Văn hóa truyền thống ở làng đúc đồng kẻ chè, thanh hóa

Trong máu thịt của nhiều thế hệ nghệ nhân đúc đồng làng Chè tỉnh Thanh đã thấm mùi khét của thịt da hun lửa đồng, mùi chua cay của rượu gạo, mùi hôi nồng của thân thể những ngày dõi theo việc đúc đồng nhằm cho ra những sản phẩm chất lượng cao. Những sản phẩm đó thể hiện bàn tay tài hoa và tâm hồn tinh tế của người dân làng Chè. Tìm hiểu dấu vết hiện còn, những câu chuyện dân gian thông qua câu đố, ca dao, hò vè, tục ngữ, ghi chép trong tộc phả, gia phả, thần phả, tục lệ, khoán ước… có thể thấy tục tế thánh Khổng đi cùng với sinh hoạt nghi lễ của làng Chè. Ngoài ra còn có các lệ làng như: lệ Seo, xôi rá, tế cầu phúc, cơm mới, kỵ thánh sư… còn lưu truyền về nghề đúc tỉnh Thanh làm nên không gian văn hóa với đầy huyền tích.

Nghề đúc đồng Kẻ Chè (nay là làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) có từ thời kỳ dựng nước, nhưng trong buổi lịch sử nhuốm màu huyền thoại đó, sử sách không còn ghi lại hoặc đã bị tiêu hủy trong nghìn năm Bắc thuộc về thời kỳ lẫy lừng của nền văn hóa, văn minh trong kỹ thuật đúc đồng của người Việt. Chỉ biết mạch nguồn đồ đồng Đông Sơn ấy vẫn âm ỉ cháy cho đến cuối tiền Lê, đầu Lý, thánh sư Khổng Minh Không, người đúc thành công An Nam tứ đại khí đã truyền nghề cho hai anh em ruột người họ Vũ ở làng Chè. Hai ông này đã mang nghề đúc đồng về truyền lại cho bà con trong làng. Từ đó ở làng Chè có câu: Đất họ Lê, nghề họ Vũ, có nghĩa là đất do dòng họ Lê khai phá, nghề do họ Vũ truyền lại.

Xưa làng Chè có hai phường là xóm trên và xóm dưới, được thiết lập theo tổ chức xã hội của nhà nước phong kiến quy định, ngoài ra còn tổ chức theo dòng họ và nghề nghiệp. Ước tính mỗi phường có khoảng 100 thợ, chủ phường thường là người đứng đầu một dòng họ lớn, có tay nghề cao, uy tín, kinh nghiệm. Sản phẩm là các mặt hàng dân dụng và mỹ nghệ. Về sau do nhu cầu đời sống, thợ làng Chè còn sản xuất thêm các mặt hàng công nghiệp và quốc phòng.

Văn hóa của làng từ xưa đến nay vẫn là văn hóa nghề đúc đồng Đông Sơn truyền thống. Vì vậy, sinh hoạt nghi lễ của phường đúc chính là sinh hoạt văn hóa nơi đây. Hàng năm, dân làng tế lễ tổ sư nghề đúc vào ba kỳ. Lần thứ nhất là lễ tế xuân vào ngày mùng 8 tháng giêng (lễ cầu an) nhằm ca ngợi công đức của người đã tìm ra đất để hành nghề. Lễ tế lần thứ hai vào ngày mùng 3 – 6 âm lịch (ngày giỗ sư tổ nghề đúc), thể hiện lòng thành kính của con cháu kế tục nghề nghiệp của tổ sư truyền lại. Lễ tế lần thứ ba được tổ chức vào ngày 14 – 9 âm lịch (ngày sinh ngài) là lễ tế thu, ca ngợi công đức của người đã sinh ra nghề. Vào những ngày lễ, các tộc nghề đúc đồng trong làng đều tham gia vào tế lễ rước lửa thiêng về chập lò cầu thành công.

Do hai yêu cầu về quan hệ huyết thống và nghề nghiệp nên tổ chức họ tộc được hình thành, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa làng nghề như tập tục, lề thói, lễ nghi… Đã thành tiền lệ, đầu xuân những người trong cùng họ tộc chúc nhau sức khỏe, làm ăn, hay phổ biến kinh nghiệm đúc đồng và kinh doanh hàng hóa của làng nghề. Những câu thành ngữ, tục ngũ, ca dao về nghề đúc đồng được hình thành, bồi đắp, sàng lọc từ nguồn cảm hứng mà anh em trong họ tộc dành cho nhau trong mâm rượu chúc tụng ngày tết, đã trở thành sáng tác văn học dân gian của làng đúc Kẻ Chè. Cũng từ những sinh hoạt văn hóa cộng đồng đầu năm, các lò đúc chọn ngày lành tháng tốt để nổi lửa, đúc khai xuân lấy ngày đẹp, cầu nguyện sư tổ làng nghề ban phúc lộc cho việc làm ăn vui vẻ cả năm.

Trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, nghề đúc đồng làng Chè vẫn kiên cường tồn tại và phát triển. Có thể nói thủ công nghiệp Việt Nam thời phong kiến chưa được coi trọng, thậm chí còn là nghề nặng nhọc, lao dịch, có lẽ tính chất lao động khác biệt với việc làm nông. Thậm chí trong Hình Thư của nhà Lý có nội dung: “Năm 1117, nhà vua ban lệnh cấm giết trâu bò… kẻ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khiên giáp (phục dịch trong quân), xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ (chăn nuôi tằm) và phải bồi thường trâu…”.

Ngày nay làng nghề đúc đồng Kẻ Chè vẫn phát triển, nghệ nhân ở đây vừa tạo hình, làm khuôn, đúc bản phôi, vừa gia công hoàn thiện tạo hình bề mặt sản phẩm. Công việc này không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế, mà còn thể hiện sự đam mê yêu nghề, tự hào về thương hiệu của quê hương, trách nhiệm với hậu thế.

Những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần còn hiện hữu là bằng chứng chứng minh nghề truyền thống Kẻ Chè có bề dày gần ngàn năm lịch sử. Hệ thống văn hóa vật chất bao gồm: di tích lịch sử thờ sư tổ nghề đúc đồng, các công xưởng đúc đồng và xưởng chạm khắc, đánh bóng hoàn thiện sản phẩm, cửa hàng giới thiệu sản phẩm… Hệ thống văn hóa tinh thần bao gồm: văn tự di chỉ làng tại đền thờ tổ, bia ký, truyền thuyết dân gian tổ nghề và hai ông trùm nghề họ Vũ… Đặc biệt trong số đó phải kể đến một số sáng tác văn học dân gian về nghề đúc làng Kẻ Chè thông qua các câu đố, ca dao, hò vè, tục ngữ…

Nói về cảnh lao động của những người thợ đúc đồng, nhân dân có câu:

 Muốn uống nước chè cặm tăm

 Mời về Trà Đúc mà làm đất khuôn

Muốn ăn cơm trắng với tôm

Thổi bễ thúc dồn chớ có nghỉ tay

Đúc đồng không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà cũng tốn nhiều sức lực và sự chăm chỉ. Vì sản phẩm chủ yếu ở đây là các loại đồ đồng dân dụng như nồi, mâm, xanh, niễng, bát hương, đèn, chân đèn… Đặc biệt, những thợ giỏi có kinh nghiệm và kỹ thuật cao có thể đúc được các loại sản phẩm nghệ thuật như tượng, chuông, cồng, chiêng… Việc đúc các sản phẩm này rất khó, ngoài yêu cầu về chất lượng, cũng phải đáp ứng được về thẩm mỹ. Chính vì vậy, người nghệ nhân nơi đây phải làm việc chăm chỉ miệt mài, để kỹ năng chế tác điêu luyện dần dần biến thành kỹ xảo chế tác các sản phẩm đạt chất lượng cao.

Quá trình chuyển hóa từ đồ đồng qua các khâu sử dụng, sau khi hỏng lại trở về lò đúc được người dân địa phương ví von:

Ở nhà má đỏ hồng hồng

Khi đi lấy chồng lại bỏ quê cha

Bao giờ tuổi tác về già

Quê chồng lại bỏ, quê cha lại về

Nghề đúc đồng ở Kẻ Chợ ngoài việc khai thác nguyên liệu từ các mỏ quặng đồng, còn tận dụng các nguồn đồng thứ phẩm (đồng nát) từ nhiều nơi mua về. Câu đối như một sự ví von đồng nát như cô gái trẻ đẹp đi lấy chồng, đến khi về già lại quay về quê nhà để được tái sinh.

Chợ Chè xưa là nơi buôn bán tấp nập nhất trong vùng, cũng là nơi bán sản phẩm từ các lò đúc Trà Đông và mua phế liệu của nhiều nơi đem đến. Cảnh tấp nập đông vui của chợ được ca dao địa phương ghi lại:

Chợ Chè một tháng sáu phiên

Phường buôn phường bán khắp miền về đây

Cảnh chợ buôn bán vui thay

Tiếng đồn Trà Đúc đến nay vẫn truyền

Ca ngợi người nâng nồi đồng để đổ vào khuôn vất vả, đó là ông Xiêm. Ông đổ ba mươi sáu cơi đồng, mỗi cơi đồng có khoảng từ 10 đến 20 kg để đổ vào khuôn. Lỗ thiếu là đường dẫn nước đồng chảy vào khuôn:

Ông Xiêm đầu bạc như cò

Sao ông chẳng lo

Vác 36 cơi đồng đổ vò lỗ thiếu

Trong đời sống người dân Kẻ Chợ luôn nhắc nhở con cháu câu nói về tính bí truyền của nghề đúc đồng: Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ. Nghề đúc là nghề gia truyền, nghệ nhân phải đào luyện cả đời những kỹ thuật đúc, chạm khắc, vì vậy, câu nói vừa thể hiện tính chất nghề nghiệp, vừa hàm ý răn dạy con cháu phải bền bỉ lao tâm khổ tứ với nghiệp gia đình. Mối quan hệ nghề nghiệp giữa chồng với vợ, giữa cha mẹ và con cái, cháu chắt vì thế gắn bó khăng khít với nhau trong nghề đúc đồng.

Ban đầu, nghề đúc đồng chỉ có ở một số gia đình trong làng, về sau do nhu cầu sử dụng rộng rãi nghề phát triển lan ra khắp làng. Đơn vị sản xuất chủ yếu là gia đình, chủ nhà cũng là chủ lò đúc. Việc đúc đồng là công việc nặng nhọc, vất vả, đa phần do đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Phụ nữ chủ yếu làm các công việc phụ trong nhà và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, vai trò của đàn ông làng Chè được các bà vợ ghi nhận một cách sinh động trong ca dao:

Làng Chè vui lắm ai ơi

Một ngày hai bữa chỉ ngồi ăn không

Việc làm đã có ông chồng

 Đúc một nồi đồng nuôi chín miệng ăn

Đúc đồng là quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm các bước, thao tác kỹ thuật khác nhau, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Kinh nghiệm trong nghề đúc thường được truyền cho con trai trong gia đình, không được truyền cho con gái vì con gái lấy chồng sẽ mang theo bí quyết sang làng khác…

Qua nội dung hệ thống văn hóa vật chất và tinh thần có thể thấy những giá trị văn hóa tiêu biểu, tài nghệ, tư tưởng, tâm hồn, tình cảm của nghệ nhân và đặc biệt là lòng tự hào, biết ơn của các thế hệ kế tục truyền thống của văn hóa làng nghề đối với tổ nghề.

Trong khi nhiều làng nghề truyền thống đang dần bị mai một, ví như cùng nghề đúc đồng, nhưng ở phường Ngũ Xã (Hà Nội) hiện chỉ còn hai hộ gia đình nghệ nhân Ngô Thị Đan và Nguyễn Văn Ứng còn nổi lửa, thì làng Kẻ Chè ngày càng phát triển, trở thành thương hiệu được người dân trong và ngoài tỉnh tin dùng. Các nghệ nhân đã khôi phục được những sản phẩm truyền thống như đúc chiêng, trống đồng, tượng đồng, đồ thờ, lư hương con giống… và đỉnh cao nhất là nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những chi tiết tinh xảo theo hoa văn kiểu dáng truyền thống.

Hiện nay, làng có hàng trăm lò đúc đồng với hàng nghìn thợ thủ công lao động ngày đêm. Mỗi năm, cho xuất xưởng nhiều mặt hàng, đồ gia dụng được tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu đi nước ngoài. Các kỹ thuật, công đoạn của nghề đúc đồng ở đây được nghệ nhân thực hiện thủ công truyền thống theo lối cha truyền, con nối qua nhiều thế hệ. Từ chính làng nghề đã cho ra đời những sản phẩm đúc đồng phong phú về hình thức, đa dạng về chủng loại phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là phục vụ các công trình tôn giáo và sản phẩm đặc thù khác.

Từ sự phát triển của làng nghề đúc đồng Kẻ Chợ có thể thấy được một số đặc trưng trong cách thay đổi để bắt kịp xu hướng chung của đất nước và thế giới từ đó giữ vững và phát huy được nghề truyền thống của dân tộc.

Sự phát triển của nghề đúc đồng từ đời này qua đời khác đã làm nên nhịp điệu lao động đặc trưng: một xã hội làng nghề bán nông, bán công, bán thương khá đa dạng, phong phú.

Sự tác động hai chiều của kinh tế vật chất và văn hóa nghệ thuật thông qua: nông nghiệp ổn định giúp cho nghề thủ công hưng thịnh do sử dụng nông nhàn và vật lực hỗ trợ thủ công nghiệp.

Chất lượng của văn hóa, nghệ thuật thấm đẫm trong từng sản phẩm, làm cho nó có hồn, đặc điểm riêng hấp dẫn khách hàng, lan tỏa và tạo ra thị trường một cách bền vững. Do vậy trải qua nhiều thăng trầm làng nghề vẫn tồn tại.

Sự hài hòa của văn hóa, nghệ thuật với phát triển kinh tế của làng nghề đúc đồng đã thúc đẩy lòng tự hào, tự tôn nghề nghiệp, kết dính các phường thợ đoàn kết phát triển, xây dựng quê hương.

Vai trò của các thợ cả, trưởng phường thợ ở đây rất cao, họ khéo léo phát huy truyền thống vào xu hướng ở thời hiện đại, cung cấp những sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, họ biết kết nối, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền với nhiều chương trình khác nhau, nhờ đó làng nghề ngày càng thịnh vượng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : LÊ THỊ THANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *