Tư tưởng Hồ Chí Minh với việc xây dựng nên giáo dục mở hiện nay


Kế thừa truyền thống văn hiến trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước trong những bài viết đầu tiên về xây dựng nền giáo dục cách mạng. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, xu thế toàn cầu hóa, kinh tế tri thức cùng với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đã làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện tới tất cả các quốc gia trên thế giới, đặt ra yêu cầu bức thiết về đổi mới mô hình giáo dục. Trước xu hướng phát triển của thời đại, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chủ trương đổi mới hệ thống giáo dục ở Việt Nam theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và phương thức giáo dục, đào tạo.

     

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học của phong trào bình dân học vụ. Ảnh Tư liệu

     1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt

     Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống văn hiến mấy nghìn năm của dân tộc ta. Với truyền thống hiếu học, trọng hiền tài, vua Lê Thánh Tông từng nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì thế nước vượng và đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu”. Nhân sĩ Ngô Thì Nhậm đã đúc kết: “Xây dựng đất nước lấy việc khuyến học làm đầu, tìm lẽ kế trị bình lấy tuyển dụng nhân tài làm cấp”. Ông cha ta thường răn dạy con cháu: “Việc học chẳng phải chuyện chơi”, hay “có chí thi nên”, “không thày đố mày làm nên”. Đó là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

     Kế thừa truyền thống văn hiến trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; “Non sông Việt Nam có được tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang bước đến đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các em” (1); “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Người đã bắt tay xây dựng nền giáo dục nước nhà, phát động chiến dịch diệt giặc dốt cùng với diệt giặc đói và giặc ngoại xâm, Người đã khai sinh và đặt nền móng cho nền giáo dục dân tộc, khoa học, dân chủ, đại chúng của đất nước. Hồ Chí Minh đã dày công chỉ đạo cho nền giáo dục Việt Nam phát triển trong sự gắn bó với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Mục tiêu xây dựng một nền giáo dục cho toàn dân, nền giáo dục đại chúng mang đậm tính nhân văn, tính khoa học, sáng tạo, làm cho mỗi người phát huy hết khả năng sẵn có của mình. Mục tiêu cao cả của nền giáo dục cách mạng là vì lợi ích của đất nước, lợi ích của người học, của nhân dân.

     Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời đã thể hiện rõ trong những bài viết đầu tiên về xây dựng nền giáo dục cách mạng. Ngày 8-9-1945, 3 sắc lệnh về giáo dục được ban hành: Sắc lệnh 17/SL thành lập Bình dân học vụ; Sắc lệnh 19/SL quy định mọi làng phải có lớp học bình dân; và Sắc lệnh 22/SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền để chống nạn mù chữ triệt để. Tháng 9-1945, bức thư của Hồ Chí Minh gửi học sinh ngày tựu trường thể hiện những tư tưởng có tính cương lĩnh của nền giáo dục mới, một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, làm phát triển những năng lực sẵn có của học sinh Việt Nam. Mục đích của nền giáo dục mới là: tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí, phát triển tài năng của mọi người. Triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh đó là: dân chủ hóa về mục tiêu phát triển; dân tộc và đại chúng hóa về tổ chức đào tạo; nhân văn học về nội dung đào tạo; khoa học hóa về phương pháp đào tạo; xã hội hóa về quản lý đào tạo.

     Tiếp thu triết lý giáo dục của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và tinh thần học tập của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi”, Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”. Tha thiết với sự nghiệp khai sáng dân tộc theo tôn chỉ của nền giáo dục mới, Hồ Chí Minh không chỉ chăm lo cho việc hoàn thiện các thể chế và bộ máy của nền giáo dục, Người còn khởi động cho toàn dân sự hiếu học theo phương châm học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học ở mọi lúc mọi nơi: “Những người chưa biết hãy gắng sức mà học. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, người ăn, người làm chưa biết thì chủ bảo” (2).

     Hồ Chí Minh rất coi trọng việc tự học, tự đào tạo, học suốt đời. Người nhắc nhở: “Phải lấy việc tự học làm cốt. Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học. Không phải có thày mới học, thày không đến thì đùa, phải biết tự động học tập”. Những lời dạy ngắn gọn của Người làm nổi bật lên tính cần thiết của việc tự học và mối liên hệ khăng khít của các chủ thể tham gia vào quá trình tự học. Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương lớn về tự học. Trên hành trình tìm đường cứu nước và những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, Người đã không ngừng tự học để nắm bắt những tri thức của nhân loại.

     Với sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã có cơ hội thuận lợi để giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời. Nhiều thanh niên ưu tú, nhiều người lao động đã kết hợp được quá trình đào tạo từ trong nhà trường và quá trình đào tạo trong cuộc sống, biết xác định động cơ học tập đúng đắn, học để làm việc, học để làm người, học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân, phụng sự giai cấp và nhân loại, còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng.

      2. Chủ trương xây dựng nền giáo dục mở ở Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

     Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, xu thế toàn cầu hóa, kinh tế tri thức cùng với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện tới tất cả các quốc gia trên thế giới, đặt ra yêu cầu bức thiết về đổi mới mô hình giáo dục. Ở Việt Nam, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đang đặt ra đổi mới giáo dục đào tạo mạnh mẽ, sâu rộng hơn. Xây dựng mô hình giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học thường xuyên, suốt đời, tạo cơ hội học tập cho mọi người là yêu cầu khách quan, cấp thiết hiện nay.

     Xu hướng của giáo dục ngày nay trái với những khuôn mẫu cứng nhắc của nền giáo dục cổ truyền xưa kia của các nền sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cơ khí phát triển chậm chạp, mỗi mẫu mã, quy trình, phương pháp, phương tiện sản xuất tồn tại hàng trăm năm. TK XXI, người ta ước tính từ 6 – 7 năm, toàn bộ tri thức nhân loại lại tăng gấp đôi và từ 15 – 20 năm sau khi ra đời, các quy trình công nghệ lại trở nên lạc hậu. Trong bối cảnh đó, giáo dục nếu không đi trước một bước để đón đầu thì cũng phải theo sát sự phát triển xã hội. Vì vậy, xây dựng một nền giáo dục mở là đòi hỏi cấp thiết của mọi quốc gia trong xã hội đương đại.

     Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã ban hành Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với những nội dung căn bản:

     Về quan điểm chỉ đạo: Đảng coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển nhanh và bền vững. Đảng chủ trương đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và phương thức giáo dục, đào tạo. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường kết hợp với gia đình và xã hội; phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền; thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục đào tạo, gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Có thể nói, quan điểm chỉ đạo trên thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo giáo dục và đào tạo, thấy rõ tinh thần cởi mở trong xây dựng một nền giáo dục thường xuyên, tự lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội của các cơ sở giáo dục và đào tạo.

     Về mục tiêu giáo dục và đào tạo: Mục tiêu tổng quát là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả đáp ứng ngày càng tốt hơn về cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế tri thức. Mục tiêu đến năm 2020, nền giáo dục Việt Nam được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng lên toàn diện. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt; có phương pháp giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, từng bước hình thành xã hội học tập; phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

     Mục tiêu của giáo dục thường xuyên là bảo đảm cơ hội học tập cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giúp đỡ tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách được học tập, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ; tạo điều kiện để người lao động chuyển đổi nghề nghiệp; hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa. Giáo dục mở là giáo dục trong đó các rào cản trên con đường đến với giáo dục được gỡ bỏ. Mục tiêu giáo dục thường xuyên là chuyển từ trang bị tri thức sang bồi dưỡng năng lực làm trọng, chủ yếu là năng lực sáng tạo với việc biết phát hiện, nhận thức và giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn, lý luận do cuộc sống năng động của nền kinh tế tri thức đặt ra. Để đào tạo được những con người như vậy, nền giáo dục ngày nay phải là một nền giáo dục hết sức linh hoạt về mọi mặt từ mục tiêu đến nội dung, người giáo dục, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức và cả khâu đánh giá kết quả giáo dục.

     Hiện nay, trong các giải pháp lớn để đổi mới giáo dục đại học Việt Nam có một giải pháp hết sức quan trọng là: quy hoạch mạng lưới, xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Với giải pháp này cần phải cơ cấu lại các trình độ đào tạo theo chuẩn quốc tế, đổi mới tuyển sinh, cải tiến học chế tín chỉ, xây dựng quy trình liên thông, chuyển tiếp giữa các bậc học; tập trung xây dựng và phát triển hai viện đại học mở ở Hà Nội và TP.HCM vì đây là hai mô hình trọng điểm cho giáo dục thường xuyên. Với trên 20 năm kinh nghiệm quản lý đào tạo hệ giáo dục thường xuyên, Viện Đại học Mở Hà Nội và Viện Đại học Mở TP.HCM thực sự là những trường hàng đầu về giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, hoàn chỉnh mô hình các trường cao đẳng cộng đồng, các trường cao đẳng nghề ở các địa phương đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, trình độ tay nghề cao cho các cơ sở kinh tế, các doanh nghiệp và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương. Các trường đại học cao đẳng vừa đào tạo, vừa nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh kinh tế – xã hội phát triển, tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng của các viện nghiên cứu, gắn nghiên cứu với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Củng cố các cơ sở giáo dục thường xuyên ở các địa phương, xây dựng hai đại học mở ở hai đầu đất nước theo đúng tinh thần như các mô hình đại học mở, cũng như kinh nghiệm của các đại học mở trong khu vực và quốc tế đã và đang thực hiện.

     Nhân loại đang đi vào TK XXI với nhiều cơ hội và thách thức. Ở mọi quốc gia, giáo dục đào tạo luôn ở vị trí trọng tâm cho sự phát triển. Chính sách giáo dục được ưu tiên nhằm tạo ra gia tốc, xung lực cho sự phát triển của mỗi nước. Nó là chìa khóa để đất nước phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tổ chức UNESCO đã khuyến nghị và đưa ra nhiều thông điệp về giáo dục đào tạo với các quốc gia. Đó là thông điệp phải gắn sự phát triển giáo dục với sự phát triển kinh tế – xã hội; thông điệp về tổ chức giáo dục nghề cho mọi người và huy động sức mạnh của toàn xã hội đầu tư nguồn lực cho giáo dục; thông điệp về việc học tập suốt đời, mỗi người phải biết tự học, tự bồi dưỡng về tri thức, chuyên môn cũng như văn hóa đạo đức, nhân cách, mỗi người phải phấn đấu trở thành nhà giáo dục cho chính mình và cho cộng đồng.

     Hơn nửa thế kỷ qua, tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh đã trở thành tư tưởng, lý luận cho đường lối, chính sách giáo dục đã và đang tiến hành ở nước ta. Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là kết tinh truyền thống giáo dục văn hiến của dân tộc ta, sự cần cù, hiếu học của nhân dân Việt Nam. Tư tưởng giáo dục của Người cũng là sự hội tụ tinh hoa văn hóa giáo dục nhân loại. Tư tưởng xây dựng một nền giáo dục dân chủ, nhân văn, giáo dục cho mọi người. Tư tưởng giáo dục của Người là tài sản vô giá của dân tộc, là kim chỉ nam cho hành động của mỗi cán bộ giáo dục, từ người quản lý vĩ mô đến mỗi thày cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên, mỗi người lao động đang thực hiện học tập suốt đời. Ngày nay, tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh càng ngời sáng trong đời sống văn hóa giáo dục, trong đời sống sư phạm của đất nước. Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời vẫn còn nguyên giá trị thời sự trong công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục nước nhà. Tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh vẫn soi sáng cho nền giáo dục đào tạo của đất nước, xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục đào tạo các thế hệ con người Việt Nam làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của họ.

_______________

1, 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.32, 37.

 

Tác giả: Vũ Thị Minh Phượng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *