Truyền thuyết của người Lô Lô kể lại rằng họ có 7 người anh em. Ba người rời Po Hả sang Việt Nam thì một người bị lạc, hai người còn lại tìm tới đất Đồng Văn, Hà Giang. Một người ở lại mảnh đất đó, còn người kia đến các xã miền tây Bảo Lạc (Cao Bằng) để sinh sống. Về sau bị thổ ty người Tày chèn ép nên họ phải di cư đến các xã miền đông Bảo Lạc để định cư. Trong quá trình sinh sống ở vùng đất này, người Lô Lô vẫn luôn có ý thức giữ gìn các yếu tố văn hóa tộc người, trong đó có hôn nhân, để khẳng định cái riêng, phân biệt với các tộc khác, nhóm khác.
1. Hôn nhân truyền thống của người Lô Lô
Hôn nhân là một hiện tượng xã hội, là sự khởi đầu tạo dựng gia đình mới. Trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử, có những hình thức và tính chất hôn nhân tương ứng phản ánh trình độ phát triển, nền văn minh của xã hội. “Ở thời kỳ mông muội có chế độ quần hôn, ở thời đại dã man có chế độ hôn nhân đối ngẫu, ở thời đại văn minh có chế độ hôn nhân một vợ một chồng” (1).
Hôn nhân của mỗi tộc người đều phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định theo phong tục, tập quán, đồng thời phản ánh sự đa dạng về sắc thái văn hóa và trình độ phát triển xã hội ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Hôn nhân của tộc người Lô Lô vẫn còn dấu vết của sự chuyển tiếp từ mẫu hệ sang phụ hệ, thể hiện qua tục ở rể và tục con cô con cậu kết hôn với nhau.
Đặc điểm nổi bật trong quan niệm truyền thống về hôn nhân của người Lô Lô xưa là chỉ kết hôn với người cùng tộc. Họ cho rằng làm như vậy thì dễ hiểu phong tục, tập quán và sẽ tạo dựng được một gia đình bền vững dựa trên nền tảng của sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau. Nam nữ thường kết hôn ở độ tuổi 16 – 17, thậm chí có trường hợp khoảng 13 – 14. Nam nữ khoảng 20 tuổi mà chưa kết hôn được coi như là trai già, gái lỡ thì. Người Lô Lô thường kết hôn cùng độ tuổi, cùng lứa, hãn hữu mới thấy có cặp hơn kém nhau 1 – 2 tuổi. Trước khi tiến tới hôn nhân phải có các bước chuẩn bị:
Theo phong tục truyền thống, các nghi lễ chủ yếu diễn ra tại nhà gái. Một phần chi phí cho lễ cưới ở nhà gái do nhà trai đảm nhiệm. Vì vậy, để tiến hành đám cưới thì nhà trai phải chuẩn bị nhiều thứ như thực phẩm, rượu… để làm cỗ. Ngược lại, phụ nữ Lô Lô đen khi đi lấy chồng thường tặng cho bố mẹ, họ hàng bên nhà trai nhiều quà tặng và phải mang của hồi môn về nhà chồng. Chính vì thế, các ông bố, bà mẹ thường khuyên bảo con gái phải học làm bông, dệt vải, nhuộm chàm, thêu thùa để đến khi đón dâu có nhiều của hồi môn, quà tặng đẹp. Ngoài ra, con gái phải học làm bếp núc, học cách đối nhân xử thế, quán xuyến việc gia đình. Đây là đạo lý, bổn phận của người con, phải ý thức như một nghĩa vụ để tôi luyện từ nhỏ và thường xuyên trong suốt cả cuộc đời.
Với người Lô Lô ở huyện Bảo Lạc, họ coi hôn nhân là việc trọng đại trong cuộc đời mỗi con người. Lễ cưới ở đây còn bảo lưu đuợc nhiều dáng vẻ của những nét sinh hoạt xưa. Các chàng trai, cô gái được tự do tìm hiểu, nhưng vẫn phải tuân thủ theo sự sắp đặt của cha mẹ trong kết hôn. Để có thể tiến hành hôn lễ, phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp, nhiều nghi lễ theo quy định của đồng tộc, đôi khi rất rườm rà, tốn kém.
Nghi lễ hỏi tuổi
Khi con trai đến tuổi trưởng thành, bố mẹ bắt đầu chú ý đến các cô gái trong bản hoặc bản lân cận để chọn vợ cho con. Khi chọn được cô gái ngoan hiền, dệt vải giỏi, chăm chỉ, khỏe mạnh, bố mẹ chàng trai sang thăm nhà gái, xem thực hư về gia cảnh, nếu hài lòng sẽ đặt vấn đề. Nếu được nhà gái chấp thuận thì họ sẽ chọn ngày để tiến hành lễ ăn hỏi. Trong lễ thăm dò này, lễ vật mang theo gồm 2 lít rượu, 5 lạng chè và một bao thuốc lá.
Lễ ăn hỏi
Đây là bước quan hệ chính thức giữa hai gia đình với đầy đủ tính chất của phần lễ. Lễ ăn hỏi to hay nhỏ còn phụ thuộc vào khả năng kinh tế của nhà trai và yêu cầu của nhà gái, nhưng nhất thiết phải tuân thủ phong tục truyền thống.
Lễ ăn hỏi lần thứ nhất (mìa nả): Lễ vật gồm 2 gói cơm nếp, 2 ống cá. Ông quan lang (anh họ của nhà trai và là người đã có gia đình hòa thuận, hạnh phúc) sẽ sang nói chuyện với nhà gái để chọn ngày ăn hỏi lần hai.
Lễ ăn hỏi lần thứ hai: Lễ vật gồm 2 gói cơm nếp, 2 ống cá lam, 12 kg thịt lợn, 12 lít rượu. Ông quan lang cùng đại diện nhà trai đến nói chuyện với nhà gái, hẹn ngày tổ chức đám cưới, định giờ rước dâu.
Sau lễ ăn hỏi, phải 3 năm sau mới được tổ chức lễ cưới chính thức. Trong 3 năm đó, người con gái phải trồng bông, dệt vải để chuẩn bị cho ngày cưới. Đối với chàng trai, vào các dịp lễ, tết phải có quà mang biếu bố mẹ vợ tương lai. Lễ vật gồm đôi gà (một trống, một mái thể hiện sự đầy đủ, với mong ước đôi trai gái thành vợ thành chồng), hai chai rượu, bánh chưng, ống cá. Lễ vật được đặt lên bàn thờ để báo cáo tổ tiên là con rể đã đem lễ vật đến chúc tết, trả công gia đình để tạ ơn. Trong thời gian này, chàng rể và nàng dâu tương lai thường xuyên đi lại thăm hỏi, giúp đỡ gia đình phát nương, cày ruộng, cấy hái…, nhất là những lúc mùa màng bận rộn. Sau 3 năm, khi nhà trai chọn được ngày lành tháng tốt thì người làm mối mang 2 ống gạo, một chai rượu sang nhà gái xin cưới.
Lễ cưới
Đến ngày cưới, hai ông và hai bà quan lang cùng 8 đôi thanh niên mang đồ lễ gồm 8 ống cá, 8 gói cơm nếp, 48 đồng bạc trắng, gạo, rượu, thịt lợn, chè, thuốc lá sang nhà gái. Hai ông mối của hai bên bàn bạc với nhau về nghi thức trong đám cưới.
Đám cưới của người Lô Lô không ruờm rà, không có trang phục cưới riêng. Lễ cưới thường được tổ chức vào khoảng tháng 9 – 12 dương lịch, sau khi gặt hái xong. Đây là ngày vui nhất của gia đình nên họ hàng phải dốc lực vào tổ chức cho có tiếng tăm để hãnh diện với làng xóm. Vào ngày cưới, nhà gái làm cơm cúng tổ tiên, sau đó từng thành viên lần lượt rót rượu mời nhà trai. Khách đến dự đám cưới thường mang theo gạo, rượu, gà và các loại đồ gia dụng khác. Trong tiệc cưới, thanh niên thường tổ chức hát hò giao lưu để nam nữ tìm hiểu nhau. Có điều khá đặc biệt là trong lúc ngồi uống rượu, khách nam và khách nữ không ngồi chung bàn.
Sau khi tiến hành đám cưới ở nhà gái, đến giờ tốt, đoàn nhà trai gồm chú rể, bạn trai của chú rể và 6 người bắt đầu làm lễ rước dâu. Đây là lúc cô dâu được mẹ đẻ trao chiếc vòng bạc, bảo vật của các thế hệ trước để lại. Dù lấy chồng gần hay xa, theo phong tục, đoàn đón dâu đều phải dừng chân giữa đường để ăn cơm mà gia đình cô dâu đã chuẩn bị. Khi đến nhà chồng, cô dâu được dì chồng trực tiếp ra đón ở chân cầu thang và dặn dò thực hiện các nghi lễ. Sau khi làm xong các nghi lễ cần thiết, cô dâu rót rượu mời khách, dọn dẹp phục vụ tiệc cưới. Khách thường mừng lại cô dâu một vài đồng tiền mặt. Cô dâu biếu bố mẹ chồng tấm chăn, hai chiếc gối mới tự tay mình dệt để thay thế cho bộ chăn gối cũ.
Ba ngày sau khi cưới, cô dâu chú rể trở về nhà bố mẹ vợ làm lễ lại mặt (tục trở về). Lễ vật mang theo gồm một chai rượu, 1 kg đường kính, một con gà. Bố mẹ vợ làm cỗ cúng tổ tiên, sau đó đôi vợ chồng trẻ cùng ăn uống với gia đình. Khi hoàn thành các thủ tục, đôi vợ chồng trẻ trở về nhà trai và bắt đầu cuộc sống.
2. Biển đổi trong hôn nhân của người Lô Lô
Về quan niệm
Trong tiến trình lịch sử, do sự biến đổi của chế độ chính trị, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa từ truyền thống sang hiện đại, tục lệ hôn nhân của người Lô Lô đã có nhiều thay đổi. Thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình, các nghi lễ truyền thống thực chất chỉ còn mang ý nghĩa duy trì bản sắc văn hóa. Một cuộc hôn nhân dù có đầy đủ các nghi thức, nghi lễ truyền thống, nhưng nếu không được nhà nước cấp giấy đăng ký kết hôn thì cũng không được thừa nhận. Có thể nói đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa hôn nhân truyền thống so với hiện nay.
Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2000 đã chú trọng đến các tập quán, nghi lễ truyền thống trong hôn nhân của từng tộc người. Việc quan tâm đến đặc điểm văn hóa, tâm lý tộc người đã góp phần đưa luật đi vào đời sống và mang lại những kết quả như mong đợi. Vấn đề hôn nhân của người Lô Lô hiện nay có nhiều thay đổi so với quan niệm truyền thống, thể hiện ở những điểm sau:
Trong hôn nhân truyền thống, mặc dù trai gái được tìm hiểu nhau qua sinh hoạt hàng ngày, các cuộc hát đối, đám cưới, lễ hội, nhưng cha mẹ vẫn là người chọn bạn đời cho con. Còn ngày nay, các cô gái, chàng trai tìm hiểu nhau qua bạn bè, các cuộc nói chuyện, sinh hoạt làng bản, đoàn thanh niên và có quyền tự quyết định hôn nhân của mình.
Trước đây, người Lô Lô chỉ kết hôn với người cùng dân tộc, cùng bản, ít kết hôn xa và với người khác tộc. Hiện nay, theo xu hướng mở cửa, giao lưu ngày càng nhiều nên đã có trường hợp kết hôn với người khác tộc, khác nhóm dân tộc. Theo khảo sát, nơi nào có nền kinh tế phát triển, đường giao thông thuận tiện, nhiều người đi làm công chức nhà nước thì có nhiều trường hợp kết hôn với các dân tộc khác. Trong hôn nhân với người khác tộc, những nghi lễ thường kết hợp phong tục của hai tộc người, nhưng chủ yếu nghiêng theo nghi lễ dân tộc của cô dâu. Trường hợp cô dâu người Lô Lô lấy chồng khác tộc thì thủ tục cưới hỏi theo tập quán của người Lô Lô, nhưng sau khi về làm dâu thì người vợ phải đổi sang phong tục nhà chồng. Như vậy, hình thức hôn nhân khác tộc của người Lô Lô là hiện tượng không phổ biến, mới xuất hiện nhiều vào những năm gần đây. Trong nếp nghĩ của đồng bào vẫn cho rằng nếu lấy người khác tộc sẽ khác về phong tục tập quán, khó hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
Về nghi lễ và hình thức hôn nhân
Tiêu chuẩn chọn bạn đời lý tưởng trong truyền thống đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên chuẩn mực về đạo đức, sức khỏe, năng lực lao động… luôn được đề cao. Trong xã hội phát triển còn đòi hỏi phải biết tính toán làm ăn, có nghề phụ để nâng cao đời sống gia đình, hình thức bề ngoài cũng ngày càng được coi trọng. Đặc biệt, họ còn đề cao vai trò của người hiểu biết, có trình độ văn hóa, là cán bộ nhà nước, xã, thôn. Tiêu chuẩn chọn bạn đời có nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu.
Tuổi kết hôn của nam nữ thanh niên được nâng lên nhiều so với trước. Hiện nay, người Lô Lô kết hôn ở độ tuổi 18 – 20, thậm chí 25 – 30 với nam và 25 đối với nữ.
Lễ thức trong hôn nhân đã có phần đơn giản hơn, các bước trong lễ thức được gộp lại và giảm bớt. Tùy theo điều kiện kinh tế của hai gia đình mà họ có sự thỏa thuận hợp tình, hợp lý để đám cưới vẫn diễn ra vui vẻ, đỡ gánh nặng cho đôi vợ chồng trẻ sau khi cưới.
Trước đây, trong lễ cưới chỉ có họ hàng thân thích mới tặng quà mừng cô dâu, chú rể. Nhưng ngày nay, ai đến đám cưới cũng mừng và xu hướng chủ yếu là bằng tiền. Quà mừng đám cưới của người Lô Lô cũng theo phương thức trả nợ đồng lần. Của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng cũng thay đổi, trước kia là hòm bằng gỗ, cót đan bằng tre có thể tự sản xuất được, thì ngày nay được thay bằng tủ, giường gỗ. Do đó, việc sắm sửa cho con gái khi về nhà chồng cũng là một gánh nặng đối với gia đình nhà gái. Trước đây, quà tặng của cô dâu, chú rể cho người thân là vải vóc, bạc, còn nay thì bằng tiền. Số tiền này phải tương đương trị giá của món quà tặng. Quà tặng đã bắt đầu mang tính thị trường, chứ không còn đơn thuần là tình cảm, tấm lòng như trước đây.
Những lễ nghi khác như hát đối, hát mời trong đám cưới giảm đi vì nhiều lý do. Thứ nhất, hiện nay rất ít người còn biết hát đối vì đây là kiểu hát rất khó, chỉ có lứa tuổi từ 40 trở lên còn biết. Thứ hai, nếu có hát đối thì đám cưới phải diễn ra dài hơn, tốn thời gian và thực phẩm của gia chủ. Nếu đám cưới có hát đối thì thời gian rút ngắn lại, không còn hát cả ngày, cả đêm như trước nữa.
Thời gian đám cưới trước đây là 2 – 3 ngày thì nay chỉ còn một buổi, mọi người đến ăn cỗ, chúc tụng nhau xong rồi về. Trước đây người Lô Lô chỉ tổ chức đám cưới vào tháng ba, tháng bảy âm lịch, còn bây giờ thì quanh năm, miễn là không rơi vào những ngày kiêng cữ của gia đình, dòng họ.
Văn hóa ẩm thực Lô Lô vốn rất đặc sắc, nhưng hiện nay trong đám cưới đã có xu hướng nấu món ăn theo kiểu người Tày, người Kinh, vì họ cho rằng thế mới ngon, hiện đại. Số món ăn trong đám cưới cũng nhiều hơn, có những gia đình khá giả mổ cả trâu. Quà tặng, của hồi môn của các cô gái mang về nhà chồng không có đồ tự làm, tất cả đều mua ở chợ, nên phụ nữ biết dệt vải, thêu thùa giảm đi rất nhiều. Việc chia của hồi môn cho con gái ở một số gia đình không còn là những đồ truyền thống như: lợn nái, gà mái, trâu nái, hạt giống nữa mà thay vào đó là tiền, những nhà có điều kiện còn cho con xe máy.
Sau khi đón dâu về, hầu hết các đôi vợ chồng trẻ đều được tách ra ở riêng cạnh nhà bố mẹ chồng hoặc tại một khu đất của bố mẹ vợ, bố mẹ chồng cho. Những đôi vợ chồng là cán bộ nhà nước thì sau khi cưới chuyển đến nơi ở mới thuận lợi với điều kiện công tác.
Nhà gái không còn thách cưới cao với nhà trai mà do hai bên cùng thỏa thuận đi đến thống nhất về sính lễ, cỗ cưới. Hôn nhân của người Lô Lô hiện nay có xu hướng gia tăng hôn nhân hỗn hợp dân tộc. Chính hình thức hôn nhân này đã thúc đẩy gia tăng mối quan hệ giữa các dân tộc.
Trong lớp thanh niên cũng xuất hiện một số lối sống trái với phong tục, tập quán như việc yêu đương hơi thái quá, theo trào lưu. Với trình độ học vấn có hạn, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân khi chưa có hiểu biết về các biện pháp tránh thai đã dẫn đến nhiều trường hợp phải cưới chạy, vì nàng dâu sắp đến ngày sinh nở. Đã xuất hiện trường hợp không có chồng mà có con khi người mẹ mới 18 – 20 tuổi. Đây chính là hồi chuông cảnh báo để các bậc phụ huynh, các nhà quản lý tìm ra giải pháp hợp lý, tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt hấp dẫn, hướng lối sống của lớp trẻ trở nên lành mạnh hơn trong bối cảnh xã hội mở cửa hiện nay.
Như vậy, sự thay đổi về quan niệm, nghi thức, hình thái cư trú sau hôn nhân, việc mở rộng mối quan hệ hôn nhân đa sắc tộc tạo nên quan hệ gia đình, cộng đồng mở rộng thích ứng và hòa nhập trong quá trình giao lưu, phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng Lô Lô.
Giá trị lịch sử, văn hóa tộc người qua hôn nhân
Hôn nhân của người Lô Lô phản ánh chế độ xã hội trong lịch sử. Chế độ hôn nhân phụ hệ còn mang tàn dư của chế độ mẫu hệ được thể hiện qua tục ở rể trong hôn nhân truyền thống và vai trò của người phụ nữ được đề cao. Hôn nhân của người Lô Lô mang tính cộng đồng cao, thể hiện ở sự tham gia của nhiều thành phần vào quá trình hôn lễ. Đám cưới là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa của nhiều người, đặc biệt còn là nơi tìm hiểu của nam, nữ thanh niên. Hôn nhân thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau bằng cả vật chất, tinh thần và công sức, các thành viên tham gia đều vui vẻ, nhiệt tình. Hôn nhân của người Lô Lô còn giữ gìn, phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian như hát giao duyên.
Hôn nhân của người Lô Lô mang tính giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách sống, biết thương yêu, chăm sóc lẫn nhau, biết kính trên, nhường dưới. Đó là sự rèn giũa của bố mẹ với cặp vợ chồng trẻ, để chàng rể trở thành trụ cột vững chãi cho một gia đình mới, nàng dâu chung thủy, biết quán xuyến việc gia đình. Những bài hát đối trong đám cưới có giá trị răn dạy đạo lý cho con người trong cộng đồng. Đám cưới còn là nơi bảo tồn, phát huy văn hóa ẩm thực và trang phục truyền thống.
Hôn nhân là khởi nguồn cho việc hình thành một gia đình, tế bào của xã hội. Hôn nhân tốt sẽ tạo dựng được một gia đình tốt, góp phần đảm bảo sự ổn định của xã hội. Hôn nhân hỗn hợp giúp tăng thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc, tạo nên bức tranh gia đình đa sắc màu, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc Lô Lô.
_______________
1. F.Ăngghen, Nguồn gốc của gia đình của chế độ tư hữu và của Nhà nước, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1961, tr.118.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016
Tác giả : MÔNG THỊ XOAN
Bài viết cùng chủ đề:
Đời sống văn hóa gia đình của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp
Đám cưới của người tày ở xã tô hiệu, bình gia, lạng sơn
Tập quán và nghi lễ sinh đẻ của người việt tổ dân phố nhân mỹ, phường mỹ đình 1, nam từ liêm, hà nội