Về cuộc thi tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2016

Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở VHTT Đà Nẵng tổ chức cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016 tại Nhà hát Trưng Vương. Đến với cuộc thi lần này có 11 đơn vị (7 đơn vị tuồng, 4 đơn vị dân ca) mang theo 17 tác phẩm (10 tác phẩm tuồng, 7 tác phẩm dân ca) và gần 400 nghệ sĩ đã tạo thành ngày hội sân khấu trong những ngày hội non sông…

Tuồng truyền thống là diễn trường tranh đấu của chính nghĩa chống gian tà, của thủy chung chống phản bội, của vị tha chống ích kỷ… Đó là sân khấu của nền văn hóa cao cả. Ở đó, không có những tư tưởng tầm thường, mà chỉ có máu, nước mắt, sinh mệnh con người biết quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, hướng tới khát vọng hòa bình, tự do, hạnh phúc của dân tộc. Kịch hát dân ca, tuy không có những đại ngôn, những hành động xả thân vì xã tắc như tuồng, nhưng lại là tiếng nói tình cảm của những người lao động nơi thôn dã thân yêu. Tất cả những nét đặc trưng của tuồng, kịch dân ca mang tính truyền thống vẫn được các nghệ sĩ bảo tồn nguyên vẹn trên sân khấu Trưng Vương trong hội thi năm 2016.

Trước đây, dưới thời phong kiến, người nghệ sĩ bị coi là xướng ca vô loài, phải chấp nhận cuộc sống lay lắt nơi sân đình, góc chợ, đầu sông hành nghề vì miếng cơm manh áo, nhưng rất nhiều người vẫn giữ trọn nhân phẩm, sống đam mê, thổi sinh khí vào từng tác phẩm, từng nhân vật, đem lại sự hứng thú, sảng khoái cho khán giả. Ngày nay, trong cơ chế thị trường, mọi thứ đều thành hàng hóa, thành tiền nhưng các nghệ sĩ của 11 đơn vị, không một ai chịu làm hàng hóa để thành kẻ tha hóa mà vẫn thổ tận can tràng sáng tạo ra chính phẩm thiêng liêng. 17 tác phẩm (12 vở đề tài lịch sử, dân gian, chiến tranh cách mạng, 5 vở đề tài đương thời) được trình diễn tại Nhà hát Trưng Vương từ tối 20 đến 28 – 8 – 2016 đã chứng minh cho chân lý ấy. Qua nội dung, hình thức của 17 tác phẩm, những nghệ sĩ Việt Nam đã nâng chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn lên tầm vóc mới theo khuynh hướng phò chính trừ tà, soi đường cho quốc dân đi, là công cụ để khám phá, sáng tạo thực tại xã hội. Vì thế, qua hình tượng các nhân vật, khán giả nhận thức sâu sắc hơn về đạo lý làm người trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Ở đâu có lẽ sống cao đẹp, nhân ái, bao dung vì nghĩa lớn, thì ở đó có cái đẹp làm xúc động lòng người. Ở đâu con người chỉ chạy theo lợi ích của riêng mình, dẫm đạp lên hạnh phúc người khác thì ở đó cái ác sẽ bị trừng phạt, kẻ ích kỷ không có hạnh phúc trường tồn… Cuộc thi đã mang một chủ đề thực tế: không có bất kỳ hạnh phúc cá nhân nào tách khỏi hạnh phúc của cộng đồng, làm cho cộng đồng hạnh phúc chính là đem lại hạnh phúc cho bản thân mình.

Xuất phát từ quan niệm trên, các tác giả tiếp cận đề tài lịch sử, dân gian, chiến tranh cách mạng hay cuộc sống hôm nay đều lấy kết cấu tác phẩm theo nguyên tắc truyền thống: tự sự – kịch tính – có hậu. Tức là kể lại câu chuyện bằng xung đột đối lập giữa người này với người khác, giữa con người với hoàn cảnh, giữa mình với chính mình và kết thúc tác phẩm là cái tốt thắng cái xấu theo quy luật ở hiền gặp lành, nhân nào quả ấy… Tuy nhiên, ở cuộc thi này có một vài vở kết thúc cái thiện chưa chiến thắng được cái ác. Nhưng xu hướng vẫn có hậu, tạo được niềm tin chiến thắng trong lòng khán giả.

Bên cạnh kết cấu tự sự truyền thống, chúng ta cũng thấy một số tác phẩm cấu trúc theo Aristotle, câu chuyện được diễn biến theo hướng: thắt nút – cao trào – cởi nút. Hình thức đã tạo cho vở diễn có kịch tính cao hơn, tính cách nhân vật đa dạng hơn. Mặc dù kết cấu theo Aristotle hay tự sự thì các tác phẩm đều hướng tới có hậu, thỏa mãn thị hiếu thẩm mỹ vốn có của dân tộc Việt Nam.

Với 17 tác phẩm trình diễn trong cuộc thi, hội đồng giám khảo thống nhất đánh giá: dù tuồng hay kịch dân ca đều có khả năng phù hợp với hình thức Aristotle và tự sự. Điều quan trọng là tác giả lựa chọn đề tài, câu chuyện, chủ đề nào cho phù hợp với hình thức biểu đạt. Đây là biểu hiện tài năng của nhà biên kịch, là yếu tố quyết định thành công của tác phẩm. Đạo diễn trong cuộc thi lần này chủ yếu vẫn là những gương mặt tài năng quen thuộc như các NSND: Lê Tiến Thọ, Trần Ngọc Giầu, Hoài Huệ, Lê Hùng và các NSƯT: Đặng Bá Tài, Triệu Trung Kiên, Nguyễn Đình Dũng, La Thanh Hùng… Bằng tài năng nghề nghiệp, tác phẩm của họ đã được khán giả, đồng nghiệp đánh giá cao, có tính chuyên nghiệp. Nhiều đạo diễn vẫn phát huy bản lĩnh, phong độ của mình, xử lý không gian, thời gian với những mảng miếng ước lệ, cách điệu, tượng trưng nhuần nhuyễn, phù hợp với thể loại, làm cho vở diễn hấp dẫn. Có một số đạo diễn đã sáng tạo những miếng trò hay như: Lê Lợi qua sông (Thuận thiên bảo kiếm), ô tô kéo lê Sen trên đường phố (Dòng sông đỏ), Ngọc Dao sinh hoàng tử, ác mộng Thị Anh, đêm cuối cùng của Nguyễn Trãi, Thị Lộ (Vụ án Lệ Chi Viên), tìm sấm truyền của thánh (Ao làng), bà Chắt, bà Chiu trong mưa gió (Sóng dậy một vùng quê)… Hơn nữa, có đạo diễn đã xử lý đạo cụ, trang trí, tiếng hát khá hiệu quả. Những tấm lụa đỏ, những tấm lụa trắng đen… đã tham gia vào kịch như nhân vật có tính cách. Nhiều vở diễn đã dùng âm nhạc như phương tiện đặc biệt để tả tình, tả cảnh, tả tâm trạng, tả không khí, tiết tấu, tốc độ vở diễn với những hình thức đa dạng. Nhạc mở màn, nhạc kết màn, nhạc kết vở, nhạc gợi hơi, gợi tình thế, sự kiện, không khí… Vì vậy, vở diễn có sức sống, đậm màu sắc thể loại, lôi cuốn người xem.


 Ảnh internet 

Khán giả Đà Nẵng trong thời gian tổ chức hội thi cũng đã chứng kiến sự lao động sáng tạo, nghiêm túc của gần 400 nghệ sĩ. Qua những hình tượng trên sân khấu, ai cũng cảm nhận được các diễn viên có tình yêu nghề nghiệp thật nồng thắm. Họ đã biết gạt những vấn đề mưu sinh hàng ngày để đến với cuộc thi bằng tất cả sự đam mê của mình. Những nghệ sĩ của tuồng, kịch dân ca trong cuộc thi lần này, phần lớn vừa có năng khiếu bẩm sinh, lại được học hành bài bản, có tình yêu nghề nghiệp nồng cháy, được rèn luyện qua thực tiễn nên những sáng tạo của họ luôn chân thực.

Bên cạnh những thành công, hội thi cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Nhìn lại 17 tác phẩm trên sân khấu cuộc thi vừa qua, hội đồng giám khảo nhận thấy rất ít vở diễn có chủ đề mới, mang tầm triết lý cao, phần lớn vẫn là những phản ánh mang tính thông tấn thời sự. Tất nhiên, tính thông tấn thời sự là một chức năng của tác phẩm, nhưng chỉ mang tính nhất thời, khó tạo nên tác phẩm có tính dự báo, có giá trị cao về tư tưởng để sống trường tồn với thời gian, nhân loại.

Chủ đề mang tính triết lý bao giờ cũng được gắn liền với cốt truyện hay. Nhưng qua 17 tác phẩm trình diễn, hầu như chưa có cốt truyện, vở nào hay, mới, độc đáo. Cốt truyện chưa hay, chưa mới, kết cấu lỏng lẻo, lớp thừa, lớp thiếu, lớp dài, lớp ngắn; mở đầu kịch nằm ở tuyến này, kết thúc lại chạy sang hướng khác; nhiều nhân vật sống, chết, thắng, thua dễ dàng, ngẫu nhiên, vô lý. Có vở trên sân khấu nhiều diễn viên nhưng lại ít nhân vật hoặc nhiều nhân vật, nhưng tính cách, hình tượng lại quá mờ nhạt.

17 vở diễn đa phần được các tác giả kết cấu theo tự sự nhưng chưa xác định rõ tự sự theo phong cách nào. Vì kết cấu tự sự có nhiều phong cách khác nhau, như tự sự phương Tây, tự sự phương Đông, tự sự Berton Brecht, tự sự Việt Nam… Tự sự truyền thống Việt Nam là tự sự trữ tình, nghệ sĩ làm chủ thể kể chuyện bằng phương thức hát, múa, nhạc, diễn với nghệ thuật cao của thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần theo giao cảm luận với tình cảm: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục… Vì vậy, tự sự Việt Nam mang cái tôi nghệ sĩ chủ quan rất cao để hướng tới tả ý, chứ không tả thực. Nghệ sĩ Việt Nam đã đồng nhất với nhà thơ và kịch tuồng, dân ca là thơ, đậm chất thơ. Nhưng ở cuộc thi này, nhiều nghệ sĩ đã xa rời tự sự truyền thống, làm cho tác phẩm tả thực gần với kịch nói nhiều hơn. Một số đạo diễn đã bỏ qua cấu trúc mảnh trò, chỉ quan tâm tới những thủ pháp minh họa lịch sử, minh họa cuộc đời theo phong cách tự sự kịch nói phương Tây. Không ít vở khai từ và kết vở dài dòng, nhạt, loãng, chắp vá. Giao đãi lôi thôi, kết thúc dài, thừa, thiếu cân đối…

Một số nghệ sĩ đôi khi hát bị phô, chênh, non, hụt hơi, có lúc hát nhưng micro không mở hoặc tiếng nhạc to át lời ca; tiếng lạo xạo, tiếng rú từ micro làm nhòe tiếng hát. Có nghệ sĩ thay áo, đổi khăn lúng túng; thắp đuốc trong đêm mà không có ánh sáng. Thậm chí đạo cụ bị vướng vào chân nghệ sĩ lôi cả ra sân khấu thành vật thừa khó hiểu…

Các nhà kinh điển đông, tây, kim, cổ từng quan niệm nghệ thuật bắt nguồn từ hiện thực. Tầm vóc hiện thực sẽ quyết định tầm vóc tác phẩm. Hiện thực đời sống Việt Nam là hiện thực cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Hiện thực này đang diễn ra hàng ngày trong mỗi gia đình, cơ quan, trường học, xí nghiệp, đường phố, làng xóm và ở mỗi con người… tạo thành nếp sống mới, nhân cách mới với bao điều vui, buồn, hạnh phúc, bất hạnh đan xen phức tạp. Trong 17 vở diễn, các nghệ sĩ đã đề cập tới đề tài lịch sử (9 vở), dân gian (1 vở), chiến tranh cách mạng (2 vở) và đề tài đương thời (5 vở). Đề tài lịch sử, đề tài chiến tranh cách mạng chưa bị cũ, lỗi thời, mà vẫn làm xúc động tới sâu thẳm trái tim khán giả. Những hiện thực quá khứ ấy rất cần thiết, hữu ích cho khán giả hôm nay, nhưng chúng ta cần phải đề cập tới hiện thực của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế nhiều hơn nữa để xứng đáng là nhân chứng thời đại thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ sân khấu.

Nhìn chung, 17 vở diễn của 11 đơn vị trên sân khấu Trưng Vương tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian từ 20 đến 28 – 8 – 2016, dù có những thành công khác nhau, nhưng tất cả đều được các nghệ sĩ thể hiện nghiêm túc, chân thành, sáng rõ về chủ đề tư tưởng, hấp dẫn về hình thức, đậm tính nhân văn, thời sự, hữu ích cho xã hội. Đặc biệt, trong cuộc thi lần này đã xuất hiện cái mới trong hình thức của kịch dân ca. Đó là kịch dân ca hòa hợp với ca, múa, nhạc hiện đại, thể loại tuồng đồ đã xuất hiện. Những nhân tố mới này mặt nào có thể còn chưa hoàn thiện, nhưng là kết quả của sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo đáng trân trọng.

Cuộc thi đã tỏa sáng những thành tựu nghệ thuật sân khấu ở cả hai phía: đạo diễn, diễn viên. Đó là những tình cảm thiết tha, sự đóng góp thầm lặng, bền bỉ của các nghệ sĩ sân khấu với sự phát triển của đất nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : TRẦN TRÍ TRẮC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *