Ảnh hưởng văn hóa âm nhạc hàn quốc đến showbiz việt


Hiện nay với sự hội nhập chung cùng thế giới, các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ của Việt Nam đã tiếp cận và đang từng bước hòa nhập cùng sự phát triển đa dạng của nền âm nhạc các nước bạn bè nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Bên cạnh sự tiếp thu tinh hoa văn hóa âm nhạc của nước bạn thì còn có một hiện tượng phổ biến, đó là nhiều ca sĩ trẻ của Việt Nam bắt chước các ca sĩ Hàn Quốc một cách máy móc, dập khuôn từ trang phục, đầu tóc, phong cách biểu diễn, đến cách trình bày các ấn phẩm âm nhạc và hát những ca khúc na ná nhạc Hàn Quốc… Điều này đã có những tác động và ảnh hưởng lớn tới thị hiếu, thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ Việt Nam. Đây cũng là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

 

1. Những chiến lược trong showbiz của Hàn Quốc

Trong nhiều năm vừa qua, Hàn Quốc đã có những chiến lược và đầu tư cho công nghệ hiện đại về giải trí. Nằm trong chiến lược phát triển đó, nhà nước Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho nhiều nhà sản xuất ở các lĩnh vực: đạo diễn, âm nhạc, điện ảnh, thời trang được đi học ở nước Mỹ. Họ được tiếp cận, học hỏi những cách thức, quy trình sản xuất nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao từ các nhà sản xuất của Mỹ. Khi trở về nước, thì đương nhiên họ đã có một trình độ chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực mà họ được đào tạo.

Một điểm đáng chú là, đất nước Hàn Quốc có một truyền thống văn hóa không thể trộn lẫn với bất cứ văn hóa của nước nào khác. Có được điều đó bởi, Hàn Quốc đã xây dựng được nền giáo dục về văn hóa, chính trị, xã hội, khoa học… một cách có hệ thống và bài bản. Với bề dày của nền tảng văn hóa ấy, thì những nhà sản xuất nghệ thuật của đất nước xứ Kim Chi khi sang Mỹ du học, cái bản ngã trong họ thật khó mà lung lay. Theo đó, những chương trình, sản phẩm nghệ thuật trong lĩnh vực showbiz mà họ làm ra sẽ luôn phù hợp với hơi thở của thời đại, không bị lai căng, ngược lại nó mang đặc trưng rất Hàn. Nói cách khác, những nhà sản xuất của Hàn Quốc sang Mỹ chủ yếu để học hỏi những cách thức, quy trình sản xuất, công nghệ hiện đại của nước Mỹ là chính.

 

2. Âm nhạc chuyên nghiệp và K-pop của Hàn Quốc

Bên cạnh kho tàng về âm nhạc dân gian, truyền thống, thì âm nhạc chuyên nghiệp của Hàn Quốc cũng rất phát triển. Hàn Quốc có những dàn nhạc giao hưởng với những nghệ sĩ và các nhà soạn nhạc nổi tiếng tầm cỡ thế giới. Bên cạnh nền tảng giáo dục về âm nhạc cơ bản, các nghệ sĩ của Hàn Quốc còn có nhiều cơ hội được học hỏi những tinh hoa âm nhạc của phương Tây. Chúng ta có thể hình dung được sức mạnh của nền âm nhạc một quốc gia thông qua các dàn nhạc giao hưởng, mà ở đó, những yếu tố về truyền thống luôn được kết hợp với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại. Biểu hiện rõ nhất là, đã có nhiều nhạc sĩ sử dụng nhạc cụ dân tộc kết hợp với nhạc cụ phương Tây để tạo ra những làn gió mới về sáng tác và biểu diễn mang đặc trưng của văn hóa Hàn Quốc. Bên cạnh đó, đất nước này còn có những nghệ sĩ chuyên nghiệp được thế giới biết đến, như nghệ sĩ giọng nữ cao Sumi Jo – một tên tuổi lớn trong lĩnh vực hát opera đã ghi âm nhiều đĩa nhạc, tham gia nhiều chương trình biểu diễn trên thế giới…

 

Bên cạnh nền âm nhạc chuyên nghiệp phát triển thì Hàn Quốc còn có một thị trường về K-pop với nhiều ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng. Kpop có thể hiểu là âm nhạc đại chúng của Hàn Quốc. Nhiều nghệ sĩ và nhóm nhạc xuất phát từ Hàn Quốc đã trở nên nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới. Sự phổ biến của K-pop được xem là một phần nổi của văn hóa Hàn Quốc đương đại ở châu Á.

Một điều đáng chú ý nữa là, thông qua điện ảnh của Hàn Quốc, ngoài việc quảng bá về văn hóa mang tính giáo dục, thì những bộ phim còn được người xem nhớ tới bởi những ca khúc với hình ảnh của các diễn viên có ngoại hình đẹp và có cá tính. Như vậy là khi nhắc đến bộ phim, người ta nhớ tới bài hát trong phim, nhớ tới hình ảnh của diễn viên và ngược lại. Việc quảng bá về văn hóa, thời trang… trong phim của Hàn Quốc đã mang lại một nguồn lợi kinh tế lớn cho các nhà sản xuất, và đó cũng là cầu nối để công chúng đến với âm nhạc, thời trang của họ.

Chẳng hạn, khi nhắc tới bộ phim truyền hình Trái tim mùa thu, công chúng nhớ ngay tới bài hát cùng tên do ca sĩ Song Hye Kyo trình bày; hoặc nhắc tới bộ phim truyền hình Vườn sao băng người thưởng thức lại nhớ tới ca khúc Vì tôi là chàng ngốc

Ca khúc Hàn Quốc hiện tại là sự kết hợp rất tài tình giữa phong cách âm nhạc đang thịnh hành với văn hóa của Hàn Quốc và phong cách của người châu Á. Có điều mà nhiều người quan tâm đó là về ngôn ngữ âm sắc. Nếu như các bạn trẻ Việt Nam chủ yếu thích nghe các ca khúc tiếng Anh, tiếng Hoa…, thì họ cũng không thể không thích thú với những ca khúc của Hàn Quốc, cho dù ngôn ngữ của xứ Kim Chi khó nghe và khó học, cho dù họ chưa hiểu nội dung của bài hát. Vấn đề này có thể được lý giải là: phải chăng con người và văn hóa Hàn Quốc vẫn có gì đó gần gũi với người Việt Nam, do đó mới xuất hiện những trào lưu âm nhạc, thời trang, làn sóng văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực K-pop, Hàn Quốc đã có những chiến lược đầu tư cho một số ca sĩ, nhóm nhạc để quảng bá sang nước ngoài. Chẳng hạn như ca sĩ Bi Rain, BoA, hay nhóm Wonder Girls được thực hiện theo mô hình đào tạo của các nghệ sĩ quốc tế. Vì thế, các ca sĩ, nhóm nhạc đó còn hát tiếng Anh, hát những ca khúc đang thịnh hành rất thành thạo. Nhóm Super Junior là một trong những ví dụ điển hình với mô hình đào tạo ca sĩ kiêm vũ công, nên khi trình diễn, các ca sĩ vừa hát, vừa kết hợp vũ đạo một cách nhuần nhuyễn…

3. Ảnh hưởng văn hóa âm nhạc Hàn Quốc với Việt Nam

Những chiến lược phục vụ cho showbiz của Hàn Quốc đã được thực hiện một cách có bài bản và có chất lượng cao, hấp dẫn các nước như Nhật Bản, Trung Quốc… và trong đó có Việt Nam.

Cách đây hơn 10 năm, văn hóa Hàn Quốc đã được quảng bá tại Việt Nam. Khởi đầu là những mặt hàng tiêu dùng, thời trang, đặc biệt là điện ảnh. Thông qua những bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc được đầu tư công phu, trình chiếu trên các kênh truyền hình của Việt Nam, khán giả đã biết tới những gương mặt dễ thương, trẻ trung và xinh đẹp của các diễn viên điện ảnh xứ Hàn. Những tình huống trong phim có gì đó gần gũi với cuộc sống của người Việt Nam. Như vậy là, đi kèm điện ảnh, người Hàn Quốc đã biết đưa vào trong đó những nét đẹp của văn hóa truyền thống, nhưng cũng rất hiện đại về một số phong tục, tập quán, nghệ thuật, thời trang, các sản phẩm tiêu dùng.

Cứ như thế, cho đến nay, các bộ phim dài tập của Hàn Quốc vẫn tiếp tục được trình chiếu trên các kênh truyền hình của Việt Nam, trong đó có những bộ phim được đầu tư công phu chiếu tại các rạp ở các thành phố lớn của nước ta. Bằng cách thức ấy, dần dần văn hóa nghệ thuật của Hàn Quốc đã được người Việt Nam biết tới, đặc biệt là giới trẻ có xu hướng ảnh hưởng nhiều từ thời trang, âm nhạc, cách đi đứng, giao tiếp, làm việc, gu thẩm mỹ…

Sự ảnh hưởng văn hóa Hàn Quốc đến Việt Nam, có lẽ được thể hiện rõ nét nhất ở một số ca sĩ, nhạc sĩ trẻ của nước ta. Nếu nhìn về hình thức thì chắc chắn rất nhiều người tưởng lầm đó là ca sĩ, nhạc sĩ nào đó của Hàn Quốc chứ không phải của Việt Nam. Từ kiểu tóc, cách đi đứng, ăn mặc, phong cách giao tiếp, rồi chụp ảnh, các video clips giống y chang những cảnh quay của nghệ sĩ Hàn Quốc.

Xin được dẫn chứng rõ, chẳng hạn trong Album vol.1 của Trịnh Thăng Bình, thì bộ trang phục mà ca sĩ này mặc giống đến từng chi tiết trang phục trên mình những diễn viên trong phim Boys over flower của Hàn Quốc. Ngay bìa album, từ ánh mắt đến cách để khăn che ngang mặt, Trịnh Thăng Bình cũng làm giống hệt hình của một diễn viên trong phim Tiệm cà phê hoàng tử. Bên cạnh đó còn có hình bìa album của Trương Quỳnh Anh và Baggio giống hệt poster phim Full House; Ưng Hoàng Phúc cũng là bản sao của ca sĩ Bi Rain của Hàn Quốc. Khi Bi Rain đeo khăn vào lưng quần trong những buổi biểu diễn, thì ngay lập tức ở Việt Nam đã xuất hiện một Bi Rain thứ hai về hình thức trang phục, đó là Ưng Hoàng Phúc. Chưa hết, khi ca sĩ Bi Rain quàng khăn carô trước ngực thì có ngay ca sĩ Tim của Việt Nam làm theo…

Nếu như theo dõi showbiz Việt, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy dư luận tỏ ra không thiện chí với việc một số ca sĩ, nhạc sĩ coppy nhạc của Hàn Quốc. Không chỉ dừng lại ở đó, một số ca sĩ, nhạc sĩ còn dịch hoặc đặt lời Việt cho những ca khúc trong phim của họ để hát, mà đôi khi lời dịch không hề đúng với nội dung của bài hát gốc.

Trên thực tế, việc tiếp thu tinh hoa văn hóa âm nhạc từ các nước trên thế giới nói chung và Hàn Quốc nói riêng là điều đáng khích lệ để kích thích sự sáng tạo của mỗi cá nhân trong giới trẻ. Nếu như thông qua âm nhạc mà giới trẻ Việt Nam có cái nhìn mới hơn về thẩm mỹ văn hóa âm nhạc, thẩm mỹ thời trang và phong cách làm việc nghiêm túc, hiệu quả, lối sống lành mạnh hướng tới cộng đồng, cách cư xử lịch sự, có văn hóa… thì đó là điều tốt cần được phát huy. Vì là ca sĩ, nhạc sĩ của Việt Nam nên ai cũng luôn mang trong mình truyền thống văn hóa dân tộc, về mặt tư cách, thì đó là điều hãnh diện. Vậy nên khi tiếp thu văn hóa âm nhạc của nước ngoài, lẽ ra phải có sự chọn lọc phù hợp, để không bị trở thành những bản sao hay làm mất bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp diễn ra lại không phải như vậy, không ít ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Việt Nam bị ảnh hưởng văn hóa âm nhạc Hàn Quốc một cách thái quá. Từ việc sao chép, coppy âm nhạc, đến cách bắt chước từng chi tiết về trang phục, kiểu tóc, màu tóc, son môi đến cả cách cười cũng giống diễn viên Hàn Quốc thì thật khó mà chấp nhận được. Phong cách biểu diễn trên sân khấu và trong giao tiếp đời thường có gì đó na ná phong cách của họ, thậm chí không ít ca sĩ, nhạc sĩ trẻ chẳng ngần ngại phẫu thuật thẩm mỹ để sao cho có nét đẹp giống như những ca sĩ, nghệ sĩ đã thành danh của Hàn Quốc.

         Bắt chước một cách máy móc để trở thành những bản sao của các ca sĩ, nghệ sĩ Hàn Quốc, đó là dấu hiệu của sự không tự tin vào bản thân và làm mất bẳn sắc, cá tính riêng của không ít ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam. Hiện tượng bắt chước này, thực ra lỗi không hẳn thuộc về ca sĩ, nhạc sĩ trẻ nước nhà, nhìn rộng ra đó cũng là trách nhiệm của những người làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật. Bởi trước làn sóng của văn hóa Hàn Quốc du nhập vào một cách mạnh mẽ, thì tại sao các nhà quản lý không tạo ra trong đời sống văn hóa nghệ thuật ở nước ta những làn gió mới, hơi thở mới để đáp ứng cho thị hiếu của giới trẻ Việt Nam? Lẽ ra trước làn sóng đó, các nhà quản lý, tổ chức biểu diễn cần thấy được nhu cầu của giới trẻ, để từ đó có những kế hoạch cụ thể, đầu tư thích đáng cho hoạt động văn hóa, âm nhạc, tạo mọi điều kiện tốt cho ca sĩ, nhạc sĩ sáng tạo nghệ thuật và nâng cao thẩm mỹ cho công chúng.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 328, tháng 10-2011

Tác giả : Nguyễn Tiến Mạnh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *