Xây dựng và khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa – thể thao luôn là bài toán khó của ngành Văn hóa và các địa phương. Trong khi ở không ít nơi, nhà văn hóa, sân thể thao thôn, xã bị bỏ hoang hoặc khai thác, sử dụng chưa đạt hiệu quả, gây tình trạng lãng phí thì ở xã Thống Nhất (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), các thiết chế văn hóa – thể thao đã và đang được sử dụng, phát huy một cách hiệu quả.
Người dân tập luyện môn bóng chuyền tại sân nhà văn hóa thôn Khay
Thôn Quỳnh Huê, xã Thống Nhất được thành lập từ việc sáp nhập 2 thôn Cẩm Đới và Cẩm Cầu. Sau khi sáp nhập, chính quyền xã và thôn vận động nhân dân, con em xa quê và một số đơn vị tài trợ xây dựng nhà văn hóa mới khang trang với tổng diện tích khuôn viên trên 2.000m2, kinh phí hơn 2 tỷ đồng, được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019. Ngay khi nhà văn hóa mới được đưa vào sử dụng, người dân trong thôn rất phấn khởi, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Số lượng các CLB và thành viên tham gia các CLB tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng thôn Quỳnh Huê đã có tới 6 CLB văn nghệ, 3 CLB thể thao và 5 CLB Phòng chống bạo lực gia đình được thành lập từ các hội: Người cao tuổi, Phụ nữ, Nông dân và Đoàn Thanh niên, với số lượng thành viên lên tới vài trăm người.
Ông Nguyễn Văn Chiến, thành viên của CLB văn nghệ Người cao tuổi thôn Quỳnh Huê cho biết: “CLB văn nghệ của chúng tôi đã được thành lập từ nhiều năm nay, hiện tại có 16 thành viên. Trước đây, chúng tôi phải tận dụng đình làng để sinh hoạt, rất chật chội, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị nên CLB chỉ dành thời gian 1 buổi/tuần để gặp gỡ, tập luyện. Đến nay, có nhà văn hóa mới khang trang, sạch đẹp, các hội viên rất phấn khởi, tích cực tham gia tập luyện, hoạt động đều đặn 2-3 buổi/tuần nên chúng tôi sẽ có nhiều tiết mục mới để phục vụ biểu diễn vào các dịp lễ tết hay các sự kiện của địa phương trong thời gian tới”.
Nhà văn hóa thôn Khay tuy được xây dựng từ năm 2000 nhưng nhờ có diện tích rộng rãi và lối kiến trúc hiện đại nên đến nay vẫn còn nguyên giá trị sử dụng. Không chỉ đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cơ bản của một nhà văn hóa, chính quyền thôn còn vận động nhân dân mua sắm tivi kết nối internet, phục vụ cho việc học tập chuyên đề của đảng viên, cập nhật tin tức thời sự, đồng thời giúp các CLB văn hóa, văn nghệ học tập các tiết mục từ internet để biểu diễn phục vụ địa phương… Mà nào đã hết, năm 2019 vừa qua, người dân trong thôn tiếp tục đóng góp kinh phí xây dựng sân thể thao có đèn chiếu sáng, sân khấu ngoài trời có mái che, sân chơi, khu vệ sinh… với kinh phí trên 1 tỷ đồng, hình thành nên khu liên hợp văn hóa – thể thao khang trang, sạch đẹp của thôn. Hiện nay, khu liên hợp văn hóa – thể thao của thôn là nơi sinh hoạt của hàng trăm người dân ở các CLB như: dưỡng sinh, aerobic, thơ, văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng… sinh hoạt đều đặn vào các buổi sáng, chiều và tối các ngày trong tuần.
Ông Vũ Xuân Hưng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khay cho biết: “Từ ngày xây dựng nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa. Đến nay chúng tôi đã có chỗ sinh hoạt văn hóa cộng đồng mới rộng hơn, đẹp hơn, đảm bảo phục vụ đầy đủ cho cả CLB văn nghệ lẫn thể thao của người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi hoạt động. Cùng sinh hoạt văn hóa tại một điểm giúp cho người dân chúng tôi thêm gần gũi, đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm hơn”.
Theo phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lộc, xã Thống Nhất là địa phương điển hình, tiêu biểu trong việc thực hiện vận động xã hội hóa xây dựng các công trình và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở. Để có được kết quả này, từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã tích cực quan tâm, quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí văn hoá, tập luyện thể thao cho nhân dân, đồng thời cùng các thôn chủ động vận động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng. Lợi thế của xã Thống Nhất là bà con có kinh tế khá phát triển, nên việc tuyên truyền, vận động khá thuận lợi và đạt kết quả tốt.
Hiện nay, Thống Nhất có nhà văn hoá cấp xã tổng diện tích 578 m2, sân thể thao rộng 4.600m2 được thiết kế, xây dựng đầy đủ các hạng mục theo tiêu chí nông thôn mới. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn hóa, sự kiện thể dục thể thao lớn của địa phương. Xã cũng đã thành lập CLB văn nghệ, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá để hoạt động được hiệu quả, đồng thời giúp nhân dân được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong thi đấu.
Hằng ngày, nhà văn hóa của các thôn đều được sử dụng hết công năng, thu hút nhiều người dân đến luyện tập các môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền hơi, bóng bàn, cờ tướng, thể dục dưỡng sinh và văn nghệ. 5/5 nhà văn hóa thôn đều khang trang, sạch đẹp, được trang bị hệ thống ánh sáng cùng các trang thiết bị từ nguồn xã hội hóa. Sau khi cơ bản hoàn thiện xây dựng các thiết chế, xã chỉ đạo các thôn cử người quản lý, xây dựng quy chế hoạt động, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia hoạt động để khai thác, sử dụng các công trình đạt hiệu quả.
Nhà văn hóa thôn Quỳnh Huê được khánh thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2019
Các thiết chế văn hóa hoàn thiện góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trong nhân dân. Từ chỗ chỉ có một vài CLB hoạt động, với số lượng người tham gia hạn chế, đến nay, toàn xã có trên 30 CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với hơn 1.000 thành viên tham gia thường xuyên, đưa Thống Nhất trở thành điểm sáng trong phong trào văn nghệ thể thao ở Gia Lộc.
Ông Vũ Văn Đề, Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, quan tâm hoàn thiện, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tập luyện thể dục thể thao của người dân. Đồng thời, giao cho các thôn, các đoàn thể trong xã tích cực tuyên truyền bà con cùng tham gia sinh hoạt tại các CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao để khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao đạt hiệu quả.
Ở phương diện khác, ngành Văn hóa cần quan tâm, hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao cho nhà văn hóa các thôn khi mọi thứ đã quá cũ, không còn hiệu quả sử dụng; cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ văn hóa, thể thao cho công chức văn hóa xã; cần có cơ chế hỗ trợ, tôn vinh các mô hình phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa để làm điển hình và tạo động lực để các thôn, KDC khác tích cực cố gắng, phát huy hơn nữa, từ đó góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, thể thao ở địa phương ngày càng phát triển.
Tác giả: Trường Thành
Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)