Ai đã từng lên vùng Trường Sơn, đến các làng của đồng bào dân tộc Cơ Tu từ vùng cao, trung du và vùng thấp trải dài từ huyện Nam Giang, qua Đông Giang ngược lên Tây Giang (Quảng Nam), sẽ luôn ấn tượng trước hình ảnh những người phụ nữ lớn tuổi, hay thiếu nữ Cơ Tu chưa chồng trong bộ trang phục truyền thống với dây thắt váy – một trong những phụ kiện quan trọng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, điểm nhấn để tôn lên vẻ đẹp riêng cho trang phục của người phụ nữ bản xứ.
Được biết, trước đây khi chưa có sẵn sợi chỉ như bây giờ, muốn làm dây thắt váy, người phụ nữ Cơ Tu vùng núi Quảng Nam phải trải qua nhiều công đoạn dệt thổ cẩm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, bắt đầu từ khâu trồng nguyên liệu bông. Khi trái bông chín có màu trắng, bà con mang ra giã cho tơi và phơi khô, sau đó dùng nhiều công cụ khác nhau để chế biến sợi. Người Cơ Tu vốn có nhiều kinh nghiệm trong chế biến và nhuộm màu cho sợi bông. Bà con sử dụng các chế phẩm từ cây Tà râm làm nguyên liệu tạo màu xanh và màu chàm đen, củ A hó làm nguyên liệu tạo màu đỏ, cây vàng đắng làm nguyên liệu tạo màu vàng, củ A hứ làm nguyên liệu tạo màu hồng… rồi nhuộm sợi theo các màu mang sắc thái dân tộc để dệt thổ cẩm. Càng về sau, bảng màu của đồng bào càng phong phú hơn nhờ trao đổi sợi bông với các dân tộc khác và sợi chỉ, sợi len bán ngoài thị trường.
Dây thắt váy, điểm nhấn trong trang phục truyền thống của phụ nữ Cơ Tu là một sợi dây được dệt khá công phu, rộng khoảng 5cm, dài 1,5m – 2m, hai đầu dây thường có các sợi để tua dài nhiều màu (dài khoảng 30cm) – dễ dàng nhận ra màu trắng ngà hoặc màu xám với nhiều họa tiết hoa văn sinh động bởi những hình học cách điệu, hoa văn mã não màu đỏ nhạt. Người Cơ Tu gọi dây thắt váy là cơ ting papah. Có thể nói, cơ ting papah chính là một tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm đỉnh cao thể hiện sự khéo léo, trình độ thẩm mỹ được phụ nữ Cơ Tu tỉ mỉ mất nhiều thời gian dệt nên. Dây thắt váy từ lâu đã trở thành phụ trợ không thể thiếu trong trang phục truyền thống và góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Cơ Tu. Đây cũng là điểm khác biệt trong trang phục của người phụ nữ Cơ Tu miền núi Quảng Nam so với các trang phục phụ nữ các dân tộc anh em khác trong vùng.
Theo người Cơ Tu, cơ ting papah tượng trưng cho sự thủy chung giữa người vợ và người chồng. Đối với phụ nữ Cơ Tu lớn tuổi và cả những thiếu nữ Cơ Tu vùng cao (Cơ Tu đriu), mọi người thường mặc trang phục với chiếc váy ngắn (âng ly/o réch) có chiều dài từ 80cm đến 1m, rộng từ 70 đến 80cm. Váy này trang trí hoa văn chỉ màu khá đơn giản, được khâu lại bằng chỉ, tạo cho váy có hình ống. Khi mặc váy ngắn, người phụ nữ Cơ Tu cho cơ ting papah luồn qua bên mông rồi giữ một đầu, chừa ra khoảng dài chừng 20-25 cm, sau đó quấn hai vòng qua trước bụng rồi kéo ra sau lưng đè lên đầu dây đang giữ và giắt phần còn lại của phía mông bên kia, bên dưới các vòng dây đã vấn… để giữ chiếc váy trên người không bị tuột. Bà con thường mặc kèm với chiếc áo cột tay (a doót) được dệt nhiều hoa văn bằng cườm cùng nhiều biểu tượng sinh động của ma não, hoa abơlơm,…
Chiếc váy dài (chrờ dhu/ cơđơ ớch) của phụ nữ Cơ Tu thì được khâu thành hai lớp, mỗi lớp dài khoảng 3m, có chiều rộng từ 1,5m đến 1,7m. Đây là loại váy được dệt nhiều hoa văn bằng cườm hình mã não, hình hoa tình yêu (abơ lơm), hoa văn hình lá atút, hoa văn hình các thiếu nữ Cơtu múa ya yá (múa nữ), hoa văn hình lá trầu (a bá), hoa văn xoắn buộc Gươl (hơ ma ca ting), hoa văn cườm hình mã não… để có thể che từ ngực xuống cổ chân mà không cần phải mặc áo cột tay (a doót). Thiếu nữ Cơ Tu vùng trung du (Cơ Tu nal) đến vùng thấp (Cơ Tu phương) rất thích mặc váy dài này. Khi mặc, chị em dùng dây thắt váy quấn quanh ngực rồi cột chặt một đầu, chừa ra một khoảng dài 30-40cm. Loại váy dài, thường được các cô gái Cơ Tu mặc vào các dịp lễ hội, Tết, lễ cưới, tham gia nhảy múa trong cộng đồng.
Người Cơ Tu cho rằng, chị em mặc váy dài để hở phần thân và ngực là để khoe cái đẹp nữ tính. Cái đẹp không chỉ đơn thuần là chiếc váy có giá trị và tính thẩm mỹ mà còn có cả cách mặc váy làm tôn đường nét của cơ thể người phụ nữ Cơ Tu. Mỗi cơ ting papah là một câu chuyện thể hiện qua họa tiết, sắc màu để nói lên tâm tư, mang nhiều ý nghĩa trong đời sống và tính cách của mỗi người phụ nữ Cơ Tu. Nếu một cô gái Cơ Tu không biết dệt cơ ting papah thì bị coi là lười và được cho là con gái hư. Ngay từ nhỏ, các cô gái Cơ Tu được các bà, các mẹ dạy dệt dây thắt váy nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Việc học dệt dây thắt váy có thể mất vài ngày nhưng để dệt được những dây thắt váy đẹp cũng phải mất từ 2-3 tháng mới hoàn thiện. Ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi, những ngày nghỉ hè, các em nhỏ Cơ Tu vẫn tranh thủ dệt cho mình dây thắt váy để đi chơi trong các dịp lễ, Tết.
Người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam là một tộc người còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn các yếu tố văn hóa truyền thống có giá trị, đặc biệt dây thắt váy là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, thể hiện bởi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Cơ Tu. Ngày nay, cuộc sống đổi thay nhiều, xã hội ngày càng phát triển với những trang phục hiện đại, đa dạng, tiện dụng cũng ảnh hưởng không ít đến việc bảo tồn và lưu giữ nghề dệt và trang phục truyền thống song cơ ting papah vẫn luôn là vật gắn liền và không thể thiếu với người phụ nữ dân tộc Cơ Tu vùng núi Quảng Nam. Điều đó được các nghệ nhân dân gian Cơ Tu thể hiện trong hội họa và điêu khắc, trong điệu múa ya yá của phụ nữ Cơ Tu được tái hiện trên các ván thương của Gươl làng (ngôi nhà làng truyền thống) và cả trong câu dân ca Cơ Tu miệt mà đến nao lòng người: “Hình dáng em đẹp. Ngực em đẹp như vầng trăng”.
Tác giả: Sơn Gia Phúc
Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)