều tài liệu và những nghiên cứu khác nhau về quê hương của thiền sư, nhưng cho đến nay, căn cứ vào những cứ liệu điền dã tại thực tế, có thể khẳng định rằng, ông sinh ra tại làng Điềm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình (9) vào năm 1076 và mất năm 1141. Nhà sư có họ Nguyễn, tên thật là Chí Thành. Tương truyền: “Chí Thành đi học, lĩnh hội được tâm ấn của Từ Đạo Hạnh, lấy hiệu là Minh Không thiền sư” (10). Cuộc đời tu hành của Nguyễn Minh Không gắn liền với thiền sư Từ Đạo Hạnh. Có lẽ vì vậy, hành trạng của ông cũng đầy thần bí, huyền hoặc giống như người thày của mình. Đặc biệt là, những tích truyện ấy luôn có kết nối giữa Nguyễn Minh Không với hành trạng của Từ Đạo Hạnh. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, có đoạn chép nhà sư chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông, theo di phó của Từ Đạo Hạnh (11). Phép chữa bệnh của ông được mô tả như sau: “đời Hội Trường Đại Khánh (1110 – 1119), triều Lý Nhân Tông, Từ Đạo Hạnh sắp mất, dặn lại Minh Không rằng: Sau này, thày ở ngôi vua, khó trốn được nợ trần, cần được đệ tử cứu chữa. Sau, Lý Thần Tông mắc bệnh, hóa thành hình cọp, bấy giờ đồng dao có câu rằng: Dục y Lý cửu trùng, tu cầu Nguyễn Minh Không, nghĩa là muốn chữa bệnh vua nhà Lý, phải tìm Nguyễn Minh Không. Khi được mời đến, nhà sư nói về tiền nhân cho nhà vua nghe, vua tỉnh ngộ. Minh Không bèn nấu vạc dầu sôi rồi vốc dầu vào bàn tay, vẩy khắp thân thể vua. Nhà vua khỏi bệnh, phong ông làm Quốc sư, cho ăn lộc mấy trăm hộ” (12). Hay, việc ông biết trước vua cho vời ông vào cung để giúp trừ tai ương, chữa bệnh cho vua (13). Ngoài ra, việc vào kinh chữ bệnh hóa hổ của vua Lý Thần Tông, ông cũng biết trước (14).

Vậy, có thể nhận định, hai vị thiền sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là mẫu nhân vật thiền sư tiêu biểu trong thời đại văn hóa Đại Việt. Sự “hỗn dung” hài hòa giữa mẫu thiền sư Mật tông với mẫu thiền sư Thiền tông đã giúp cho hai ông có những đóng góp to lớn cho đại cục của vương triều Lý. Hành trạng của hai thiền sư có nhiều huyền hoặc, hay được bao phủ bởi sức mạnh, pháp thuật “siêu nhiên”; nhưng để lại được dấu ấn trong giai đoạn vương triều Lý, thời đại văn hóa Đại Việt và lịch sử Việt Nam.     

Kết luận

Thứ nhất, thiền sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là sự tiếp nối lẫn nhau trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Từ Đạo Hạnh là sư phụ, thày dạy của Nguyễn Minh Không, và những tích truyện xảy ra xung quanh hai thiền sư đã tạo nên một phần của lịch sử vương triều Lý. Người mở đầu những sự kiện có tính huyền tích, kỳ ảo là Từ Đạo Hạnh, nhưng người kết thúc nó là Nguyễn Minh Không.

Thứ hai, hai ông là mẫu người/nhân vật vô ngã trong thời đại văn hóa Đại Việt. Cụ thể hơn nữa, hai ông chính là mẫu thiền sư Mật tông của thời đại văn hóa Lạc Việt nhưng đã có sự “pha trộn” với tư tưởng thiền của Thiền tông, thuộc thời đại văn hóa Đại Việt, mà tạo nên dấu ấn đặc biệt trong lịch sử.

Thứ ba, qua mẫu hình nhân vật, hành trạng của hai thiền sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, chúng ta cũng thấy phần nào diện mạo của Phật giáo Việt Nam thời Lý. Các dòng thiền không chỉ định hình, phát triển theo chiều dài của lịch sử, mà trên hành trình ấy, các giá trị tư tưởng của mỗi dòng thiền đã tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau, tạo nên một bức tranh Phật giáo Việt Nam đa sắc, hỗn dung và độc đáo.

Nói tóm lại, thiền sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không đã xuất hiện trong giai đoạn lịch sử mà họ sinh ra, lớn lên, tu học và đắc thành sự nghiệp. Họ đã cùng nhau để lại những dấu ấn của mình trong lịch sử, trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội đương thời, góp phần làm nên diện mạo và những sự kiện đặc biệt trong lịch sử vương triều Lý ở Việt Nam.

_______________

1. Lý thuyết mẫu nhân vật văn hóa được PGS.TS Đỗ Lai Thúy thể hiện trong cuốn Văn hóa Việt Nam – nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb Văn hóa – Thông tin, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2005.

2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội 2000, tr.145.

3. Sự xuất hiện của dòng thiền Thảo Đường đánh dấu sự ra đời của dòng thiền Thiền tông, tư tưởng của dòng thiền này thiên về thiền học trí thức và thi ca.

4, 5, 8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thiền uyển tập anh, Nxb Văn học, Phân Viện nghiên cứu Phật học, Hà Nội 1990, tr.197, 198 – 199, 199-200.

6, 11. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, 308 -309, tr.286.

7. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.287. Dương Hoán sau này được vua Lý Nhân Tông chọn làm thái tử và trở thành vua Lý Thần Tông. Chi tiết này cũng được Lê Tắc, trong An Nam chí lược, Nxb Lao động, Trung tâm Ngôn ngữ Văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 2009, tr. 258.

9. Theo Thích Thanh Từ, trong Thiền sư Việt Nam, Thành Hội Phật giáo TP. HCM ấn hành, 1995, tr.141, quê Nguyễn Minh Không ở làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, trong Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tập 10, tr.314, có chép sự kiện năm 1141 “mùa thu, tháng 8, Quốc sư Minh Không chết” (sư người làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên).

10, 12. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tập 3, tr.274, 274 -275.

13, 14. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, sđd, tr.143, 144.

Tác giả: Đinh Đức Tiến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *