Di sản áo dài của đàn ông Việt trong bối cảnh hiện nay và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị áo dài Huế

Đại sứ Saadi Salama (Đại sứ Palestine tại Việt Nam) trả lời phỏng vấn về áo dài trên báo Thể thao Văn hóa ngày 24-11-2019, đã chia sẻ: “Hiện nay, trong các sự kiện ngoại giao, các ngày lễ, đàn ông Việt Nam mặc các kiểu khác nhau; còn phụ nữ dù phần nhiều mặc áo dài nhưng mỗi người lại một kiểu, khiến người nước ngoài như chúng tôi đôi khi bị lạc hướng khi nhìn vào các kiểu áo dài”. Đây không phải là ý kiến duy nhất của Đại sứ Palestine, rất nhiều người Việt Nam và người nước ngoài tỏ ra hoang mang khi thấy đàn ông Việt Nam mặc như vậy. Việc lộn xộn trong may, mặc, hiểu về áo dài hiện nay khá phổ biến. Chính vì lẽ đó, áo dài đang đi vào một xu hướng biến tà áo chỉ làm tấm biển quảng cáo, khiến người mặc trở thành cái giá áo, chứ không phải sử dụng áo để tôn vinh đẹp cho người. Nhiều biểu tượng văn hóa của Việt Nam được vẽ, được sử dụng trên áo rất tùy tiện, phản thẩm mỹ và giá trị văn hóa Việt Nam. Tại sao áo dài, cụ thể hơn là áo ngũ thân tay chẽn của đàn ông Việt Nam bị lãng quên? Giá trị thẩm mỹ và bản sắc văn hóa của áo dài là gì?

1. Thân phận áo dài của đàn ông Việt

 Di sản bị bỏ quên

Tiền thân của áo dài ngày nay được gọi là áo ngũ thân tay chẽn (loại áo nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm, như nữ cổ áo thấp hơn nam, ống tay nữ hẹp hơn ống tay nam, vạt áo nam dài hơn áo nữ…). Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) là người có công định chế cho việc phổ biến trang phục áo ngũ thân. Sau khi đất nước được thống nhất, nhà Nguyễn đã kế thừa sự cải cách trang phục thời các Chúa. Tới năm 1836-1837, Vua Minh Mạng sau chuyến tuần du ra Bắc, tận mắt nhìn thấy người dân miền Bắc vẫn giữ kiểu ăn mặc cũ (tức vẫn mặc áo tứ thân và các loại trang phục khác nhau) đã quyết định tiến hành cải cách trang phục triệt để. Từ đó, áo dài được phổ biến rộng trong cả nước.

 

Áo dài ngũ thân nam trong đời sống đương đại – Ảnh: Đức Bình

 

Áo dài ngũ thân được ra đời trong bối cảnh nhà Nguyễn lấy tư tưởng của Nho giáo làm chuẩn mực đạo đức xã hội, nên kiểu dáng trang phục này của nam và nữ đã phần nào đáp ứng được quan niệm thẩm mỹ của xã hội đương thời. Áo dài ngũ thân tiện lợi, gọn gàng, kín đáo khi mặc, mang đặc điểm riêng, khác với trang phục các quốc gia đồng văn khác, phù hợp với khí hậu và đã khắc phục được nhược điểm của những trang phục trước đó. Đặc biệt, kiểu dáng, kết cấu áo gắn với công năng sử dụng, khắc phục những nhược điểm cơ thể của đàn ông và phụ nữ Việt, tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, đàng hoàng, người phụ nữ kín đáo nhưng vẫn duyên dáng.

Từ những năm 1930, họa sĩ Cát Tường cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn khởi xướng cách tân áo dài nữ, tạo bước ngoặt mới cho trang phục áo ngũ thân. Sự thay đổi này phù hợp với phong trào Âu hóa cũng như phong trào đòi quyền bình đẳng của phụ nữ, những kiểu áo dài mới như hình ảnh đại diện cho việc giải phóng phụ nữ khỏi lễ giáo của đạo Nho. Trước đây, vẻ đẹp người phụ nữ kín đáo, nhẹ nhàng trong tà áo dài ngũ thân thì nay, vẻ đẹp ấy được bộc lộ cởi mở, mạnh bạo hơn như cổ mở rộng, tay ngắn, vạt áo hẹp ôm sát ngực và thân. Sự cải tiến, thay đổi áo dài nữ từ thập niên 30 của TK trước đến ngày nay vẫn không ngừng. Nhiều nhà thiết kế sáng tạo ra hàng loạt mẫu áo dài có bước cải tiến táo bạo.

Đối với áo ngũ thân của đàn ông, qua hình ảnh do người Pháp ghi lại giai đoạn trước năm 1945, trong đời sống thường nhật, lễ hội, đàn ông Việt luôn mặc áo ngũ thân. Tuy vậy, do ảnh hưởng văn minh phương Tây, phong trào Âu hóa lan rộng trong giới trí thức, tư sản, quan lại đến dân thường, dần dần, trang phục áo dài của đàn ông Việt thay đổi, mờ nhạt trong đời sống, chỉ còn đọng lại ở trang phục của những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thành viên Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946) như cụ Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Bộ Nội vụ), cụ Nguyễn Văn Tố (Trưởng Ban Thường trực Quốc hội); cụ Ngô Tử Hạ (Chủ tịch Đại hội đồng Quốc hội, kỳ họp năm 1946) đều mặc áo dài ngũ thân.

Trong giai đoạn 9 năm kháng chiến gian khổ (1946 – 1954), đặc biệt sau cải cách ruộng đất ở miền Bắc, hình ảnh áo dài là thường phục của đàn ông đã mất hẳn, số ít còn đọng lại trong các nghi lễ nội bộ gia đình, dòng tộc. Ở miền Nam, áo ngũ thân nam cũng ít được thịnh hành trong đời sống của người dân. Chiếc áo ngũ thân cũng đã rơi vào tình trạng bị may, mặc không đúng cách. Tên áo ngũ thân cũng dần bị quên, thay vào đó gọi chung là áo dài.

Cuối thập niên 1950 ở miền Bắc, áo dài đàn ông xuất hiện trên sâu khấu tạo ấn tượng mạnh với các nhân vật phản diện quan lại, địa chủ gian ác… Từ giai đoạn này, thưa dần người biết đến kiểu dáng áo ngũ thân nguyên bản. Trang phục sâu khấu đã ngấm dần vào thị giác khán giả mặc định trong tiềm thức của xã hội và loại trang phục áo dài trên sân khấu hồn nhiên bước ra đời sống. Áo dài đã bị trượt xa không còn mang bản sắc văn hóa đàn ông Việt.

Giá trị áo dài ngũ thân

Hiện nay, cùng với nhiều biểu tượng văn hóa truyền thống của Việt Nam, do tác động kinh tế, sự đứt gãy về văn hóa cũng như thiếu hụt về giáo dục thẩm mỹ, áo dài nam đã bị biến đổi rất nhiều. Tiếc thay sự biến đổi này hoàn toàn xa rời bản sắc văn hóa Việt, nhưng vẫn mang tên áo dài truyền thống.

Đặc điểm áo dài ngũ thân

Áo dài ngũ thân được sinh ra trong bối cảnh của hệ tư tưởng Nho giáo, do đó một số đặc điểm kết cấu của áo mang những nét tạo hình chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh xã hội đương thời, đặc biệt từ Triều phục. Áo dài ngũ thân tiếp thu từ trang phục trước đó như các loại áo Giao lĩnh, Bàn lĩnh, Trực lĩnh, nhưng nó khắc phục các nhược điểm của các loại trang phục nói trên và trở nên tiện lợi hơn.

Vạt áo: Gọi là áo ngũ thân bởi loại áo này được ghép bởi 5 vạt (5 thân) gồm 2 thân trước, 2 thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất.

Ngày xưa, khổ vải hẹp (35-50cm) do kỹ thuật dệt bị hạn chế nên khi may áo phải ghép các mảnh lại với nhau để tạo thành chiếc áo hoàn chỉnh. Trong các công đoạn may áo dài ngũ thân, công đoạn định hình của tà áo, vạt áo là phức tạp nhất, bởi khi chiếc áo hoàn thiện, những vấn đề đẹp, xấu, cơ bản đều do công đoạn này mà ra.

Cổ áo: cao 4cm, vuông, tạo hình đứng khép kín, tạo cảm giác nghiêm túc, kín đáo, chững chạc. Cổ áo nữ cao 2cm (sau này ở miền Bắc, cổ áo nữ cao có người may cao bằng cổ áo nam), cổ áo thấp nhỏ nhằm để hở phần cổ kiêu 3 ngấn quý phái, tăng sự gợi cảm của phụ nữ.

Cúc áo: Áo nam và nữ đều có 5 cúc. Hàng cúc chạy theo vạt bên trái, phía trước rồi xuống eo (hình chữ quảng 广). Cúc áo thường được làm bằng các chất liệu khác nhau như vàng, bạc, đồng, đá, xương, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh kinh tế hoặc địa vị của người mặc. Cúc áo nam to hơn cúc áo của nữ. Với các loại trang phục của Trung Quốc, cúc áo thường là vải bện, đồng màu với áo, nhưng đối với trang phục áo dài ngũ thân, cúc áo luôn là các chất liệu sáng màu, là điểm nhấn tinh thế trên trang phục.

Tay áo: Từ nách thu dần đến cổ tay, ống tay vừa để bàn tay lọt qua. Riêng áo nữ, ống tay hẹp hơn, người ta còn mở một đường khoảng 5cm để bàn tay người mặc đưa qua cho thuận tiện. Do ống tay được may nhỏ gọn hơn ống tay của áo tấc, áo Giao lĩnh cho nên còn gọi loại áo này là áo ngũ thân tay chẽn.

Áo tay chẽn có công năng gọn, khi hoạt động dễ thao tác, do thường mặc bên trong các loại áo lễ như áo tấc, áo Giao lĩnh. Với áo nữ, ống tay nhỏ còn nhằm tạo cho bàn tay của phụ nữ có cảm giác thon hơn. Áo ngũ thân có tay chẽn cũng là đặc điểm khác với loại áo của đàn ông Trung Quốc là ống tay thẳng, rộng.

Khăn: Trong bộ trang phục áo dài ngũ thân nam không thể thiếu được chiếc khăn quấn trên đầu. Ngày xưa đàn ông để tóc dài, khăn quấn giúp cho gọn gàng mái tóc. Khăn thường màu đen hoặc màu đậm, được quấn rối tạo nếp phía trước, phía sau quấn chặt giữ búi tóc. Khi thực hiện nghi lễ trang trọng thì khăn được quấn chỉn chu hơn, đẹp hơn.

Từ đầu TK XX, đàn ông đã bắt đầu cắt tóc ngắn, do đó chiếc khăn quấn đầu cũng dần biến đổi, người ta thường đội khăn đóng sẵn. Có nhiều người mặc áo dài nhưng không quấn khăn, đầu để trần hoặc đội mũ. Tuy vậy, tại các nghi lễ trang trọng, trên đầu người đàn ông không thể thiếu khăn.

Ngoài giữ cho tóc trên đầu gọn gàng, khăn còn tạo cho gương mặt gọn, sáng, chỉn chu. Khăn còn tạo cảm giác tăng chiều cao của người đàn ông Việt, khăn che được những nhược điểm ít tóc (đầu hói), tóc bạc.

Chắc việc quấn khăn, đội khăn cùng với mặc áo dài đã ăn sâu trong tâm thức của mọi người, trở thành một đặc điểm nhận diện không thể thiếu trong bộ trang phục truyền thống của đàn ông Việt. Do đó, mặc áo dài mà đầu không có khăn thì trang phục chưa hoàn chỉnh.

Quần: Quần là thành phần tạo nên tổng thể hoàn chỉnh cho bộ trang phục áo dài ngũ thân. Quần thường được may vải màu trắng, ống rộng có thể lên đến 36cm. Lý do ống quần rộng bởi cạp quần phải may dài, rộng để thuận tiện trong việc thắt cạp quần, thoáng, mát và thuận tiện khi đi vệ sinh.

Quần ống hẹp, quần có màu đậm được vua quan nhà Nguyễn như vua Thành Thái, Khải Định… mặc, đây là sự ảnh hưởng từ trang phục phương Tây. Kết cấu của áo dài ngũ thân hình chữ A, nên phải mặc quần ống rộng để tạo sự vững chãi, oai nghiêm cho người mặc. Nếu mặc quần ống bó thì dáng trang phục sẽ mất cân bằng, cảm giác thiếu nghiêm túc.

Áo lót trong: Khi xem lại tất cả hình ảnh từ vua, quan đến dân thường, chúng ta thấy mọi người đều mặc lót áo trắng trong áo dài. Cổ áo, tay áo đều lé ra màu trắng từ bên trong. Công năng của áo để lót giữ vệ sinh, thấm mồ hôi, giữ áo ngoài không bị bẩn (áo ngoài thường bằng chất liệu tơ lụa giặt dễ bị hỏng áo). Ngoài ra, áo trắng bên trong còn tạo ra sự nhấn nháy trên trang phục ở cổ, tay, tà áo (giống như mặc veston người ta thường mặc áo trắng bên trong).

Với các loại áo ngũ thân khác, áo may cặp (2 áo may tách rời) hoặc áo kép (một áo nhưng có 2 lớp, 2 màu khác nhau), tạo sự tinh tế của trang phục luôn được đề cao. Ví dụ bên trong người ta có thể mặc áo gấm màu sắc, hoa văn sặc sỡ thì bên ngoài mặc áo the, sa đen phủ ra ngoài, hoặc áo lớp trong (lót trong) màu sáng/ màu sắc nổi bật thì bên ngoài sẽ là màu đậm. Khi mặc, khi hoạt động, đi lại… màu sắc bên trong chỉ lộ ra với tỷ lệ khiêm tốn, đủ tạo sự chú ý của người đối diện. Việc phối màu trong và ngoài của áo thể hiện sự tinh thế, óc thẩm mỹ của người may và người mặc.

 Bản sắc văn hóa của trang phục áo ngũ thân đàn ông Việt

Đối với áo dài, chúng tôi cho rằng, vấn đề tạo nên bản sắc không hoàn toàn nằm trong chất liệu, không phải do ai làm và không phải do hoa văn trang trí. Các yếu tố đó chỉ đóng vai trò rất nhỏ để tạo nên bản sắc văn hóa trên trang phục. Chúng tôi mạo muội đưa ra một số yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa của áo dài nam. Những yếu tố này được hình thành và cộng hưởng từ kiểu dáng, ứng xử của người mặc.

Khiêm nhường: Đặc tính này thấy rõ trong cách may, mặc áo dài ngũ thân. Trang phục áo ngũ thân đàn ông Việt luôn có đặc tính giấu mình, khiêm tốn, chính vì lẽ đó nếu mặc áo gấm, áo có màu sắc mạnh thì người mặc đã mặc tấm áo the đen ra ngoài để tránh đi tiếng khoe khoang, phù hợp và dễ hòa hợp với những người xung quanh nhưng vẫn tạo ra sự sang trọng ẩn chứa bên trong.

Sự khiêm nhường này còn thấy trong tạo hình của dáng áo. Do hạn chế về kỹ thuật nên người ta đã may áo thân liền vai (trang phục các nước trong khu vực cũng có đặc điểm này). Cách may này tạo ra đặc điểm khi mặc vai người đàn ông xuôi (không bị gồ lên như áo may ghép tay của Âu phục) áo sẽ ôm sát với vai, ngực của người mặc, tạo cảm giác khiêm nhường trước người đối diện. Người mặc áo sẽ thấy tự tin, thoải mái trong giao tiếp. Do may vai liền tay nên cử động của người mặc hết sức linh hoạt, tự tin mà cách may Âu phục không có được.

Kín đáo: Với lễ phục, trang phục phải che kín thân, chân, tay khi thực hiện các nghi lễ, do đó với áo dài ngũ thân cũng tiếp thu những đặc điểm này. Áo ngũ thân của đàn ông thường có tà trước và tà sau rất rộng (độ rộng tùy theo thân hình người mặc). Có vạt áo may rộng tới 86cm. Vạt áo rộng có chức năng che phủ thân và chân. Thói quen đàn ông khi ngồi ghế cao chân dạng rộng bằng vai, hình chữ V (với nữ thì chân khép lại) do vậy để che kín chân, người ta phải lấy vạt trước của áo phủ trùm lên hai đầu gối. Do kết cấu áo có vạt thứ năm (vạt con) nằm bên trong vạt thứ nhất, ngoài công năng để giữ kín hông (đường cài cúc áo) thì vạt con này có chức năng giúp người mặc khi ngồi chiếu hay ngồi ghế có thể kéo tà con ra rộng để che kín chân. Đặc điểm này thấy rõ lịch sự, kín đáo, tôn trọng người đối diện.

Phong thái đĩnh đạc: Do ngày xưa khổ vải nhỏ nên người thợ phải nghĩ ra cách may chắp vải để tạo thành vạt trước, vạt sau áo, cách này để lại đường ghép trước và sống sau áo. Chính kỹ thuật này đã tạo sự cứng cáp cho chiếc áo và cũng là điểm nhấn của áo, giúp hình dáng áo choãi hình chữ A vững chãi, không bị bó sát thân. Đối với áo may bằng loại vải cứng, người ta còn tạo thêm 2 ly trước (gấp nếp hoặc là) để khi mặc áo phẳng, cứng cáp, tôn dáng người mặc. Đặc điểm hình như vậy giúp người mặc mang một phong thái nghiêm trang, oai vệ, đĩnh đạc, khỏe mạnh và nam tính.

Thầm mỹ tinh tế: Qua kết cấu tạo hình áo, cách phối màu, xử lý các chi tiết và cách mặc để phù hợp với công năng sử dụng đã thể hiện thẩm mỹ hết sức tinh tế trên áo ngũ thân của đàn ông Việt. Có một chi tiết nữa rất đáng quan tâm đó là chiếc khăn quấn đầu. Đây là chi tiết tưởng nhỏ trên trang phục, nhưng nó bộc lộ thẩm mỹ, cách ứng xử của người mặc với những người xung quanh. Người xưa luôn quấn khăn màu đen hoặc khăn màu đậm trên đầu ngoài việc làm gọn tóc còn làm cho khuôn mặt sáng hơn, thanh thoát hơn. Ngày nay, khăn còn khắc phục các nhược điểm về tóc của người đàn ông. Khăn màu đậm, giày màu đen và sự nhấn nháy trên trang phục tạo thêm sự sang trọng, lịch lãm cho người mặc.

Về cách mặc cũng hết sức cầu kỳ, như phải mặc lớp áo lót trong sáng màu vừa có công năng giữ mồ hồi, vừa tạo độ cứng cáp cho lớp áo ngoài, vừa có sự nhấn nháy màu sắc bên trong. Trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy lớp áo lót trong màu trắng luôn làm cho lớp áo dài ngoài trở nên sang trọng và phù hợp cho dù người mặc sử dụng áo ngoài màu gì, da người mặc đen hay trắng. Giống như bộ Âu phục, có lẽ lớp áo trắng bên trong của bộ trang phục áo dài đàn ông Việt giữ vai trò quan trọng tạo ra phong thái người mặc. Nếu mặc áo dài mà không mặc áo lót trắng bên trong theo đúng cách sẽ giảm thẩm mỹ rất nhiều cho người mặc.

3. Thực trạng áo dài nam hiện nay

Cho đến thời điểm hiện nay, rất nhiều người, kể cả nhà thiết kế, nghiên cứu lịch sử văn hóa, nghệ sĩ, nhà quản lý… phần lớn không thiện cảm với áo dài nam truyền thống. Trong khi đó áo dài nữ đã tiến xa và được thịnh hành không những với phụ nữ Việt Nam mà cả phụ nữ thế giới. Bao nhiêu lời hay ý đẹp, người ta dành cho áo dài nữ thì bấy nhiêu lời lẽ chê bai dành cho áo dài nam như: phong kiến, cổ hủ, đồng bóng…

Trên cả nước hiện nay, phổ biến kiểu áo dài nam tiện dụng, rẻ tiền, người mặc các loại áo đó nhìn na ná giống các nhân vật trên sâu khấu. Áo có đặc điểm chung là vạt dài quá bụng chân, chân vạt thẳng, ống tay rộng, cổ áo thấp, hoa văn trên áo là những hình tròn nổi hoặc chìm. Có loại áo nữa là may bằng vải voan mỏng (gọi là áo the). Khăn đóng sẵn to nhiều vòng, màu khăn thường đồng màu với áo, có loại khăn bọc bằng vải gấm có hình tròn phía trước. Loại áo này thường được người cao tuổi mặc trong các dịp lễ hội, thượng thọ… Loại áo dài của đàn ông này thường được may sẵn, bán đại trà, ít ai đặt may cẩn thận, vừa số đo, hầu như có ý thức mặc cho xong, cốt sao tiện dụng, rẻ tiền.

Một loại áo đang có trào lưu rất phổ biến lấy danh nghĩa áo dài cách tân. Loại áo có tà dài này đa dạng, phong phú. Có một đặc điểm chung của loại áo này là không may theo truyền thống, hoàn toàn khác xa với áo dài ngũ thân truyền thống. Chính vì lẽ đó chúng tôi không coi loại áo này là áo dài hoặc áo dài cách tân, không tiếp thu thẩm mỹ và bản sắc Việt.

Cả xã hội mặc áo kiểu trang phục sân khấu

Chúng tôi tìm đến NSND Trần Bảng, theo lời kể của ông, vào cuối thập niên 1950, Bộ Văn hóa thành lập Ban Nghiên cứu Chèo. Ngày đó, để Chèo có sức sống mới, ngoài việc cải biên Chèo, Ban Nghiên cứu Chèo mời các họa sĩ thuộc thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương như họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Thúc Bình và một số họa sĩ khác tham gia thiết kế mỹ thuật, trong đó có trang phục cho sân khấu Chèo. Đối với nghệ thuật sân khấu, cùng với sáng tạo khác thì cách làm mới trang phục là một bước đi quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Chèo giai đoạn đó.

Để phù hợp với đặc điểm, tính cách nhân vật, trang phục của các nhân vật phải được thiết kế sao cho đạt hiệu quả, áo có tà dài hơn, tay rộng, màu sắc trang phục cũng được biến đổi không giống áo dài ngũ thân truyền thống. Các nhân vật phản diện như lý trưởng, hương lão, thày cúng, thày bói, phú ông, quan tham… đều có trang phục xộc xệch, nhếch nhác, lòe loẹt…

Trang phục áo dài và hình ảnh nhân vật trên sân khấu từ thập niên 1950 đến nay đã in sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ người Việt và trở thành hình mẫu phổ biến được sử dụng rộng rãi, cho dù cách may, mặc của loại áo dài này không đúng, thiếu sự tinh tế.

Trang phục áo dài của các nhân vật bước ra khỏi sân khấu, trở thành phổ biến và mọi người mặc định đó là truyền thống. Nhiều người lầm tưởng mặc áo dài đi guốc mộc mới là truyền thống, khăn trên đầu đóng sẵn, màu khăn phải đồng màu với áo mới chuẩn.

Từ đó, áo dài nam mang biểu tượng chính trị hơn là mang biểu tượng văn hóa. Đàn ông mặc áo dài đã dần dần được mặc định là hình ảnh đại diện cho tầng lớp phong kiến, quan lại, địa chủ…, đại diện cho những thói hư, tật xấu, cũ kỹ, cổ hủ. Trước năm 1945, khi đả phá cái cũ, các họa sĩ chỉ cần vẽ một người đàn ông béo mặc áo dài là mọi người hiểu ngay ra đó là quan lại của chế độ phong kiến. Trên sân khấu, trong vở chèo Quan Âm thị Kính, Nghêu Sò Ốc Hến…; cảnh thu thuế ở đình làng trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy… đều có các nhân vật phản diện, quan lại mặc áo dài, người dân hiền lành mặc áo ngắn rách nát giản dị, vá chằng vá đụp. Những hình ảnh đó đã tạo ấn tượng với người xem đến mức thuộc các nhân vật. Nhưng hình ảnh nghệ thuật ấy đã làm cho xã hội có một cách nhìn khác về đàn ông mặc áo dài. Từ đó, áo dài của đàn ông Việt không được nhìn nhận là biểu tượng văn hóa, không còn được coi trọng là sản phẩm tinh hoa của cha ông. Nếu có coi trọng, thì đều lấy hình ảnh của trang phục kiểu sân khấu lòe loẹt, xộc xệch, thiếu tinh tế để tôn vinh.

Từ những lý do trên, một thời gian rất dài hầu như không ai nhắc đến câu chuyện lịch sử áo dài nam, những giá trị thẩm mỹ và văn hóa của nó. Các kỹ thuật may, cách mặc áo cũng dần bị quên lãng. Áo dài nam chỉ còn được may và sử dụng hời hợt trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng ở làng xã. Phần lớn áo dài nam xuất hiện thiếu chuẩn mực. Vì lẽ đó, rất nhiều người đã phản bác khi lấy trang phục áo dài làm lễ phục Nhà nước, hoặc họ đòi phải cách tân, thay đổi loại trang phục này thì mới phù hợp với cuộc sống.

Chính do sự thiếu hiểu biết, cách suy nghĩ sai lệch về áo dài nam, nên trong giới thiết kế thời trang luôn có suy nghĩ phải cách tân áo dài nam. Hiện nay, hướng về truyền thống, mặc trang phục truyền thống trong các nghi lễ, các sự kiện văn hóa là rất lớn, nhưng sự thiếu hụt về kiến thức, thẩm mỹ đã tạo ra thảm họa trong việc may, mặc các trang phục ngày càng gia tăng. Cách may, mặc loại áo dài được gọi là áo dài cách tân là ví dụ.

Áo có tà dài đội lốt danh hiệu áo dài cách tân

Nhiều nhà thiết kế cho rằng áo dài khi mặc thường bị nhăn, dúm ở nách, thân áo không phẳng, do đó họ đã đưa kỹ thuật may veston và áo sơ mi để may, vạt áo hẹp, liền vải, may bó sát người, ráp nối tay (raglan), vai độn. Vạt áo thẳng kéo dài (có loại dài như áo trường sam Trung Quốc, có loại áo tà dài trên đầu gối như của Ấn Độ). Đường cúc áo cũng đã bị thay đổi, nhiều mẫu thiết kế hàng cúc chạy dài từ ngực xuống, có những mẫu áo kéo khóa phía sau, có loại áo đến hơn 10 cái cúc, có loại áo cúc bằng vải bện… Phần lớn loại này kiểu dáng không còn giữ lại chút nào của truyền thống.

Đối với áo dài ngũ thân truyền thống, cần chú ý mặc đúng trước khi mặc đẹp. Trang phục phải có sự đồng bộ từ khăn, áo (áo lót trắng, áo dài, có thể còn có áo the phủ nếu mặc gấm, quần ống rộng, sáng màu). Nhưng hiện nay, người ta không chú ý tới cách mặc đúng mà quan tâm tới tiện khi mặc. Mặc áo dài không có khăn quấn đầu. Không mặc áo lót trắng bên trong. Mặc quần ống côn, hoặc quần Jean bên trong. Đi giày, dép các loại, các màu.

Đối với lễ phục truyền thống ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới như Hanbok của Hàn Quốc, Kimono của Nhật Bản, hoặc với Thái Lan, Myanma, Campuchia…, các bộ trang phục của họ đều có cách mặc rất cầu kỳ, phức tạp. Với trang phục áo dài ngũ thân của Việt Nam cũng vậy. Sự cầu kỳ, phực tạp khi mặc thể hiện sự chỉn chu, ý thức trang trọng của người mặc khi xuất hiện trước người khác. Nhưng với cách mặc lễ phục, trang phục dân tộc như hiện nay, đàn ông Việt Nam lại tìm đến sự giản tiện đến mức tuềnh toàng, đơn điệu, bộc lộ khoảng trống về thẩm mỹ. Nhiều người có thể dành hàng giờ chuẩn bị cho bộ Âu phục, nhưng họ lại nhanh chóng khoác một chiếc áo dài nhăn dúm, luộm thuộm, lòe loẹt.

4. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản áo dài ngũ thân ở Huế

Thực trạng một số xu hướng may mặc áo dài ở Huế

Áo dài đàn ông Việt bị lệnh chuẩn, xa rời bản sắc, tình trạng này đang diễn ra phổ biến không chỉ trong nước mà cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tại Huế cũng không thể tránh khỏi. Trong các nghi lễ tại Huế, trang phục áo dài cũng có nhiều sự biến thiên nhất định.

Tuy Huế là quê hương của áo dài Việt Nam, nhưng hiện nay Huế đang gặp một số thực trạng. Theo khảo sát của chúng tôi, ở Huế hiện nay cộng đồng không còn yêu cầu khắt khe về mặc trang phục này, do đó đã dẫn đến tình trạng may loại áo dài ngũ thân có từ thời Nguyễn đã dần mai một. Chúng ta rất khó tìm ra nghệ nhân may áo dài còn giữ được các bí quyết may áo dài ngũ thân (cả nam và nữ). Việc mặc trang phục không còn giữ được nét tạo hình áo dài xưa đã trở thành phổ biến, loại áo cách tân của nam giới đang có xu hướng phát triển mạnh ở Huế. Nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ những vấn đề chúng tôi đã trình bày ở phần trên.

Thành phố Huế là trung tâm du lịch của Việt Nam, mỗi công dân Huế đều là đại sứ du lịch, văn hóa. Việc xuất hiện trang phục áo dài của mỗi người tại di tích, khách sạn, nhà hàng, trên đường phố… đều tác động không nhỏ tới du khách về Huế và Việt Nam. Áo dài Huế từ trước tới nay đều gắn chặt hình ảnh phụ nữ Huế, áo dài nam còn bị mờ nhạt và chưa được mọi người quan tâm. Trang phục áo dài của nghệ sĩ biểu diễn (cả nam và nữ) đặc biệt là nghệ sĩ biểu diễn ca Huế trên sông Hương hoặc trong chương trình nghệ thuật hiện nay đều đang có xu hướng lòe loẹt, thiếu tinh tế và có phần xem nhẹ thị hiếu thẩm mỹ của du khách. Ở Huế, nhiều chương trình trình diễn áo dài tại các sự kiện văn hóa xuất hiện loại trang phục của nam không phải là áo dài. Các bộ trang phục này đi ngược với thẩm mỹ của đàn ông Việt, giống trang phục truyền thống của đàn ông khu vực Nam Á nhưng lại được khoác danh “áo dài cách tân”. Bởi Huế là nơi bảo lưu nhiều giá trị truyền thống thời Nguyễn, là quê hương của áo dài cho nên sự xuất hiện của các trang phục “áo dài cách tân” kể trên sẽ dẫn đến tình trạng công chúng bị nhầm lẫn là trang phục áo dài truyền thống.

Đề xuất một số vấn đề liên quan tới bảo tồn và phát huy di sản áo dài tại Huế

Trước thực trạng trên, để Huế trở thành Kinh đô áo dài Việt Nam, chúng tôi đề xuất một số phương án bảo tồn và phát huy di sản áo dài như sau.

Với vị thế là quê hương của áo dài Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế cần tạo điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử ra đời, giá trị thẩm mỹ, các nghi lễ, nghi thức mặc áo dài trong suốt lịch sử dưới từ nhà Nguyễn tới ngày nay. Cần xác định các vấn đề liên quan tới kết cấu, hình dáng, chất liệu, kỹ thuật, cách mặc áo dài ngũ thân thời Nguyễn. Các công trình nghiên cứu về áo dài cần được xuất bản và phố biến rộng bằng nhiều hình thức để công chúng hiểu rõ hơn về áo dài ở Huế và Việt Nam.

Với các tư liệu, hiện vật, căn cứ khoa học từ công trình nghiên cứu… tại TP. Huế cần sớm thành lập Bảo tàng Áo dài Việt Nam. Bảo tàng là nơi sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu và quảng bá áo dài tới khách du lịch trong nước và quốc tế. Bảo tàng Áo dài Việt Nam sẽ là sản phẩm du lịch khá thú vị cho du khách đến Huế.

Trước thực trạng nghề may áo dài truyền thống đang bị mai một, nhằm phát triển loại trang phục này, tỉnh Thừa Thiên Huế cần có biện pháp phục hồi nghề may áo dài ngũ thân. Có chế độ đãi ngộ thích đáng để thu hút nghệ nhân giỏi tham gia công tác truyền dạy.

Tại Huế cần hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề để tên tuổi, sản phẩm của họ gắn chặt với thương hiệu Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy đây là yếu tố quan trọng và mấu chốt cho việc hình thành, phát triển và bảo lưu thương hiệu Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu, xem xét chấn chỉnh việc mặc trang phục áo dài tại các không gian nghi lễ và không gian văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sĩ thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan nhà nước. Dù trang phục áo dài truyền thống hay cách tân đều phải mang tính thẩm mỹ cao, phải giữ được bản sắc văn hóa. Để áo dài lan tỏa hơn, nên vận động cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa Thừa Thiên Huế ngoài việc mặc áo dài chào cờ mỗi sáng thứ Hai hằng tuần như hiện nay, cần khuyến khích sử dụng áo dài trong các sự kiện giao lưu văn hóa, lễ hội… Trang phục cần quy định cụ thể như một dạng lễ phục (quy định kiểu dáng, màu sắc, chức vụ).

Song song với việc bảo tồn áo dài ngũ thân truyền thống, ngành Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế cần thường xuyên tổ chức cuộc thi thiết kế áo dài (nam và nữ) hiện đại nhằm tìm ra trang phục áo dài đẹp, phát triển từ trang phục Áo dài truyền thống, phù hợp với đời sống đương đại.

Để quảng bá áo dài được mạnh mẽ, hiệu quả, tỉnh Thừa Thiên Huế cần có chính sách: Khách du lịch mặc áo dài truyền thống sẽ được miễn, giảm vé vào tham quan di tích. Đây là cách làm khá hiệu quả của Bộ VHTTDL Hàn Quốc trong việc quảng bá văn hóa truyền thống.

Những năm gần đây, cộng đồng mạng và giới truyền thông thường xuyên nhắc đến vấn đề lễ phục, quốc phục, áo dài và áo dài thường là tiêu điểm được đưa ra bàn thảo, gần đây một số tổ chức đã đề xuất vinh danh áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, tiến tới trình UNESCO ghi danh áo dài Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là mong muốn hết sức chính đáng của mỗi người dân đối với di sản – biểu tượng văn hóa Việt Nam.

Chúng tôi nhận thấy, bằng những giá trị lịch sử gắn với các triều đại Nhà Nguyễn, với mảnh đất và con người cố đô, với những giá trị thẩm mỹ và tài hoa của người thợ xứ Huế đã sáng tạo ra trang phục áo dài ngũ thân thì ngày nay áo dài ở Huế cần được các nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng quan tâm bảo tồn và phát huy. Để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, tỉnh Thừa Thiên Huế cần sớm xây dựng hồ sơ nhằm ghi danh áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tác giả: Nguyễn Đức Bình

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *