Về quyền bình đẳng của phụ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho phụ nữ những tình cảm đặc biệt. Trên con đường đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo tố cáo tội ác man rợ của chế độ thực dân cũng như lễ giáo phong kiến Việt Nam đối với người phụ nữ. Trong bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp” đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) ngày 1/8/1922, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa”, “trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì”. “Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”. Người khẳng định: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược, ngoài phố, trong nhà, giữa chợ, hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan lại cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao tinh thần yêu nước và sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người khẳng định: Cách mạng muốn thành công thì phải khơi dậy được sức mạnh của phụ nữ và phải xóa bỏ mọi rào cản hạn chế sự tham gia của họ. Dù là phương diện nào thì Người đều thông cảm sâu sắc với nỗi khổ của phụ nữ: đề cao đức hy sinh của họ, tìm cách thức tỉnh và tạo điều kiện để phụ nữ được giải phóng, tham gia cách mạng.
Trong bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn 2 điều quan trọng: Một là, “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả việc lãnh đạo”. Hai là, “Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên” . Theo Người “Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Rõ ràng, phụ nữ cũng phải đấu tranh để giải phóng mình. Muốn tự giải phóng và khẳng định vị trí, vai trò của mình đối với xã hội, phụ nữ phải đoàn kết, phải hiểu biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình, có khả năng và tinh thần làm chủ, có đức có tài. Phụ nữ cần phải nỗ lực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, phải nêu cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu, phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập.
Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội vui mừng được gặp Bác Hồ, ngày 25/11/1965
Ảnh tư liệu: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của phụ nữ trong tình hình hiện nay
Ở Việt Nam, quyền bình đẳng của phụ nữ đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đặc biệt. Ngay sau khi giải phóng đất nước, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia ký Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) vào ngày 29/7/1980 và đã được phê chuẩn ngày 27/11/1981. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bên cạnh việc chăm lo cho phụ nữ, Đảng còn phát huy vai trò chủ thể, sự chủ động đóng góp của phụ nữ với tư cách là nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Ngay buổi đầu đổi mới, công tác vận động phụ nữ được xác định rõ trong Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới. Nghị quyết khẳng định: “Sự nghiệp giải phóng phụ nữ và công tác phụ nữ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, của toàn xã hội và từng gia đình. Đường lối giải phóng phụ nữ phải được thể chế hóa và cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước”. Tiếp đó là Chỉ thị 37/CT-TW, ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới. Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 24/4/2007 về công tác phụ nữ cũng nêu rõ: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới”. Đại hội XI của Đảng (2011) tiếp tục khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình; tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Đại hội XII của Đảng (2016) đã xác định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ”.
Với mục tiêu cao nhất là sự phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình hội nhập quốc tế, việc chăm lo, phát huy vai trò phụ nữ, ngoài việc tiếp tục mục tiêu “xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện”, Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xác định giải pháp quan trọng: “Xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề”. Nhờ đó, phụ nữ ngày càng chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nguồn nhân lực nữ chất lượng cao từng bước hình thành, trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng, trong đó nhiều cán bộ nữ đảm nhiệm các vị trí chủ chốt, có cả nữ cán bộ cấp cao là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy… Kết quả đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy các cấp cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ cấp xã chiếm 19,69% (tăng 1,59%); cấp huyện đạt 14,3% (tăng 0,3%); cấp tỉnh đạt 13,3% (tăng 1,9%); cấp Trung ương có 17/180 ủy viên chính thức, đạt 9,4% (tăng 0,8%) và có 3 nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, chiếm 15,7%.
Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước đã ban hành Luật Bình đẳng giới (được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo cho phụ nữ được tham gia sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2001-2010; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”; Quyết định số 681/QĐ-TTg, ngày 4/6/2019 về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2030, giảm tất cả các hình thức suy dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho các đối tượng là trẻ em, trẻ em gái vị thành niên, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, người cao tuổi. Cùng với đó, vai trò của các cấp Hội trong tham gia quản lý nhà nước tiếp tục được khẳng định. Nghị định số 56/2012/NĐ-CP, ngày 16/7/2012 quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước đã tạo cơ chế, điều kiện để các cấp Hội hoạt động, huy động sự tham gia của phụ nữ trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, góp phần thực hiện các chương trình kinh tế – xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ: Đó là sự chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn tồn tại, cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới. Ước tính, tỷ lệ thu nhập kiếm được của nữ so với nam là 0,69%, nghĩa là cứ 100.000 đồng nam giới kiếm được thì nữ giới chỉ kiếm được 69.000 đồng. Tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng. Thực tế cho thấy: tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 ở cấp xã chỉ đạt 19,69%; cấp huyện chỉ đạt 14,3%; cấp tỉnh chỉ đạt 13,3%. Vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục. Số liệu tổng hợp của 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, chỉ tính riêng năm 2016, số vụ bạo lực gia đình có nạn nhân là phụ nữ là 9.733 vụ. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng lên, từ 106,2 bé trai/100 bé gái (năm 2000) lên 112,2 bé trai/100 bé gái (năm 2014); năm 2015, tỷ số này là 112,8 bé trai/100 bé gái, và năm 2016 là 112,2 bé trai/100 bé gái, hiện nay lên đến 114,8 trẻ trai/ 100 trẻ gái sinh ra.
Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt quyền bình đẳng của phụ nữ trong tình hình hiện nay
Một là, cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Thúc đẩy hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, xã hội, gia đình và phụ nữ về quyền của phụ nữ, trong đó chú trọng việc thường xuyên mở các lớp đào tạo về giới, bình đẳng giới và quyền cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo nữ của các ban ngành, đoàn thể, cán bộ Hội Phụ nữ các cấp và nhân dân. Tiếp tục lồng ghép vấn đề giới và bình đẳng giới, quyền của phụ nữ vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt, phải chú trọng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới với những đảm bảo mang tính đặc thù về quyền của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giúp họ có khả năng lồng ghép các chính sách về giới vào các chương trình kinh tế – xã hội ở địa phương có hiệu quả hơn.
Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền của phụ nữ. Đồng thời, luật hóa đầy đủ, kịp thời các chuẩn mực quốc tế về quyền của phụ nữ trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết; phê chuẩn, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, khắc phục hạn chế, rào cản từ thể chế, quan tâm xây dựng thể chế đặc thù bảo đảm quyền của phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số theo yêu cầu của Công ước CEDAW để tạo cơ sở pháp lý cho phụ nữ Việt Nam tiếp cận và hưởng quyền bình đẳng.
Ba là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị về bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, tạo sự vận hành đồng bộ của các thiết chế từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhất là tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành, ra quyết định, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật và thực thi quyền bình đẳng của phụ nữ trong thực tiễn đời sống; cần nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự phối hợp liên ngành túc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, từ đó hạn chế tình trạng vi phạm quyền của phụ nữ. Đây được coi là giải pháp quan trọng góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đồng thời, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền có thể xác định được tính khả thi, tính hợp lý của chủ trương, nghị quyết của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Năm là, bản thân người phụ nữ phải nỗ lực vươn lên, vượt qua rào cản để tiếp cận và hưởng thụ quyền. Phụ nữ phải ý thức được đầy đủ vai trò về giới của mình. Để làm được điều đó, phụ nữ cần có thêm sự tự tin để có bản lĩnh vượt qua định kiến giới và hướng đến mục tiêu tự khẳng định mình. Phụ nữ phải thể hiện mình thật sự có vai trò trong cuộc sống gia đình và ngoài xã hội; tự đào tạo, bồi dưỡng để bù đắp những thiếu hụt của bản thân, để đảm bảo điều kiện cần và đủ sẵn sàng nhận giữ trọng trách mới. Phụ nữ phải có sự tôn vinh lẫn nhau, tránh tình trạng níu kéo nhau giữa cán bộ nữ và xem thái độ ứng xử ấy như một cách khẳng định phẩm chất lãnh đạo của mình. Phụ nữ trí thức cần xóa bỏ tâm lý an phận, tự thỏa mãn, luôn có ý thức cầu tiến, độc lập trong tư duy; sống có mục đích và lý tưởng.
Từ những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao và khẳng định giải phóng phụ nữ là một mục tiêu, động lực của cách mạng Việt Nam. Nhờ vậy, phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành về mọi mặt, được xã hội tôn vinh. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên, phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Phụ nữ Việt Nam đã tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp từ trung ương đến địa phương, ngày càng nhiều phụ nữ trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sĩ… Vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Tác giả: Đoàn Thị Kiều TIên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)