Tư tưởng của V.I.Lênin về liên minh công – nông trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội


V.I.Lênin là lãnh tụ thiên tài của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Lênin đã kế thừa, phát triển toàn diện tư tưởng của Mác – Ăngghen và hiện thực hóa chủ nghĩa Mác trên đất nước Nga rộng lớn. Trong di sản lý luận đồ sộ mà Lênin để lại cho nhân loại tiến bộ, tư tưởng về liên minh công nông là một trong những đóng góp đặc biệt quan trọng. Kế thừa, phát triển những tư tưởng của Mác – Ăngghen, Lênin luôn xác định, liên minh công nông là vấn đề chiến lược của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, từ thực tiễn ở Liên Xô, Lênin đã phát triển toàn diện lý luận về liên minh công nông trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, coi việc tăng cường củng cố khối liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là lực lượng kỳ diệu nhất trên thế giới nhằm xây dựng một xã hội mới tốt đẹp.

Tư tưởng của Lênin về liên minh công – nông trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nổi lên một số nội dung chủ yếu:

Củng cố liên minh công – nông là tất yếu khách quan

Theo Lênin, “Trong thời đại chuyên chính vô sản, các giai cấp vẫn tồn tại, nhưng bộ mặt của mỗi một giai cấp đều có thay đổi; quan hệ qua lại giữa các giai cấp cũng biến đổi” (1). Giai cấp công nhân, giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Người chỉ rõ: “Sau khi đã lật đổ giai cấp tư sản và giành được chính quyền, giai cấp vô sản đã trở thành giai cấp thống trị: nó nắm chính quyền nhà nước, sử dụng những tư liệu sản xuất đã được xã hội hóa, lãnh đạo các phần tử và các giai cấp lao động, trung gian, trấn áp sức phản kháng ngày càng tăng của bọn bóc lột” (2). Chính đặc điểm này, đòi hỏi giai cấp công nhân và giai cấp nông dân phải liên minh chặt chẽ với nhau. Bởi lẽ, chỉ khi liên minh với nông dân, giai cấp công nhân mới giữ vững vai trò lãnh đạo đối với toàn xã hội, “Chúng tôi giúp đỡ nông dân, vì như vậy là hoàn toàn cần thiết để chúng tôi giữ được chính quyền.” (3). Và cũng chỉ có liên minh với công nhân, thì giai cấp nông dân mới chiến thắng được địa chủ, bảo vệ quyền lợi, lợi ích căn bản của mình.

Đồng thời, củng cố liên minh này còn xuất phát từ chính yêu cầu, nhiệm vụ cải tạo xã hội cũ, xây dựng chế độ xã hội mới. Lênin chỉ rõ: “…thực hiện liên minh công nông là một việc khó, nhưng vô luận thế nào đó cũng là khối liên minh vô địch duy nhất để chống lại bọn tư bản” (4). Sau khi giành được chính quyền, giai cấp công nhân vẫn phải tiếp tục trấn áp giai cấp tư bản, mới chỉ bị đánh đổ về mặt nhà nước vẫn đang còn nhiều tiềm lực, do đó, “Chỉ có củng cố khối liên minh công nông, thì nói chung, nhân loại mới có thể thoát khỏi những tai họa như cuộc chém giết vừa qua của chủ nghĩa đế quốc, thoát khỏi những mâu thuẫn khủng khiếp mà hiện nay chúng ta thấy trong thế giới tư bản” (5). Hơn nữa, công cuộc xây dựng xã hội mới là vô cùng khó khăn, lâu dài, đòi hỏi các giai cấp, tầng lớp có sự thống nhất về lợi ích căn bản, phải chung tay, góp sức để cùng xây dựng xã hội.

Liên minh công – nông là nguyên tắc tối cao của chuyên chính vô sản

Lênin cho rằng, liên minh công – nông là lực lượng chính, là trụ cột của chính quyền Xô viết: “chuyên chính vô sản là một hình thức đặc biệt của liên minh giai cấp giữa giai cấp vô sản, đội tiên phong của những người lao động, với đông đảo những tầng lớp lao động không phải vô sản (tiểu tư sản, tiểu chủ, nông dân, trí thức,…), hoặc với phần lớn những tầng lớp đó, liên minh nhằm chống lại tư bản…” (6). Thực hiện khối liên minh các giai cấp, tầng lớp, trong đó giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là lực lượng cơ bản nhất, tạo cơ sở chính trị xã hội vững chắc của chế độ xã hội mới. Lênin chỉ rõ: “Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính là duy trì khối liên minh giữa giai cấp vô sản và nông dân để giai cấp vô sản có thể giữ được vai trò lãnh đạo và chính quyền nhà nước” (7). Thông qua sự thống nhất về lợi ích căn bản, khối liên minh này đã tập hợp được lực lượng sản xuất và lực lượng cách mạng cơ bản, đông đảo nhất của xã hội, đồng thời là cơ sở xã hội vững chắc của chế độ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho nhân dân lao động làm chủ xã hội. Chính sức mạnh và độ bền vững của khối liên minh công – nông, vừa thể hiện sức mạnh của đảng, nhà nước và quyền làm chủ xã hội thực sự của nhân dân lao động, vừa góp phần tăng cường sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước đối với toàn xã hội. Không có sự đồng tình ủng hộ của giai cấp công – nông thì đường lối, chính sách của đảng, nhà nước không thể trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống, vai trò lãnh đạo của đảng, hiệu quả hoạt động của nhà nước theo đó cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Do vậy, xây dựng khối liên minh công – nông nhằm tạo thành nền tảng của chế độ chính trị, xã hội, trên cơ sở đó, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, liên kết, hợp tác rộng rãi với các tầng lớp khác trong xã hội. Nhưng khối liên minh này phải được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhằm đảm bảo giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và giải quyết hài hòa lợi ích của các chủ thể trong khối liên minh. Lênin nhấn mạnh: “Xét về nguyên tắc lãnh đạo của chuyên chính vô sản, thì duy nhất chỉ có giai cấp công nhân thông qua đảng của nó lãnh đạo “hệ thống chuyên chính vô sản”. Xây dựng khối liên minh chặt chẽ giữa giai cấp công nhân và nông dân là cơ sở của chính quyền Xô Xiết, nguyên tắc tối cao của chuyên chính vô sản, là điều kiện quan trọng nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.

Liên minh công – nông thực hiện toàn diện các nội dung, trong đó liên minh về kinh tế là trung tâm

Với đặc điểm hết sức phức tạp của thời kỳ quá độ, Lênin cho rằng phải liên minh một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Người khẳng định: “Muốn chiến thắng, muốn thiết lập và củng cố chủ nghĩa xã hội, giai cấp vô sản phải hoàn thành hai nhiệm vụ nhưng chỉ là một: một là, dùng tinh thần anh dũng quên mình của bản thân trong cuộc đấu tranh cách mạng chống tư bản để lôi cuốn tất cả quần chúng lao động và bị bóc lột, lôi cuốn, tổ chức, lãnh đạo họ nhằm đánh đổ giai cấp tư sản và hoàn toàn đè bẹp mọi sự phản kháng của giai cấp đó; hai là, làm cho hết thảy quần chúng lao động và bị bóc lột, cùng với tất cả mọi tầng lớp tiểu tư sản, đi theo mình vào con đường kiến thiết kinh tế mới, vào con đường tạo ra những quan hệ xã hội mới, một kỷ luật lao động mới, một tổ chức lao động mới có khả năng phối hợp những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật tư bản với sự tập hợp đông đảo những người lao động tự giác, những người tạo ra nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” (8). Cùng với liên minh quân sự để giữ vững chính quyền nhà nước thì đặt lên hàng đầu liên minh kinh tế nhằm tổ chức xã hội mới của giai cấp vô sản, “Ngày nay, nhiệm vụ quản lý đã trở thành nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm” (9). Lênin đã chỉ rõ: “có một nhiệm vụ căn bản khác được đề lên hàng đầu, đó là: thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, nghĩa là nâng cao năng suất lao động và do đó (và nhằm mục đích đó) phải tổ chức lao động theo một trình độ cao hơn” (10). Nâng cao năng suất lao động, nâng trình độ tổ chức sản xuất lên một tầm cao mới là nhiệm vụ cơ bản, có ý nghĩa quyết định đối với thành bại của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn này. Song, đó là công việc không dễ dàng: “Đấy là công việc rất lâu dài. Muốn hoàn thành công việc đó, phải thực hiện một bước tiến khổng lồ trong sự phát triển lực lượng sản xuất, phải chiến thắng sự phản kháng (thường là tiêu cực, đặc biệt dai dẳng và đặc biệt khó khắc phục) của nhiều tàn dư của sản xuất nhỏ, phải chiến thắng sức mạnh to lớn của tập quán và thói thủ cựu gắn liền với những tàn dư đó” (11).

Hình thức liên minh công – nông đa dạng

Lênin chỉ rõ: “Cũng như bất kỳ một giai cấp nào khác, giai cấp công nhân, khi đã giành được chính quyền rồi, thì phải thông qua việc thay đổi quan hệ sở hữu và thông qua việc thực hành hiến pháp mới mà nắm vững và giữ gìn, củng cố chính quyền. Luận điểm cơ bản đầu tiên không thể tranh cãi được của tôi, là như thế đó! Luận điểm thứ hai nói rằng bất cứ một giai cấp mới lên nào cũng đều phải học tập giai cấp có trước nó, đều phải sử dụng những người đại diện bộ máy quản lý của giai cấp cũ, đó cũng là một chân lý tuyệt đối. Cuối cùng, luận điểm thứ ba của tôi nói rằng giai cấp công nhân cần phải tăng thêm số cán bộ quản lý xuất thân từ giai cấp mình, phải mở trường học đào tạo cán bộ công tác, với quy mô toàn quốc” (12). Đối với sự phản kháng của giai cấp tư sản thì phải thẳng tay trấn áp nhưng đối với sự phản ứng của tầng lớp trung gian này thì thái độ lại phải rất thận trọng, tuyệt đối không thể dùng bạo lực. Do đó, cần có hình thức tổ chức, xây dựng, công tác giáo dục và thuyết phục hàng triệu quần chúng lao động tham gia vào quá trình xây dựng và củng cố nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục,… là chủ yếu. Lênin chỉ rõ: “Muốn giải quyết phần thứ hai của nhiệm vụ, phần khó khăn nhất, thì giai cấp vô sản, sau khi đã đánh bại giai cấp tư sản, phải luôn luôn theo đúng đường lối cơ bản sau đây trong chính sách đối với giai cấp nông dân: giai cấp vô sản phải phân biệt và phân định rõ ranh giới giữa người nông dân lao động với người nông dân tư hữu, giữa người nông dân lao động với người nông dân con buôn, giữa người nông dân cần lao với người nông dân đầu cơ” (13). Theo Lênin, trung nông không phải là kẻ thù, mà là bạn của công nhân, cần thỏa thuận với trung nông, tạo sức mạnh chủ yếu và chỗ dựa cho chính quyền Xô Viết (14).

Lênin xác định, vấn đề thái độ của giai cấp công nhân đối với nông dân là vấn đề căn bản nhất, then chốt nhất (15). Và mấu chốt là xử lý đúng đắn mối quan hệ kinh tế giữa nhà nước với tiểu nông, tìm ra hình thức thích hợp cho sự chung sống giữa giai cấp vô sản với nông dân, kết hợp giữa đại công nghiệp với kinh tế tiểu nông: “Trong thời kỳ quá độ này, trong một nước mà nông dân chiếm đa số, chúng ta phải biết chuyển sang những biện pháp nhằm đảm bảo những yêu cầu của nông dân về mặt kinh tế, biết tiến hành đến mức tối đa những biện pháp để cải thiện tình cảnh kinh tế của nông dân. Trong khi chúng ta chưa cải tạo được nông dân, trong khi cơ khí lớn chưa cải tạo nông dân thì phải đảm bảo cho nông dân được tự do kinh doanh” (16). Để thực hiện được điều đó, cần kết hợp xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với kinh tế tiểu nông, “Nhiệm vụ căn bản, quyết định, và nó chi phối tất cả các nhiệm vụ khác, là kiến lập sự liên minh giữa nền kinh tế mới mà chúng ta đã bắt đầu xây dựng… với nền kinh tế nông dân của hàng triệu, hàng triệu nông dân” (17). Theo Lênin, phải biết hướng chính sách vào việc giải quyết trước tiên vấn đề cấp thiết nhất, “mấu chốt” nhất là phục hồi ngay những lực lượng sản xuất của kinh tế nông dân. Qua nhiều lần tìm tòi, Lênin đã chọn được con đường đúng đắn để xây dựng liên minh công nông là đưa nông dân vào hợp tác xã, dùng thương nghiệp để kết hợp công nghiệp lớn với kinh tế tiểu nông, dùng những nguyên tắc của thương nghiệp để cải tạo những thể chế quản lý công nghiệp, mở rộng quyền tự chủ của các xí nghiệp, thực hiện hạch toán kinh tế… Đồng thời, Lênin chỉ rõ: “phải tiếp thu toàn bộ nền văn hóa do chủ nghĩa tư bản để lại và dùng nền văn hóa đó để xây dựng chủ nghĩa xã hội”, học tập và lợi dụng những thành tựu văn minh của chủ nghĩa tư bản nhằm nâng cao trình độ văn hóa của toàn dân tộc và cải tạo các cơ quan nhà nước; phải sử dụng “bằng bất cứ giá nào và sử dụng trên quy mô lớn” các chuyên gia tư sản với thái độ thực sự trân trọng. Cùng với đó, theo Lênin phải tập trung tuyên truyền vận động quần chúng nhận thức và hành động theo cương lĩnh của Đảng: “Nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ một chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình” (18).

Tư tưởng của Lênin về liên minh công – nông trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một hệ thống toàn diện, sâu sắc, có mối quan hệ biện chứng với nhau, mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc và có giá trị thời đại vững bền. Trước những biến đổi to lớn của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi phải tăng cường củng cố và phát huy sức mạnh của khối liên minh công nông, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, vì con người. Do đó, những chỉ dẫn của Lênin về liên minh công – nông đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự. Vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Lênin về liên minh công nông đã và đang tạo nên nền tảng vững chắc để xây dựng và phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong điều kiện mới. Mặc cho các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, chống phá, song thực tiễn đã và đang tiếp tục khẳng định bản chất khoa học, cách mạng và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, tư tưởng của Lênin về xây dựng liên minh công nông nói riêng.

_______________

1, 2, 4, 8, 11, 13. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 39, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.318, 319, 340, 20, 18, 316.

3, 5, 7, 15. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.57, 375.

6, 14. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.452, 285.

9, 10, 18. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.209, 229, 208.

12. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 40, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.314.

16. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 43, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.34.

17. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.91.

Tác giả: Trần Việt Hưng – Trần Ngọc Ngân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *