Đi tìm trống của người mông


 

 

Những lần xem ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc ở thị xã Lai Châu, ngày đại đoàn kết dân tộc Việt Nam tổ chức ở Đồng Mô, hay ngày hội văn hóa Mông tổ chức ở Mộc Châu, tôi chưa thấy người Mông (1) dùng trống. Tại sao có hiện tượng này, hay là người Mông không có trống? Điều đó thật khác thường, bởi trống là nhạc cụ thông dụng ở hầu hết các tộc người, trên mọi vùng miền của đất nước Việt Nam. Trống có nhiều loại, được dùng trong nhiều trường hợp: lễ hội, cổ vũ đấu vật, đám ma, báo động… Việc hiếm thấy bóng dáng chiếc trống trong các dịp trình diễn văn hóa Mông trở thành một câu hỏi cần được giải đáp.

 

Trống qua các tư liệu viết về văn hóa Mông

Đầu tiên, tôi đi tìm lời giải đáp bằng việc đọc các tư liệu về văn hóa Mông, xem trong đó họ có đề cập tới trống hay không. Kết quả, trống được đề cập trong hầu hết các công trình, nhưng không dễ tìm vì những dòng viết về nó chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Trong công trình Lịch sử người Mèo của A.Savina, có chữ trống duy nhất xuất hiện trong câu: “Khi cái chết đã chắc chắn thì người ta đánh trống và bắn những phát súng để xua đuổi các ma quỷ và nhất là để báo cho các láng giềng” (2).

Cuốn Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam, truyền thống và hiện đại của Vương Duy Quang cũng có một dòng duy nhất xuất hiện chữ trống khi tác nói về thủ tục lễ treo trống trong nghi thức tang ma của người Mông: “Nó thường gồm lễ treo trống tang, lễ đuổi giặc Hán, lễ viếng, lễ đưa người chết ra bãi, lễ chôn cất…”(3).

Công trình Dân tộc Mông Sơn La với việc giải quyết vấn đề tín ngưỡng tôn giáo hiện nay do Thào Xuân Sùng (chủ biên) cũng chỉ 2 lần nhắc đến trống: “Khi có người chết thì phải tổ chức lễ thức tang ma, đánh trống thổi khèn suốt ngày đêm tỏ lòng tiếc thương”; “sau lễ chỉ đường là các lễ treo trống tang, lễ đuổi giặc”(4).

Cuốn Tang ca (Kruôz cê) của người Mông Sa Pa của Vàng Seo Gà, có một đôi chỗ thoảng qua nhắc đến trống: “Thày thổi khèn (txir kênhx) chuyên chỉ đạo việc thổi khèn đánh trống trong đám tang ma của người Mông”(5).

Cuốn Văn hóa Hmông của Trần Hữu Sơn có nhắc đến trống nhiều hơn một chút: “Trong khi thày “dở mổ” đọc “bài ca chỉ đường”, các thợ kèn, trống tiến hành treo trống. Chiếc cột giả treo trống được dựng lên giữa nhà (…) Trống được treo ngang chỗ cây trúc vắt ngang (…) Đội kèn trống thổi bài khèn tắt thở…”(6).

Khác với các tư liệu trên, công trình Âm nhạc dân tộc H’mông của Hồng Thao có đoạn ngắn viết riêng về trống: “Trống H’mông nhất thiết chỉ được dùng trong đám ma, hòa cùng với khèn H’mông. Cạnh trống bằng gỗ, hai đầu bịt da bò. Người ta đánh trống bằng hai dùi nhỏ, khi vào mặt trống, khi vào cạnh trống”. Và: “Trống H’mông có chiếc hình giống như trống trường, cạnh vòng; có chiếc hình ống (viên trụ), cạnh thẳng” (7).

Trong cuốn Tang ma của người Hmông ở Suối Giàng (8) tác giả Nguyễn Mạnh Hùng dành gần một trang viết về trống, xác định trống của người Mông “là một loại nhạc cụ thiêng”; “trống như một vị thần dẫn đưa vía”; trống “chỉ phục vụ riêng cho lễ tang”; “chỉ những gia đình có truyền thống thờ trống từ lâu đời mới được giữ trống trong nhà và sử dụng trống trong đám ma” (9).

Như vậy, qua các tư liệu, có thể khẳng định người Mông có trống. Dù hầu hết các tư liệu điểm qua về trống nhưng đều cho thấy trống của người Mông chỉ xuất hiện khi có đám ma. Riêng công trình của Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu sâu hơn về trống ở khía cạnh văn hóa, tín ngưỡng nhưng lại khiến chúng tôi phân vân bởi quan niệm thần trốngtrống như một vị thần dẫn đưa vía mà tác giả nêu ra, vì ngay cả 3 tác giả người Mông (Vương Duy Quang, Vàng Seo Gà, Thào Xuân Sùng) đều không hề nhắc tới quan niệm này. Do đó, vẫn còn một loạt câu hỏi khác nảy sinh: trống của người Mông có hình thù ra sao? Có đúng người Mông quan niệm “trống như một vị thần dẫn đưa vía” không? Trống có ý nghĩa thế nào trong đời sống của người Mông?… Các câu hỏi này chưa tìm được lời giải thỏa đáng trong các bài viết, công trình về văn hóa cũng như âm nhạc Mông, chỉ có thể trực tiếp đến vùng người Mông sinh sống để tìm hiểu và nhờ chính những người Mông giải đáp.

Trống qua lời kể của người Mông

Mùa hè năm 2010, tôi nhờ nhóm học viên dẫn đến bản Nà Pen II, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, cách TP Điện Biên khoảng hơn 30km, trong đó, khoảng 10km từ đường quốc lộ vào bản là đường rừng hiểm trở. Bản không có hộ dân nào theo đạo Tin lành, đó là lý do trống vẫn còn tồn tại ở đây và chúng tôi có cơ hội để tìm hiểu về trống (10). Hai ông Vàng A Tểnh (1984) bí thư chi bộ, Vàng A Tống (1969) trưởng bản cho tôi biết nhiều thông tin thú vị về trống Mông, và sau đó dẫn chúng tôi đến nhà Vàng A Tồng (1964) – người giữ trống. Vì biết tôi là thày giáo dạy âm nhạc, lại thích tìm hiểu về văn hóa Mông nên họ mới sẵn lòng kể về trống. Bình thường, họ không bao giờ nói về trống với người lạ.

Vàng A Tểnh cho biết, trống của người Mông rất thiêng, chỉ dùng cho đám ma không được sử dụng trong bất cứ nghi lễ hay việc gì khác. Người Mông gọi trống là đjua. Lua đjua nghĩa là nuôi trống. Không phải dòng họ nào cũng được nuôi trống. Ngay trong dòng họ được nuôi trống, việc này cũng chỉ dành cho dòng trưởng, truyền đời. Do đó, có khi cả vùng rộng lớn 3-4 bản Mông mới có một chiếc. Có lẽ vậy mà trống được sử dụng cho toàn thể cộng đồng, không phân biệt dòng họ hay ngành Mông. Chẳng hạn, ở bản Nà Pen, đa số các hộ là Mông trắng nhưng hộ người nuôi trống duy nhất, Vàng A Tồng, lại là người Mông đen. Khi có người qua đời, không phân biệt Mông trắng, Mông đen, Mông xanh hay Mông hoa, đều có thể đến mượn trống nhà Vàng A Tồng để làm ma.

Người Mông tự làm lấy trống, rất hiếm khi họ dùng trống do tộc người khác làm. Tuy nhiên, việc sửa trống hay làm trống là rất hãn hữu do tuổi thọ của mỗi chiếc trống khá dài, khoảng năm, bảy chục năm trở lên. Mặt khác, việc làm trống mới không phải cứ muốn là được, phải có sự đồng ý của ma. Muốn biết ma có đồng ý hay không phải nhờ thày pháp Chí Nếnh.

Khác với cách làm trống của người Kinh, ghép nhiều mảnh gỗ làm thân trống, người Mông để nguyên thân gỗ tròn làm thân trống. Đó là một loại cây đặc biệt thích hợp cho việc làm trống: thân gỗ khá lớn, thẳng, tròn và quan trọng là mềm, khi khô thì rất nhẹ và mịn, không bị nứt, không bị mối mọt.

Khi đã chọn được đoạn thân cây vừa ý, người ta làm thân trống bằng cách khoét lõi, làm rỗng lòng. Phần rỗng là một khoảng không hình trụ. Phần ngoài được loại bỏ vỏ cây, gọt những chỗ méo sao cho cái vỏ chứa cái hình trụ rỗng ở trong có độ dày đều nhau và hơi phình ra ở giữa. Thân trống có độ dài khoảng gấp rưỡi đường kính mặt trống. Hai mặt trống bịt bằng da bò, da con bò chết già thì càng tốt, không được dùng bất cứ da của con vật nào khác như trâu hay dê. Mặt da của trống cố định, không điều chỉnh độ căng chùng.

Da bò được cất đi, để khô nhiều năm trước khi làm trống. Khi được phép làm trống, người Mông phải đi đến một nơi cách xa làng của họ, sao cho dân làng không thể nghe thấy tiếng trống vang lên khi chế tạo. Để làm cho bộ da bò khô có thể mềm ra, người Mông dùng vồ hoặc gậy đập. Mỗi lần như thế cần nhiều thanh niên góp sức, có khi phải đập liên tục cả ngày trời mới khiến bộ da khô mềm lại để làm mặt trống.

Mặt trống được giữ căng đều nhờ cái đai bằng dây thép hoặc dây đồng to như chiếc đũa ăn quấn quanh và những cái chốt bằng gỗ vót nhọn, tròn, găm chặt da vào tang trống. Những cái đinh chốt đó lấy dây đai làm điểm tựa cắm so le nhau, không ngập hết vào thân trống mà còn lại một mẩu giống như hàng rào chạy quanh tang trống. Mỗi mặt trống cần một cái đai, vì thế mỗi cái trống có hai cái đai và mỗi cái đai nằm giữa hai hàng rào đinh chốt.

Trở lại vai trò của trống trong đời sống người Mông, Vàng A Tểnh cho biết: Với người Mông, trừ người chết đột tử, người già hoặc người ốm sắp chết thường tự chọn trước cho mình người làm trưởng ma, trưởng bếp, thày khèn và cả chiếc trống sẽ dùng trong đám nữa. Có thể vùng đó có vài ba chiếc trống nhưng họ dứt khoát chỉ chọn một chiếc trong số đó. Con cháu sẽ bắt buộc phải thực hiện theo. Chỉ một yêu cầu nhỏ của người chết mà không được thực hiện thì về sau con cháu sẽ khổ.

Khi cái chết đã xảy ra, tang chủ cử người đi mượn trống, mang theo một con gà để “làm lý” (thắp hương lễ trống) (11). Chủ trống, trước khi gỡ trống từ nơi treo cao sát mái nhà xuống, phải khấn rồi gõ 3 tiếng trống để báo cho ma nhà và ma trống biết có việc. Đó là thủ tục mà người sống phải thực hiện, vì dù không báo thì ma trống cũng biết. Người ta đã nghiệm rằng cái trống này, khi sắp có người chết, trước 1,2 ngày đã có biểu hiện, ví dụ tự dưng người trong nhà nghe thấy tiếng trống do một vật gì đó đụng vào (lưu ý rằng trống của người Mông không bao giờ để ở ngoài, chỉ treo cao ở trong nhà). Không phải chỉ một người nghe thấy, mà gần như mọi người trong nhà đều nghe thấy. Thế là một, hai ngày sau thể nào cũng có người đến nhờ trống cho đám ma. Dường như ma trống luôn biết trước, đoán được sẽ có người chết trước vài ngày.

Sau khi được phép mang đi, người mượn gùi trống ở sau lưng để cho một người nữa đi theo sau gõ trống báo tang. Trống báo tang được gõ làm 3 hồi ngắn liền nhau ngay khi ra khỏi nhà chủ trống. Đi một quãng khá xa trên đường về nơi tổ chức tang lễ, áng chừng ở đó người ta chưa nghe thấy tiếng trống, những người đi mượn trống lại đánh 3 hồi trống giống như đã đánh lần trước. Cứ như thế cho tới khi về đến nơi.

Khi người mang trống về tới nơi, lúc đó tang chủ mới phát tang. Từ đây, trống không đánh như cách báo tang nữa mà đánh theo nhạc cùng với khèn phục vụ các nghi thức cho người chết. Người đánh trống phải biết thổi khèn mới đánh theo khèn cho hòa hợp được. Trống và khèn phục vụ hầu như liên tục trong những ngày làm ma: khi giao đồ ăn cho người chết, khi có người đến viếng, khi làm vui cho người chết, khi hiến tế, giao trâu bò cho người chết… cho đến khi người ta khiêng quan tài đi chôn mới thôi.

Xong việc, khi trả trống, tang chủ phải treo vào trống phần lễ mà trống được hưởng theo tục lệ (người ta trả công cho trống và khèn như nhau). Mỗi con vật 4 chân bị mổ thịt trong đám tang đều phải dành ra 3 rẻ xương sườn và 1 miếng thịt để phần trống. Tuy nhiên, nếu trong số các con vật bị mổ làm lễ có dê thì thịt dê không được treo vào trống mà phải cầm riêng, cách xa trống (12). Sau đám ma, trống lại được treo vào chỗ cũ.

Người đi tìm trống Mông thấy gì

Trống là một mắt xích quan trọng trong tín ngưỡng tang ma của người Mông. Đi theo nó có rất nhiều kiêng kỵ, hay quy định, bắt buộc mọi người phải tuân thủ. Chẳng hạn: không thể đánh trống nếu không có ai đó trong cộng đồng lìa đời. Do vậy trống thường được treo cao sát mái nhà. Khi cần, muốn lấy trống xuống phải dùng thang, có lẽ để tránh việc chẳng may đụng vào trống. Ngoài trường hợp có người chết, nếu ai đó chẳng may làm tiếng trống vang lên thì có thể bị phạt tiền, 1 chai rượu, 2 con gà và phải mời thày cúng về cúng tạ lỗi với ma trống. Điều này dẫn đến một số phiền phức nếu như người ta muốn sửa hay làm trống. Khi làm đương nhiên phải gõ thử, và thế là người ta phải mang đồ nghề, vật dụng ra xa, đến nơi mà tiếng trống không thể vang tới làng bản.

Hoặc mặt trống phải được làm từ da con bò chết tự nhiên. Tại sao lại như vậy? Có thể tham khảo một truyện cổ Mông được nhạc sĩ Hồng Thao ghi lại:

Xưa kia, có hai bố con người H’mông ở làng nọ, làm ăn vất vả quanh năm mà cuộc đời vẫn luôn đói khổ. Một hôm, vào mùa đói kém, ông bố phải đến vay một nhà giàu trong làng ít ngô đem về ăn tạm, với điều kiện phải trả lãi gấp đôi sau mùa thu hoạch tới. Đến ngày hẹn, hai bố con chỉ trả xong số ngô vốn, còn số lãi thì đành chịu. Ông bố van xin và được khất nợ, nhưng phải thề độc với tên nhà giàu là: khi sống, nếu ông không trả hết nợ thì chết, ông phải đầu thai làm con bò hoa để kéo cày cho nó đến hết nợ mới thôi. Ngày tháng trôi, hai bố con phải luôn đi phục dịch, tên chủ nợ, nương rẫy hết dần màu mỡ, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần thêm chống chất. Cuối cùng ông bố bị chết đói mà nợ vẫn không trả nổi. Theo lời thề cũ, hồn ông đầu thai vào con bò hoa. Sau khi bố chết, người con buồn rầu thương nhớ, thường ra ngồi bên khóm trúc đầu làng ủ ê than thở. Thỉnh thoảng, anh lấy dao chặt trúc và thổi, những ống trúc dài ngắn phát ra những âm thanh trầm bổng khác nhau, và khi ghép ống lại thì chúng tạo thành một hiệp âm lý thú. Với chiếc khèn làm bạn, sớm chiều anh thổi những làn điệu não nùng ai oán, nguyền rủa kẻ giàu độc ác. Ngày tên nhà giàu chết, con cháu nó lại giết bò hoa để cúng và lấy da bò bịt trống đánh làm ma. Thấy bò hoa chết, người con cũng buồn rầu chết theo. Từ đấy dân tộc H’mông học theo cách làm khèn của người con. Mỗi khi làm ma hay cúng ma, tiếng trống đánh lên trước, tiếng khèn thổi lên sau, hòa với nhau chặt chẽ; lúc nào khèn cũng thổi quanh trống, hai nhạc cụ ấy không thể rời nhau (13).

Người Mông thường lý giải những phong tục của mình bằng sự tích, huyền thoại. Câu chuyện trên phần nào lý giải tại sao người Mông chỉ dùng da bò làm trống và cũng qua đó giải thích tại sao khèn, trống lại luôn đi đôi với nhau trong tang lễ Mông. Ngoài sự giải thích bằng sự tích của người Mông, chúng tôi thấy cặp trống – khèn còn mang ý nghĩa khác. So với trống, chiếc khèn không phải là nhạc cụ thiêng, bởi thế người sắp chết không chọn trước khèn mà chọn trống sẽ sử dụng trong đám tang của mình. Khèn là nhạc cụ của sự sống, của tình yêu, không phải như trống, là nhạc cụ của sự chết. Vậy mà trống – khèn lại là một cặp, không thể thiếu nhau trong tấu nhạc tang lễ. Phải chăng, đó là một cặp âm – dương (trống biểu tượng cho thế giới âm, khèn biểu tượng cho thế giới dương), trống – khèn hòa tấu tức âm dương giao hòa. Nghi lễ đưa tiễn một con người vừa rời bỏ sự sống để đi vào cõi chết cần một thứ âm nhạc giao thoa âm dương hòa tấu. Đối với người sống, hầu như những gì gắn với thế giới âm đều là biểu hiện của sự thiêng. Với người Mông, tiếng trống được lựa chọn là nhạc của âm giới. Do đó trống là nhạc cụ thiêng, chỉ lên tiếng khi có sự chết. Người già chọn chiếc trống sẽ dùng trong đám ma của mình, vì đã từng được nghe và thích tiếng của chiếc trống đó trong những đám ma mà họ tham dự. Như vậy, thày khèn có thể dùng khèn nào thổi cũng được nhưng thày trống thì chỉ được gõ chiếc mà người chết đã dặn trước.

Theo như ông Tráng A Lứ (1957), từng là thày khèn có uy tín ở Mộc Châu, thì bài bản dùng cho đám tang người Mông “nhiều như lông bò”. Ông còn cho biết, người muốn học khèn học để thổi chơi thì nhanh thôi, nhưng nếu muốn thổi được bài trong đám tang phải học theo thày ít nhất 5 năm. Người đánh trống cũng phải biết thổi khèn mới hòa với nhau được. Đặc biệt, khác với ban nhạc hiếu của nhiều tộc khác, người thổi khèn và đánh trống Mông không ngồi cố định một chỗ, họ vừa chơi nhạc vừa múa theo những quy cách nhất định. Nếu đúng như vậy, loại âm nhạc này của người Mông có thể đã đạt tới trình độ nghệ thuật khá cao. Như thế cũng có nghĩa là đánh trống trong đám ma người Mông không hề đơn giản, ít nhất phải biết các bài bản khèn, biết múa thì mới có thể sử dụng được trống. Có lẽ cũng vì thế, người Mông không như người Kinh gọi người chơi nhạc đám là thợ kèn mà gọi một cách kính trọng là thày trống, thày khèn.

Với những gì đã biết trên thực tế, có thể thấy nhận định: trống là nhạc cụ thiêng hoàn toàn chính xác, nhưng cho rằng người Mông quan niệm trống là thần trống hay “trống như một vị thần dẫn đưa vía” thì không đủ cơ sở. Trong tang lễ Mông, việc dẫn đưa vía đã có hẳn hệ thống các bài tang ca chỉ đường thực hiện. Mặt khác, chức năng chủ yếu của trống trong đám ma là làm âm nhạc phục vụ nghi lễ, mà âm nhạc ở đây không phải để dẫn vía. Một điểm cần bàn nữa, có tư liệu viết: “Chỉ những gia đình có truyền thống thờ trống từ lâu đời mới được giữ trống trong nhà và sử dụng trống trong đám ma”, câu này mới đúng một nửa. Phần chưa đúng nằm ở vế sau: mới được sử dụng trống trong đám ma. Bởi chưa chắc người nuôi trống biết đánh trống, biết bài bản trống – khèn, mà trong đám ma phải là thày trống mới sử dụng được. Vậy không phải cứ người trong gia đình chủ trống mới được sử dụng trống. Qua những gì được nghe kể, thì thấy người Mông chọn trống chứ không chọn chủ trống, chọn người thổi khèn mà không chọn khèn cho đám ma của mình.

_______________

1. Đã có nhiều cách viết tên tộc người này: Mèo, Hmông, H’mông, HMông, Mông. Chúng tôi chọn Mông cho bài viết của mình.

2. F.A. Savina, Lịch sử người Mèo, xuất bản tại Hồng Kông, 1924, bản trích dịch (chương 1, phần 2 chương 2, chương 3, phần 1 chương 4) của Viện Dân tộc học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 1971, tr.142-143.

3. Vương Duy Quang, Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.110.

4. Thào Xuân Sùng (chủ biên), Dân tộc Mông Sơn La với việc giải quyết vấn đề tín ngưỡng tôn giáo hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.30.

5. Giàng Seo Gà, Tang ca (Kruôz cê) của người Mông Sa Pa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004, tr.49.

6. Trần Hữu Sơn, Văn hóa Hmông, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1996. tr.76.

7, 13. Hồng Thao, Âm nhạc dân tộc H’mông, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1977, tr.154.

8. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb Thanh Niên (không ghi năm công bố).

9. Nguyễn Mạnh Hùng, Tang ma của người Hmông ở Suối Giàng, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, tr.77.

10. Ở những vùng người Mông theo đạo Tin lành, bàn thờ tổ tiên còn bị dỡ bỏ nên trống không tồn tại vì không còn vai trò gì.

11. Có nơi, như ở Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La, theo ông Mùa A Sồng (1963) thì người Mông đen ở đây chỉ phải mang gà đi mượn trống nếu đó là lần đầu tiên trong năm mới. Kể từ đó trở đi, ai cần việc tang cứ đến mượn mà không phải lễ lạt gì cả.

12. Cả Vàng A Tồng và Vàng A Tống đều không giải thích được vì sao người Mông lại kiêng treo thịt dê vào trống. Họ chỉ biết đời trước làm thế thì các đời sau phải theo.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 345, tháng 3-2013

Tác giả : Kiều Trung Sơn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *