Vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong xây dựng đời sống văn hóa ở thanh hóa

Thanh Hóa là một trong những tỉnh của cả nước có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1535 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 134 di tích được xếp hạng quốc gia, 412 di tích xếp hạng cấp tỉnh với nhiều di tích nổi tiếng như Núi Đọ, Đông Sơn, khu di tích Lam Kinh, Bà Triệu, Lê Hoàn, Ba Đình, Hàm Rồng, đền thờ danh tướng Lê Uy, Chu Văn Lương, đặc biệt là khu di tích văn hóa làng cổ Đông Sơn… Do đó, việc phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) xã phường, thị trấn để nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân trên địa bàn tỉnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn phát huy văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Với vai trò là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị ở cơ sở, là nơi cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, TCCSĐ xã phường, thị trấn ở tỉnh Thanh Hóa có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia có hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, tham gia có hiệu quả vào cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Các TCCSĐ xã phường, thị trấn đã bám sát chức năng, nhiệm vụ cấp cơ sở; bồi dưỡng năng khiếu cho các hạt nhân văn nghệ, thể thao; tổ chức thông tin, tuyên truyền, cổ động, triển lãm tranh, ảnh; hoạt động thư viện, tủ sách, chiếu phim video; sinh hoạt nhiều câu lạc bộ phong phú và đa dạng; tổ chức các hoạt động thể thao (cầu lông, bóng bàn, bóng đá, võ thuật…) và tổ chức hội họp, sinh hoạt, tập huấn nghiệp vụ của các tổ chức, đoàn thể. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa… được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò của văn hóa, thu hút sự tham gia, quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động xã hội, từng bước xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, nhằm tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Theo thống kê của UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 78% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; 77,9% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 55% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đã có 180 xã đạt chuẩn văn hóa NTM; 19 phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao gắn với quy hoạch xây dựng NTM. Với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh cùng với nguồn vốn xã hội hóa to lớn đã tạo nên nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Tại nhiều địa phương, hệ thống trung tâm VHTT xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn được xây dựng, nâng cấp với số tiền hàng chục tỷ đồng, tiêu biểu như Quý Lộc (Yên Định), Thiệu Trung (Thiệu Hóa), các xã Nga An, Nga Thanh (Nga Sơn), Trường Sơn, Tế Lợi (Nông Cống), Quảng Yên (Quảng Xương)… Để phát huy vai trò của TCCSĐ xã phường thị trấn trong nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân ở Thanh Hóa hiện nay, cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản.

Thứ nhất, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho quần chúng nhân dân về vai trò và tầm quan trọng của việc nâng cao đời sống văn hóa. Đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên làm tốt công tác thông tin đến với nhân dân đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về những thiết chế văn hóa, về các phong trào xây dựng đời sống văn hóa của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, của tỉnh ủy thì mới làm cho quần chúng nhân dân biết và có những hành động, việc làm để không ngừng bảo tồn, phát huy những giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình, đấu tranh, loại bỏ những văn hóa lai căng, những hủ tục lạc hậu đang ngự trị trong đời sống của bà con nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ phải bám sát cơ sở, đi sâu vào từng thôn, bản để nắm bắt, tìm hiểu đời sống của bà con ở nơi đó để có cách thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục cho hiệu quả. Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần bám sát đặc điểm của từng vùng, từng địa phương hướng vào xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, tiến bộ; thực hiện nếp sống văn minh, bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp của thôn, bản, làng quê, xã, phường, thị trấn. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin đến từng thôn, bản, xã, phường về kết quả đạt được của hoạt động xây dựng đời sống văn hóa nhân dân ở mỗi vùng, qua đó, làm cho bà con nhân dân thêm phấn khởi, tự hào về sự đóng góp của mình cho làng quê, thôn bản và củng cố, xây dựng ý chí quyết tâm cao trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đời sống văn hóa trong thời gian tiếp theo.

Thứ hai, tổ chức và thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, đây đã thực sự trở thành phong trào văn hóa lớn, có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Phong trào đã thực sự phát huy tiềm năng và huy động sức mạnh tổng hợp của mọi người dân vào việc xây dựng nếp sống văn minh tiến bộ ngày càng văn minh, sạch đẹp; làm khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư, cùng quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống; làm cho người dân ngày càng ý thức và tự giác trong việc đóng góp trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước ở địa phương, sẵn sàng san sẻ, trợ giúp các trường hợp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống. Thông qua các hoạt động của phong trào và cuộc vận động, ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt, gia đình văn hóa thôn văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa; công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn. Hệ thống chính trị ở cơ sở, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và mở rộng, tạo mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể với nhân dân và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Phong trào cũng đã có tác dụng trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức, lối sống, làm cho mỗi cán bộ, công chức ngày càng nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến dân. Phong trào đã thực sự trở thành ngày hội để cho quần chúng nhân dân không ngừng phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh của từng địa phương để đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế xã hội địa phương, thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng, Nhà nước xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở; khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư. Việc quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa thông tin xã phường, thị trấn ở Thanh Hóa đã thực sự trở thành một nhu cầu bức thiết, một đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Xuất phát từ sự quan tâm đó, công tác củng cố, xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các cấp ủy, chính quyền có chú trọng củng cố, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa. Mức đầu tư cho hoạt động sự nghiệp và kinh phí xây dựng cơ bản tăng hơn trước; xây dựng thêm nhiều công trình văn hóa theo hướng xã hội hóa. Tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới quảng trường, công viên, hoa viên, trung tâm văn hóa thể thao các huyện, thị xã, bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa xã… Xây dựng mới bảo tàng, thư viện, nâng cấp các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần thu hút du khách, tuyên truyền về lịch sử, văn hóa địa phương đến du khách, tạo cảnh quan đẹp, tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hóa vui tươi, văn minh, lành mạnh.

Thứ tư, tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ phát triển văn hóa, khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia vào xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở. Vai trò của TCCSĐ xã phường, thị trấn trong nâng cao đời sống văn hóa của quần chúng nhân dân ở tỉnh Thanh Hóa ở mức độ nhất định, việc quán triệt và thẩm thấu những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước và tổ chức thực hiện theo đường hướng đã xác định lại phụ thuộc rất lớn vào quần chúng nhân dân, bởi họ chính là chủ nhân sáng tạo ra những giá trị văn hóa và hưởng thụ những giá trị do chính mình làm ra. Vì vậy, thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động vui chơi giải trí, xóa đói giảm nghèo, có những cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý, kịp thời để phát huy vai trò tự quản các thiết chế văn hóa trong quần chúng nhân dân để họ thấy được vai trò quan trọng của mình, từ đó, nâng cao ý thức tinh thần trách nhiệm của mình trong tham gia vào việc xây dựng, giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh và đấu tranh với những văn hóa lai căng, đồi trụy không đúng với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của địa phương. Hiện nay, trước sự xâm lấn của văn hóa phương Tây và những mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động ảnh hưởng phần nào đến những lễ hội, phong tục, tập quán địa phương và truyền thống văn hóa gia đình, những cái tốt xấu, thật giả, trắng đen… đan xen lẫn lộn nhau, hòa vào nhau khó có thể nhận biết, phân biệt được nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không có nhãn quan chính trị nhạy bén. Do đó, cùng với việc đề cao ý thức trách nhiệm của mọi người dân cần kêu goi sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần của các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh để xây dựng, tu bổ, làm mới những di tích lịch sử, những công trình tưởng niệm, những nhà văn hóa ở các thôn, bản, xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Thứ năm, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền ở các cấp trong việc phối hợp, lãnh đạo, tổ chức, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền ở các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là nhân tố quan trọng bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống văn hóa của quần chúng nhân dân. Quán triệt sâu sắc những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa trong thời kỳ mới: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1), Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI(2). Trên cơ sở đó TCCSĐ ở các xã phường, thị trấn cần cụ thể hóa, thể chế hóa thành những quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho từng khu vực, từng địa bàn để huy động được sự tham gia, hưởng ứng của quảng đại quần chúng nhân dân lao động trong nâng cao đời sống văn hóa hiện nay. Xây dựng những chế tài, đặt ra những yêu cầu cao trong chấp hành nghiêm các quy định do cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặt ra. Có như vậy, mới bảo đảm tính truyền thống và hiện đại, kế thừa và phát triển trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa ở mỗi địa phương. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với những nơi chấp hành không nghiêm các quy định của cấp ủy, chính quyền còn để xảy ra hiện tượng lộn xộn, rườm rà trong tổ chức lễ hội, một số hộ chưa tham gia tích cực vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, lạm thu trong tu bổ, xây dựng các thiết chế văn hóa địa phương…

Thứ sáu, thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, khắc phục những mặt yếu kém trong các hoạt động và phong trào liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Thông qua hội nghị tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về việc phát huy vai trò của TCCSĐ xã phường, thị trấn để nâng cao đời sống văn hóa của quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tìm ra được những nhân tố mới tích cực, điển hình ở các hoạt động khác nhau. Tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy các tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu vươn lên để đạt được kết quả như mong muốn, đồng thời tạo không khí thi đua dân chủ, cởi mở tích cực cho các đơn vị bạn. Việc tổ chức các Hội nghị mang tính khách quan, dân chủ, phát huy được ý thức tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lao động trong tham gia xây dựng, hiến kế, bổ sung tìm ra những cách thức, biện pháp hữu hiệu nhất, hiệu quả nhất.

Nâng cao đời sống văn hóa của quần chúng nhân dân là yêu cầu bức thiết đặt ra cho các TCCSĐ ở xã phường, thị trấn nói chung và ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Bởi đó là những tiền đề rất căn cốt, cơ bản tạo động lực thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nội dung, yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế xã hội, qua đó, làm cho văn hóa thấm sâu vào trong tư tưởng, nhận thức, hành động của quần chúng nhân dân lao động, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

______________

1. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đàn bản sắc dân tộc, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 1998.

2. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2011. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018

Tác giả : LÊ XUÂN DŨNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *