Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là một trong những di sản quý báu mà Người để lại cho Đảng và nhân dân. Tư tưởng dân chủ của Người là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn ba thành tố cơ bản: tư tưởng dân chủ truyền thống Việt Nam, giá trị tốt đẹp của các trào lưu dân chủ tiến bộ phương Đông và phương Tây, tư tưởng và lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng xây dựng chính quyền dân chủ mới ở nước ta. Quan niệm dân chủ của Người rất rộng và toàn diện, đồng thời mang tính độc đáo, sáng tạo.
Hồ Chí Minh cho rằng dân chủ là giá trị của nhân loại, sản phẩm của nền văn minh, kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh tự giải phóng con người, giải phóng xã hội. Dân chủ được quan niệm như vấn đề đạo lý làm người. Dân chủ là một quá trình có nhiều cấp độ khác nhau, nhưng chung quy là mong muốn của con người được làm chủ cuộc sống về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Ở đâu tồn tại con người và cuộc sống của xã hội loài người thì ở đó có khát vọng vươn tới dân chủ. Bởi vậy, muốn thực hiện dân chủ thực sự, theo Hồ Chí Minh, không thể không tiến hành cải cách, đổi mới xã hội về mọi mặt. Dân chủ thực sự là kết quả tất yếu phải đạt tới, thông qua nhiều cải cách khác nhau về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Đồng thời dân chủ cũng là nội dung, là biện pháp nhằm thúc đẩy và hoàn thành những cải cách ấy.
Thật vậy, dân chủ trong kinh tế đem lại lợi ích vật chất cho người lao động, giải phóng sức sản xuất, phát triển nền kinh tế và sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Dân chủ trong chính trị giải quyết vấn đề quyền lực của nhân dân trong quản lý nhà nước, sự tham gia của quần chúng vào các sinh hoạt chính trị sẽ thúc đẩy dân chủ trong văn hóa. Thực hiện dân chủ trong kinh tế và chính trị đem lại cho xã hội những biến đổi rất căn bản, quyết định để hình thành và phát triển dân chủ trong văn hóa, xã hội. Vì lẽ đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động văn hóa, xã hội luôn gắn liền với chính trị, kinh tế: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (1). Với Người, văn hóa và chính trị đều là những yếu tố của kiến trúc thượng tầng, đều có mục tiêu chung là “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (2). Vì vậy, mục tiêu của nền văn hóa tiến bộ phải hướng vào phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước. Hồ Chí Minh đã chỉ ra: văn hóa phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội: Ảnh tư liệu
Trong mối quan hệ văn hóa với kinh tế, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, kinh tế là điều kiện phát triển của văn hóa. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Mặt khác, Người cũng thấy rõ văn hóa không phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện sinh hoạt vật chất, mà văn hóa tư tưởng phải đi trước một bước để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thấy được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị và kinh tế, hay nói cách khác, đó là quan hệ biện chứng giữa văn hóa và phát triển. Như vậy, thực hiện dân chủ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị chính là tiền đề, tạo điều kiện cho văn hóa phát triển.
Điểm mấu chốt nhất trong tư tưởng dân chủ về văn hóa của Hồ Chí Minh là đánh giá đúng, trân trọng, đề cao và phát huy lực lượng, tài nghệ của nhân dân trong việc phát triển nền văn hóa Việt Nam. Chính nhân dân là người sáng tạo ra các giá trị văn hóa, kiểm nghiệm sản phẩm văn hóa, đồng thời được hưởng thụ các giá trị văn hóa. Nhân dân nuôi dưỡng những người hoạt động văn hóa và tạo điều kiện cho tài năng của nghệ sỹ phát triển. Nhân dân là lực lượng quyết định thắng lợi của cách mạng, trong đó có sự thành bại của văn hóa nghệ thuật. “Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là người sáng tạo. Nhưng quần chúng không phải chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là người biết sáng tác nữa” (3). Nói chuyện tại Đại hội Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-1946, Hồ Chí Minh thiết tha mong muốn nền văn hóa nước nhà hãy lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Hạnh phúc không có gì khác hơn là mang lại đời sống tinh thần, vật chất tốt đẹp cho nhân dân. Đem văn hóa phục vụ nhân dân không phải là cung cấp cho họ những món ăn tinh thần chế biến vội vàng, mà phải là những tác phẩm có tính nghệ thuật cao. Người chỉ rõ: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật, phong phú, có hình thức trong sáng, vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích” (4). Người yêu cầu ngành văn hóa phải lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cho công tác văn hóa, văn hóa phải phục vụ đại đa số nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh, thực hiện dân chủ trong văn hóa thì vấn đề bình đẳng văn hóa giữa các dân tộc, tôn giáo là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Bởi Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo nên vấn đề đó càng trở nên nhạy cảm. Người không ngừng kêu gọi, tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tất cả các dân tộc, các tôn giáo, đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hướng tới mục tiêu chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người cả về thể xác lẫn tinh thần.
Với các dân tộc ít người ở vùng cao, Hồ Chí Minh chủ trương: các dân tộc có quyền bình đẳng; phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng ngày càng đầy đủ hơn những quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa. Chính phủ sẽ gắng sức giúp các dân tộc thiểu số về mọi mặt. Về văn hóa, chính phủ sẽ chú ý nâng cao trình độ học thức cho đồng bào các dân tộc. Nhân dân các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho được sự độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình. Trong Thư gửi các học sinh trường Sư phạm miền núi Trung ương nhân dịp trường khai giảng, Người viết: “Các cháu thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều địa phương. Nhưng các cháu đều là con em của đại gia đình chung: là gia đình Việt Nam, đều có một tổ quốc chung: là tổ quốc Việt Nam… Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu. Giúp đỡ như anh em một nhà” (5).
Hồ Chí Minh quan niệm, khi dân tộc ta đã giành được chính quyền, thì việc thực hiện quyền làm chủ phụ thuộc vào ý thức làm chủ và năng lực làm chủ của nhân dân. Nhưng ý thức làm chủ và năng lực làm chủ của nhân dân lại phụ thuộc vào trình độ chính trị và trình độ văn hóa của họ. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến sự nghiệp giáo dục chính trị và văn hóa của nhân dân. Người đã từng nói rằng nay chúng ta đã giành được độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện trong lúc này là nâng cao dân trí. Theo đó, Hồ Chí Minh đã chủ trương mở cuộc vận động chống nạn thất học. Bởi người dân Việt Nam có hiểu quyền lợi, bổn phận của mình, có thêm kiến thức thì mới tham gia được vào công cuộc xây dựng nhà nước. Cuộc vận động của Người có tầm ảnh hưởng và tác dụng rất lớn đối với nhân dân ta. Trong một thời gian ngắn, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, đại đa số nhân dân ta từ chỗ là người mù chữ đã có thể tự tay viết lá phiếu để bầu những người đại biểu vào quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam. Tầm quan trọng của việc chống nạn thất học đã được Hồ Chí Minh khẳng định khi đề ra ba chủ trương lớn trong kháng chiến chống Pháp: “Chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Người coi việc chống giặc dốt sánh ngang tầm với giặc đói và giặc ngoại xâm.
Việc nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân không dừng lại ở chủ trương xóa nạn mù chữ. Để thực hiện nâng cao dân trí, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã ra sức phát triển sự nghiệp giáo dục, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, đào tạo ra những lớp người ngày càng có năng lực làm chủ trong lao động sản xuất, trong đời sống chính trị, văn hóa, tinh thần. Bởi vậy, cần có một môi trường đào tạo tốt, các đoàn thể chính là trường học tốt nhất để giáo dục chính trị, văn hóa và giáo dục dân chủ cho nhân dân. Đi sâu vào vấn đề giáo dục văn hóa dân chủ, Người đòi hỏi phải có một hệ thống giáo dục tốt, phải dân chủ hóa trong nhà trường. Vì mục đích của giáo dục là trồng người, vì sự phát triển của con người. Sứ mạng của giáo dục rất lớn, Người từng khẳng định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Theo tư tưởng của Người, “nhà trường đích thực là nơi chuẩn bị cho thanh thiếu niên có thể đảm nhiệm tốt vai trò xã hội nhiều mặt của người công dân tốt, người lao động tốt, để tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” (6). Người luôn nhắc nhở rằng trong nhà trường cần có dân chủ… Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải giúp trò, chứ không phải cá đối bằng đầu. Để đảm bảo dân chủ, nội dung giáo dục phải toàn diện và phù hợp với lợi ích của người học. Như vậy, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới vấn đề nội dung giáo dục, Người nêu ra phương châm giáo dục là “tri thức phải dễ hiểu, dễ nhớ, học mau”. Để phù hợp với người học thì cần có một phương thức giáo dục đúng đắn, học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. Người nêu ra những phương pháp giáo dục cụ thể và xác đáng. Thứ nhất, dạy học phải nhằm phát triển trí tuệ, tính độc lập, sáng tạo và tính tích cực của người học. Thứ hai, dạy học phải căn cứ vào những đặc điểm của đối tượng, phải tôn trọng những đặc điểm của người học. Thứ ba, quan tâm tới phương pháp giáo dục bằng tình cảm và việc xây dựng mối quan hệ nhân ái, dân chủ. Ngoài ra, công tác kiểm tra trong nhà trường phải dựa trên tinh thần dân chủ. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mục đích giáo dục và mục tiêu của nhà trường phải nổi bật tinh thần nhân văn, dân chủ. Tất cả hướng vào con người, hướng vào sự phát triển toàn diện con người, tạo nguồn nội lực vững chắc cho sự phát triển đất nước.
Trong tư tưởng thực hành dân chủ của Hồ Chí Minh về văn hóa, Người còn đề cập đến vấn đề văn hóa ứng xử. Người luôn khuyên nhủ mọi người phải có thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người. Đó cũng được coi là triết lý nhân văn của Hồ Chí Minh. Người là tấm gương sáng để nhân dân noi theo về văn hóa ứng xử. Đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, Người luôn ân cần, niềm nở, thân ái gần gũi; khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình kịp thời, nghiêm khắc mà vẫn khoan dung, độ lượng. Theo Hồ Chí Minh, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đều có mặt tốt, mặt xấu, thiện, ác… giống như năm ngón tay trên bàn tay có ngón dài, ngón ngắn, như mấy mươi triệu con người Việt Nam có thể thế này, thế khác… Nhưng chúng ta vẫn đùm bọc, đoàn kết, yêu thương nhau. Người nhắc nhở, những người cán bộ không được tự kiêu, tự mãn, tự đại, tầm nhìn hẹp hòi. Theo Người, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trân trọng nhân cách của người ta. Giá trị văn hóa ứng xử của Hồ Chí Minh luôn sống mãi với thời gian, là hành trang quý giá để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, để văn hóa ứng xử được hiện thực hóa trong cuộc sống của chúng ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ trong lĩnh vực văn hóa mang tính lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc. Không chỉ có ý nghĩa trong thời kỳ chiến tranh, trong xã hội có đối kháng mà ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn quý báu. Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng đã kế thừa, vận dụng và không ngừng sáng tạo tư tưởng của Người, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện mục tiêu đó cũng chính là vận dụng và phát triển những kiến giải sáng tạo của Hồ Chí Minh về dân chủ.
________________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 368.
2. Sđd, tập 4, tr.61.
3. Sđd, tập 9, tr.250.
4. Sđd, tập10, tr. 646, 647.
5. Sđd, tập 7, tr.496.
6. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác khoa giáo, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.143.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015
Tác giả : PHÙNG BÍCH NHƯ
Bài viết cùng chủ đề:
Định hướng giá trị yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay
Hồ chí minh – người khai sinh danh nhân văn hóa thời hiện đại
Ngoại giao văn hóa trong chính sách phát triển của việt nam