Văn hóa Việt Nam với mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững


Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng
ta là sự kiện trọng đại của đất nước. Nghị quyết
Đại hội XIII của Đảng là sự tổng kết sâu sắc lý
luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện
vọng của toàn Đảng, toàn dân; có giá trị định
hướng và chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của
Đảng, Nhà nước đối với mọi lĩnh vực cuộc sống,
trong đó có lĩnh vực văn hóa. Để triển khai thực
hiện Chỉ thị 01-CT/TW về việc nghiên cứu, học
tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực
hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tác giả
xin góp thêm tiếng nói từ góc nhìn của văn hóa,
đó là vấn đề văn hóa với mục tiêu phát triển
nhanh và bền vững của Việt Nam hiện nay.

1. Quan điểm của Đảng về văn hóa và phát triển từ thời kỳ đổi mới

Ngay từ khi mới bước lên vũ đài chính trị, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã nhận thức đúng về vai trò của văn hóa. Nhận thức đó được bổ sung, hoàn thiện dần trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Năm 1986 được coi là bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã mở đầu công cuộc đổi mới đất nước. Phát triển văn hóa được nhắc đến trong nhiệm vụ 5 của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, chỉ có một dòng nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng vì đã gọi tên bản chất nền văn hóa: Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Đảng ta xác định xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội gồm 6 đặc trưng cơ bản: do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới. Trong 6 đặc trưng trên, văn hóa đứng vị trí thứ 3, vị trí then chốt, với nội hàm được xác định rõ: nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1).

Đại hội lần thứ VIII diễn ra khi đất nước đã đi qua 10 năm đổi mới, vượt qua một giai đoạn thử thách gay go. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (7-1998) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (2). Nghị quyết đưa ra các quan điểm chỉ đạo cơ bản có sự đổi mới, có giá trị về cả lý luận và thực tiễn, gồm 5 nội dung cơ bản: Một là, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Hai là, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ba là, nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bốn là, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Năm là, văn hóa là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng. Quan điểm văn hóa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, khẳng định mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị và kinh tế (3). Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện lý luận về văn hóa của Đảng, định hướng phát triển văn hóa trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đại hội IX của Đảng tiếp tục khẳng định, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Bước phát triển trong quan điểm của Đảng về văn hóa thời kỳ này là nhấn mạnh mục tiêu hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện… Đến Đại hội X của Đảng, với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, những yêu cầu về tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế – xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội… Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật. Văn hóa tiếp tục là vấn đề quan trọng, có tính thời sự và dành được sự quan tâm sâu sắc.

Hệ thống quan điểm về văn hóa trong Nghị quyết Trung ương 5 được kế thừa và phát triển trong Nghị quyết Trung ương 9. Có thể thấy rõ sự kế thừa và phát triển này qua so sánh trên cấp độ ngôn từ. Quan điểm thứ nhất là: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Như vậy là khác với quan điểm về văn hóa trong Nghị quyết Trung ương 5 ở hai điểm: coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội thì bây giờ là phát triển bền vững đất nước. Bổ sung quan trọng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Quan điểm thứ hai cũng đổi mới, bổ sung. Trước đây Đảng khẳng định: nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bây giờ quan điểm mở rộng và sâu hơn: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Quan điểm thứ ba trước đây khẳng định: nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong Nghị quyết lần này, Đảng ta khẳng định: phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Như vậy là văn hóa gắn với con người, xây dựng và phát triển văn hóa là vì chăm lo xây dựng con người toàn diện. Đây là bước phát triển trong quan điểm của Đảng về văn hóa. Quan điểm thứ tư và thứ năm cũng đổi mới, bổ sung. Trước đây quan điểm thứ tư là xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Quan điểm thứ năm khẳng định văn hóa là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng. Trong Nghị quyết lần này, quan điểm thứ tư là: xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa,trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Và đây là quan điểm thứ năm: xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ cơ bản để xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, đề xuất 4 giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong đó giải pháp đầu tiên là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa. Điều này một lần nữa cho thấy nhận thức sâu sắc của Đảng về vai trò của văn hóa trong phát triển.

2. Quan điểm phát triển văn hóa của Đảng trong Đại hội XIII

Báo cáo chính trị Đại hội XIII có mục nêu hệ quan điểm chỉ đạo, sau đó mới xác định mục tiêu, nhiệm vụ. Đây là một trong những điểm mới nổi bật của Đại hội kỳ này so với những kỳ Đại hội trước đó. Quan điểm là điểm xuất phát quy định phương hướng suy nghĩ, cách xem xét và hiểu các hiện tượng, các vấn đề.

Quan điểm 1: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc trong công cuộc đổi mới, bất di bất dịch.

Quan điểm 2: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đây là quan điểm chỉ đạo về chiến lược tổng thể phát triển đất nước nhanh, bền vững

Quan điểm 3: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Quan điểm 4: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Quan điểm 5: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Trong 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng, có 3 quan điểm đề cập đến văn hóa. Quan điểm thứ 2 khẳng định: phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Quan điểm thứ 3 khẳng định văn hóa là động lực của phát triển. Quan điểm thứ 4 khẳng định phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất, tức là chủ thể và khách thể của văn hóa. Điều này cho thấy xây dựng và phát triển văn hóa là nội dung cơ bản trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta. Quan điểm này cho thấy tính thống nhất trong nhận thức của Đảng về vai trò của văn hóa, cũng cho thấy quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa có những bước vận động rất quan trọng, phù hợp với quy luật phát triển của hiện thực khách quan.

Từ trong hệ quan điểm chỉ đạo của Đảng, đã thấy rõ những điểm nhấn về văn hóa gắn liền với phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam. Đảng ta nhận thức rất đúng rằng để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, người dân có thu nhập cao thì việc huy động sức mạnh, sức sáng tạo của mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực văn hóa, con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với tư duy và tầm nhìn sâu sắc đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhiều quan điểm mới về văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Trong hệ thống quan điểm trên đây, Đảng không chỉ tiếp tục khẳng định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, mà còn đặc biệt nhấn mạnh trong quan điểm thứ tư: phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất. Con người là nguồn tài nguyên đặc biệt, nguồn lực con người là quan trọng nhất như khẳng định của Đảng ta trong nghị quyết bởi con người là truyền nhân văn hóa, con người là nguồn lực có thể tái tạo theo nguyên tắc kế thừa và phát huy giá trị. Sự thay đổi không chỉ về mặt câu chữ mà còn là sự bổ sung quan điểm, tư duy phát triển văn hóa. Không còn là phát triển con người như trước đây nữa, từ phát triển được thay bằng từ phát huy, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển mà còn là nguồn lực nội sinh để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước như quan điểm thứ ba xác định. Khái niệm phát triển trước đây đi liền với ổn định, bây giờ gắn liền với nhanh và bền vững. Đây là sự chuyển biến tích cực, phù hợp với xu hướng khách quan khi hiện nay phát triển bền vững đã trở thành mối quan tâm của toàn thế giới, là mục tiêu phấn đấu của tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam với hàm nghĩa chỉ “sự phát triển để đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không phương hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của cả thế hệ tương lai” (4).

Kết luận

Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng, nỗ lực hơn nữa để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững như quan điểm chỉ đạo của Đảng ta. Việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc về giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII qua nội dung hệ thống 5 quan điểm chỉ đạo của Đảng có ý nghĩa quan trọng, góp phần quyết định thành công những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra. Chính vì vậy, nội dung này rất cần được nhận thức cụ thể, sâu sắc trong thực tiễn để chúng ta hiểu đầy đủ hơn về đường lối văn hóa của Đảng ta, quyết tâm thực hiện thắng lợi các quan điểm, mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ Đại hội Đảng XIII đã đặt ra.

_________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quôć gia Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.10.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.356-357.

3. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.55.

4. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 3, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2003, tr.424

Tác giả: Đinh Công Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *