Bia tiến sĩ khoa thi nho học năm Nhâm Tuất (1442), do Thân Nhân Trung soạn lời văn.
Thân Nhân Trung (1418-1499) người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, xứ Kinh Bắc (nay là làng Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang); là danh sĩ, nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa xuất sắc của dân tộc ta thế kỷ XV. Nếu nhiều “khách bút nghiên” thời quân chủ thường thành danh ở lứa tuổi 20 – 30 thì hơn 50 tuổi, Thân Nhân Trung mới đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân – năm Quang Thuận thứ 10 (1469).
Tuy được ghi nhận muộn màng nhưng Thân Nhân Trung là người có chân tài, thực học, lại tận tâm phò vua, giúp nước nên ông có vị trí xứng đáng trong lịch sử khoa cử và lịch sử văn hóa nước nhà. Ông phục vụ hai triều vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông gần 30 năm và chỉ trí sĩ khi ở tuổi ngoại tám mươi.
Ngay sau khi chiếm bảng đề danh (kỳ thi có mấy nghìn sĩ tử tham dự nhưng chỉ vài chục người vượt vũ môn), ông đã được triều đình bổ giữ chức Hàn lâm viện Thị độc – chức quan đứng thứ hai ở Viện Hàn lâm chuyên nhiệm vụ soạn thảo chế, cáo, chiếu, chỉ…. Đây là vị trí chỉ dành cho người có tài năng văn chương kiệt xuất. Mấy năm sau, ông được thăng Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Nếu “Hàn lâm viện Thừa chỉ” đứng đầu viện Hàn lâm thì “Đông các Đại học sĩ” ngoài những nhiệm vụ như “Hàn lâm viện Thừa chỉ” phải lo việc hành chính, văn thư và tiến cử quan chức cho triều đình… còn Tế tửu Quốc Tử Giám có thể hiểu là hiệu trưởng trường đại học đầu tiên và duy nhất của đất nước lúc bấy giờ. Những năm cuối đời, Thân Nhân Trung giữ chức Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại, Nhập nội phụ chính… được dự bàn chuyện cơ mật. Ông có tới 4 lần được vua Lê Thánh Tông cử làm “Độc quyển thi Đình” (đọc chấm bài thi Tiến sĩ – tức sát hạch, tuyển chọn nhân tài cho đất nước) vào các năm Ất Mùi (1475), Canh Tuất (1490), Quý Sửu (1493), Bính Thìn (1496). Ông làm việc tận tâm, trung thực, khách quan nên dù có chấm bài cho con (năm 1490) cũng không để lại điều tiếng gì.
Năm Hồng Đức thứ 14 (1483), khi đang giữ chức Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Đông các Đại học sĩ, Thân Nhân Trung vâng lệnh vua soạn bộ sách “Thiên Nam dư hạ tập” và “Thân chinh ký sự”. Một năm sau (năm 1484), Thân Nhân Trung soạn bài văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442). Đây là bài văn bia mẫu mực, có ý nghĩa như lời tựa chung cho 82 văn bia Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám với câu bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp…”.
Năm 1497, vua cha Lê Thánh Tông qua đời, vua con Hiến Tông kế vị đã an táng vua cha ở Chiêu Lăng tại Lam Sơn. Một lần nữa, Thân Nhân Trung được “chọn mặt gửi vàng” giao soạn bài văn bia “Thánh Tông Chiêu lăng bi minh tịnh tự” (Bài minh và lời tựa trên bia Chiêu Lăng Lê Thánh Tông) – vinh dự mà không phải vị đại khoa hay danh sĩ nào cũng có được!
Với quê hương – gia tộc, Thân Nhân Trung là Tiến sĩ khai khoa của một vùng quê, một dòng họ khoa bảng – văn hiến. Nhà ông có tới 3 đời đỗ Tiến sĩ với 3 vị đại khoa nữa là: con trai thứ Thân Nhân Vũ đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 12 (1481); cháu nội Thân Cảnh Vân đỗ Thám hoa năm Hồng Đức thứ 18 (1487); con trai đầu Thân Nhân Tín (bố Thân Cảnh Vân) đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 21 (1490)… Nhờ sự khai mở của ông và sự tiếp nối các con cháu ông, thêm cố gắng của những kẻ hậu học nơi đây mà sau này, làng Yên Ninh dược vinh danh là “làng khoa bảng”. Không phải ngẫu nhiên, vua Lê Thánh Tông từng có thơ ca ngợi Thân Nhân Trung: “Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển/ Nhị Thân phụ tử bội ân vinh” (Mười Trịnh vang lừng nền phú quý/ Hai Thân sáng rạng vẻ cân đai – “Nhị Thân phụ tử” trong nguyên tác hay “Hai Thân” trong lời dịch tức hai cha con nhà họ Thân: Thân Nhân Trung, Thân Nhân Vũ).
Có thể nói, sau khi đỗ Tiến sĩ, Thân Nhân Trung đã có tới gần 30 năm tận tụy phò vua, giúp nước, góp phần làm nên một thời đại vàng son rực rỡ: “quân minh, thần lương” (vua sáng, tôi hiền), đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hiếm có một vị danh sĩ, một nhà khoa bảng nào tận tâm phò vua, giúp nước như Thân Nhân Trung.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)