Đưa nhạc giao hưởng đến với công chúng


 

Ngay sau ngày hòa bình được lập lại (1954) ở miền Bắc, mặc dù còn bộn bề công việc, nhưng Đảng ta đã có định hướng về phát triển kinh tế xây dựng miền Bắc theo mô hình xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương lớn để tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, đời sông nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhưng Hồ Chí Minh cùng với Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển nền văn hóa nghệ thuật theo phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng, không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Để chuẩn bị cho chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ lâu dài, Hồ Chí Minh đã chọn và gửi 100 lưu học sinh Việt Nam lần đầu tiên đi học tập tại Liên Xô vào năm 1954 (trong đó có cả ngành văn hóa nghệ thuật). Tiếp đến là các đợt của cán bộ, học sinh, sinh viên sang Liên Xô, Trung Quốc và các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa để học tập, sau này trở về phục vụ đất nước.

Ngoài các ngành khoa học cơ bản, ngành văn hóa nghệ thuật (trong đó có âm nhạc) cũng được nhà nước ta chú trọng quan tâm. Bầu không khí văn hóa nghệ thuật thời kỳ này thật sôi nổi, đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.

Nhiều đoàn nghệ thuật của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa đã sang Việt Nam biểu diễn giao lưu, và nhiều đoàn văn công của Việt Nam cũng sang biểu diễn ở nước ngoài. Sự giao lưu văn hóa nghệ thuật với các nước là bài học quý báu để nghệ sĩ Việt Nam có dịp học hỏi, tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật tiêu biểu của nước ngoài (trong đó có âm nhạc giao hưởng). Thời kỳ này, công chúng Việt Nam không còn ngỡ ngàng với âm nhạc giao hưởng thính phòng của nước ngoài như những năm đầu của TK XX, mà thực sự họ đã được làm quen và thưởng thức nhiều chương trình biểu diễn tại Việt Nam.

Theo lời kể của cố nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, sau khi bắt nhịp cho dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chơi bài Kết đoàn, Hồ Chí Minh đã nói chuyện với các nghệ sĩ rằng: “Âm nhạc giao hưởng là loại nghệ thuật đỉnh cao của các nước châu Âu, Bác muốn các cháu nhạc sĩ sáng tác được các bản giao hưởng của Việt Nam để phục vụ đồng bào”. Lời nói mộc mạc và chân thành của Người lúc bấy giờ đã trở thành nguồn động lực to lớn đối với các nhạc sĩ Việt Nam, là làm thế nào sáng tác được âm nhạc giao hưởng để phục vụ sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước. Và khi đã có được những tác phẩm giao hưởng, thì bằng cách nào để đưa giao hưởng đến được với công chúng?

Nhớ lại phong trào lời ta điệu tây của thời kỳ tân nhạc vào những năm 30 của TK XX, các nhạc sĩ Việt Nam luôn khát khao có được những bài hát do chính mình sáng tác để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Với lòng quyết tâm tìm hiểu và học hỏi, lòng khao khát đó đã trở thành hiện thực với hàng loạt ca khúc mới được ra đời do chính các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác. Để rồi những ca khúc này được chuyển hóa cả về lượng và chất, trở thành dòng ca khúc cách mạng theo bước chân những đoàn dân công, những anh bộ đội cụ Hồ đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Và cũng chính dòng ca khúc này đã động viên quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đây có thể được coi là một trong những động lực quan trọng nhen nhóm cho sự ra đời nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam sau này.

Chúng tôi không muốn nhắc lại những ý kiến của một số nhà nghiên cứu đề cập tới sự du nhập âm nhạc giao hưởng nước ngoài vào Việt Nam, mà chỉ muốn nêu lên những nguyên nhân của sự hình thành và phát triển âm nhạc giao hưởng Việt Nam. Có như vậy, thì việc đưa âm nhạc giao hưởng Việt Nam đến với công chúng mới mang được đầy đủ ý nghĩa của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ nhất, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam được cử đi học tập ở nước ngoài đã tiếp thu nhanh chóng những tinh hoa âm nhạc giao hưởng thế giới (đặc biệt là nền âm nhạc giao hưởng đồ sộ Nga – Xô Viết), khi về nước, họ biết kết hợp có hiệu quả với ngôn ngữ âm nhạc dân tộc để sáng tác ra các bản giao hưởng Việt Nam.

Thứ hai, âm nhạc giao hưởng Việt Nam được bắt nguồn từ chính cơ sở của những yếu tố văn hóa bản địa như các bản hòa tấu âm nhạc cổ truyền, các bản hợp xướng, ca cảnh, trường ca trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là hợp xướng Đông Nam Á Châu (Lưu Hữu Phước), Sông Lô (Văn Cao), Tiếng hát sông Lô (Phạm Duy), Chiến sĩ sông Lô (Nguyễn Đình Phúc), Lô Giang (Lương Ngọc Trác), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)…

Thứ ba, để phản ánh tư tưởng của thời đại, các thế hệ nhạc sĩ đã mong muốn sáng tác được các bản giao hưởng Việt Nam, nhưng chưa có điều kiện và trình độ để thực hiện. Khi được học tập và tiếp thu những tinh hoa của âm nhạc giao hưởng thế giới, thì họ nhanh chóng sáng tác được các bản giao hưởng của chính mình để phục vụ cho nhu cầu cách mạng.

Thứ tư, sau khi được học tập ở nước ngoài trở về, các nhạc sĩ bắt tay ngay vào đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác âm nhạc giao hưởng. Đây được coi là nền tảng quan trọng để phát triển nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam ở những năm tháng tiếp theo.

Những thành công trong tác phẩm của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài hay ở trong nước thật đáng trân trọng. Có thể ví von, mỗi tác phẩm ấy như một viên gạch hồng đang góp sức chung tay để xây dựng một nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Trong quá trình tư duy và sáng tác tác phẩm, các nhạc sĩ Việt Nam luôn tìm ra cách đi riêng trên cơ sở của sự kết hợp giữa tinh hoa âm nhạc giao hưởng nước ngoài với ngôn ngữ âm nhạc dân tộc. Chính vì thế, trong mỗi tác phẩm giao hưởng luôn chứa đựng trong đó tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc. Việc đưa các ca khúc cách mạng hay âm điệu dân ca vào làm chủ đề cho các chương của giao hưởng đã giúp cho công chúng dễ dàng làm quen với ngôn ngữ âm nhạc giao hưởng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công chúng Việt Nam từng được nghe các chương trình giới thiệu, diễn giải có minh họa về âm nhạc giao hưởng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam hoặc ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Việc làm này đã tạo ra nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của một số khán thính giả khi được nghe và thưởng thức văn hóa âm nhạc giao hưởng.

Các tác phẩm âm nhạc giao hưởng Việt Nam dù phong phú về nội dung phản ánh, nhưng lại có một điểm chung, đó là ngôn ngữ vừa mang hơi thở thời đại, vừa mang những dấu ấn của sắc thái âm nhạc truyền thống. Chẳng hạn như bản liên khúc giao hưởng số 1 của nhạc sĩ Hoàng Việt với tiêu đề Quê hương mà ông đề: “Kính tặng Nam Bộ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm”. Các chủ đề của bản giao hưởng này được hình thành từ những ca khúc cách mạng mà công chúng đã từng quen thuộc, đó là: chủ đề chương I (Lên đàng của Lưu Hữu Phước), chương II (Lên ngàn, Mùa lúa chín của chính tác giả và bài Cây trúc xinh dân ca quan họ Bắc Ninh), chương III (Giải phóng miền Nam của Huỳnh Minh Siêng), chương IV (Đợi chờ của Nhật Lai). Ngoài ra, có thể kể tới một số sáng tác của các nhạc sĩ khác như các bản giao hưởng nhiều chương của Nguyễn Văn Nam (từ số 1 đến số 8), trong đó bản giao hưởng số 1 tặng đồng bào miền Nam anh dũng, số 2 uống nước nhớ nguồn – theo dấu chân người, số 5 mẹ Việt Nam. Hay bản giao hưởng số 1 của nhạc sĩ Vĩnh Cát với tiêu đề Cuộc đối đầu lịch sử.

Trong thể loại tổ khúc giao hưởng phải kể đến tác phẩm Miền Nam tuyến đầu của nhạc sĩ Chu Minh (1963), Non sông một dải của nhạc sĩ Nguyễn Xinh (1975); hoặc các giao hưởng thơ như Khát vọng (Nguyễn Thị Nhung), Lửa cách mạng (Trần Ngọc Xương), Đồng khởi (Nguyễn Văn Thương), Việt Nam – đất nước của niềm tin và hy vọng (Phạm Minh Khang), Thành đồng tổ quốc (Hoàng Vân), Người về đem tới ngày vui (Trọng Bằng), Tranh giao hưởng (Ca Lê Thuần), Giao hưởng không đề (Đàm Linh)…

Những tác phẩm này thực sự đã đến với công chúng từ nhiều năm nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc trong các chương trình biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, hay những nơi hòa nhạc khác trong cả nước. Chúng đã tạo được dấu ấn đối với công chúng Việt Nam bằng các chủ đề âm nhạc từ những bài ca cách mạng quen thuộc, hoặc từ âm điệu dân ca của một vùng miền nào đó.

Nhìn trên phương diện xã hội, âm nhạc giao hưởng Việt Nam đã có một quá trình thâm nhập vào đời sống tinh thần của công chúng nước ta. Bởi vậy ở giai đoạn này, việc đưa âm nhạc giao hưởng đến với công chúng là vấn đề vô cùng quan trọng. Nó không chỉ có tính định hướng về giá trị thẩm mỹ, giá trị nội dung tư tưởng, mà còn làm cho công chúng Việt Nam ngày càng yêu mến thể loại âm nhạc này hơn.

Trong chiến lược phát triển kinh tế mang tính bền vững và lâu dài của một quốc gia, không thể thiếu được vai trò của văn hóa nghệ thuật (trong đó có âm nhạc giao hưởng). Nhìn sang các quốc gia trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thấy họ có chiến lược phát triển rất tốt và hiệu quả. Những thành quả trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các nước cũng là điều đáng để chúng ta học tập. Trong thời kỳ hội nhập mang tính toàn cầu hiện nay, việc đưa âm nhạc giao hưởng đến với công chúng cũng là một trong những định hướng phát triển văn hóa nghệ thuật của Đảng. Điều này sẽ góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của nước nhà theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013

Tác giả : Phạm Minh Thành

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *