Sức hút của một trung tâm văn hóa, kinh tế chính trị như Hà Nội đã tập hợp được một lực lượng khá đông đảo những cây bút về văn hóa nghệ thuật. Với âm nhạc sức hút dẫn ấy được thể hiện khá rõ thông qua số lượng ca khúc đồ sộ của hàng trăm nhạc sĩ sống tại Hà Nội, hay không ở Hà Nội. Mỗi người có một cảm xúc riêng, điều đó đã dệt nên bức tranh bằng âm thanh về Hà Nội với nhiều sắc màu khác nhau.
Có lẽ phải nương nhờ vào lịch sử để nhìn nhận một vấn đề về văn hóa âm nhạc, mà cụ thể ở đây là những ca khúc viết về Hà Nội. Điều đó là hoàn toàn đúng, bởi bất cứ một giai đoạn, thời kỳ nào đều có một hệ tư tưởng tương thích. Bởi bối cảnh lịch sử, trong đó nó dung chứa một phần hiện thực của xã hội, do đó nó vừa là cơ sở, vừa là cú hích để các tác giả phản ánh hiện thực vào trong tác phẩm thông qua những thủ pháp chủ đạo của nghệ thuật âm nhạc. Và, thông qua các tác phẩm âm nhạc, người thưởng thức có thể phần nào đánh giá được thái độ tư tưởng, khả năng thức nhận, cũng như tài năng… của từng nhạc sĩ.
Dựa vào lịch sử cách mạng, có thể nói rằng, từ 1930 khi chính đảng của giai cấp vô sản Việt Nam bước lên vũ đài chính trị, từ đây, trên phương diện văn hóa âm nhạc cơ bản đã thực hiện xong một chu trình giao thoa, tiếp biến với văn hóa âm nhạc phương Tây. Âm nhạc mới Việt Nam, bắt đầu những bước đi đầu tiên và đã bắt nhịp, cùng hành tiến với lịch sử dân tộc. Điều đáng ghi nhận là, ngay những bước đi đầu tiên ấy, các nhạc sĩ đã minh chứng qua ca khúc một sắc Việt, chất Việt khó trộn lẫn với âm nhạc của bất cứ nước nào.
15 năm kể từ khi ca khúc cách mạng Việt Nam định danh với bài Cùng nhau đi hồng binh của Đinh Nhu, thì hình ảnh Hà Nội, con người Hà Nội chưa được hiện rõ trong những dòng âm thanh của các nhạc sĩ. Năm 1945 với cuộc cách mạng tháng Tám, lịch sử nước nhà bước sang trang mới, người dân nước đất Việt hiểu được giá trị đích thực của độc lập tự do. Hà Nội với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử thì bắt đầu từ mùa thu cách mạng tháng Tám, bề dày ấy lại được cộng thêm sắc màu của cờ, hoa và ánh mắt, nụ cười. Hà Nội từ đây càng trở thành một trong những đối tượng phản ánh nhiều trong những tác phẩm thanh nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam.
Mùa đông năm 1947, những chiến sĩ thuộc Trung đoàn Thủ đô lần lượt rút khỏi Hà Nội lên chiến khu, với mục đích bảo toàn và xây dựng lực lượng cách mạng, họ để lại đằng sau một Hà Nội với nỗi nhớ khuôn nguôi. Chỉ ít ngày sau đó, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi ra đời. Âm nhạc lúc thanh thoát, dàn trải mênh mang, lúc lại sôi nổi, cháy bỏng, cùng với lời ca mang tính khái quát cả về địa lý và chiều dài lịch sử: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến thương”. Rồi “Hà Nội cháy, khói lửa rợp trời. Hà Nội hồng âm ầm rung. Hà Nội vùng đứng lên…”. Có lẽ do tác động của lịch sử và nhu cầu cần phản ánh lịch sử, nên nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã khôn khéo lựa chọn loại thể trường ca và đẩy vào đó chất ký sự, phóng sự về một không khí những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ở Hà Nội.
Rồi chiến tranh biên giới diễn ra vô cùng ác liệt, hiện thực ở chiến khu Việt Bắc lúc đó, lực lượng Liên khu Ba vừa chiến đấu, vừa xây dựng và trưởng thành hùng hậu. Chính điều này, đã gợi một nỗi nhớ cháy bỏng về Hà Nội trong nhiều nhạc sĩ thuộc đoàn quân của Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội mấy tháng trước. Huy Du là một người trong những số đó, và ca khúc Sẽ về thủ đô được ông viết cũng ra đời trong hoàn cảnh ấy. Một chút nhớ nhung vùng đất nơi ông đã sống, nhưng vì chiến tranh mà phải chia xa. Một chút lãng tử “cất bước ra đi chiều năm xa, dặm dài kháng chiến quên ngày về”. Thế rồi, khi mà “bụi trường chinh pha mái tóc”, lúc đó chất lãng tử năm xưa đã chuyển sang sự lạc quan, dưới cái nhìn biện chứng của người trong cuộc: “Ngày mai sẽ về thủ đô đắp xây chốn xa”.
Cũng năm đó, cũng ý, tứ và cách nhìn đó, trong Ngày về (Nhạc: Lương Ngọc Trác; Thơ: Chính Hữu) đầu tiên là “mơ thấy tiến về Hà Nội”, có chút nóng lòng và hoài nghi “bao giờ sẽ về”?. Nhưng ngay sau đó, trong ca từ lại nghe thấy sự tự tin, rồi chuyển hẳn sang dạng thái khác, như là sự khẳng định một ngày không xa: “Bước chân căm giận xéo quân thù lớp lớp. Mịt mù khói ngợp cờ máu huy hoàng phất nắng. Ôi bài ca chiến thắng reo vang” (1).
Nếu như Sẽ về thủ đô của Huy Du và Ngày về của Lương Ngọc Trác (thơ Chính Hữu) có một chút lãng tử, suy tư, thì năm 1948, Văn Cao lại dệt thêu một bức tranh tương lai gần vô cùng xán lạn trong Tiến về Hà Nội: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng. Cờ ngày nào tung bay trên phố… Năm cửa ô đón mừng đoàn quân kéo về … Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần. Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về, Hà Nội bừng tiến quân ca”(2). Mọi sự gian lao trên dặm dài kháng chiến chống Pháp, cuối cùng, cũng dồn tụ về ngày 10 tháng 10 giải phóng thủ đô. Không thể khác được, đó là quy luật vận động của lịch sử chiến tranh cách mạng, và điều quan trọng là tác giả đã nắm được cái quy luật của vận động đó.
Còn một số ca khúc nữa viết về Hà Nội trong giai đoạn này mà tôi chưa đề cập tới, nhưng chỉ bằng cách điểm như trên cũng đủ để gợi nhớ đã có một Hà Nội với Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây, với năm cửa ô gánh gánh gồng gồng và có cả những ngày lửa bốc vút trời cao… trong ca khúc Việt Nam.
Chỉ trong khoảng thời gian 9 năm kháng chiến trường kỳ, nhìn vào ca khúc viết về Hà Nội, có thể thấy các tác giả của nó: Nguyễn Đình Thi, Lương Ngọc Trác, Văn Cao… đều là những người có tài cầm – kỳ – thi – họa. Họ có tầm hiểu biết văn hóa rộng lớn, vì thế rất dễ hòa với cuộc sống kháng chiến, và chính họ cũng là con người của kháng chiến. Điều đó phần nào có thể lý giải được tại sao các nhạc sĩ này lại sớm thành công và ghi được dấu ấn trong nền ca khúc Việt Nam, khi họ chỉ ở độ 20 đến 24 tuổi. Quan trọng hơn, những ca khúc viết về Hà Nội của các nhạc sĩ ở giai đoạn này đã khái quát và đưa ra được ba loại môtip đó là: sự hoài niệm quá khứ, cái hiện tại, và sự kết hợp quá khứ hiện tại và tương lai. Dẫu môtip nào đi nữa, thì giữa chúng đều có một mẫu số chung: giai điệu âm nhạc bay bổng, không xô bồ mà thanh thoát, hướng thiện; ca từ có chọn lọc, giàu hình tượng văn học, dễ làm người nghe rung cảm, đồng cảm… từ đó họ càng thêm mến yêu Hà Nội hơn. Thực hiện được điều đó, chứng tỏ người nhạc sĩ đã nắm bắt và hiểu rõ cốt cách nhân văn của con người Hà Nội: “Chẳng thơm cũng thể hoa lài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lịch sử đất nước lại mở sang trang mới. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta diễn ra vô cùng khốc liệt trên nhiều vùng quê đất Việt. Hà Nội vẫn là trung tâm văn hóa chính trị của cả nước, và cũng là một trong những điểm nóng của chiến tranh. Với vị trí trung tâm của một nước có quyền tự do và độc lập, có vị trí hành chính rõ ràng trên bản đồ thế giới, lúc đó sức hút dẫn những cây bút viết về Hà Nội càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ở thời điểm mà cả nước đang chìm trong khói lửa, những bài ca về Hà Nội vẫn cất lên hào sảng và trong sáng. Không hô hào, cổ động, không lẫn sang ngôn ngữ ký sự hay phóng sự của báo chí, mà giai điệu của các bài hát viết về Hà Nội vẫn thanh thoát bay xa. Lời ca là sự xâu chuỗi mang tính khái quát về lịch sử ngày hôm qua, ngày hôm nay và tương lai được hòa trộn, cộng gộp nhưng vẫn tạo được hơi thở của thời đại. Cái tạo nên sự rung cảm trong tâm trí của người nghe, đó là tính thẩm mỹ mà mỗi tác giả đã biết gói, gửi trong từng ca khúc. Nhìn vào chiều sâu của vấn đề, thì mỗi tác phẩm là sự thể hiện một bản thể văn hóa của mỗi tác giả. Một cuộc sống hời hợt, phi thực tiễn chắc chắn không thể chắt lọc được những ca từ có giá trị về phương diện văn học, và cũng không thể chiết xuất được những giai điệu âm nhạc có tính nhân văn cao. Cái quan trọng nhất của của một tác phẩm nghệ thuật nói chung và ca khúc nói riêng là làm cho người thưởng thức cảm thấy khoan khoái và yêu đời hơn.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và có lẽ cả ngày nay, người Hà Nội vẫn tự hào về những ngày tháng hào hùng đó mỗi khi tự lòng mình hay ai đó cất lên: “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/ Làm tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô/ Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô/ Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau… Đây Thăng Long ngày nay chiến công rạng danh non sông/ Hà Nội mến yêu của ta/ Thủ đô mến yêu của ta/ Là ngôi sao mai rạng rỡ…” (Hà Nội niềm tin và hy vọng – Phan Nhân) (3). Hay, một sự bồi hồi nhớ lại: “Không thể nói trời không xanh hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba sáu phố phường…” (Cảm xúc tháng mười – Nhạc: Nguyễn Thành, thơ: Tạ Hữu Yên) (4). Hoặc vẫn thấy niềm tự hào về sự thanh thản của người con trai, con gái Hà thành trong những ngày khói lửa: “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công/ Đường thênh thang Ba Đình lịch sử/ Đường tấp nập Hoàn Kiếm Đồng Xuân/ Nghe náo nức trong lòng thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ/ Ơi cô gái! Súng trên vai sao vuông đầu mũ/ Em đi về đâu mà mắt em tươi sáng/ Em đi về đâu mà chân bước hiên ngang…” (Bài ca Hà Nội – Vũ Thanh) (5).
Như vậy có thể thấy, môtip chủ đạo trong những ca khúc viết về Hà Nội trong hai cuộc kháng chiến vẫn là ngợi ca bằng những giai điệu thanh thoát cùng lời ca giàu hình tượng và có tính nhân văn. Các nhạc sĩ chủ yếu đề cao yếu tố nội tâm hơn là sự hướng ngoại bộc lộ ra bên ngoài. Mười năm sau khi đất nước thống nhất, và cả mấy năm đầu của thời kỳ đổi mới, cái môtip này vẫn được các nhạc sĩ coi trọng. Bằng chứng của sự nối dài này được thể hiện qua hàng loạt ca khúc: Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Hà Nội mùa thu (Vũ Thanh), Trời Hà Nội xanh (Văn Ký), Hà Nội một trái tim hồng (Nguyễn Đức Toàn), Kỷ niệm thành phố tuổi thơ (Hồng Đăng), Hà Nội tuổi thơ tôi (Nguyễn Cường) và nhiều các ca khúc khác của Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Thanh Tùng, Phú Quang…
Một bức tranh âm thanh về Hà Nội, nhìn tổng thể là sự thuần khiết trong sáng, nhưng trong chiều sâu của nó lại bao chứa cái đa màu sắc với những cung bậc tình cảm khác nhau của các nhạc sĩ. Nói đúng hơn, ở mỗi thời điểm, mỗi nhạc sĩ khi viết về Hà Nội đều tìm những cách thức, thủ pháp để thể hiện tình yêu của mình với thủ đô yêu dấu.
Mấy năm gần đây cũng vậy, các tác giả trẻ đã thể hiện tình yêu đó qua nhiều ca khúc trong các chương trình, đặc biệt là ở Bài hát Việt, Giọng hát Việt…Thông qua các chương trình này, có thể thấy cách khai thác đề tài không có gì khác ở các giai đoạn trước, nhưng cách cảm xúc là thấy rõ sự thay đổi. Nói theo cách của các nhà nghiên cứu là mấy năm gần đây, ca khúc Việt đã có sự chuyển đổi thẩm mỹ. Các tác giả trẻ đã mạnh dạn chọn một hướng đi khác, nhưng không mới, đó là sẵn sàng lấy những mô hình của thể loại nhạc nhẹ đang thịnh hành trên thế giới làm khuôn vàng thước ngọc cho nhạc nhẹ Việt Nam (đấy là chưa kể đên việc cóp, nhái giai điệu, hòa thanh, cách phối khí.. của âm nhạc nước ngoài). Trên phương diện văn hóa, lịch sử điều đó có thể chấp nhận được vì sự vận động đó là đúng quy luật, nhưng điều cần bàn là tầng nền và tâm thức văn hóa của từng tác giả khi tiếp nhận những mô hình đó như thế nào mới là điều quan trọng.
Hình như các tác giả trẻ thế hệ 8X, 9X, cho dù nhiều khi báo đài ca ngợi là những tài năng của nền âm nhạc Việt Nam, nhưng so độ tuổi với các nhạc sĩ lớp đầu tiên như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận… có lẽ chưa thấm tháp là bao. Đặc biệt, nếu xét trên phương diện giao thoa văn hóa, thì nhiều tác giả trẻ hiện nay thiếu sự khôn ngoan trong cách gạn đục lấy trong của âm nhạc nước ngoài để đưa vào nhạc Việt như các nhạc sĩ tiền bối thế hệ trước. Bởi thế, bức tranh của ca khúc Việt Nam nói chung và những ca khúc về Hà Nội nói riêng đang có nhiều sắc màu khác trước, thậm chí là khác lạ. Không còn cho người thưởng thức thấy một Hà Nội thanh lịch hào hoa với những giai điệu có chất thơ trong sáng, mà là một thủ đô của sự hội nhập, có phần hơi xô bồ. Giai điệu giờ đây đã được tiến hành liền mạch hơn, tuy nhiên ca từ có vẻ lộn xộn, cách hát ngày một méo mó… khiến người nghe ít nhiều phải trăn trở suy nghĩ. Một Hà Nội đang hiện lên với sự ngây ngô hey, yeah, zê… của ca từ; hay một Hà Nội của những đôi trai gái đưa nhau đi ăn kem Tràng Tiền, ăn phở ở Bô đê ga và lao xe trên phố; hoặc một Hà Nội của những tốp thanh niên đầu đỏ quần xẻ mang đậm văn hóa hippy đang lao vào quán trà chanh, trà đá vỉa hè để tề tựu và vung tay chém gió… Rõ ràng Hà Nội đang dần hiện lên với dáng vẻ như thế trong ca khúc của các tác giả trẻ. Có lẽ không cần bàn thêm, vì vấn đề này suy cho cùng nó là sự ánh xạ cái phông văn hóa của từng tác giả thông qua chính sản phẩm của họ làm ra.
_______________
1. Lương Ngọc Trác, Tuyển chọn ca khúc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hà Nội, 1994, tr.4.
2. Thiên Thai Văn Cao, tuyển tập nhạc, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1998, tr.59.
3, 4, 5. Nguyễn Thụy Kha (tuyển chọn và biên soạn), 1000 ca khúc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2010, tr.145,60,132.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 340, tháng 10-2012
Tác giả : Nguyễn Đăng Nghị
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo