Tư tưởng của Lê Quý Đôn về bản sắc văn hóa dân tộc


Lê Quý Đôn (1726-1784) – nhà bác học lớn đồng thời cũng là một nhà tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam vào TK XVIII. Ông có rất nhiều tư tưởng trên các lĩnh vực, nhưng đáng chú ý nhất đó là tư tưởng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Với trí tuệ, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc và hơn hết muốn khẳng định Việt Nam có một nền văn hóa riêng, ông là người đã sưu tập, biên soạn, chỉnh lý một cách có hệ thống những văn bản của các nhà tư tưởng trước ông. Việt Nam hiện nay, với sự giao lưu, hợp tác trong nhiều lĩnh vực tất yếu dẫn đến sự giao lưu văn hóa, nên việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một vấn đề cần được đặt ra. Chính vì vậy, việc nghiên cứu những tư tưởng về bản sắc văn hóa dân tộc của Lê Quý Đôn có những giá trị tham khảo về mặt lý luận và thực tiễn nhất định.

Lê Quý Đôn có những cống hiến trong lĩnh vực tư tưởng, được biểu hiện chủ yếu về mặt sưu tầm, khảo cứu, biện minh, chỉnh lý, hiệu đính, hệ thống các ghi chép trong nhiều lĩnh vực. Nhưng thông qua các khảo cứu đó, ông đã đưa ra những tư tưởng của mình. Ông để lại nhiều công trình khảo cứu phong phú cả về số lượng tác phẩm và các thể loại cho dân tộc như: Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Bắc sứ thông lục, Đại Việt thông sử, Lê triều công thần liệt truyệt, Vân Đài loại ngữ, Quần thư khảo biện, Kinh thư diễn nghĩa, Quế Đường thi tập, Tứ thư ước giải, Toàn Việt thi lục

Ông có nhiều ý kiến luận bàn, đưa ra các tư tưởng của mình trong nhiều lĩnh vực: chính trị, xã hội, sử học, thơ ca, văn hóa. Chúng ta phải đứng trên quan điểm biện chứng, khách quan, toàn diện và lịch sử – cụ thể khi xem xét, đánh giá các tư tưởng này mới thấy được tầm vóc và những đóng góp của Lê Quý Đôn trong tư tưởng về bản sắc văn hóa dân tộc và việc lưu giữ bản sắc đó.

Tư tưởng của Lê Quý Đôn về xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc

Sự nhận thức của Lê Quý Đôn về bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại ông

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trước Lê Quý Đôn đã có những nhà tư tưởng nhận thức được giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc đối với việc khẳng định một nước có chủ quyền độc lập, đó là Nguyễn Trãi (1380-1442). Lê Quý Đôn là một trí thức của thời đại ấy, tư tưởng của ông cũng là những tư tưởng được chắt lọc, đúc kết tiêu biểu cho thời đại mình. Ông nhận thức được, một nước có chủ quyền, một nước độc lập là một nước có một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Bởi, bản sắc văn hóa thể hiện cốt cách, linh hồn của một dân tộc. Vì lý do đó, ông đặc biệt quan tâm đến việc khẳng định một nền văn hóa mang bản sắc của dân tộc Việt Nam. Điều này, đã ảnh hưởng sâu sắc trong quá trình chỉnh lý, biên soạn, khảo cứu tài liệu của Lê Quý Đôn.

Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình 

Ảnh: thaibinhtourism.com.vn

Giá trị văn hóa phải được một dân tộc cụ thể sáng tạo, phát triển và duy trì qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau trong lịch sử. Bản sắc văn hóa là một đặc trưng dễ nhận thấy nhất để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác về: trí tuệ, đạo đức, nhân cách và cao hơn nữa đó là sự thể hiện về một nền độc lập dân tộc với các nước khác bởi những biểu hiện độc đáo và khác biệt trong văn hóa. Chính vì tầm quan trọng ấy, F.Mayor – nguyên Tổng Giám đốc UNESCO đã đưa ra một định nghĩa khái niệm văn hóa trên cơ sở nhấn mạnh tính đặc thù của bản sắc văn hóa dân tộc: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động” (1).

Khi nghiên cứu về Lê Quý Đôn, đến thời đại của ông, TK XVIII ở Việt Nam, thì: “…cộng đồng người Việt Nam đã trở thành một quốc gia dân tộc vững vàng và quốc gia đó đã có một nền văn hóa phong phú, đậm đà sắc thái phương Nam với lối sống, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật riêng của mình” (2). Nhưng Lê Quý Đôn vẫn nhận thấy, có những thiếu sót và chưa hoàn thiện trong các tác phẩm của thế hệ trước, điều đó dễ dẫn đến tâm lý không tự tin vào việc khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Nói về bản sắc văn hóa dân tộc, Lê Quý Đôn nhận thấy cần bắt tay vào việc sưu tầm, hệ thống, biên soạn, chỉnh lý và lý giải, minh chứng cho những thiếu sót ấy, khẳng định dân tộc Việt Nam có một bản sắc văn hóa riêng.

Để minh chứng về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, ông không chỉ trích dẫn những bài thơ, truyện ký về người và sản vật qua khảo cứu của người trong nước mà Lê Quý Đôn đã trích lục cả những tư tưởng của các sứ thần nước khác khi đến Việt Nam. Qua các bài thơ, phú, câu đối đáp những người nước ngoài viết về cảnh đẹp, sự trù phú của đất nước ta để khẳng định Việt Nam được thiên nhiên ưu ái ban cho nhiều sản vật, chỉ ở Việt Nam mới có. Qua đó, gợi lên niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước của người Việt.

Lê Quý Đôn khẳng định, trong lịch sử Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu mang tính hệ thống nhưng bởi nhiều lý do mà hiện nay không còn nữa nên ông phải tập hợp, chỉnh lý lại: “Nước Nam, hai triều đại nhà Lý, nhà Trần có tiếng là văn hiến. Khi Trần Thái Tông làm vua, hạ lệnh các quan khảo cứu điển lễ đời trước, soạn định bộ Quốc triều thông chế 12 quyển, tiếp đó, biên tập bộ Quốc triều thường lệ 10 quyển, lại soạn định một số quyển Hoàng triều đại điển. Những sách ấy nay không thấy lưu hành nữa” (3).

Đây là những nhận thức khiến ông bắt tay vào nghiên cứu, sưu tầm và chỉnh lý lại những tác phẩm có hệ thống và có những dẫn chứng xác đáng, minh triết.

Lê Quý Đôn sưu tập, hệ thống, chỉnh lý lại và đánh giá các trước tác của dân tộc lúc bấy giờ và khẳng định nước ta có một nền văn hóa mang bản sắc dân tộc riêng

Lê Quý Đôn ý thức được việc phải biên soạn, sưu tầm, chỉnh lý những tài liệu văn hóa truyền thống của dân tộc vì nhiều tác phẩm đến thời đại ông đã bị đốt phá do chiến tranh, bị thiên tai làm cho hỏng nát, cho nên bằng những việc làm cụ thể của mình, ông đã hệ thống lại. Ông đã ghi chép, phân loại… hầu như toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần với mục đích cho nhân dân thêm tự tin, tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc, đồng thời cũng giới thiệu văn hóa dân tộc ra thế giới. Điều này được minh chứng qua số lượng những tác phẩm của ông như: Quần thư khảo biện (1757), Bắc sứ thông lục (1760-1762), Toàn Việt thi lục (1768), Vân đài loại ngữ (1773), Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục (1777). Đây là những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn trong việc khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, có ý nghĩa lớn không chỉ về mặt văn hóa mà còn có giá trị lý luận và thực tiễn về mặt kinh tế, xã hội, sử học và dân tộc học.

Lê Quý Đôn đã ghi chép chi tiết và tỉ mỉ về phong tục tập quán của dân tộc ở những nơi ông đã đi và chứng kiến

Một trong những đặc trưng tiêu biểu dễ nhận thấy nhất trong bản sắc văn hóa đó là: lễ nghi, trang phục và ngôn ngữ. Đây là những đặc trưng của từng dân tộc với phương thức sản xuất, tư duy và lối sống. Lê Quý Đôn sưu tầm và minh chứng cho những đặc trưng này sâu sắc và có những luận giải mang giá trị cao trên cả hai mặt: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, về lý luận cũng như về thực tiễn để khẳng định văn hóa Việt Nam là khác biệt, có bản sắc riêng của mình.

Về lễ, trong hoạt động lễ nghi ông ghi lại: “Phong tục nước ta, dùng ngày đầu xuân làm lễ kỳ phúc, tế thần bản thổ, mùa hè làm lễ hạ điền, mùa thu làm lễ thượng điền tế thần tiên nông và mỗi năm một lần tế thần bản thổ, hoặc vào mùa xuân, mùa hạ, hoặc vào mùa thu, mùa đông” (4). Điều này khẳng định người Việt có phong tục tập quán ở cả bốn mùa trong năm, các lễ này đều mang đặc trưng của người phương Nam với văn hóa nông nghiệp lúa nước. Tiêu biểu là lễ hạ điền và thượng điền tế thần tiên nông trong nông nghiệp.

Qua ghi chép và phân tích, ông thấy được bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam khi nhận định, sự khác biệt trong phong tục Việt Nam: “Lúc nghinh thần, tống thần có đầy đủ âm nhạc, nhân dân đều nhân lễ ấy mà hội họp ăn uống, theo thứ tự tuổi và tước, đủ cả lễ và tình, không gì là không phải giường mối lớn của đạo làm người vậy” (5). Lê Quý Đôn khẳng định văn hóa của người Việt trong khi làm lễ có đầy đủ nghi thức trang nghiêm, tôn ti phẩm cấp, lễ nhạc đầy đủ nhưng có bản sắc riêng, đó là đạo Người. Bản sắc văn hóa dân tộc thấm đẫm tình người. Và cho đến ngày nay, người Việt Nam trong cách ứng xử vẫn trọng chữ Tình, bên cạnh chữ Lý.

Về trang phục, khi sưu tầm, ghi chép về phong tục tập quán của nhân dân ta, Lê Quý Đôn cũng đọc và giới thiệu những ghi chép của các nhà sử học của dân tộc khác khi viết về nét văn hóa của dân tộc mình. Như trong tác phẩm Sứ Giao châu thi tập của Trần Cương Trung, nhà Nguyên viết về văn hóa trong trang phục của người dân nước Việt ở Sứ Giao (Giao Thủy, nay thuộc tỉnh Nam Định, Việt Nam): “Người trong nước đều mặc lụa thâm, áo hoa, quần mỏng, cổ áo tròn khâu bằng là, đàn bà cũng mặc áo thâm, nhưng màu trắng ở trong rộng hơn để viền vào cổ áo, rộng bốn tấc, họ cho thế là khác với áo đàn ông, các sắc xanh, hồng, vàng, tía, tuyệt nhiên không có” (6). Khi trích dẫn những tài liệu của nước khác về văn hóa Việt Nam, ông cũng sáng suốt khi phân tích rằng, những cách ăn mặc được ghi lại đó là vào thời Trần ở Việt Nam và đến thời ông sống thì không còn nữa. Cách ăn mặc của người Việt cũng là cách ứng biến linh hoạt với thời tiết, khí hậu nóng ẩm mà thôi… Cùng với đó là do địa lý, khí hậu đã hình thành và làm nên một bản sắc văn hóa của dân tộc Việt.

Về ngôn ngữ, ông nhận thấy sự thiếu hụt: “Còn như ngôn ngữ, trong nước không có chính âm, chỉ có tiếng mà không có chữ” (7). Trong ghi chép của người Trung Quốc xưa, tiếng nói của người Việt lúc bấy giờ: “Tiếng nói líu lo, nói nhanh mà bổng, rất giống tiếng chim” (8). Ông cũng thấy được người Việt phải một chữ viết riêng. Bản thân mình, trong văn thơ chữ Nôm của ông đáng chú ý có bài khải dâng lên triều đình, nay còn lưu lại trong cuốn Bắc sứ thông lục. Điều này cho thấy, ngay ở thời điểm chữ Hán đang được trọng dụng, ông đã không ngần ngại trong việc sử dụng chữ viết dân tộc để diễn đạt những vấn đề chính trị có tính chất tôn nghiêm.

Lê Quý Đôn đã tuyên dương nhân tài của đất nước mình đồng thời đánh giá cao sản vật của đất nước và những công dụng tốt của những sản vật đó

Về nhân tài, ông lấy dẫn chứng về những con người thật, việc thật đã trải qua mà người nước khác cũng phải công nhận tài năng và đức độ. Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục, ông viết: “Tinh hoa quang thái, bao hàm phát tiết, chung đúc ra nhân tài, có nhiều người đáng được để ý” (9). Ông lấy ví dụ những người tài nổi tiếng của người Việt sang làm quan ở bên Trung Quốc có tiếng tăm, công trạng như: Lý Ông Trọng, Khương Công Phụ.

Về các sản vật đất nước, trong cuốn Phủ biên tạp lục, mở đầu quyển 6 với tiêu đề “Vật sản phong tục” ông viết: “Những sản vật quý, phần nhiều xuất từ miền Nam. Xứ Thuận Hóa, châu Bắc Bố Chính có 75 xã, thôn, phường, sản xuất nhân sâm, yến sào, mật ong, sáp ong, sừng tê, ngà voi, sừng bò tót, diêm tiêu, giáng hương, trầm hương, tốc hương, song, mây, gỗ mun, gỗ lim, gỗ hoa hèo, gỗ hoa nu, gỗ kiền kiền” (10).

Lê Quý Đôn cũng lấy các dẫn chứng để chứng mình rằng ở nước Việt, sản vật bốn mùa rất phong phú, đa dạng. Ông phân tích kỹ những đặc điểm nhận dạng cũng như công dụng về kinh tế và cách làm ra, khai thác của người dân về những sản vật này. Các nghành nghề như: làm giấy và đúc đồng được ông miêu tả tỉ mỉ: “Giấy trung và tiểu xã Đốc Sơ và giấy vuông xã Vĩnh Xương đều làm bằng vỏ cây gió. Giấy lớn ở hai xã Lộc Tuy và Đại Phúc huyện Lệ Thủy thì làm bằng vỏ cây niệt, cũng thấy bền và dày, cùng với giấy lệnh Thanh Hoa không khác” (11). Ông nói người Việt giỏi các nghề thủ công, khéo tay, có thể làm được nhiều đồ dùng, vật phẩm khác.

Một số giá trị tham khảo đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở Việt Nam hiện nay

Giữ gìn bản sắc văn hóa qua việc nâng cao nhận thức và hành động của toàn dân về lòng yêu nước và tự tôn dân tộc

Đất nước Việt Nam tự hào là một nước có nghìn năm văn hiến, được giữ bởi máu và mồ hôi của bao nhiêu thế hệ người Việt. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, khi nhìn lại, ta thấy cảm phục và tự hào về một dân tộc có độc lập. Bảo vệ và xây dựng Tổ quốc sẽ tạo nên phong cách sống, phương thức sinh hoạt vật chất cũng như cách ứng xử giữa người với người, giữa con người với tự nhiên, nó là nguồn gốc của văn hóa, đạo đức, lối sống. Khi nghiên cứu về tư tưởng của Lê Quý Đôn về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam ta càng thấy tự hào. Niềm tự hào đó phải được kế tiếp qua các thế hệ, các lớp người đã, đang và sẽ sống vì một nước Việt Nam giàu mạnh về vật chất và phong phú về tinh thần. Tư tưởng của Lê Quý Đôn giúp chúng ta rút ra được những giá trị tham khảo cho việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam hiện nay.

Giá trị tham khảo khi nghiên cứu các công trình của Lê Quý Đôn đó là lòng yêu nước và tự tôn dân tộc đã khiến cho ông biên tập và chỉnh lý các trước tác một cách có hệ thống nhằm lưu giữ nó cho đời sau. Muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trước hết mỗi người dân phải yêu nước và có lòng tự tôn dân tộc. Điều này, được thể hiện qua rất nhiều việc làm đời thường như: tôn vinh trang phục dân tộc, món ăn dân tộc của các vùng miền…

Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Trong các công trình của mình, Lê Quý Đôn cho chúng ta hiểu về cuộc sống – văn hóa vật chất của người Việt Nam đến TK XVIII như: làm ruộng, chăn nuôi và các loại hình sản xuất thủ công khác của Việt Nam. Qua đó, ông có những đúc kết giá trị văn hóa tinh thần dân tộc (được thể hiện qua văn, thơ, các loại khảo nghiệm, nghiên cứu có giá trị bằng văn bản khác ở Việt Nam) mà Lê Quý Đôn đã sưu tầm, ghi chép, phân loại. Những ghi chép này với những giá trị lý luận và thực tiễn có chứng minh đầy đủ, rõ ràng.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều công trình nghiên cứu, khảo cứu nhằm lưu giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa này. Các trung tâm văn hóa, bảo tàng và nhiều cuộc triển lãm văn hóa, loại hình biểu diễn nghệ thuật như: triển lãm tranh, biểu diễn múa rối nước, phát triển các làng nghề truyền thống… với mục đích tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ sau thêm yêu và tự hào về văn hóa dân tộc, tiếp nối và giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa đó. Thông qua các hoạt động văn hóa này, giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trên thế giới hiện nay, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có thắng cảnh thiên nhiên đẹp (vịnh Hạ Long), nơi có ẩm thực phong phú và đa dạng mang tính nông nghiệp trồng lúa nước lâu đời với các loại bánh và trái cây của vùng nhiệt đới gió mùa.

Tôn trọng sự phong phú, đa dạng của các nền văn hóa trong sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, giữa các quốc gia và quốc tế

Mỗi dân tộc đều luôn khẳng định và coi trọng các giá trị văn hóa của dân tộc mình, bởi trong nó mang tính lịch sử, đạo đức… những giá trị này làm nên lòng tự hào của mỗi con người thuộc quốc gia ấy, bởi vì “bản sắc dân tộc là tổng thể những phẩm chất, tính cách, khuynh hướng cơ bản thuộc sức mạnh tiềm tàng và sức sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc đó, giúp cho dân tộc đó giữ vững được tính duy nhất, tính thống nhất, tính nhất quán so với bản thân mình trong quá trình phát triển” (12). Thời đại ngày nay, với sự hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên những sự thay đổi trong tiếp xúc, giao lưu giữa các nền văn hóa. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa của riêng mình nên chúng ta phải tôn trọng văn hóa của dân tộc khác, đồng thời có thể học hỏi, giao lưu làm phong phú hơn đối với văn hóa của dân tộc mình nhưng vẫn phải luôn “hòa nhập mà không hòa tan”, giữ vững nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc”. Có sự tiếp xúc, giao lưu với các vùng văn hóa khác nhau phải luôn có tư tưởng nhận thức một cách biện chứng, vận dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể để luôn tôn trọng bản sắc văn hóa của dân tộc khác mà vẫn giữ được nét đặc sắc của mình.

__________________________________________________

1. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.798.

2. Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Lê Quý Đôn, Kiến Văn tiểu lục, (Phạm Trọng Điềm biên dịch và chú thích), Viện Sử học, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.62, 72, 72, 76, 78, 76, 249.

10, 11. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, (Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch; Đào Duy Anh hiệu đính), Viện Sử học, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.409, 417.

12. Trần Văn Bính, Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr.77-78.

TS NGUYỄN THỊ GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *