Vài nét về lễ hội truyền thống huyện đông anh

Đông Anh là huyện ngoại thành Hà Nội, có vị trí chiến lược quan trọng không chỉ về vị trí địa lý mà còn là sự tổng hòa của các yếu tố tự nhiên, tạo nên đặc trưng văn hóa riêng biệt cho vùng đất này. Đông Anh đã hai lần được chọn là kinh đô của nước Việt: kinh đô Cổ Loa thời An Dương Vương (208 – 179 trước CN) và kinh đô lần thứ hai sau khi Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 (1).

1. Đông Anh xưa và nay

Đông Anh thời cổ xưa là đất Phong Khê, sau là châu Cổ Lãm, thời Lê Đại Hành là châu Cổ Pháp, nhà Lý đặt là phủ Thiên Đức, đến nhà Trần gọi là Đông Ngàn. Năm 1901, Đông Ngàn tách một phần gọi là huyện Đông Khê nhập vào tỉnh Phủ Lỗ… sau hòa bình lập lại Đông Anh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 31 – 5 – 1961 đến nay, Đông Anh thuộc Hà Nội. Trong sản xuất nông nghiệp, Đông Anh có truyền thống thâm canh, tạo ra nhiều loại cây mang giá trị kinh tế, trở thành đặc sản của địa phương. Bên cạnh đó, Đông Anh còn có nhiều nghề thủ công truyền thống như: dệt ở Thụy Lôi (Thụy Lâm), chạm khắc gỗ mỹ nghệ ở làng Thiết Úng (Vân Hà), sơn mài ở làng Châu Phong (Liên Hà), làm đậu phụ ở làng Chài (Võng La), làm bún ở Mạch Tràng (Cổ Loa)… Với hệ thống giao thông thuận lợi, trong huyện hình thành hệ thống các chợ làng (chợ quê) họp theo phiên, các bến ở ven sông, các phố buôn bán đông đúc như: bến Nhội, bến Mạnh Tân (Thụy Lâm), phố Vạn Khê (Nguyên Khê). Văn hóa làng của Đông Anh mang đặc trưng rõ nét của hai vùng xứ Bắc và xứ Đoài, còn bảo lưu nhiều loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian như: múa rối nước Đào Thục, ca trù Lỗ Khê… Ngoài ra, nơi đây còn có 413 di tích lịch sử văn hóa  –  cách mạng, trong đó nhiều di tích có tuổi đời hàng trăm năm, mang dấu ấn kiến trúc đặc sắc và 93 lễ hội mang đậm chất dân gian với nhiều trò diễn, hình thức diễn xướng độc đáo. Bên cạnh đó, Đông Anh còn được biết đến là vùng đất hiếu học, các làng khoa bảng nổi tiếng như Vân Điềm (Vân Hà), Hà Lỗ (Liên Hà), với 56 tiến sĩ, cùng nhiều hương cống, cử nhân, sinh đồ, tú tài. Các danh nhân tiêu biểu như: Nguyễn Thực, Đỗ Túc Khang, Nguyễn Tư Giản, Dương Cảo, Lê Tuấn Mậu… sau này có nhà văn hiện thực Ngô Tất Tố và nhà văn cách mạng Nguyễn Huy Tưởng – những người đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước (2).

2. Số lượng, loại hình, quy mô và sự phân bố lễ hội truyền thống ở huyện Đông Anh

Số lượng lễ hội

Huyện Đông Anh gồm 23 xã, 1 thị trấn, 156 thôn làng, 40 tổ dân phố, riêng thị trấn Đông Anh không có di tích, lễ hội. Theo thư tịch cổ, các thôn làng đều có di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và lễ hội, tuy nhiên nhiều lễ hội đã bị mai một, không thể khôi phục. Theo số liệu thống kê của Phòng VHTT, toàn huyện hiện có 93 lễ hội, việc thống kê số lượng lễ hội chính là cơ sở nhằm đưa ra những hướng dẫn chỉ đạo phù hợp với yêu cầu thực tế cũng như làm rõ hơn vai trò trách nhiệm của đơn vị quản lý.

Các loại hình lễ hội

Để thuận tiện cho việc quản lý, lễ hội ở Đông Anh được phân loại theo không gian tổ chức lễ hội và tên gọi của loại hình di tích như lễ hội đền, lễ hội đình, lễ hội chùa, lễ hội miếu. Trong đó, lễ hội đình chiếm đa số, với 74 lễ hội, tiêu biểu như: lễ hội đình Thụy Hà (mùng 8 tháng giêng), lễ hội đình Cổ Châu (mùng 9 tháng giêng), lễ hội đình Lương Quy (6 – 2 âm lịch)… Bên cạnh đó, có 8 lễ hội diễn ra tại đền, tiêu biểu như: lễ hội đền An Dương Vương (mùng 6 tháng giêng), lễ hội đền Sái (11 tháng giêng), lễ hội đền Lê Xá (15 – 3 âm lịch)…; 8 lễ hội diễn ra tại chùa, tiêu biểu như: lễ hội chùa Quan Âm (8 – 2 âm lịch)… Lễ hội miếu là loại hình lễ hội chiếm tỷ lệ ít nhất, với 3 lễ hội, tiêu biểu có lễ hội miếu Mạch Lũng (10 – 2 âm lịch)… Cách phân loại này thể hiện được nội dung, hình thức, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa của các lễ hội. Đồng thời, qua cách phân loại này ta thấy được chức năng tín ngưỡng, tôn giáo cùng với diện mạo của loại hình lễ hội mà chúng ta thường gặp.

Quy mô lễ hội

Ở Đông Anh có 2 lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện là lễ hội đền An Dương Vương với hội rước kiệu Bát xã Loa thành và lễ hội đền Sái với hội rước vua giả. Hai lễ hội này do UBND huyện trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo hai xã Cổ Loa và Thụy Lâm thành lập tiểu ban triển khai các hoạt động trong lễ hội. 91 lễ hội còn lại được tổ chức với quy mô cấp xã, thôn, làng, giao cho UBND các xã trực tiếp quản lý dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Phòng VHTT huyện. Thông thường, những lễ hội có mô cấp huyện được tổ chức hàng năm, còn lại 2 – 5 năm khai hội chính một lần. Tuy có sự phân cấp rõ ràng nhưng về cơ bản các lễ hội truyền thống ở Đông Anh vẫn thuộc về cộng đồng dân cư, do nhân dân trực tiếp tổ chức theo sự quản lý, hướng dẫn của các cấp có chuyên môn, bởi thế không có lễ hội làng được mở rộng quy mô tràn lan trên địa bàn huyện Đông Anh (3).

Sự phân bố lễ hội

Ở Đông Anh, có tới 82 lễ hội diễn ra vào mùa xuân, còn lại vào mùa thu và mùa đông. Lễ hội phân bố theo vùng: vùng Nhội – Râm (Thư Lâm) của xã Thụy Lâm có 8 lễ hội, các làng Râm Biếu, Râm Trầm, Râm Bến, Râm Chợ liên quan tới tục rước kiệu các làng Râm, 3 làng Nhội liên quan tới tục rước vua giả; vùng Giỗ – Quậy của xã Liên Hà có 5 lễ hội, các làng Quậy Trước, Quậy Sau, Quậy Rào liên quan tới truyền thuyết vua An Dương Vương rời cư dân cổ vùng đất Cổ Loa để xây dựng kinh thành lập làng mới, vùng Giỗ gồm làng Lỗ Khê (Giỗ Khê), Hà Lỗ (Giỗ Đông), Hà Phong (Giỗ Dong), Hà Hương (Giỗ Hương), Thù Lỗ (Giỗ Thù), thường cả vùng cùng vào đám ngày 12 tháng giêng, sau đó mỗi làng tổ chức hội riêng; vùng Kẻ Dộc của xã Dục Tú có 8 lễ hội; vùng Cối Giang (tổng Cói) của xã Mai Lâm và Đông Hội có 13 lễ hội liên quan tới tục rước Nghênh lăng; vùng Hội Kim của xã Xuân Nộn có 5 lễ hội; vùng Bát xã hộ nhi của xã Cổ Loa cùng các làng lân cận có 9 lễ hội đều liên quan đến việc thờ vua Thục phán An Dương Vương. Riêng xã Kim Nỗ với 4 thôn, 1 khu phố nhưng không có lễ hội nào diễn ra trong năm.

3. Đặc điểm của lễ hội truyền thống ở huyện Đông Anh

Thứ nhất, đây là nơi có những vùng lễ hội lớn: vùng Nhội – Râm, Giỗ – Quậy, Kẻ Dộc, Cối Giang, hội Kim, Bát xã hộ nhi.

Thứ hai, lễ hội truyền thống ở Đông Anh có sự gắn kết, hòa quyện giữa phần lễ và phần hội. Sự gắn kết đó thêu dệt lên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, người tham gia được hòa mình trong không khí lễ hội. Tiêu biểu như lễ hội đền An Dương Vương với phần lễ trang nghiêm trong tiếng trầm hùng của trống, chiêng, đám rước hoành tráng với bát xã kéo dài vài km; hay hội làng Thụy Hà với lễ rước nồi hương ông tổ 8 dòng họ, có sự tham gia của các dòng tộc trong làng để ai cũng tự hào về tổ tiên sinh thành, về quê hương nơi mình sinh ra.

Thứ ba, lễ hội truyền thống của Đông Anh gắn với các trò chơi dân gian độc đáo như: hội cướp cầu (làng Viên Nội); rước bệu, kéo lửa thổi cơm thi (hội đình Lương Quy); kéo rắn (hội đình Xuân Nộn) (4). Các trò chơi dân gian trong lễ hội vừa mang tính thiêng, vừa mang lại không khí náo nhiệt.

Thứ tư, lễ hội truyền thống ở Đông Anh có nhiều hình thức diễn xướng dân gian độc đáo. Hội đình Đường Yên có tục kén rể, lễ hội tái diễn lại toàn cảnh thánh bà thử tài các chàng trai để kén rể cho con gái với nhiều màn thử tài sôi động, hấp dẫn, thu hút hàng trăm lượt người tham dự. Hội đền Sái với tục rước vua giả, được xem là một trong những lễ hội độc đáo nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Kiệu chúa được con cháu tung hô “ông chúa Trò”, màn ướm gươm tức chém tinh gà trắng ở sau đền Thượng rồi rước vua về dinh với màn diễn tích gọi cửa khi vào thành – đây là màn diễn xướng dân gian độc đáo ở vùng cố đô.

Thứ năm, lễ hội truyền thống ở đây mang tính đặc thù của cư dân nông nghiệp. Các xã vùng ven sông Hồng, sông Đuống có tục rước nước tắm thánh (5). Bên cạnh đó, nhiều lễ hội còn duy trì tục kết chạ, đây là truyền thống bao đời của cư dân nông nghiệp từ khi hình thành làng xã. Tục kết chạ thể hiện sự đoàn kết tương trợ, tương thân, tương ái. Hai làng kết chạ cùng suy tôn làng bên là anh, nhận mình là em, không phân biệt ngôi thứ, tuổi tác, khi anh khó khăn thì em hỗ trợ (chủ yếu về canh nông, thủy lợi). Một số làng ở Đông Anh tôn Thần Nông làm thành hoàng làng, hàng năm tổ chức hội mong Thần Nông ban phúc lành, cầu mong nhân khang, vật thịnh, phong đăng hòa cốc. Ngoài ra còn có lễ hội cầu mát với đám rước mã lớn để cầu mong một năm mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.

Thứ sáu, việc tổ chức lễ hội tôn vinh tổ nghề ở một số làng rất đặc sắc. Tại làng Thiết Úng, xã Vân Hà thờ tổ nghề chạm khắc là Lỗ Ban, hàng năm mở hội với cuộc thi khéo tay nghề, dòng họ nào được giải thì năm đó làm ăn phát đạt, thịnh vượng, quan trọng hơn cả là giáo dục cho thế hệ trẻ biết ơn tổ tiên sinh thành đã ban cho làng một nghề mà không phải nơi nào cũng có.

Thông qua một số đặc điểm nêu trên có thể xác định được cơ chế quản lý lễ hội ở các địa phương nói chung và Đông Anh nói riêng một cách hợp lý, từ đó có mục tiêu, phương thức tổ chức lễ hội truyền thống hệ thống, rõ ràng hơn, mang tính nhân văn, thể hiện đầy đủ ý nghĩa của lễ hội.

_______________

1. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đông Anh, Đông Anh với nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2010.

2, 3. Phòng VHTT huyện Đông Anh, Báo cáo tổng kết công tác lễ hội các năm từ 2001 – 2011, Đông Anh.

4. Nguyễn Thị Hải, Lễ hội rước vua sống làng Nhội, thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, 2012.

5. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Lễ hội truyền thống làng Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, 2013.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ MỸ LINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *