YẾU TỐ PHÊ BÌNH TRONG NGHIÊN CỨU MỸ THUẬT CỦA THÁI BÁ VÂN


Thái Bá Vân là một cây bút phê bình tinh tế. Ông là người có cái nhìn giàu tinh thần mỹ cảm về nghệ thuật. Những bài viết phê bình của ông được ghi nhận là có dấu ấn riêng, bộc lộ rõ sự sâu sắc và độc đáo. Với ông, các nhà phê bình nghệ thuật thì thời nào và ở đâu cũng nhiều. Nhưng một nền phê bình nghệ thuật thì thời nào và ở đâu cũng hiếm (1).

Trong công việc nghiên cứu mỹ thuật, Thái Bá Vân đã lấy cái đẹp làm mục đích, lấy mục đích nghiên cứu của sử học là cái thật làm hành trang. Ông đặc biệt chú tâm đến việc lấy cái đẹp để phân biệt giữa khảo cổ và sử học nghệ thuật. Thái Bá Vân cho rằng, khảo cổ học kết thúc ở nơi sử học nghệ thuật bắt đầu, cũng như sử học nghệ thuật bắt đầu ở nơi phê bình nghệ thuật kết thúc (2). Ông đặc biệt chú trọng yếu tố phê bình mỹ thuật trong các bài viết của mình. Tuy nhiên, đối với Thái Bá Vân, lịch sử nghệ thuật trở thành cái nôi, là bệ đỡ cho phê bình nghệ thuật, bởi nếu không có tác phẩm, không có sự thưởng ngoạn, bình luận và đánh giá thì làm sao có thể xây dựng được các mô hình thẩm mỹ khác nhau. Tính khoa học trong phê bình mỹ thuật của Thái Bá Vân Trong hoạt động phê bình mỹ thuật, Thái Bá Vân lên án việc chỉ biết có cái nhìn và coi cái nhìn thấy là kẻ nô lệ của con mắt. Ông từng có bài viết nêu rõ quan điểm “hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng con mắt, mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng”. Qua đó, ông diễn giải: nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật thì không miêu tả mà nói lên, cái mà người làm phê bình mỹ thuật coi hiện thực chỉ là vẻ bề ngoài, cần nhìn sâu hơn về sự thật tâm lý. Điều này còn được ông lý giải bằng các tác phẩm mỹ thuật truyền thống Việt và các tác phẩm hội họa của phương Tây, để từ đó đưa ra khái niệm nhìnthấy là hai điều khác nhau. Để hiểu mỹ thuật hoặc biết cách tiếp xúc với mỹ thuật cũng đòi hỏi phải hiểu về lịch sử, về xã hội, rồi qua đó, tìm đến việc giải mã các biểu trưng nghệ thuật mang tính khoa học. Ví như hình tượng con rồng thời Lý vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc, vừa biểu tượng nhất nguyên của uy quyền hoàng đế và cũng là biểu tượng của nguồn nước… Từ cách tạo hình của tượng Quan Thế Âm mà dùng khoa học để nhìn cả hình lẫn tượng, từ các giáo lý của Phật giáo đại thừa đến tâm tư của người nghệ sĩ dân gian. Song phê bình mỹ thuật không chỉ dựa vào khoa học một cách tuyệt đối mà còn rất cần đến khả năng cảm quan để nhận xét, bình phẩm, đưa đến giá trị nghệ thuật và giá trị khoa học chân xác của nghệ thuật, Thái Bá Vân cho rằng khi ta thấy, đó mới chính là con mắt nhân sinh. Vì vậy, phê bình mỹ thuật cần có một quá trình nhận thức và dẫn giải mang tính khoa học, biết nhìn mỹ thuật bằng phương pháp khoa học để minh giải lịch sử. Phê bình mỹ thuật lấy khoa học để hiểu về thời đại và con người sống trong đó. Ở khía cạnh này, Thái Bá Vân có những quan điểm mà ông gọi là mô hình thẩm mỹ ở dạng biểu trưng, có thể còn là cái nhìn về thế giới của một thời đại một dân tộc, một khuynh hướng được xây dựng trên nền tảng khoa học của đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Ông luôn có cái nhìn mạch lạc về lịch sử học mỹ thuật của thế giới và của riêng Việt Nam. Thái Bá Vân là người am tường rành mạch lịch sử mỹ thuật Việt Nam với những đứt đoạn, thăng trầm khá kỳ thú. Trong nhiều bài viết về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, Thái Bá Vân luôn lấy cơ sở khoa học làm trọng, dựa trên sự phát triển mang tính nội tại theo dòng chảy của chính lịch sử nước nhà. Mọi thành tựu mỹ thuật luôn được ông nhận định với việc phát triển song hành cùng sự hưng thịnh hay suy vong của xã hội. Mỹ thuật luôn sát cánh cùng cách nhìn, lối sống của con người đương thời mà tạo ra giá trị thẩm mỹ riêng. Như vậy, phê bình mỹ thuật rất cần đến tính khoa học. Đó là hệ thống suy tư về ngọn nguồn thẩm mỹ và các định hướng của người làm phê bình. Phê bình mỹ thuật, cũng như những loại hình nghệ thuật khác, không chỉ nhằm hướng tới việc giải mã một hiện vật, tác phẩm mà xa hơn, đó là việc giải mã theo một hệ thống khoa học. Tính lịch sử dân tộc trong phê bình mỹ thuật của Thái Bá Vân Nhà văn Mỹ Mark Twain có câu: “Sự thật là điều quý giá nhất mà chúng ta có được. Hãy tiết kiệm nó”. Nói đến lịch sử là nói đến diễn biến, đến phần sự thật quan trọng đã xảy ra trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Việt Nam là một đất nước luôn phải tiến hành các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm để bảo tồn giá trị dân tộc. Các hiện vật mỹ thuật truyền thống dân tộc tồn tại trên nền tảng của lịch sử. Cho nên, trong phê bình mỹ thuật truyền thống dân tộc, Thái Bá Vân lấy tính lịch sử dân tộc là chỗ dựa vững chắc cho các quan điểm của mình. Lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử mỹ thuật nói riêng luôn không có sự so sánh hơn kém hoặc thấp cao giữa các giai đoạn hay thời đại. Thái Bá Vân coi lịch sử nghệ thuật như một dòng chảy liên kết từ đỉnh cao của giai đoạn này tới đỉnh cao của giai đoạn khác. Ông nói: “Nếu có 100 chiếc trống đồng, nhà khảo cổ học mang về tất cả để nghiên cứu, còn nhà sử nghệ thuật chỉ nhặt dăm ba chiếc tiêu biểu” (3). Không chỉ lấy nét tiêu biểu để hóa giải, để chỉ ra tính lịch sử của dân tộc thông qua nghệ thuật, ông còn cho rằng vai trò của người làm nghiên cứu và phê bình mỹ thuật cần phải có nhân cách văn hóa, chính là tri thức về nghề nghiệp. Nói cách khác, phê bình còn là bà đỡ cho các hiện vật hoặc tác phẩm mỹ thuật. Phê bình mỹ thuật là một khoa học mang tính thời đại và dựa vào thành tựu, giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật. Song trên thực tế, các hiện vật mỹ thuật hay tác phẩm mỹ thuật không được sinh ra để dành riêng cho các nhà phê bình mà hướng đến con người. Vai trò của phê bình là diễn giải và bình luận về tác phẩm, giúp cho công chúng dễ hiểu hoặc hiểu hơn về tác phẩm. Một bài viết phê bình cũng là phương tiện được chuyển tải sự hiểu biết và trải nghiệm thẩm mỹ giữa nhà phê bình và người thưởng thức. Thái Bá Vân từng viết: “Phê bình nghệ thuật bắt đầu (và kết thúc) ở thưởng thức”, cũng là phát biểu tại hội thảo Đổi mới và phê bình nghệ thuật do tạp chí Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật (4) tổ chức năm 1988. Ông đưa ra nhận định mang tính quả quyết về việc hiểu một hình tượng nghệ thuật là biết được những bí mật, niềm vui và nỗi đau của nó, nghĩa là đời sống của nó rung động trong chính nó. Phải chăng, ông đang nói đến vai trò của phê bình mỹ thuật. Thật khó để rạch ròi phân tích mỹ thuật và phê bình mỹ thuật, giữa chúng có mối quan hệ khăng khít trên mọi nẻo đường phát triển của nghệ thuật. Tác phẩm mỹ thuật được hình thành bởi người sáng tác còn phê bình mỹ thuật là sự chuyển dịch ngôn ngữ của hình tượng vốn có trong tác phẩm sang ngôn ngữ và những khái niệm của khoa học nhân văn. Vì vậy, nó được công nhận là xuất phát từ hiện thực con người, là những cuộc gặp gỡ trong sự hiểu biết và đồng cảm giữa con người với con người, với thiên nhiên, với đời sống xã hội. Ở một chừng mực nào đó, chúng ta đều có thể hiểu rằng khái niệm thưởng thức tác phẩm đồng nghĩa với việc đánh giá giá trị thẩm mỹ của tác phẩm hay đề cao khả năng của tác giả. Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, phê bình còn trực tiếp phản biện lại những luận điểm của các quan điểm khác đã đưa ra công luận. Đó cũng chính là vấn đề nói tới việc không thưởng thức hoặc là không thưởng thức được dẫn tới làm hại cho tác phẩm, làm mất đi mối liên hệ về tinh thần của tác phẩm thông qua việc thưởng thức. Thái Bá Vân cũng đưa ra quan điểm chỉ bằng con đường thưởng thức thì người xem và nhà phê bình sẽ thực sự hiểu được tác phẩm. Đó chính là cách đánh giá vai trò quan trọng của công tác phê bình mỹ thuật, vì rằng khi chúng ta hiểu được nội dung và hình thức của tác phẩm thì sẽ có thể đoán định hoặc kiến giải các giá trị và ý nghĩa mang tính thuyết phục đến người xem, người nghe. Những quan điểm mang tính triết mỹ về phê bình mỹ thuật của Thái Bá Vân đều hướng về sự tôn sùng cái đẹp, coi cái đẹp là mục đích của nghệ thuật. Thái Bá Vân viết không nhiều. Mỗi bài viết của ông thường ngắn gọn, súc tích, thể hiện sự uyên thâm và quả quyết trong lối viết và cách đưa ra những nhận định riêng thuyết phục. Thái Bá Vân lấy cái đẹp là đối tượng nghiên cứu của nghệ thuật, đồng nghĩa với việc đi tìm cảm xúc ở những nơi mà chỉ có nghệ thuật mới có thể diễn giải hết ý nghĩa của nó. Song, ông không quên vận dụng tư tưởng, lịch sử xã hội và khoa học để tiếng nói phê bình của mình trở nên thân thiết, tin cậy. Ông là một nhà phê bình giỏi và hiếm hoi trong thời gian qua ở Việt Nam. ____________ 1. Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, Nxb Bản đồ, Hà Nội, 1998, tr.282. 2, 3. Nhiều tác giả, Trước hết là giá trị con người, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008, tr.107. 4. Tiền thân của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : TRẦN THỊ BIỂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *