Dân ca quảng bình, vọng vang những nỗi niềm


 

          Quảng Bình – một vùng đất nên thơ, trù phú, nơi có những dòng sông đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, nơi có những câu dân ca mượt mà, sâu lắng, thấm đẫm tình đất, tình người… Một Quảng Bình – lưng dựa vào Trường Sơn, mắt nhìn ra biển Đông, oai hùng, dũng mãnh, một Quảng Bình với núi non, sông nước hữu tình, và con người ở vùng đất này cũng đầy ắp tình nghĩa, thủy chung…

Là tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, Quảng Bình án ngữ con đường thông thương hai miền Bắc – Nam của đất nước. Vừa nổi tiếng về văn hóa hang động, văn hóa Bàu Tró của vùng duyên hải miền Trung, Quảng Bình còn có nhiều tộc người sinh sống như Vân Kiều, Mạ Koong, Chứt, Khùa, Rục, Kinh… Người Quảng Bình cần cù, chịu khó, hiếu học, bất khuất và cũng giàu lòng nhân ái. Đã có không ít danh nhân nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như hoàng giáp Phạm Duy Đôn, thi sĩ Nguyễn Hàm Ninh, nhà sử học Dương Văn An, nhà quân sự, chính trị, văn hóa Đào Duy Từ, thi sĩ Hàn Mặc Tử và Lưu Trọng Lư, nhà quân sự tài ba Võ Nguyên Giáp – vị tướng uy phong, danh tiếng lẫy lừng đã khiến cho thế giới khâm phục… Tất cả là ngọn nguồn tạo nên khí chất, bản sắc văn hóa Quảng Bình có những nét riêng của một vùng đất đầy sóng, gió và cát…

Quảng Bình là quê hương của nhiều làn điệu dân ca phong phú, đa dạng, những điệu hò, câu ví, những câu hát đối đáp giao duyên, tiếng ru hời ngọt ngào, đằm thắm… có mặt trong đời sống lao động và sinh hoạt của nhân dân. Người dân Quảng Bình có thể hò, ví, đối đáp với nhau trên ruộng đồng, trong sân đình hay trong các lễ hội… Đó là phương tiện biểu hiện sống động, hữu hiệu để các bậc nghệ nhân sáng tạo ra nhiều làn điệu, bài bản dân ca đậm đà bản sắc.

Ngoài các yếu tố như địa lý, thiên nhiên, văn hóa, tín ngưỡng…có ảnh hưởng sâu sắc đến dân ca của từng vùng, miền, thì phương ngữ là yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc vùng miền rõ nhất. Phương ngữ được hình thành dựa trên những đặc điểm của vùng, miền, và các làn điệu dân ca chịu sự chi phối, ảnh hưởng trực tiếp về ngôn ngữ của vùng, miền đó. Quảng Bình nằm trong vùng đất ngũ Quảng, nên ít nhiều chịu ảnh hưởng các tỉnh lân cận (gần nhất là tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ở phía nam, và Hà Tĩnh ở phía bắc) về ngôn ngữ, phong tục tập quán – nhất là giọng nói cạn và hẹp. Tuy nhiên, nội tại cũng có sự khác biệt về các yếu tố như ngữ âm, ngữ điệu, thanh điệu… và một số danh từ riêng. Quảng Bình có nhiều vùng ngôn ngữ như vùng: miền núi ở phía tây (giáp Lào), bắc Quảng Bình (giáp Hà Tĩnh), và nam Quảng Bình (giáp Quảng Trị). So với 6 thanh điệu trong ngôn ngữ phổ thông thì ngôn ngữ của ba vùng nói trên đôi khi có những nét tương đồng, nhưng cũng có vùng chỉ dùng 4 – 5 thanh điệu. Chẳng hạn:

 

TIẾNG PHỔ THÔNG

TIẾNG ĐỊA PHƯƠNG

Quảng Bình

Quạng Bình, Quang Bình

Một mình

Một chắc

Đi đâu

Đi mô, Tì nồ (miền núi)

Đi về

Tì nồ viền (miền núi)

Chẳng

Nỏ

Không

Khôông

Thấy

Chộ

Sao

Răng

Củ

Cổ

Tráo trở

Tráo đấu lường thưng, trở mặt

Sao vậy?

Răng rứa?

 

Tất cả đặc điểm về địa lý, phong tục tập quán, ngôn ngữ là điều kiện để tạo nên những nét đặc trưng trong dân ca Quảng Bình.

Ví dụ: dấu huyền thành không dấu, và ngược lại; hoặc cũng là dấu huyền, nhưng khi nói hay hát, từ có dấu huyền được bắt đầu bằng từ (hay nốt) không dấu thành dấu huyền như trong bài Hò thuốc cáđầy thành đâybờ thành bơ…ờ.

HÒ THUỐC CÁ

Ký âm: Dương Bích Hà

 

           Hoặc cũng trong bài Hò thuốc cá (lời 3): “Chữ thập cái lại chữ thiên/Làng ta đi thuốc bình yên thọ trường”. Ở đây yên thành yềnbình thành binh. Hoặc phát âm tiếng địa phương trong:

Anh nỏ (chẳng) thiếu chi màn loan chiếu kế

Đừng chộ (thấy) anh nghèo tráo đấu lường thưng (tráo trở)

(Hò khoan Lệ Thủy)

Hay:

Thương em không dám ngó (nhìn) cho tường (rõ)

Không dám ngó cho rọ (rõ) sợ xóm giường (xóm giềng) họ nói răng (sao)

 (Điệu Nói răng)

 

Từ củ khoai thành cổ khoai:

Bò con theo mẹ, mẹ cho miếng bú

Bò con theo chú, chú cho cổ khoai

(Gọi bê – Đồng dao)

        Dân ca Quảng Bình có nhiều thể loại như hò, ví, hát ru, hát sắc bùa, hát nhà trò… Mỗi thể loại có những nét riêng, nhưng lại hòa quyện với nhau thành một tổng thể đa dạng, đầy màu sắc. Chẳng hạn như ví, có Ví trấuVí hờ, là làn điệu mang tính chất tâm tình, tự sự, trao đổi tình cảm:

 

VÍ TRẤU

(Trích)

Ký âm: Dương Bích Hà

 

Hát đồng dao là thể loại rất phổ biến, trẻ em thường hát khi chơi, làm cho trò chơi thêm phần sinh động và hấp dẫn:

GỌI BÊ

(Trích)

Ký âm: Dương Bích Hà

Hát ru là câu hát để ru cho trẻ ngủ, và thông qua đó, người ru có thể bày tỏ những tâm sự, kinh nghiệm sống:

HÁT RU

(Trích)

Ký âm: Dương Bích Hà

Hát sắc bùa là hình thức diễn xướng tổng hợp, thường dùng để hát mừng vào các dịp như lễ, tết:

HÁT SẮC BÙA

(Trích)

Ký âm: Dương Bích Hà

 

Ở Quảng Bình có nhiều điệu hò, như Hò hụi (Hò mái nện) – phổ biến nhất ở Cảnh Dương huyện Quảng Trạch – cũng tập hợp nhiều làn điệu và cách thức diễn xướng khác nhau như nói lốihò hí dahò kéo lưới

Hò hụi được sử dụng trong những công việc nặng nhọc như đầm đất, đắp đê, làm đường, nện móng, giã gạo, kéo thuyền… Âm điệu Hò hụi mang đậm nét đặc trưng trong phương ngữ của người dân vùng Cảnh Dương, rõ nhất ở câu “Kéo buồm ta kéo buồm lên”. Hò hụi mang tính tự sự, kể lể, nên có thể kéo dài bao nhiêu cũng được:

HÒ HỤI

(Trích)

Ký âm: Dương Bích Hà

 

Nhưng có loại hò lại mang tính đối đáp giao duyên, chẳng hạn như bài Hò khoan Lệ Thủy dưới đây:

HÒ KHOAN LỆ THỦY

(Trích)

Ký âm: Dương Bích Hà

           Về kết cấu, Hò khoan Lệ Thủy (Hò khoan sáu mái – bắt nguồn từ làn điệu này có 6 mái, mỗi mái là một biến thể, có lề thói diễn xướng riêng) chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát, ngoài ra còn có song thất lục bát, hoặc thể thơ song thất lục bát kết hợp nói vè, mang tính tự sự. Hò khoan Lệ Thủy là loại hình đạt đỉnh cao trong nghệ thuật âm nhạc, có ảnh hưởng rộng khắp vùng đồng bằng và ven biển của tỉnh Quảng Bình. Ca từ của Hò khoan Lệ Thủy sắc sảo, trau chuốt, ý tứ dồi dào, là sự “tổng hợp” những câu đối đáp, giao duyên, câu đố, nói lái:

Nghiêng tai hỏi với trai khôn

Thầy mẹ sửa chậu, xây bồn mô (đâu) chưa?

Sử dụng những câu nói lái làm câu đố, câu trả lời, mang tính chất giao duyên, tâm tình:

Nữ:

Con cá đối lăn trong cối đá

Con mèo cụt nằm trên mút kèo

Trai nam nhi đối được, em đây theo về cùng?

Nam:

Con tắn hổ (rắn hổ) nằm trong tổ hắn

Cây cau tươi đứng trước cươi tau (sân của tôi)

Em hỏi thì anh xin thưa

Trai nam nhi đối đặng, em theo anh cùng về!

Hò thuốc cá ở Minh Hóa cũng là một làn điệu rất đặc trưng, đặc sắc, người dân ở đây gọi là Hát hôi lên, hoặc đơn giản là Hò thuốc. Làn điệu này thường được dùng khi người dân miền núi đi thuốc cá tập thể. Họ đi từng đoàn lên các suối, khe, lấy đá xếp lại làm cối đặt sát bờ suối. Sau đó dùng gốc cây vạt hai đầu làm chày, lấy rễ cây tèng (loại rễ cây trong rừng, có độc tố) giã nhỏ để làm thuốc đánh cá. Nước từ rễ cây chảy xuống khe, suối, đủ làm cho cá ở các vực nước sâu (như Rục Mòn khe Dinh, vực Lụy khe Sạt, vực An khe Dòn…) bị say nổi lên để họ bắt về. Khi bắt tay vào giã thuốc, họ vừa giã vừa hò để vơi đi mệt nhọc, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi:

HÒ THUỐC CÁ

Ký âm: Dương Bích Hà

            Hò thuốc cá có giai điệu và tiết tấu đơn giản, không dứt khoát, chắc khỏe như Hò đường trường (hò sông Mã – Thanh Hóa), nhưng từng câu hát cũng nương theo động tác giã thuốc, nhịp nhàng và uyển chuyển. Như các làn điệu hò của vùng, miền khác, Hò thuốc cá cũng có hai vế là kể và , ca từ mộc mạc, từ nội dung chính, người dân còn ứng tác thêm nhiều lời ca mới, tạo ra nhiều dị bản với những nội dung khác nhau. Chẳng hạn về lĩnh vực giao duyên: “Trời mưa nước chảy quanh hồi/ Anh không lấy vợ, ai đâm pồi (bồi – loại thức ăn được làm từ bắp và sắn tươi) anh ăn?

Hoặc:

Ai lên Minh Hóa quê mình

Chè xanh, mật ngọt, thắm tình nước non

            Hiện nay, Hò thuốc cá còn được diễn xướng trong các cuộc hội hè, lễ tết, nơi sinh hoạt tập thể, hoặc có khi còn được các bà mẹ dùng để ru con ngủ, phổ biến nhất là ở các địa bàn như xã Quy Hóa, thị trấn Quy Đạt, xã Xuân Hóa, Yên Hóa… Như vậy, ngoài môi trường diễn xướng ở cạnh bờ suối, bờ khe, Hò thuốc cá còn được đưa về các vùng dân cư. Ở đây, Hò thuốc cá lại có thêm yếu tố mới mang tính lễ nghi, trang nghiêm, nên nhịp điệu khi hát khoan thai, nhẹ nhàng, và luyến láy nhiều hơn, số lượng người tham gia diễn xướng ít hơn. Khi diễn, người dân mặc trang phục giống nhau, nên có tính sân khấu hơn.

Trai thanh nữ tú cũng có thể tỏ tình, trao duyên qua điệu Nói răng đầy chất tự sự, e ấp của tình yêu đôi lứa:

NÓI NĂNG

(Trích)

Ký âm: Dương Bích Hà

Ở Quảng Bình có thể loại hát nhà trò, theo tác giả Tú Ngọc, đây là lối hát ở cửa đình vừa hát, vừa múa, cũng có lúc vừa hát, vừa gõ nên gọi là hát gõ, hoặc hát trong các ty, phủ gọi là hát nhà ty, hay hát cửa quyền. Hát nhà trò là sự kết hợp tài tình giữa thơ và nhạc, cộng thêm diễn trò và múa, là lối chơi phong lưu khéo léo:

…Thoáng trông tơ liễu nhuốm xanh vàng

Lẫn bên hồ len lỏi chiếc thuyền nan

Rừng bể ai ba đào lặng lẽ…

Trong hát nhà trò có sử dụng các điệu bồng mạc, sa mạc, hát xẩm, hát ru… Cũng giống như Lý Huế, do tính chất bài bản, trình độ nghệ thuật cao, cấu trúc gọn gàng, nên hát nhà trò cũng khó phân định ranh giới giữa dân gian và bác học. Hát nhà trò được lưu giữ, biểu diễn nhiều nhất ở Huyện Tuyên Hóa và thôn Đông Dương, Huyện Quảng Trạch, có màu sắc phong phú, đa dạng trong diễn xướng với 12 làn điệu: hát mởhát phúhát nóihát khế… Khi hát, tùy theo ý tứ, nội dung của từng bài mà các ca nương thể thể hiện tình cảm lúc thì cất giọng khỏe khoắn, khi thì lịch sự đài các, lúc lại u sầu buồn bã…Với giai điệu liền bậc, nhẹ nhàng, làm cho giọng hát mềm mại, ấm áp, các ca nương chỉ ngân vần ư trong cổ, vang lên óc. Nội dung và ca từ trong hát nhà trò rất bóng bẩy, nhưng ý tứ, sâu sắc, có sức mạnh cảm hóa tâm hồn, cảm hóa xã hội. Sau hát mở có tính ngâm ngợi là làn điệu Dâng hương. Làn điệu này có sự độc đáo riêng, thường được diễn trước bàn thờ ở trong đình làng. Giai điệu lên bổng xuống trầm có tính kể lể, dẫn dắt người nghe như lạc vào chốn lung linh, huyền ảo giữa trần gian và tiên giới mong ước các thần linh dẫn dắt, dạy bảo những điều cần thiết và biết tận hưởng cõi “tâm linh” thanh thản trong cuộc sống:

DÂNG HƯƠNG

Ký âm: Dương Bích Hà

 

           Tiếp theo Dâng hương là Dâng rượu, giai điệu và lời ca cất lên đều đều, nghe như lối tụng kinh nhà Phật. Sau Dâng rượu là Hát thơ cảnh tiên, rồi đến Luyện sơn trang… Là một sinh hoạt âm nhạc gắn với lễ nghi, hát nhà trò thể hiện niềm thành kính thiêng liêng của nhân dân lao động, là tiếng nói tâm linh, thú chơi tao nhã, khoáng đạt của đời sống tâm hồn con người trước sự thẳm sâu, đa dạng của cuộc sống.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014

Tác giả : Dương Bích Hà

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *