Yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong giao lưu văn hóa


Trong lịch sử phát triển của nhân loại, ngoại trừ những xã hội hoang sơ khi con người còn chìm đắm trong bản năng thấp kém, do ngăn cách bởi địa hình cư trú hiểm trở hoặc do sự bao thủ, thiển cận của thể chế sắc tộc nghiệt ngã, không có nền văn hóa lớn nhỏ nào lại không trải qua các bước giao lưu với các nền văn hóa khác, nhằm mục đích bồi bổ, đa dạng hóa lẫn nhau theo nhiều cấp độ khác nhau.

Giao lưu là nhu cầu tự thân của mỗi nền văn hóa để phát triển. Để có được mối giao lưu này phải có sự tiếp xúc của ít nhất hai tộc người, hai dân tộc hay hai nhóm người trong một thời gian ổn định lâu dài và tạo ra những biến đổi trong mô thức văn hóa của các hay ít nhất cũng là văn hóa của một trong số các dân tộc, tộc người, nhóm người đó. Thật dễ dàng nhận thấy vai trò của giao lưu văn hóa trong sự phát triển của các dân tộc trên thế giới. Tất cả các nền văn hóa có giao lưu với các nền văn hóa khác đều phong phú, đa dạng, phát triển hơn so với văn hóa bản địa; tất cả các nền văn hóa không có điều kiện giao lưu với thế giới bên ngoài đều kém phát triển, ngưng đọng, trì trệ và mai một. Xin đơn cử một ví dụ có thể minh chứng cho nhận định này, đó là: Kinh nghiệm lịch sử của bốn dân tộc có chung cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, cùng nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme là Việt, Mường, Thổ và Chứt. Tuy cùng có một cơ tầng văn hóa, cùng chung một ngữ hệ nhưng văn hóa của mỗi dân tộc này hiện có sự phát triển khác nhau. Do địa bàn cư trú ở vùng châu thổ và trung du có điều kiện giao thông dễ dàng hơn nên có điều kiện giao lưu được với nhiều nền văn hóa hơn (Ấn Độ, Trung Quốc, phương Tây) vì thế văn hóa của người Việt phát triển đa dạng, phong phú nhất, rực rỡ nhất. Sau đó, tỷ lệ thuận với điều kiện giao lưu, văn hóa Mường cũng phát triển hơn còn văn hóa Thổ, Chứt thì kém phát triển rõ rệt.

Giao lưu văn hóa được tiến hành theo nhiều phương thức khác nhau. Có thể là sự giao lưu tự phát của các dân tộc, các nhóm người có chung đường biên giới, thông qua việc trao đổi các sản phẩm, công cụ sản xuất, hoặc kết hôn ngoại tộc. Giao lưu cũng có thể được diễn ra thông qua việc truyền giáo, thông thương giữa các nền văn hóa ở cách xa nhau, cũng có thể theo con đường của một dân tộc đi xâm chiếm đất nước của dân tộc khác. Cũng có những mối giao lưu chủ động, có tổ chức xuất phát từ nhu cầu học hỏi kinh nghiệm của các nền văn hóa đạt được nhiều thành tựu hơn, phát triển hơn, hoặc giao lưu ở tầm chiến lược quốc gia qua con đưòng ngoại giao, hợp tác vì lợi ích chung của cả hai phía. Giao lưu văn hóa có thể xảy ra bằng nhiều phương thức khác nhau. Có hình thức giao lưu tự nguyện, có hình thức giao lưu cưỡng bức. Nhưng dù giao lưu văn hóa dưới bất kỳ hình thức nào cũng luôn tạo ra những biến đổi trong nền văn hóa tham gia giao lưu. Biến đổi đó là tích cực hay tiêu cực chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tương tác của các thành phần tham gia giao lưu đó, là yếu tố nội sinh và ngoại sinh

Bất kỳ hình thức giao lưu nào cũng phải có sự du nhập của yếu tố ngoại sinh vào văn hóa bản địa và luôn luôn xảy ra mối tương tác giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh. Vấn đề đặt ra là: vậy yếu tố nội sinh và ngoại sinh quan hệ với nhau như thế nào để có thể đạt được sự biến đổi trong mô thức một nền văn hóa. Hay nói cách khác, giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh mang tính quy luật như thế nào trong phát triển văn hóa. Để làm rõ quy luật này, cần phân tích khả năng tương tác giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong một nền văn hóa cụ thể, chẳng hạn, văn hóa Việt.

Xét về mặt logic, giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh có thể xảy ra các quan hệ sau đây:

Quan hệ 1: Yếu tố ngoại sinh khi du nhập vào nền văn hóa bản địa đã được chấp nhận và thay thế cho yếu tố nội sinh tương đương làm cho yếu tố này bị mất đi, hoặc giảm đi đáng kể vai trò của mình trong nền văn hóa bản địa.

Ta có thể dễ dàng chứng minh điều này trong văn hóa Việt. Trước khi giao lưu với văn hóa phương Tây, tục nhuộm răng đen còn là một phong tục cổ truyền rất phổ biến. Khi giải thích về nguồn gốc của phong tục này, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng tục nhuộm răng đen là nhu cầu cần khẳng định sự khác biệt mình với giới tự nhiên của người Việt. Khi giao lưu với văn hóa Pháp, tục này đã hoàn toàn bị thay đổi bằng tục để răng trắng và cũng được giải thích rằng đó là sự phát triển cao hơn của con người với tư cách là một cá nhân (không chỉ là một cá thể như trước đây); con người đã có nhiều cách khác nhau để khẳng định bản thân mình, do đó không cần thiết phải nhuộm răng đen nữa. Bất kỳ một sự lý giải nào về văn hóa cũng chỉ mang tính suy luận, ước đoán, song việc tục nhuộm răng đen bị mất đi dưới tác động của mối giao lưu văn hóa với phương Tây thông qua văn hóa Pháp là điều không thể phủ nhận. Cũng có thể nhận thấy rằng dưới tác động của giao lưu với văn hóa Pháp mà mô thức văn hóa trong trang phục của người Việt cũng thay đổi hoàn toàn. Thay bằng bộ quần chùng, áo dài của nam giới và chiếc váy rộng cùng áo tứ thân của nữ giới là bộ complê và những bộ quần áo theo đúng kiểu trang phục phương Tây. Trong trường hợp này, yếu tố nội sinh bị thay thế hoàn toàn bởi yếu tố ngoại sinh, tạo ra sự biến đổi trong phong tục cổ truyền của người Việt.

Nếu ngược lại xa hơn theo dòng lịch sử dân tộc, ta thấy rõ sự biến đổi trong mô thức văn hóa Việt trong quan hệ với các yếu tố ngoại sinh được thể hiện rất rõ trong vốn từ vựng, trong hệ thống lễ hội cổ truyền và trong rất nhiều lĩnh vực văn hóa tinh thần khác. Ví dụ, trước TK XV, Nho giáo đã được du nhập từ rất lâu song vẫn chưa tìm được vị trí vững chắc trong nền văn hóa dân gian bản địa, các nghi lễ nông nghiệp như cầu mưa, cầu nắng, cầu mùa màng sinh sôi nảy nở, đặc biệt là phồn thực, vốn là nghi lễ xuất phát từ tín ngưỡng bản địa tồn tại rất lâu đời trong nền văn hóa bản địa truyền thống của người Việt, vẫn là các nghi lễ chính thống trong các lễ hội dân gian cổ truyền. Nhưng khi nhà hậu Lê quyết định chọn Nho giáo làm quốc giáo, thì mọi nghi lễ, nghi thức của các lễ hội dân gian bản địa này, đặc biệt là nghi lễ phồn thực phải nhường chỗ cho các nghi lễ của Nho giáo, các yếu tố nội sinh bị đẩy lùi sang như các nghi lễ bên lề, như những tục hèm trong các lễ hội truyền thống. Mối quan hệ của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh này đã làm biến đổi đáng kể bộ mặt của hệ thống lễ hội cổ truyền, làm mới hơn, phong phú hơn hệ thống nghi lễ, nghi thức và đẩy các nghi lễ cổ truyền sang bên lề. Tuy nhiên các nghi lễ mang tính bản địa này vẫn tồn tại trong vô thức của người dân, trong những phong tục đặc biệt được gọi là tục hèm mà nhiều khi không thể lý giải được nếu như không bóc tách, giải mã đúng các lớp phủ văn hóa của chúng.

Cũng có thể đưa ra một bằng chứng khác của việc thay thế các phong tục bản địa bằng một phong tục khác dưới động của nền văn hóa du nhập. Đó là cướp dâu, một phong tục khá phổ biến của cư dân văn hóa bản địa có chung cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Gọi là cướp dâu, nhưng thực tế đó là một phong tục đẹp, tượng trưng cho khát vọng tự do yêu đương của thanh niên nam nữ thời đó. Bởi vì, về thực chất, đây là một sự thỏa thuận giữa đôi trai gái yêu nhau, quyết tâm vượt mọi khó khăn cản trở để cùng nhau xây dựng mộng lứa đôi, đặc biệt là vượt qua sự cấm đoán của cha mẹ, hay sự thách cưới quá cao vượt quá khả năng của chú rể tương lai. Cô dâu khi được cướp về chỉ làm đám cưới tượng trưng, mang tính thủ tục và được toàn bộ dân làng ủng hộ. Song khi Nho giáo du nhập vào, với ảnh hưởng của đạo lý tam tòng, tứ đức, người con gái bị trói buộc hoàn toàn vào ý muốn của cha mẹ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nên phong tục đẹp này bị mai một đi và thay thế bằng các nghi lễ vấn danh hay dạm hỏi mang khá đậm màu sắc Nho giáo trong văn hóa Việt. Tuy nhiên, ở các dân tộc thiểu số khác như người Mông chẳng hạn, tục này còn duy trì cho tới tận ngày nay.

Tóm lại, với việc thay thế và gần như thay thế các yếu tố nội sinh tương đương, các yếu tố ngoại sinh có vai trò quan trọng trong việc làm đổi mới những mô thức văn hóa trong nền văn hóa bản địa, tạo cho nền văn hóa này biến đổi đa dạng hơn và phong phú hơn.

Quan hệ 2: Yếu tố ngoại sinh khi du nhập vào nền văn hóa bản địa thì kết hợp với yếu tố nội sinh để tạo ra các yếu tố mới, mang tính lai tạo hết sức độc đáo và lý thú. Mối tương tác kiểu này có thể coi là phổ biến nhất và tạo cho nền văn hóa bản địa đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Có thể tìm được một cách dễ dàng các minh chứng hùng hồn cho mối quan hệ tạo tiền đề cho phát triển dạng này. Khi đạo phù thủy du nhập vào văn hóa Việt đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn và tài tình với một tín ngưỡng dân gian bản địa rất phổ biến, rất đặc trưng là tín nguỡng thờ mẫu để tạo thành tín ngưỡng tam phủ, tứ phủ. Tín ngưỡng tam phủ, tứ phủ là một tín ngưỡng hết sức đặc sắc trong nền văn hóa Việt Nam, nó vừa là tín ngưỡng thờ mẹ đất, mẹ nước theo tâm thức dân gian truyền thống, vừa khác với tín ngưỡng thờ mẹ vốn rất mộc mạc, chất phác bản địa bởi sự kết hợp vào đó các yếu tố trừ tà, trừ bệnh, xin thẻ, xin xăm, bói toán, phong thủy… và việc dung hợp vào hệ thống các đối tượng tôn thờ nhiều ông hoàng, bà chúa, cô, cậu… của đạo phù thủy. Việc lai tạo này thể hiện rất rõ vai trò quan trọng của gen nội sinh và ưu thế của gen ngoại sinh để tạo ra một hiện tượng văn hóa lai đặc sắc và độc đáo.

Chữ Nôm cũng là một bằng chứng hùng hồn cho quan hệ nội ngoại sinh kết hợp này. Sử dụng một cách khéo léo các ký tự Hán theo một quy tắc ghép tự đặc biệt để ghi âm chữ Việt, chữ Nôm là một sản phẩm được lai tạo hết sức tài tình và độc đáo, góp phần quan trọng trong việc hình thành nền văn hóa bác học trong lòng nền văn hóa dân gian Việt và trong việc bảo tồn lưu giữ các di sản văn hóa tinh thần của cha ông ta suốt mấy thế kỷ.

Sự du nhập của Phật giáo cũng làm xuất hiện một tiểu hệ thống các lễ hội mới trong hệ thống lễ hội cổ truyền, đó là các lễ hội chùa, mà chủ yếu là dạng tiền phật hậu thần hay tiền phật hậu mẫu. Đây là dạng lễ hội rất độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố Phật giáo ngoại sinh với tín ngưỡng dân gian bản điạ. Ta thấy các yếu tố của Phật giáo như nghi lễ thờ Phật, các dạng thức đọc kinh, kể hạnh… luôn gắn bó, dung hòa với các tục thờ cây, thờ tự nhiên, tục thờ nhân thần… vốn đặc trưng cho tín ngưỡng bản địa. Một nguyên mẫu cho loại hình văn hóa lai tạo dưới tác động của các yếu tố ngoại sinh và nội sinh này có thể kể đến lễ hội chùa Dâu. Việc kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ các yếu tố tự nhiên đã tạo ra một tín ngưỡng độc đáo là tín ngưỡng thờ tứ pháp, một trong các nguyên cớ căn bản, hạt nhân quan trọng để tiến hành lễ hội này. Trong lễ hội chùa Dâu, ta thấy những yếu tố văn hóa bản địa kết hợp với Phật giáo một cách tài tình và tuyệt diệu để tạo nên phật Thạch quang mà bản chất chính là tục thờ đá rất cổ xưa của người Việt kết hợp với Phật giáo. Tục thờ tứ pháp về bản chất chính là tục thờ cây + tục thờ mây mưa, sấm chớp + Phật giáo. Nếu phân tích bất kỳ một lễ hội chùa nào, như lễ hội chùa Láng, lễ hội chùa Thày… đều thấy rõ sự dung hợp, gắn kết, lai tạo tài tình của các yếu tố bản địa với Phật giáo.

Tóm lại, việc kết hợp giữa các yếu tố nội sinh bản địa và ngoại sinh du nhập để tạo ra các thành tố văn hóa mới mang sắc thái của cả hai yếu tố nội và ngoại sinh là một phương thức phát triển của văn hóa bản địa theo xu thế đa dạng hóa, phong phú hóa.

Quan hệ 3: Các yếu tố ngoại sinh khi du nhập vào nền văn hóa bản địa đã được chấp nhận và tồn tại song song với các yếu tố nội sinh tương đương với chúng trong nền văn hóa bản địa và tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nền văn hóa đó.

Các dạng quan hệ kiểu này có thể kể đến mối quan hệ của từ du nhập và từ bản địa trong vốn từ vựng. Trong từ vựng tiếng Việt tồn tại rất nhiều từ Hán – Việt, vốn là các từ du nhập vào từ nền văn hóa Trung Quốc, và chúng vẫn song song tồn tại cùng với từ gốc bản địa như các từ đồng nghĩa và chỉ phân biệt với nhau bằng văn phong. Thường thì từ Hán Việt được dùng trong văn viết, trong cách nói trịnh trọng, trong ngôn ngữ văn học và khoa học, còn các từ gốc bản địa thường dùng trong ngôn ngữ giao tiếp, trong văn phong nói, thường gọi là cách nói nôm na. Ví dụ, từ Hán Việt: tân, cố, thủy, thanh, hồng, hoàng, hải, huyền, hằng, hạnh,…; từ gốc bản địa: mới, cũ, nước, xanh, đỏ, vàng, biển, đen, trăng, mận…

Một bằng chứng khác của mối quan hệ tồn tại song hành và độc lập này có thể kể đến trang phục ngày cưới và trang phục tang lễ của người Việt. Theo truyền thống, ngày cưới cô dâu mặc áo đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc; song khi văn hóa phương Tây du nhập vào, thì cô dâu lại mặc áo trắng, biểu hiện sự trong trắng, tinh khiết. Tang phục cũng tương tự như vậy. Màu trắng vốn là màu tượng trưng cho tang thương, đau đớn của tang gia theo phong tục cổ truyền (thương đến trắng xương ra) song dưới tác động của giao lưu văn hóa với phương Tây người Việt chấp nhận cả tang phục màu đen, biểu trưng cho sự u buồn khi có người thân mất. Cho đến nay vẫn tồn tại song song hai loại tang phục trắng (bản địa) và đen (ngoại sinh) trong tang lễ của người Việt.

Có thể dẫn ra rất nhiều bằng chứng khác minh chứng cho việc tồn tại song song và độc lập như thế của yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong nền văn hóa Việt Nam và các nền văn hóa khác. Mối quan hệ dạng này cũng tạo điều kiện cho văn hóa bản địa phát triển theo xu hướng đa dạng hóa.

Quan hệ 4: Yếu tố ngoại sinh khi du nhập vào nền văn hóa bản địa thì được chấp nhận như một yếu tố văn hóa mới (bởi nó chưa hề có trong nền văn hóa bản địa) có thể ở dạng nguyên vẹn, cũng có thể ở dạng bản địa hóa, tùy thuộc vào đặc điểm tiếp biến của nền văn hóa bản địa.

Đặc trưng cho kiểu quan hệ này có thể kể đến Nho giáo, Phật giáo, Kitô giáo, các yếu tố văn hóa vật chất như điện, phương tiện giao thông hiện đại, các đồ dùng tiện nghi sinh hoạt… trong văn hóa Việt ; Bà la môn giáo, Hồi giáo trong văn hóa Chăm…

Khi các tôn giáo này du nhập vào nền văn hóa Việt, thường được cải biến, bản địa hóa khiến chúng khác nhiều so với nguyên bản. Song điều ta cần bàn ở đây là sự có mặt của các yếu tố này trong lòng nền văn hóa bản địa đã làm thay đổi quan trọng về chất, tạo cho văn hóa một bước nhảy trong quá trình phát triển của mình. Nho giáo và Phật giáo đã từng là hệ tư tưởng chính thống của văn hóa Đại Việt, Đại Nam và với vai trò đó, các hệ tư tưởng này đã để lại dấu ấn vô cùng sâu đậm và sắc nét trong văn hóa Việt Nam từ nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đến nghệ thuật văn chương, từ phong tục tập quán đến tâm lý dân tộc, đâu đâu cũng thấy rõ nét ảnh hưởng của các tôn giáo du nhập. Cho tới nay khi nói về nền văn hóa Việt Nam, không một học giả nào không nói đến tác động của các tôn giáo, các hệ tư tưởng du nhập này.

Sự du nhập, có mặt và tiếp biến một cách tài tình của yếu tố văn hóa ngoại sinh thường tạo cho nền văn hóa bản địa sự phát triển mạnh mẽ như những bước ngoặt, từ một nền văn hóa dân tộc trở thành một nền văn hóa mang tính khu vực, từ một nền văn hóa mang tính khu vực trở thành một nền văn hóa mang tính quốc tế. Đó là khi mối giao lưu văn hóa tạo ra cho nền văn hóa bản địa tất cả các loại hình, dạng thức và yếu tố đặc trưng cho khu vực hoặc thế giới. Sự du nhập của các yếu tố ngoại sinh như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Hindu giáo vào nền văn hóa Việt Nam cổ đại đã giúp cho văn hóa Việt Nam bước ra vũ đài khu vực; còn sự có mặt của nhạc giao hưởng, báo chí, điện ảnh, thơ tự do, hội họa sơn dầu… từ mối giao lưu với văn hóa phương Tây đã tạo cho văn hóa Việt Nam bước nhảy vọt ra vũ đài thế giới.

Ngoài bốn mối quan hệ nêu trên, còn phải kể đến mối quan hệ kết hợp của yếu tố ngoại sinh với nhau, hoặc của yếu tố ngoại sinh trên nền tảng của yếu tố nội sinh bản địa để tạo ra yếu tố mới, tạo ra sự đa dạng, phong phú nhiều tầng cho văn hóa bản địa mà ta có thể thấy rất rõ khi phân tích hiện tượng tam giáo đồng nguyên, khi phân tích hệ thống nghi lễ, tín ngưỡng trong lễ hội cổ truyền Việt Nam.

Từ những phân tích, chứng minh các mối quan hệ giữa các yếu tố ngoại sinh và nội sinh trên đây trong nền văn hóa Việt, ta thấy rằng, tất cả các mối tương tác của các yếu tố này đều tạo điều kiện cho văn hóa bản địa phát triển theo các khuynh hướng: đổi mới theo xu thế thời đại (quan hệ 1); đa dạng hóa, phong phú hóa bằng các yếu tố lai tạo, kết hợp giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh (mối quan hệ 2); đa dạng hóa, phong phú hóa bằng sự tồn tại song hành và độc lập của yếu tố nội sinh và ngoại sinh (mối quan hệ 3); và đa dạng hóa tạo những bước chuyển biến về chất, nâng cao vai trò của yếu tố văn hóa bản địa bằng yếu tố văn hóa ngoại sinh hoàn toàn mới so với nền văn hóa bản địa (mối quan hệ 4).

        Tóm lại, xử lý mối quan hệ giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong giao lưu văn hóa chính là quy luật phát triển của các nền văn hóa nói chung, và văn hóa Việt Nam nói riêng. Sự phát triển này luôn làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, nếu ta hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là một hệ thống mở, luôn phát triển và hoàn thiện cùng với lịch sử và thời gian.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 322, tháng 4-2011

Tác giả : Nguyễn Thị Kim Loan

3/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *