Hình tượng hay biểu tượng dùng thờ tự trong tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt là một vấn đề rất rộng cả về tính lý luận và thực tiễn. Liệu, từ diễn biến hình thức tạo hình của một số tượng nữ thần ở Thanh Hóa, có thể tìm thấy những liên hệ nào đó ở các hình tượng nữ thần qua các thời kỳ khác nhau?
Đó là hình tượng nữ thần thuộc phong cách văn hóa Đông Sơn muộn (hình người chiến binh là phụ nữ trên cán dao găm tìm thấy ở núi Nưa đầu công nguyên, mà dân gian cho là hình Bà Triệu), hình tượng các Phật Bà trong các chùa thời Lý- Trần ở Thanh Hóa, tượng thờ các liệt nữ, nhân thần hiển linh như Bà Phạm Trần Hoàng hậu, bà Ngô Thị Ngọc Dao (Quang Thục Thánh Mẫu), TK XV ở Thọ Xuân, hai tượng Đức Bà ở Phủ Voi, TK XIX, năm tượng Hoàng Hậu các vua Lê ở đền Lê – Bố Vệ, TK XIX, đặc biệt các tượng Thánh Mẫu ở đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn) và đền Mẫu Liễu ở Phố Cát, Thạch Thành.
Dễ dàng nhận thấy yếu tố nữ có tính trội hơn trong bất kỳ hình tượng, biểu tượng tôn giáo tín ngưỡng nào trên đất Việt. Đức mẹ Maria trong Kitô giáo được người Việt rất xem trọng. Tượng Phật Bà Quan Âm là một biểu tượng mà người Việt sáng tạo không ngừng trong diễn trình văn hóa Phật giáo của dân tộc.
Trong điêu khắc đình làng xứ Thanh ít thấy biểu tượng nam thần được chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc, phần lớn là tượng các hộ pháp canh gác bên ngoài. Tại một số đền, đình, chùa ở Thanh Hóa như: đình Phú Điền, Chùa Hoa Long Tự, đền Trần Khát Chân, Bảng Môn Đình có nhiều hình tiên nữ trong hoạt cảnh Rồng- Tiên được chạm khắc trên các câu đầu, xà ngang, diềm y môn…
Vì sao số lượng hình tượng nữ thần ở Thanh Hóa không nhiều so với các vùng châu thổ sông Hồng, nhưng lại mang tính điển hình ở mỗi thời kỳ?
Bức tượng người đàn bà sớm nhất của người Việt có lẽ là hình người trên cán dao găm bằng đồng ở núi Nưa (dài 25cm), có niên đại đầu công nguyên, khắc chạm hình người phụ nữ Việt, tóc vấn cao trên đỉnh, tai đeo khuyên tròn to gần bằng chiều dài của tai, mặt trái xoan, mắt to, môi dày, ngực nở, áo, váy gợi hoa văn hình sóng, cổ tay đeo nhiều vòng lớn, dây thắt lưng vấn nhiều lớp, gợi về y phục người Mường ngày nay. Hình tượng ngưòi phụ nữ này dân gian truyền tụng cho là hình tượng Bà Triệu.
Bức tượng có tư cách là ngươì phụ nữ bình dân đầu tiên bằng đá của người Việt được linh hóa, là hai tượng ở lăng Ngô Thị Ngọc Dao niên đại TK XV (có chiều cao 1,2 m). Gồm hai tượng đăng đối chầu hai bên thần đạo. Dáng tượng mập mạp, y phục thụng, chùng phủ kín gót chân, khăn vấn đầu hình chóp trụ, hai tay cung kính dấu kín trong khăn. Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao là người Động Bàng, huyện Yên Định, Thanh Hóa, là con gái tướng công họ Ngô, mẹ bà là con gái quan thượng thư họ Phan. Tương truyền bà là người thông tuệ, nết na, xinh đẹp được vua Lê Thái Tông yêu quý. Do công đức lớn của Hoàng Thái hậu trong việc nuôi dạy Hoàng tử Tư Thành (sau là vua Lê Thánh Tông), nhiều tham vấn mưu lược cho vua trong nội vụ và trong chiến trận bình Chiêm mà dân chúng khắp trong nước xem Bà là Mẫu nghi thiên hạ. Nhiều làng trong nước xem bà là Thần hoàng làng của họ, ví như ở xã Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có đền thờ bà gọi là đền Hoàng Vân hay đền Bà Chúa (cách biển Thiên Cầm khoảng 6km)… Lăng mộ Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao có thể là lăng mộ duy nhất được phép không phải phân biệt với lăng vua theo điển lệ của nhà Lê, đựơc bày đặt các linh thần làm tượng chầu trong đó có hai tượng hầu nữ.
Hai pho tượng nữ thần đã gây nhiều ấn tượng cho giới sử nghệ thuật học là các tượng Đức Bà bằng đá, ngồi tọa thiền trong kiệu ở Phủ Voi, có niên đại ở TK XVIII (tương truyền là hai bà cô Tướng công Hoàng Bùi Hoàn?). Hai tượng có kỹ thuật diễn tả, đặc điểm tính cách khá giống nhau, phong cách tả thực cao. Vấn đề đáng chú ý ở hai tượng này là tính phản ánh các khía cạnh văn hóa tâm linh của Việt ở TK XVIII, XIX. Các tượng đều có dáng ngồi chân xếp lên nhau kiểu tọa thiền của tượng Phật, nhưng các thế tay lại khác nhau, tượng ở kiệu thờ bên tả có tay cầm túi têm trầu, tượng bên kiệu hữu tay phải cầm quạt, tay trái lần tràng hạt. Y phục nhiều lớp, bên ngoài là bộ thụng phủ kín thân, đường nét mềm mại, bó sát người, khăn chít đầu mỏ quạ, mặt tròn, phúc hậu, tuổi chừng 40. Về tổng thể, tượng Đức Bà ở Phủ Voi gợi liên tưởng về dáng của các bà lên đồng trong các đền Thánh Mẫu ngày nay.
Năm pho tượng gỗ sơn thon thếp vàng có niên đại TK XIX ở đền Lê là những tượng thờ có phong cách tả thực cao, mỗi tượng với một vẻ cá tính thể hiện rõ trên mỗi chân dung Hoàng hậu các vua nhà Lê đương thời.
Các tượng Thánh Mẫu ở đền Đức Bà Liễu Hạnh và đền Sòng Sơn không xác định được niên đại, nhưng dòng tượng Thánh Mẫu hiện biết ở Thanh Hóa ít còn bản nguyên gốc trước TK XIX.
Vấn đề là những bức tượng trên ngoài vấn đề nghệ thuật học thì có nói lên điều gì khác nữa, đặc biệt trong biểu tượng về tín ngưỡng thờ Mẫu? Liệu có một liên hệ gì từ những hình nữ thần xa xưa đến tượng Thánh Mẫu và giữa các biểu tượng tín ngưỡng đó với con người đương đại?
Các biểu tượng tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt đều gắn liền với tính phồn thực và yếu tố trọng nữ. Trong Tứ bất tử Thánh Tản Viên, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu, duy nhất chỉ có Mẫu Liễu Hạnh là nữ, nhưng biểu tượng lại rất đa dạng và phong phú cả về hình tượng và ý nghĩa tâm linh.
Trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, biểu tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một sáng tạo độc đáo của ngươì Việt. Việc tôn thờ các thần thánh nữ không chỉ phổ biến ở Việt Nam, nhưng vấn đề là ở tính biểu tượng và hình thức lý giải vừa siêu hình vừa trần thế của Mẫu Liễu Hạnh ở người Việt.
Thanh Hóa là đất trọng các yếu tố Nho giáo, tự cho mình là trung tâm của dòng tư tưởng chính thống suốt từ năm 1428 – 1802. Do vậy, ở các cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo, yếu tố nữ khó có thể đa dạng và phong phú so với các vùng văn hóa châu thổ sông Hồng. Thế nhưng, nếu không bàn về số lượng, thì yếu tố mang tính khởi đầu và trọng tâm trong các tượng thờ nữ thần ở Thanh Hóa có nhiều điều độc đáo. Ví như phong cách tạo hình tượng Mẫu Liễu Hạnh ở đền Sòng Sơn không thể hiện tính nối tiếp các phong cách tượng phật, tượng lăng mộ, hay tượng thờ nhân thần trước đó bao nhiêu ở Thanh Hóa, ngoại trừ cách tạo khối chân dung nhưng được tô son cho gần với người thực. Các tượng Mẫu thường được mặc y phục quý phái, rất chú trọng màu sắc và thần thái chân dung. Các tượng trong tam tòa thường có vị trí và y phục như sau: Thánh Mẫu Liễu Hạnh có vị thế cao nhất trong ban thờ sắc phục màu đỏ (có nơi màu vàng); thấp hơn bên hữu là Mẫu đệ nhị, tức Mẫu Thoải, y phục màu trắng; tương ứng về phía tả là Mẫu đệ tam, tức Mẫu Thượng Ngàn, y phục màu xanh.
Xuất xứ Thánh Mẫu có nhiều dị bản huyền thoại, nhưng việc sinh thác thì gần như đồng nhất cho là ở Vụ Bản, Nam Hà. Nhưng người ta cũng cho rằng bà có gốc gác ở Thanh Hóa vì căn cứ vào việc giáng trần lần thứ hai là ở Phố Cát (Thạch Thành, Thanh Hóa) và lúc hiển thánh là ở đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa).
Thực ra Mẫu Liễu Hạnh là biểu tượng của Đạo Mẫu ở Việt Nam, có nguồn gốc từ lâu đời. Liễu Hạnh Công Chúa chỉ là hình tượng sáng tạo cuối cùng kết tinh cao nhất của ngươì Việt vào TK XV về việc thờ thần nữ. Xét về khởi thủy những sự tương đồng trong tín ngưỡng tâm linh thờ thần nữ đã có tiền đề cho hình tượng Mẫu Liễu rồi. Chúng ta thử xét từ những hình tượng nhân thần liệt nữ và linh thần huyền thoại trong lịch sử như Tiên Dung, Man Nương, Mỵ Châu đến những Thánh nữ là nhân vật lịch sử bước vào thần thoại như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngọc Trần Thánh Mẫu (Phạm Hoàng hậu), Quang Thục Thánh Mẫu… thì việc ra đời một hình tượng thần nữ có tính Mẫu nghi thiên hạ như Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một tất yếu.
Vấn đề biểu tượng Thánh Mẫu là một hình tượng dân gian đã ngầm định, không chú trọng về hình khối điêu khắc, chuyển từ phong cách tạo khối truyền thống trước đó sang cảm quan màu sắc và thần thái. Có thể xem tượng thờ Mẫu là sản phẩm văn hóa có tính sáng tạo độc đáo của dân tộc cần được nghiên cứu và bảo lưu, đặc biệt, khi các bức tượng này được thức dậy trong không gian thiêng liêng với những nghi lễ của các giá đồng kéo dài gần như liên miên trong những ngôi đền nhỏ bé. Trong đó, đáng quan tâm nhất là việc sáng tạo ra các nghệ thuật liên ngành như: hát, múa, tạo hình và tâm thức tín ngưỡng dân gian đa chiều, với hình ảnh bà đồng được thay đổi y phục qua các giá gần như các y phục của Thánh Mẫu trên tam tòa.
Những pho tượng nữ thần mà cổ nhân để lại qua những thời đại khác nhau, đều có sự liên kết nhất định trong một dòng chảy văn hóa tâm linh truyền thống. Thực ra đó là những biểu đạt sáng tạo về chính mình của con người.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 296, tháng 2-2009
Tác giả : Hoàng Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn