Lương Thế Vinh (1441-1496) tự Cảnh Nghị, hiệu Thụy Hiên, sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo hiếu học tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam Hạ (nay là làng Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng thần đồng.
Tháng 2 năm Quý Mùi (1463), mới ngoài 20 tuổi, Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên, đứng đầu trong số 44 Tiến sĩ ở một kỳ thi có 4.400 người ứng cử. Ngày 22 cùng tháng, vua cho “truyền loa xướng danh các Tiến sĩ là bọn Lương Thế Vinh và ban ân mệnh; sai quan Lễ bộ đem bảng vàng ra treo ở ngoài cửa Đông Hoa cho học trò biết” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 619).
Con đường làm quan của ông bắt đầu từ đấy, trải hơn ba thập niên. Trong lịch sử khoa cử và lịch sử quan chức Việt Nam thời quân chủ, Lương Thế Vinh là vị đại khoa, đại quan hiếm hoi giỏi cả văn lẫn toán, chú trọng việc thực học và ứng dụng toán trong cuộc sống, lại thanh liêm, cương trực và hết mực thương dân.
Xuấn thân từ “cửa Khổng, sân Trình”, đương nhiên Lương Thế Vinh có tiếng văn hay chữ tốt. Sự nghiệp văn thơ của ông cho thấy một tấm lòng tha thiết với quê hương, thương người dân nghèo và vô cùng căm ghét bọn tham quan ô lại. Ông cũng từng được vua Lê Thánh Tông giao trọng trách soạn thảo thư từ bang giao, đón tiếp sứ thần nhà Minh; thay mặt vua viết nhiều bài biểu gửi vua Minh để giải quyết các vụ tranh chấp, xâm nhập và gây rối của bọn quan lại nhà Minh ở khu vực biên giới Minh – Đại Việt.
Ngoài văn chương, Lương Thế Vinh đã cùng hai bậc anh tài đương thời là Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận soạn hai bộ Đồng văn, Nhã nhạc dùng khi quốc lễ, triều hội. Ông còn biên soạn cuốn Hý phường phả lục – tác phẩm lý luận đầu tiên về nghệ thuật kịch hát truyền thống của dân tộc với những “tổng kết kinh nghiệm và nêu lên những nguyên tắc có tính chất lý luận về nghệ thuật biểu diễn, diễn viên, múa hát và đánh trống” (xin xem Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971).
Khác với phần đông các nhà khoa bảng vốn chỉ quan tâm đến “trường văn trận bút”, Lương Thế Vinh rất chú trọng đến toán học, nhất là việc ứng dụng toán học vào cuộc sống. Tập Đại thành toán pháp do ông biên soạn (dạy các kiến thức về số học, phương pháp đo lường – tính toán: cách cân, đo, đong, đếm, định vị…) có thể xem là cuốn sách giáo khoa toán học đầu tiên ở nước ta, đến cuối thế kỷ XIX vẫn còn được sử dụng. Nhờ có tư duy toán, ông đã thực hiện thành công nhiều phép tính khó về đo đạc ruộng đất, tính cân nặng, chiều cao các công trình lớn của nhà nước như cung điện, đền đài, đường sá, đê điều, cầu cống… qua đó, tránh được những thất thoát, lãng phí về nguyên vật liệu cũng như sức dân. Không còn nghi ngờ gì nữa, đằng sau một tư duy toán học lớn của thời đại là sự thanh liêm, thương dân không phải vị đại khoa, đại quan nào cũng có được!
Là người có đầu óc thực tiễn, Lương Thế Vinh từng đề nghị nhà vua cải cách giáo dục, đưa trường học về thôn xóm, nội dung học phải bao gồm cả văn nghệ/ văn chương và đạo đức. Trong bài văn sách thi Đình năm 1463, trả lời câu hỏi về “đạo trị nước của các bậc đế vương”, ông thẳng thắn: “Việc yên dân trước hết phải có lễ, thay đổi phong tục trước hết phải có nhạc, lễ nhạc là việc lớn vậy. Việc này làm ở triều đình rất hay. Đáng tiếc là chưa thực hành đến tận dân quê. Việc giáo dục làm tốt thì phong tục đẹp, có tôn sư trọng đạo thì mới có nhiều người tài giỏi. Giáo chức có quan hệ lớn như vậy đó. Triều đình ta đào tạo người tài là cho các trường của nước, của bộ. Nhưng việc giáo dục chỉ chú ý đến văn nghệ, cái đáng lo là chưa chú ý đến đức hạnh”.
Trong bài văn sách, sự cương trực, lòng thương dân/ thân dân của ông cũng được bày tỏ qua ý kiến về đội ngũ văn quan, võ tướng lúc bấy giờ: “Thần nghe các bậc tiên nho nói rằng: Các quan thú lệnh (quan địa phương) chính là người thầy, là vị tướng soái của dân để vâng mệnh giáo hóa các nơi. Các quan thú lệnh có tài đức hay không rất quan hệ đến sự sướng khổ của dân, do đó dùng người làm thú lệnh không thể không chọn người tài giỏi. Thần trộm thấy thời nay các quan ở phủ, lộ, trấn, huyện người làm hết chức trách thì ít, kẻ làm không hết chức trách thì nhiều, cho việc giáo hóa là như thế nào? Nói những điều nói chỉ là những việc ngọn như xử kiện, thúc thuế. Cho việc di dân là thế nào? Làm những việc chỉ trong sổ sách, hội họp? Con hiếu cháu hiền, nghĩa phu, tiết phụ là những người đáng được triều đình khen ngợi mà các quan đề bạt kể được mấy người? Góa vợ, góa chồng, không con không cha là những người không thể tự sinh tồn, triều đình rất là thương xót mà các quan tâu lên chẳng được là bao! Nhưng người nắm giữ việc này chưa mấy ai làm tròn trách nhiệm.
(…) Thần lại nghe: Lúc này những người nắm quyền binh, xứng đáng với chức vụ thì ít, không xứng đáng với chức vụ thì nhiều. Tiếng là võ quan mà thông thạo vũ lược được mấy người? Chức là cầm quân mà am hiểu tình quân được là bao? Vơ vét là việc triều đình nghiêm cấm mà vẫn lấy lạm của quân như thế; vỗ về thương xót lê dân là bản ý của triều đình mà vẫn coi thường cấm lệnh, hoành hành bạo ngược như thế, do đó mà chức trách kẻ cầm quân vẫn chưa làm trọn. Như vậy thì đức hạnh của bề trên vẫn chưa thấm nhuần xuống dưới, quân tình còn oán thán, há có thể không có chuyện đó hay sao? Do vậy mà tệ xấu chưa được trừ mà hiệu quả tốt vẫn chưa thấy được”…
“Thương dân, dân lập đền thờ”, điều này lý giải tại sao hơn 500 năm đã qua, người dân nhiều nơi trong cả nước vẫn hương khói và truyền tụng tài đức của vị Trạng nguyên giỏi toán!
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)