Tượng đài Balzac – biểu tượng chiến thắng của văn học nghệ thuật toàn cầu

    Một trong những bê bối văn nghệ kỳ lạ và xúc động nhất là cơn địa chấn vừa dữ dội vừa âm ỉ, kéo dài gần nửa thế kỷ, khởi phát từ tượng đài Balzac của Auguste Rodin, nhà điêu khắc Pháp (1840-1917). Bức tượng được dựng lên để tôn vinh một nhân vật khổng lồ bậc nhất của văn chương nhân loại. Nó được đặt hàng hẳn hoi bởi những tên tuổi hàng đầu thời ấy. Thời gian hoàn thành nó, bảy năm, là kỷ lục. Nhưng nó bị chối bỏ bởi chính người đặt hàng. Người làm thuê tỏ rõ bản lĩnh con người và bản lĩnh nghệ thuật đáng khâm phục. Giá trị của nó được khẳng định ngay. Và cơn địa chấn không tàn phá được gì mà ghi lại vĩnh viễn một kỳ tích văn nghệ mãi mãi nức lòng không chỉ giới nghệ sĩ. Kỳ tích đó khẳng định vẻ đẹp và vai trò – như thần kinh đối với cơ thể người – của văn nghệ trong đời sống nhân loại.

    Đầu tiên, người được dựng tượng: Honoré de Balzac (1799 – 1850), nhà văn hiện thực bậc thày, thuộc nhóm thượng đỉnh, không chỉ của Cộng hòa Pháp, mà của toàn cầu. Năm 20 tuổi, được sự đồng ý của gia đình, ông bỏ học luật và đi vào văn chương. Song, tiểu thuyết trinh thám, rồi tiểu thuyết tình cảm, và tiểu thuyết sinh lý học, những loại tự sự thời thượng bấy giờ, mà ông lao vào viết hăm hở, tất cả đều thất bại thảm hại. Ông tình cờ quen biết bà Laure de Berny, một phụ nữ quý tộc giàu có, hơn ông 22 tuổi, gắn bó với ông cho đến lúc bà qua đời, như một người mẹ, một tình nhân, một bạn gái hào phóng nhất với ông. Đặc biệt, bà có ảnh hưởng lớn lao và quyết định tới sự tự đào luyện con người và nghệ sĩ ngôn từ của Balzac, dù ông hiểu rất sớm rằng mình sinh ra là để làm nhà văn, và mình có thiên tư sắc sảo cho sứ mệnh này. Có điều, ông không tập trung cho sứ mệnh mà chính ông nhận thức được đó. Có lẽ do có quá nhiều năng lượng sống, suốt đời, bên cạnh việc viết văn, ông phiêu lưu vào chuyện làm giàu thảm họa, vào định hướng dư luận bằng báo chí… Những chuyện ấy gây cho bà Laure de Berny những đau khổ dồn dập, cay đắng và triền miên, dù ông luôn luôn trân trọng bà với một sự dịu dàng hết mực. Hiển nhiên, từ quan tâm trời biển của bà, ông được “bộn lộc” về tiền tài, nên mê mải đắm chìm vào thế giới thượng lưu, tưởng mình có thể làm ăn lớn. Ông mua lại một nhà in, xây một xưởng đúc chữ và lỗ chỏng vó tức thì. Tiêu tiền như nước, ông mau chóng nợ như chúa chổm. Để tự cứu, ông hiểu mình không có cách nào khác là viết văn, viết sao cho hấp dẫn không cưỡng nổi… Sau tất cả lo toan làm giàu, những cuộc phiêu lưu tình ái rợn ngợp, những thú vui trần thế mà ông thả phanh hưởng thụ, ông bao giờ cũng quay về với công việc cốt tử của cuộc đời ông: lao động sáng tạo. 30 năm chuẩn bị âm thầm và lặng lẽ, 19 năm “cày văn” không mệt mỏi trong cơn bồi hồi bất tận, 3 năm sức khỏe suy giảm dần không cưỡng nổi, cuộc đời Balzac là một điển hình của thân phận người lao động chân chính. Ông là nhà hiền triết nhìn rõ bí mật từ thời tối cổ cho tới mãi mãi mai sau của đời sống loài người. Ông là nhà tư tưởng, nhà cách mạng, nhà thơ,… tất cả đều vĩ đại. Ông là nhà sáng tạo ra thế giới hiện đại. Ông nhận ra những thống khổ vượt tầm tưởng tượng. Các nhân vật của ông đều chứa chan khát vọng, nghị lực và ý chí sống. Ông phát hiện được bản chất cõi đời: nhân ái, bao dung, vị tha, kiên nhẫn. Đạo lý của Balzac vượt lên trên định nghĩa về cái ác cái thiện, đạt tới sự cứu rỗi – đồng lòng theo chương trình khoa học – của tập thể. Riêng góc độ nghệ sĩ ngôn từ, ông chỉ ra những căn bệnh của xã hội, tìm nguyên nhân và đề xuất thuốc chữa. Đây là cốt lõi sức sống của sự nghiệp văn chương của ông. Hôm nay và mai này chắc chắn vẫn coi sự nghiệp ấy như bộ cẩm nang sống không thể thiếu. Lao động cần mẫn với cường độ cao, từ 1829 tới khi qua đời, ông xây dựng được hai phần ba bộ tiểu thuyết dài tập đồ sộ Hài kịch trần gian (bản tiếng Việt là Tấn trò đời), có ý đua tranh với Hài kịch thần thánh (có khi được dịch là Thần khúc), một kiệt tác đồ sộ, ở tốp một toàn cầu, của Dante (1265-1321), thi sĩ Italia vĩ đại. Hài kịch trần gian gồm 87 cuốn, đa phần là tiểu thuyết, chưa kể 48 cuốn nữa đã có đề cương hay sắp viết. Đó là một bộ bách khoa toàn thư tổng hợp, phức tạp và rành rẽ, về một xã hội, một thời đại, với đủ hạng người, đủ cảnh đời, đủ giọng điệu, trong đó, chủ nghĩa vị kỷ là “trung tâm của vũ trụ”, quyền lực là bảo đảm cho vị kỷ thắng lợi, vũ khí đạt quyền lực là đồng tiền, đồng tiền phi nghĩa chà đạp lên đạo lý và nhân bản, song không thể tiêu diệt hoàn toàn những giá trị con người… Sức lôi cuốn của Hài kịch trần gian, tác phẩm độc nhất vô nhị, bắt nguồn chủ yếu từ chất hiện thực được gây dựng từ vô số chi tiết thật hơn đời sống, từ suy tư không thể chính xác hơn về muôn mặt cõi người. Tự nhận là thư ký của xã hội, Balzac trở thành nhà sử học, nhà tự sự thiên tài, nhân chứng số một của thời đại.

    Một tác phẩm toàn diện và rộng lớn như thế, bình thường một người không làm nổi. Nó lại như dành cho tương lai, khi độc giả, ở tầm mức cao hơn hiện tại, muốn tìm những khoái cảm thẩm mỹ thiên thần. Đó là thích thú sống lại một xã hội từ những vụn vặt nhất tới những sâu kín nhất, mà ngay Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình hoặc Những người khốn khổ cũng không thỏa mãn được. Balzac là người có thiên cảm vậy. Những bạn văn cùng thời đã vô cùng cảm phục ông. Ông vừa nằm xuống, Alexandre Dumas bố (1802-1870) đã muốn dựng tượng ông, để toàn xã hội bày tỏ lòng tri ân và tôn kính một thiên tài lỗi lạc. Vì nhiều lý do khác nhau, việc đó cứ lần lữa mãi. Năm 1885, Émile Zola (1840-1902), Chủ tịch Hội những người viết văn Pháp – được bốn tên tuổi hàng đầu, Balzac, Victor Hugo (1802-1885), Dumas bố, George Sand (1804-1876) thành lập năm 1838, từ đề xuất của Balzac – khởi động việc đúc tượng Balzac một cách cương quyết. 4 nhà điêu khắc được đề xuất cho việc này. Do những trắc trở khó lường, việc vẫn không tiến triển. Cho tới năm 1891, dưới sức ép mạnh mẽ của Zola, Hội những người viết văn Pháp ký hợp đồng với Rodin. Sau 3 năm, bức tượng phải được khánh thành. Rodin bèn bỏ bao công sức, vừa đọc lại Hài kịch trần gian một cách kỹ càng, đọc thư từ của Balzac, vừa thu thập tài liệu liên quan, nghiên cứu tỉ mỉ vóc dáng, chi tiết cơ thể, cho tới thói quen lao động của Balzac. Ông đi nhiều nơi vốn liên hệ ít nhiều tới văn hào. Ông dừng nhiều đợt khá lâu ở quê hương và vùng phụ cận quê hương Balzac để khám phá những khởi nguồn của khát vọng và thiên tư, nhất là những nhân bản sâu kín nhất mà nhà văn tiếp nhận được. Ông gặp bằng được người thợ may xưa từng may quần áo cho Balzac, nhất là áo làm việc. Ông thuê làm mẫu một người lái xe thổ mộ, có nhiều nét giống Balzac, và dựng nhiều tượng khác nhau theo “nguyên mẫu” ấy, trong một thời gian dài. Ông cất công sang tận một bảo tàng của Bỉ, vốn trưng bày một bàn tay Balzac, đúc theo tay thật, để nghiên cứu thấu đáo bí ẩn “bàn tay của Chúa”. Thoạt đầu, ông định dựng tượng Balzac không áo quần. Sau rất nhiều tượng “khỏa thân” được nặn, ông dứt khoát từ bỏ. Ông chuyển sang nặn tượng nhà văn theo quan niệm phổ biến, nghĩa là đang ngồi viết, hoặc đi dạo bệ vệ, hoặc đang đăng đàn… Ý tưởng này cũng bị xếp lại tức khắc. Ông thiên dần về ý tưởng chọn Balzac trong lao động. Giữa hàng loạt chi tiết về việc nhà văn đang sáng tác, biết chọn hình ảnh nào ? Đắn đo cân nhắc rất nhiều, Rodin chọn giây phút Balzac tạm nghỉ, ra sân dạo bước. Qua tìm hiểu dày công và tỉ mỉ, ông biết Balzac thường ngày vẫn mặc một áo choàng thày tu khi lao động. Ông nghiên cứu chu đáo những dáng vẻ khác nhau của chiếc áo, cho đến từng nếp gấp có thể xuất hiện. Xin lưu ý, Balzac từng bị chế giễu rất dữ, qua biếm họa đủ loại. Nhà văn bị chê cười nhiều nhất ở tầm vóc to béo thô kệch. Rodin không phủ nhận vóc dáng “phàm tục” ấy. Nhưng ông che nó đi dưới tấm áo tu sĩ, vừa phù hợp thực tế, vừa tăng lên gấp bội nghiền ngẫm của nhà văn và nghệ sĩ tạc tượng…

    Năm 1898, bức tượng Balzac bằng thạch cao của Rodin mới được trưng bày ở phòng triển lãm nghệ thuật Paris. Bão tố bùng nổ tức thì. Không ít nhà phê bình và công chúng công khai chê bai thậm tệ. Nào đó là một con cóc trong túi, một tảng đá đứng thô kệch, nào đó là một ông già tuyết, một khối muối bị mưa rào xói lỗ chỗ…Bất chấp nhận định đúng đắn của Zola, Hội đồng tượng Balzac của Hội những người viết văn Pháp vẫn hủy hẳn hợp đồng với Rodin. Rodin hoàn lại cho Hội 10 ngàn franc đã nhận. Chủ tịch Hội đương nhiệm, Jean Aicart bất lực và từ chức. Phó Chủ tịch Hội Alfred Duquet tung ra một tài liệu, cấm Rodin đúc tác phẩm của ông thành tượng đồng. Thế là Zola, và Clémenceau, chính khách Pháp thượng thặng bấy giờ, và nhiều tên tuổi lớn của văn hóa nghệ thuật như Monet, Courteline, Mallarmé, Anatole France, Charle Péguy, André Gide,… liền thu thập đủ chữ ký và tiền bạc để dựng tượng đài Balzac bằng đồng ở thủ đô Ánh sáng. Nhà sưu tầm Pháp Auguste Pellerin và luật sư Bỉ Edmnd Picard đề nghị được mua bức tượng. Rodin cảm ơn, không bán, cũng không nhận sự ủng hộ, đưa tác phẩm về trưng bày ở cơ ngơi Meudon, bây giờ là bảo tàng Rodin. Xin nhắc lại, tất cả các bản nghiên cứu về đầu, áo, tay…, của Balzac, các phiên bản phác thảo khác nhau của tượng đài tương lai, hiện đều được lưu giữ ở bảo tàng Rodin và nhiều bảo tàng khác nữa trên thế giới. Năm 1895, Hội đồng tượng Balzac đã đến nghiệm thu bước đầu và toan phá bỏ hợp đồng. Zola không đồng ý và gia hạn hai năm cho Rodin. Và Zola linh cảm được vụ bê bối sẽ tới. Có điều, ông không nắm được nguyên nhân “nặng ký nhất” của việc Rodin khước từ thiện ý, đâu chỉ vì Rodin, của các “nhân vật thời đại” đã kể. Ấy là nhà điêu khắc không muốn tác phẩm của mình dính dáng đến “vụ Dreyfus” lúc đó đang chấn động nước Pháp đến nghẹt thở, vụ mà Rodin cầm chắc là một mưu đồ chính trị nhơ bẩn. Không nhận bức tượng Balzac của Rodin, Hội đồng giao phó việc nặn tượng cho nhà điêu khắc kiêm họa sĩ Pháp Alexandre Falguière (1831-1900). Ông này và Rodin là bạn vong niên, nên người này đã đúc tượng người kia và tặng nhau dịp ấy để tỏ rõ tình bạn chung thủy. Bức tượng của Falguière, Balzac ngồi ở công viên, được khai trương năm 1902 (Rodin có đến dự), khi Falguière đã qua đời. Dù được Hội những người viết văn Pháp “bốc thơm” tận mây xanh, bức tượng ít lâu sau đã lặng lẽ rút đi đâu không rõ…

    Dư âm của cú sốc 1898 không ngừng vang vọng toàn cầu. Năm 1908, nhiếp ảnh gia Hoa Kỳ Edward Steichen (1879-1973) tới thăm Meudon, và suốt hai đêm liền, đã xoay quanh tượng đài Balzac, chụp nhiều ảnh từ nhiều góc độ. Chụp trong ánh trăng mờ ảo! Những bức ảnh ấy khiến Rodin xúc động. Một bức chụp từ bên trái tượng khiến ông thốt lên: “Đó là Chúa trời đang tiến bước trên sa mạc!”. Người Mỹ trẻ đã nhập được vào hồn cốt của tác phẩm. Những bức ảnh ấy giúp thế giới hiểu hơn kiệt tác của nhà điêu khắc ngoan cường. Năm 1898, nhà thơ Anh Aleister Crowley (1875-1947) sang thăm Pháp. Ông kết thân với Rodin và viết rằng: “Nhưng, hạnh phúc xiết bao, tôi tới Pháp trong thời khắc đặc biệt của lịch sử. Rodin đang bị công kích vì tượng đài Balzac của ông. Tôi được giới thiệu với Rodin và lập tức say mê ông già cao quý, cũng như bức tượng kỳ vĩ. Tôi luôn luôn nghĩ rằng tượng đài Balzac là điều tốt đẹp nhất và cốt tử nhất mà ông sáng tạo được. Đó là một tư tưởng mới trong điêu khắc. Trước Rodin, từng có vài nỗ lực chuyển tải sự thật tinh thần tới công chúng bằng điêu khắc hay hội họa. Nhưng những nỗ lực ấy bao giờ cũng bị hạn chế bởi bổn phận định trước là trình bày người và vật đúng như tự nhiên ngoài đời. Tâm hồn là đầy tớ, mắt là chủ. Nghệ sĩ muốn gợi ra quan hệ giữa một vĩ nhân với vũ trụ, thì nhất thiết phải đặt quanh chân dung vĩ nhân những hiện vật tiêu biểu tạo nên sự nghiệp của vĩ nhân ấy. Ví như tướng Nelson được vẽ với chiếc ống nhòm dưới cánh tay và xa xa là 3 chiếc cầu…”. Rodin bước đi trong vần điệu tiếng lòng, đó là tập thơ mà Aleister Crowley viết tặng “Tượng đài điêu khắc”. Cơn địa chấn “Balzac của Rodin” vào hồi sôi sục nhất, nhà báo kiêm văn sĩ Pháp F.Champsaur (1858-1934) dõng dạc tuyên bố: “Không được phép chưa quỳ lạy mà đã xướng tên Rodin. Các nhà phê bình hãy vây quanh Rodin để bảo vệ thiên tài của thế kỷ”. Họa sĩ và nhà điêu khắc Pháp JP. Laurens (1838-1921) thì khẳng định: “Rodin thuộc tộc người chỉ đi một mình, tộc người bị tấn công liên tục, nhưng không gì có thể lay chuyển hay xâm phạm”. Hơn ai hết, Rodin là người đồng điệu tận cùng với nhà văn khổng lồ. Có lẽ nhà điêu khắc toàn tài thương cảm lắm lắm cây bút thần đã có những ngộ nhận bi hài hiếm có. Rodin biết kiềm chế trong yêu đương – ông yêu chung thủy bà Rose Beuret, một người lao động bình thường, chỉ thành vợ ông mấy tháng trước khi chết. Rodin không lạm dụng tài quản lý của một doanh nhân sừng sỏ để, ví như, lao vào sản xuất và kinh doanh, giàu có và sung sướng. Mấy chục năm ròng, ông điều hành hiệu quả xưởng điêu khắc của ông, một “công xưởng cộng sản chủ nghĩa” mà Van Gogh và Gauguin từng mơ ước và bị gánh đòn. Không có xưởng đó, Rodin khó trở thành như ngày hôm nay…

    Vượt lên những đau đớn lòng, Rodin tâm sự với các bạn tri kỷ: “Tôi không chiến đấu cho tác phẩm của mình. Nó biết tự bảo vệ. Nếu chân lý và sự thật phải chết, Balzac của tôi sẽ bị các thế hệ tương lai đập vụn. Nếu chân lý và sự thật là bất khả chiến bại, tôi xin báo trước rằng bức tượng của tôi sẽ tồn tại huy hoàng vĩnh viễn. Công trình ấy, mà người ta đã cười cợt, mà người ta đã cố ý thóa mạ và miệt thị, đó là chung đúc của nhiều thành tựu của đời tôi”. Một trong những con mắt xanh là nữ văn sĩ Pháp Judith Cladel (1873-1958), con gái của Léon Cladel (1835-1892), cây bút sùng bái người lao động. Bà đã làm rất nhiều việc, để tượng đài Balzac được đúc thành tượng đồng năm 1926. Bà tiếp tục cùng nhiệu người khác cố gắng không ngưng nghỉ, để năm 1939, tượng đài đó hiện lên uy nghi ở đại lộ Respail của Paris hoa lệ. Hiện tại, phiên bản thứ ba tọa lạc tại bến tàu điện ngầm Varenne ở Paris, phiên bản thứ tư nằm trong bộ sưu tập kiệt tác thế giới ở Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Hoa Kỳ. “Kiệt tác dấn thân nhất” đó của Rodin đã làm một cuộc cách mạng trong nghệ thuật. Đúng như Balzac từng chỉ rõ: Nghệ thuật không sao chép, mà thể hiện thế giới. Tượng chân dung không cần giống nguyên mẫu về bề ngoài. Hãy lột tả cho được nỗi lòng sâu xa nhất của nhân vật. Như Balzac của Rodin! Đầu hơi ngửa, như để thâu tóm toàn bộ vũ trụ, mà ông thấu hiểu, nhận rõ những bi hài, mà ông muốn thay đổi theo chiều hướng tích cực, phút thăng hoa của sáng tạo hình như khiến toàn thân ông run lên dưới chiếc áo khoác. Đó là ý chí chiến đấu và chiến thắng hiện hình. Đó là sáng tạo hiện hình! Chân dung Balzac không phải chân dung ngoại hình, như bao đời người ta vẫn nghĩ. Ấy là chân dung tinh thần, của con người không khuất phục, và quyết giành thắng lợi bằng mọi giá… Sau Balzac, Rodin từ chối mọi tượng đài được đề nghị.

 

Tác giả: Dương Thúy Nga

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *