Biến đổi thu nhập và mức sống của hộ gia đình nông thôn sau tái định cư

Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu năm 2015 của đề tài Cơ cấu xã hội nghề nghiệp của lao động nông thôn sau tái định cư do bị thu hồi đất (nghiên cứu trường hợp ở hai xã Tĩnh Hải và Hải Yến thuộc khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa). Khảo sát 400 mẫu định lượng, phỏng vấn sâu 20 mẫu, trong đó người lao động có 10, cán bộ quản lý của xã là 4, của khu kinh tế Nghi Sơn 4; phỏng vấn chuyên gia nghiên cứu, lãnh đạo nhà quản lý của các sở ban ngành có liên quan 6, nhằm bổ sung thông tin cho những phân tích định lượng, lý giải nguyên nhân các vấn đề được phát hiện qua số liệu định lượng.

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa

Đô thị hóa là quá trình diễn ra nhanh trên toàn thế giới. Năm 1990, chỉ có 10% dân số thế giới sống ở các khu vực đô thị, nhưng đến năm 2007 tỷ lệ này tăng lên khoảng 50%. Dự báo đến năm 2025, dân số đô thị có thể lên mức 5 tỷ người. Tính đến 1 – 4 – 2009, Việt Nam có 29,6% dân số sống ở khu vực đô thị so với 23,7% vào năm 1999. Trong thời kỳ 1999-2009, dân số đô thị tăng khá nhanh với tỷ lệ bình quân 3,4%, trong khi ở khu vực nông thôn tỷ lệ tăng dân số chỉ có 0,4%. Vùng Đông Nam Bộ là nơi có mức độ đô thị hóa cao nhất, với dân số thành thị chiếm tới 57,1% (năm 1999 là 55,1%). Đồng bằng châu thổ sông Hồng cũng có mức đô thị hóa tương đối cao với 29,2% dân số đô thị (năm 1999 là 21,1%).

 Sau hơn 20 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của Cục Phát triển đô thị từ 63 tỉnh thành phố, hệ thống đô thị quốc gia đang có sự chuyển biến tích cực về lượng và chất. Nếu như năm 1990 cả nước mới có khoảng 500 đô thị, đến năm 2000 con số này lên tới 649, năm 2003 là 656 đô thị; cuối năm 2010, mạng lưới đô thị nước ta có 755 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, 10 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 50 đô thị loại IV và 634 đô thị loại V, chiếm 84%. Đồng thời chất lượng sống đô thị cũng được cải thiện rõ rệt, diện tích nhà ở những năm 90 TK XX chỉ đạt trung bình trên dưới 2-3 m2/người, nay đã tăng lên từ 15 đến 20 m2/người trở lên.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về đô thị, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng là do sự tăng trưởng của các ngành sản xuất và dịch vụ ở các khu đô thị nhờ sự thúc đẩy của chính sách cải cách kinh tế, dòng di cư quy mô lớn của cư dân từ các khu vực nông thôn do chính sách thông thoáng hơn đối với vấn đề di cư và thị trường bất động sản phát triển mạnh nhờ kết quả của quá trình cải cách hệ thống luật định liên quan đến vấn đề quản lý đất đai. Đó là một loạt các cải cách, đổi mới chính sách được tiến hành từ những năm đầu thập niên 90 sau thời kỳ đổi mới, thời kỳ mở đầu cho các bước chuyển biến và tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, tăng dân số và kích thích đô thị hóa tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Theo quy luật phát triển, công nghiệp hóa kéo theo đô thị hóa, nhưng ở nước ta hai hiện tượng này phát triển song hành. Tính đến hết năm 2009, cả nước đã có 249 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 63.173 ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 38.858 ha, chiếm 61,5% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 162 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 38.804 ha, 74 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 14.792 ha. Các khu công nghiệp phân bố ở 61 tỉnh, thành phố trên cả nước; tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp các khu công nghiệp đã vận hành đạt tỷ lệ khoảng 48%.

Cơ cấu nguồn thu nhập trước và sau khi tái định cư ở Nghi Sơn, Thanh Hóa

Việc chuyển giao đất để xây dựng khu kinh tế dẫn đến việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, những biến chuyển về cơ cấu nghề nghiệp không chỉ làm biến đổi mức thu nhập mà còn biến đổi về nguồn gốc, cơ cấu thu nhập chính của các hộ gia đình. Mặt khác thông qua thu nhập sẽ đánh giá về cơ cấu nghề nghiệp và quá trình chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp của lao động nông thôn, đồng thời phản ánh thực tế mức sống của người dân.

 

                    Cơ cấu nguồn thu nhập chính trước và sau khi thu hồi                 đất nông nghiệp (%) 

 

Kết quả khảo sát cho thấy, cơ cấu nguồn thu nhập chính của lao động nông thôn tương đối đa dạng cả trước và sau khi tái định cư, đồng thời cũng có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn thu nhập do có sự chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp. Trước khi thu hồi đất thu nhập của các hộ gia đình chủ yếu dựa vào nông nghiệp (65%), sau khi thu hồi đất thì cơ cấu việc làm của lao động được chuyển đổi đa dạng hơn, đã phát triển nhiều ngành nghề phi nông nghiệp. Thực trạng đó đã dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu nguồn thu nhập của người dân. Nguồn thu nhập trong nông nghiệp giảm mạnh từ 65% xuống chỉ còn 2,5%. Thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp tăng lên và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu thu nhập của các hộ gia đình.

Nguồn thu chính của người dân từ làm công nhân chiếm tỷ lệ cao nhất là 38%, từ hoạt động kinh doanh, buôn bán chiếm 14,8%, thương mại, dịch vụ là 6,8%. Ngoài ra còn có các nguồn thu khác như từ nghề thủ công, tiểu thủ công nghiệp, công nhân, trợ cấp xã hội, lãi suất tiết kiệm… nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ.

Có một điều khác biệt trong nguồn thu giữa trước và sau khi thu hồi đất nông nghiệp của người dân là sau khi thu hồi đất có 6% số người được hỏi dựa chủ yếu vào nguồn lãi suất tiết kiệm ngân hàng từ khoản tiền được bồi thường, trong khi đó trước khi thu hồi đất hoàn toàn không có nguồn thu này. Tuy nhiên, nếu người dân không có ý định lao động để tạo ra nguồn thu nhập mà chỉ phụ thuộc vào nguồn lãi suất tiết kiệm thì nguồn thu này sẽ không được bền vững và lâu dài.

Biến đổi về thu nhập của hộ gia đình ở Nghi Sơn, Thanh Hóa

Những thay đổi trong nguồn thu nhập chính có làm thay đổi mức thu nhập của người dân hay không? Đây cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá về công việc hiện tại. Kết quả khảo sát cho thấy có 40% số người được hỏi cho rằng mức thu nhập hiện tại thấp hơn so với mức thu nhập trước khi thu hồi đất; 28 % cho rằng mức thu nhập hiện tại là thấp hơn nhiều; phương án không thay đổi thì chỉ có 30% và cao hơn chỉ có 2%. Đối với những người cho rằng mức thu nhập là thấp hoặc thấp hơn nhiều chủ yếu tập trung ở những công việc như làm thuê công nhật, làm tiểu thủ công nghiệp. Còn đối với số người được hỏi cho rằng mức thu nhập là cao hơn trước chủ yếu là những người làm công việc kinh doanh, buôn bán tại nhà. Kết quả này cho thấy, với công việc hiện tại của người dân thì chủ yếu đem lại mức thu nhập thấp hơn và không ổn định so với mức thu nhập từ nghề nông.

Thực tế khảo sát cho thấy đất thu hồi chủ yếu là đất nông nghiệp và đất thổ cư, giá đền bù cao sát với giá thị trường, số tiền các hộ nhận được tương đối lớn. Nhiều hộ sẵn có tiền đền bù đã chi cho việc học hành và chuyển đổi nghề, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Quá trình xây dựng khu kinh tế góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, với mức thu nhập ổn định. Trước khi thu hồi đất, các hộ nông dân tập trung sản xuất nông nghiệp nên có thu nhập thấp. Hiện nay nhiều con em địa phương được nhận vào làm việc với mức lương ổn định từ 3 triệu đồng trở lên góp phần ổn định thu nhập cho các nông hộ sau tái định cư.

Biến đổi về mức sống của hộ gia đình nông thôn ở Nghi Sơn, Thanh Hóa

Với sự thay đổi về nguồn thu nhập và mức thu nhập sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp, thì mức sống của người dân cũng có nhiều thay đổi. Nước ta vẫn là một nước có tỷ lệ người dân sống bằng nghề nông nghiệp rất lớn, việc thu hồi đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến mức sống của bộ phận lớn người dân. Việc tìm hiểu đánh giá về mức sống sau khi thu hồi đất sẽ giúp làm rõ hơn việc làm và nguồn thu từ việc làm mới đó đối với cuộc sống của người dân.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 34% số người được hỏi cho rằng mức sống của họ kém đi một phần so với trước khi thu hồi đất, 7% cho rằng mức sống kém đi rất nhiều, 36% số người được hỏi cho rằng mức sống của họ không có sự thay đổi trước và sau khi thu hồi, 20% số người được hỏi cho rằng mức sống có khá lên một phần, 2,5% số người được hỏi cho rằng mức sống của họ tăng lên rất nhiều so với trước khi thu hồi đất. Qua đây cho thấy, mức sống của người dân sau khi thu hồi đất là thấp hơn so với trước khi thu hồi đất mặc dù trước đây thu nhập từ nông nghiệp là chủ yếu.

Khi xem xét mối liên hệ giữa mức thu nhập và mức sống của người dân sau tái định cư, kết quả cho thấy có mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau. Những hộ có thu nhập cao hơn thì mức sống tăng lên, những hộ có thu nhập giảm đi một phần thì mức sống sẽ thấp hơn. Số hộ có mức thu nhập không thay đổi thì có mức sống giữ nguyên. Tuy nhiên, đối với những người có mức thu nhập cao hơn thì mức sống của họ cũng chỉ tăng lên một phần chứ không có người nào có mức sống tăng lên nhiều.

Kết quả phân tích cho thấy, cơ cấu việc làm của người dân sau tái định cư ở khu kinh tế Nghi Sơn có nhiều biến đổi trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt là từ sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Các ngành nghề phi nông nghiệp phát triển mạnh thay thế cho nghề nông dẫn đến nguồn thu nhập từ nhiều ngành nghề phi nông nghiệp tăng một cách đáng kể trong cơ cấu nguồn thu của các hộ gia đình. Tuy nhiên, nguồn thu từ công việc hiện tại mang lại thu nhập thường thấp và không ổn định so với nguồn thu từ nghề nông. Và mức sống của người dân cũng thấp hơn so với mức sống trước khi bị thu hồi đất. Điều này phản ánh mức độ thích ứng với thay đổi điều kiện sống của người nông dân là không đồng đều và tương đối thấp.

Có thể nói rằng, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã tác động mạnh mẽ đến biến đổi cơ cấu thu nhập và mức sống của người dân nông thôn sau tái định cư ở Nghi Sơn, Thanh Hóa nói riêng và người dân nông thôn nước ta nói chung. Điều dễ nhận thấy là có sự giảm mạnh về thu nhập nông nghiệp. Nếu như, nguồn lực đất đai bị thu hẹp là một thách thức về công ăn việc làm đối với người nông dân, thì những xí nghiệp, khu công nghiệp đan xen ở các vùng nông thôn, lại mở ra cơ hội việc làm cho người dân, nhất là với lao động trẻ. Biến đổi cơ cấu lao động, việc làm kéo theo sự thay đổi về cơ cấu nguồn thu nhập của người dân nông thôn. Công việc làm được trả lương, cùng với các nghề phi nông nghiệp khác chiếm đến hơn 95% trong cơ cấu thu nhập so với trước khi bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng tạo ra nhiều thách thức đối với người dân nông thôn ở khu kinh tế Nghi Sơn về tìm kiếm sinh kế, ổn định việc làm và đời sống, cũng như phải đối diện với ô nhiễm môi trường và sự biến đổi lối sống nông thôn trong cơn lốc của quá trình đô thị hóa hiện nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ DUYÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *