Vài nét văn hóa tiêu biểu của đền Đông Cuông


Đền Đông Cuông, hay còn gọi là đền Vệ Quốc, nằm trên địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, cách thành phố Yên Bái 55km. Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm: đền chính, miếu Cô, miếu Cậu, miếu Đức Ông. Nơi đây thờ Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn cùng các vị anh hùng người dân tộc thiểu số trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông TK XVIII. Qua nghiên cứu về những đặc điểm tiêu biểu tại nơi đây, tác giả phác họa một vài điểm nổi bật trên bức tranh về chiều sâu văn hóa, lịch sử của Đông Cuông, ngôi đền nơi miền sơn cước.

     Các giá trị tiêu biểu của đền Đông Cuông

     Giá trị lịch sử

     Đền Đông Cuông là nơi khởi nguồn của tục thờ Mẫu Thượng Ngàn. Theo truyền thuyết thì Mẫu là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) cùng công chúa Mỵ Nương, tên là La Bình. Khi Tản Viên và Mỵ Nương theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế về trời, trở thành hai vị thánh bất tử, thì Ngài cũng phong La Bình là công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả 81 cửa rừng, núi non, hang động, trung du, đồi bãi trập trùng của nước Nam ta. Mẫu đã âm phù các triều đại phong kiến trong kháng chiến vệ quốc. Lịch sử nước Việt các thời đã từng ghi lại các chiến công âm phù lừng lẫy của Mẫu như: âm phù tướng sĩ của nhà Lý đánh quân Tống, tướng sĩ nhà Trần đánh quân Nguyên Mông, che chở nghĩa quân Lam Sơn lúc khó khăn… Sau khi lên ngôi, vua phong bà là Lê Mại đại vương diệu tín thiền sư. Nhân dân tôn xưng bà là Chúa thượng ngàn, Mẫu thượng ngàn, Đệ tứ nhạc sơn thánh mẫu.

     Theo tác giả Trần Quốc Vượng, Trần Lâm Biền khảo sát nghiên cứu đền Đông Cuông vào tháng 2 – 1993 thì: “Người Việt là nông dân, trong sản xuất lấy đất, nước làm đầu. Hai yếu tố này là âm, so với trời là dương. Việc nhân cách hóa thần đất, nước vì thế đã mang dạng nữ được đề cao, trở thành mẹ. Mẫu Đông Cuông là đấng vô cùng, một bà mẹ thế gian, khởi đầu của bước phát triển dân tộc. Bà là chúa rừng cai quản mọi nguồn của cải cùng các kiếp đời đã qua, gắn với các thời kỳ người Việt còn sinh sống ở miền rừng núi. Khi xuống tới địa đầu đồng bằng, bà mẹ thiêng liêng đó đã hóa thân thành mẹ xứ sở, mà điển hình là Âu Cơ. Người Việt xuống tiếp vùng đồng bằng cao, đã nảy sinh ra hệ thống các bà mẹ thuộc tứ pháp, là thần linh nông nghiệp, nhằm cầu được mùa. Tứ pháp gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (mây, mưa, sấm, chớp). Xuống tới đồng bằng thấp, hệ thống tứ phủ với các bà mẹ linh thiêng gồm: Trời, Rừng, Nước, Đất được hình thành. Cùng với các bà là cả một hệ thống thần linh xuất thân từ các anh hùng dân tộc trong các cuộc chống ngoại xâm… Như vậy, Mẫu Đông Cuông với đền thờ của bà đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lịch sử hình thành dân tộc” (1).

     Giá trị văn hóa

     Lễ hội đầu năm của đền khởi đầu từ ngày Mão (sau 3 ngày Tết), tế thần bằng lễ hiến sinh trâu trắng, được mổ thịt bằng cách treo trâu lên cây mít cổ thụ trước đền vào giữa giờ Tý. Sản vật được dùng để tế thần linh là trâu trắng, màu trắng trong ngũ hành tượng trưng cho hành Kim. Kim loại là nguyên liệu dùng để sản xuất công cụ chính cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, một số nhà nghiên cứu văn hóa còn chỉ ra, nhiều tộc người thiểu số quan niệm hành Thủy là màu trắng, theo ý niệm thuận nước (mưa thuận, gió hòa).

     Lễ hội mùa thu của đền được tổ chức vào tháng 9 âm lịch hằng năm. Thủ nhang đền lấy tiết trâu đựng vào 12 chén dâng lên Mẫu, nửa còn lại đem ra bãi cát sát mép sông làm nghi lễ hiến sinh tạ ơn trời, đất, sông, núi, các quan binh đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Sau đó hòa tiết trâu vào sông Thao, dòng sông mẹ thiêng liêng chuyển đến các thần linh thượng hưởng, che chở cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân no đủ. Đến giờ Thìn, lễ rước kiệu Mẫu sang sông bằng bè nứa dại (phương tiện giao thông thủy chính xưa) cùng lễ dâng hương tế Mẫu tại đền được diễn ra.

     Giá trị kiến trúc

     Kiến trúc di tích của đền khá đẹp, khang trang, bề thế, đáp ứng được những yêu cầu về kiến trúc của ngôi đền thời Mẫu, như: đền thờ chính (tòa Đại Bái, hậu cung), tòa Sơn Trang, miếu Cô, miếu Cậu.

     Việc thờ phụng ở đền được thể hiện theo hình thức thờ tứ phủ. Cung cấm có 2 pho tượng, tượng Mẫu Vệ Quốc, vua con. Tương truyền, đây là vua con của Thánh Mẫu, là hình thức tôn tượng độc đáo với ý niệm vua nào cũng do một người mẹ sinh ra, mẹ mới là vị thần bảo vệ Tổ quốc. Quan niệm này chỉ có trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, xem mẹ là nguyên lý trong sự phát triển của văn hóa Việt.

     Giá trị khoa học

     Đền Đông Cuông hàm chứa những giá trị to lớn về khoa học, phong thủy, bác học cổ xưa. Điều này được thể hiện từ cách thức chọn đất, vị trí, địa hình, hướng đất có vị trí hiểm yếu, vừa tế trời, vừa canh phòng để bảo vệ Tổ quốc. Di tích hài hòa trong rừng sâu, mang yếu tố cảnh quan, môi trường, do vậy hằng năm tại đây có nghi lễ cúng rừng, thần linh coi giữ 81 cửa rừng.

     Di tích đền Đông Cuông cùng các nghi thức hành lễ góp phần làm sáng tỏ về vấn đề cư trú của người Việt cổ dọc sông Hồng, là cái nôi phát triển đầu tiên của dân tộc. Người Việt cổ định cư hàng chục vạn năm ở vùng đất này với việc tìm ra di chỉ đồ đá cũ Bến Mậu A. Hai nhóm người Việt cổ chính là người Kinh, người Tày cùng chung sống. Sau này, người Kinh theo sông Hồng mở mang, khai khẩn châu thổ Bắc Bộ, người Tày ở lại, tiếp tục thờ Mẫu Thượng Ngàn. Nghi lễ mang sự giao thoa văn hóa trong sự tiếp nhận, bảo tồn. Đến nay, nghi thức cúng tế này càng làm tăng thêm giá trị, bản sắc của di tích.

     Giá trị cố kết cộng đồng

     Trong lễ hội ngày Mão đầu năm, bên cạnh các nghi lễ chính tại đền còn diễn ra nghi thức thụ lộc do nhà đền tổ chức. Giá thành mỗi mâm lộc không cao nhưng những giá trị nhân văn của phong tục này đã góp phần gắn kết cộng đồng.

     Đền Đông Cuông thờ vị thần Mẫu Vệ Quốc có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tâm linh người Việt từ ngàn xưa đến ngày nay. Ngài là vị thần cai quản cõi bờ quốc gia, bảo vệ vùng biên giới của tổ quốc. Ngoài Yên Bái, một số địa phương dọc biên giới cũng thờ thần vệ quốc, nhưng Đông Cuông được các nhà nghiên cứu văn hóa gọi là một khởi điểm khởi đầu của tục thờ thần nữ Việt. Mẫu Thượng Ngàn theo huyền tích Việt chính là Nam Phương thánh Mẫu, vợ của Nam Phương thánh chúa Kinh Dương Vương, con của Thần Nông (2). Chính sự tương đồng ở đối tượng thờ phụng cũng như hình thức thờ như vậy mà hệ thống đền thờ Mẫu suốt dọc các tỉnh miền núi phía Bắc đã tạo ra một khối liên kết vững chắc về tâm linh, một vùng rộng lớn đồng nhất về tín ngưỡng.

     Một vài nhận định về hiện tượng thờ Mẫu tại đền Đông Cuông

     Trên bước đường phát triển của đạo thờ Mẫu, người ta nhận thấy, chính bước thăng trầm của các vị nữ thần đã liên quan trực tiếp đến những mốc phát triển của dân tộc. Con đường đi đó cũng quyết định tới sự hình thành, phát triển của đạo thờ Mẫu. Từ đó chúng ta thấy sự quan trọng của đền Đông Cuông đã như một khởi đầu của mọi điện thờ nữ thần nối tiếp trong lịch sử.

     Nói về hiện tượng thờ Mẫu tại đây, Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục có ghi: “Văn Châu, một người bá hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba nay thuộc địa phận Lâm Thao (Phú Thọ) là học trò Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 – 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), bên sông này có miếu thờ Đông Quang Công chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền công chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn Vi. Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ gọi tên hắn và bảo rằng: “Khi thuyền nhà ngươi trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại Vương, chúa Bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để Đại Vương biết”. Đường thủy mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm, thuyền đi như tên bay, đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này có núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm), Văn Châu theo lời thần dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi” (3).

     Với tín ngưỡng thờ Mẫu cùng các anh hùng có công với đất nước, đền Đông Cuông mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa sâu sắc. Với bức tranh phác họa về những điểm độc đáo này, nơi đây hàm chứa tiềm năng là một điểm du lịch tâm linh, sinh thái lý tưởng dành cho du khách trong những chuyến hành hương về nguồn.

_______________

1, 2. Trần Quốc Vượng, Trần Lâm Biền, Khảo sát nghiên cứu đền Đông Cuông, tháng 2 – 1993.

3. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, quyển 10, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2007.

Tác giả: Trịnh Phương Thu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *