Về miệt Cà Mau


Cà Mau xứ sở lạ lùng/ Dưới sông cá lội trên giồng cọp um… Đó là chuyện của mấy trăm năm trước, thuở tiền nhân khai phá đất phương Nam. Ngày nay Cà Mau được xem như là vùng đất trẻ. Những cánh đồng phì nhiêu được tạo nên bởi phù sa bồi lắng, tích tụ do sự luân chuyển của hai dòng hải lưu Bắc – Nam. Rừng ngập nước mênh mông, giáp với biển Đông và biển Tây là đặc trưng của Cà Mau. Thổ nhưỡng ở đây cũng đa dạng với đất bãi bồi, đất phèn, đất mặn, đất than bùn.

Theo quốc lộ 1A xuôi về phương Nam, qua Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, chúng tôi đến với Cà Mau. Đây là thành phố trẻ, đang vươn mình phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Hai bên đường nhà cửa san sát, khang trang, xe cộ đi lại tấp nập. Có một công trình với quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế đã được xây dựng giữa lòng U Minh Hạ, trên nền đất phù sa mà trước đây vốn là vùng lung phèn, hoang vu ngập nước với lau sậy, tràm hoang, đó là Nhà máy khí – điện – đạm Cà Mau đang phát huy công suất.

Cà Mau có hệ thống sông ngòi chằng chịt như mạng nhện với các cửa sông lớn như Ông Đốc, Bảy Háp, Cửa Lớn, Rạch Gốc, Bồ Đề. Ngoài biển Cà Mau còn có các đảo như Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, có tiềm năng mạnh về du lịch.

Ấn tượng nhất khi đến Mũi Cà Mau ở cột mốc tọa độ quốc gia : 8,37,30 độ vĩ Bắc, 104,43 độ kinh Đông là Khu bảo tồn quốc gia. Công viên Văn hóa Du lịch nằm trong Khu bảo tồn nổi bật với biểu tượng mang hình một con tàu đang hướng mũi ra biển khơi lộng gió… Hằng năm, Mũi Cà Mau lấn ra biển  gần 100m. Đây là miền đất tận cùng của Tổ quốc về phía Nam, thuộc huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau 118 km. Đứng trên đài quan sát cao 21m, chúng tôi nghe bồi hồi và vui mừng khi thấy bạt ngàn biển, rừng của quê hương, với những sắc màu xanh tươi, dạt dào sức sống. Đến Đất Mũi, ta có thể nhàn du vào những làng chài núp mình dưới bóng rừng đước, để tìm hiểu  đời sống và sinh hoạt của những cư dân ở đây. Do vị trí địa lý đặc biệt,  Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền ở Việt Nam  mà người ta có thể nhìn mặt trời mọc ở phía biển và lặn xuống biển.

Về đất Năm Căn (thuộc huyện Năm Căn ngày nay), ghé thăm những “làng rừng”, sẽ thấy dấu ấn lịch sử như còn phảng phất đâu đây. Chúng ta không khỏi ngạc nhiên và thán phục cách tổ chức, sinh sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trong những năm tháng kháng chiến gian khổ chống ngoại xâm. Ở trung tâm “làng rừng”, tuyệt nhiên không có đường bộ. Mọi sự liên lạc, quan hệ đều diễn ra trên mặt nước, dưới tán rừng cây rậm rạp, thâm u. Đường đi ngang dọc trong làng là những thân đước, tràm, mắm được bắc, lót, ken sát vào nhau thành những lối giao thông rất tiện lợi. “Làng rừng” như một xã hội thu nhỏ và trở thành những pháo đài vững chắc, hầu như bất khả xâm phạm  của khu 9 và quân dân Cà Mau thời đó. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao như Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Vũ Đình Liệu… đã từng gắn bó với những “làng rừng” trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Đến với thị trấn sông Ông Đốc, thấy chợ búa, phố xá sầm uất. Cũng tại nơi đây, 67 năm về trước (26/11/1954) đã chứng kiến cuộc chia ly cảm động của những người thân, tiễn chồng, cha,  con, em mình đi tập kết ra Bắc trên con tàu Kilinxki của Ba Lan. Hơn hai mươi sau (30/4/1975), có một số người đã trở về sum họp với người thân. Và cũng không ít những người ra đi  ngày ấy, đã không bao giờ trở lại. Vàm sông Ông Đốc trở thành biểu tượng gây nhiều cảm xúc trong lòng người Nam Bộ. Ngày nay, thị trấn này là nơi có nghề cá sầm uất vào bậc nhất nước ta.

Sẽ thiếu sót nếu như chúng ta không thâm nhập vào rừng tràm U Minh Hạ. Đây là khu rừng còn hoang sơ, ngập nước mênh mông vào mùa mưa, khô hạn vào mùa nắng, có diện tích trên dưới  90.000ha thuộc huyện Trần Văn Thời và Thới Bình. Trong rừng có nhiều loài thú như: khỉ, nai, heo rừng, sóc đỏ, rái cá, dơi  và hàng trăm loại chim quý hiếm có tên trong sách đỏ như:  Gà đảy Java, Diều cá đầu xám, Đại bàng đen, Hạc cổ trắng, Cò lau Ấn Độ, Cò ốc, Bồ nông chân xám, Điên điển, Cồng cộc vàng… Rừng U Minh Hạ rất có giá trị về môi trường sinh thái và nghiên cứu khoa học.

Trở về thành phố  Cà Mau, nếu như bạn có tâm hồn hoài cổ thì xin ghé Hồng Anh thư quán để nhìn thấy quá khứ lịch sử của một nơi đã từng là cơ sở hội họp, tuyên truyền của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Cà Mau lúc bấy giờ. Có khá nhiều hình ảnh và một số ít hiện vật được trưng bày tại đây. Địa chỉ đỏ này hiện là số nhà 41 đường Phạm Văn Ký, phường 2, thành phố Cà Mau… Đến viếng chùa cổ “Sắc tứ Quan Am cổ tự” cũng là một cách thư giãn rất tốt. Bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng một kiến trúc cổ và nghe sự tích như  là huyền thoại về hòa thượng khai sơn trụ trì Thích Trí Tâm.  Chùa lợp ngói âm dương, mái cong truyền thống. Trong chùa hiện vẫn còn lưu giữ sắc tứ của vua Thiệu Trị phong vào năm 1842.

Đất đai Cà Mau màu mỡ, biển Cà Mau giàu cá tôm, đa số cư dân sống bằng nghề trồng lúa, đánh bắt thủy hải sản và nghề rừng, một số kinh doanh mua bán, làm dịch vụ, làm công nhân ở các  thị tứ. Đây là  xứ sở của lúa gạo,  thủy hải sản  nổi tiếng. Cảng cá sông Ông Đốc hằng năm đánh bắt sản lượng hơn 60.000 tấn.

Sau khi đi một vòng tham quan các di tích, thắng cảnh độc đáo của Cà Mau như: sân chim Đầm Dơi, sân chim Ngọc Hiển, Công viên Văn hoá 19/5, rừng đước Năm Căn, bãi Khai Long, đầm Thị Tường, Hòn Khoai, Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Lẽ, rừng tràm U Minh Hạ… bạn có thể thuê “taxi trên sông” để rong ruổi trên các nẻo đường sông nước của xứ sở này. Đó là những chiếc ca-nô vỏ composic “nội hóa”, máy Yanmar của Nhật, chạy với tốc độ xé gió không thua gì mô-tô trên bộ. Khi đã mỏi mệt, bạn có thể ghé một nhà hàng hay một quán bình dân nào đó, nghỉ ngơi và thưởng thức các món đặc sản, mang nét đặc trưng dân dã của đất Cà Mau như: ốc len, khô chạch mắm me, xơ mít nấu dừa, đọt choại xào tép, rắn bông súng nướng lèo (mọi), vọp nấu sọ dừa, lươn um lá nhàu… và nghe kể chuyện Bác Ba Phi thì thật là thú vị. Khi rời Cà Mau, bạn nhớ mua tặng cho những người thân, bạn bè, những sản vật đặc trưng của Cà Mau như: ba khía muối, mắm cá lóc, khô cá chạch, khô cá kèo, khô cá bổi, mật ong rừng tràm…

Sau chuyến về thăm Đất Mũi, du khách sẽ khó quên được mảnh đất và con người Cà Mau nghĩa tình, hào phóng và nếu có điều kiện, chắc chắn sẽ muốn trở lại thăm vùng đất này.

 

_______________

*Bác Ba Phi : tên thật là Nguyễn Long Phi , sinh năm 1884 mất 1964 tại rừng U Minh Hạ. Ông có tài kể chuyện hết sức hài hước, hóm hỉnh và trào lộng . Những câu chuyện kể của ông và bản thân ông đã trở thành huyền thoại trở thành đề tài của nhiều thế hệ sau.

 

 

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *