Giải bài toán nhà vườn Huế trước nguy cơ đô thị hóa

1. Hiện trạng nhà vườn Huế

Hiện nay, Huế có 30 phủ đệ, 675 nhà có tiêu chuẩn nhà vườn, 172 nhà nguyên là phủ đệ, nhà vườn đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Huế còn có 161 nhà vườn điển hình các loại. Đó là hệ thống các phủ đệ, tư thất quan lại, nhà ở của các tầng lớp phong kiến gắn với vườn rộng, được xây dựng từ đầu TK XIX trở về trước.

Những công trình đó mang đậm chất văn hóa, nét kiến trúc nhà Nguyễn, những kiểu nhà rường truyền thống kết hợp với một khu vườn xanh mướt, tồn tại song hành, tạo ra một thể thống nhất hòa quyện giữa thiên nhiên với con người. Những công trình kiến trúc ấy là tổng thể các công trình độc lập nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau như: cổng vào, hàng rào, bình phong, bể cạn, nhà chính, nhà phụ ở chính giữa khu vườn. Ngôi nhà rường đó phải đảm bảo các yếu tố về giá trị nghệ thuật, kiến trúc, bao gồm các yếu tố: vì kèo, liên ba, đố bản… được chạm trổ hoa văn tinh xảo; trang trí bài thơ chữ Hán; bảo lưu hoành phi, câu đối, cổng tam quan cổ lâu; trang trí hoa văn độc đáo, các đề tài truyền thống (tứ linh, tứ quý, tứ thời) gắn với quan niệm Nho giáo, Phật giáo; một số đồ dùng nội thất cổ tương ứng. Vườn cây của nhà vườn được xếp vào nhóm di tích này tất nhiên cũng phải có một diện tích tương xứng với những giá trị mà ngôi nhà rường mang lại, phải có diện tích từ 600m2 trở lên, quy hoạch gắn kết hài hòa với công trình chính, trồng các cây lưu niên, cây cảnh, cây truyền thống, đảm bảo một cách cơ bản hệ cây trồng, bố trí trục không gian.

Những năm trở lại đây, do nhu cầu về nhà ở cũng như sức hút từ đô thị hóa, nhiều khu vườn Huế đã bị manh mún chia lô, tách thửa, trao đổi, mua bán… Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn tại thành phố Huế dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bộ máy quản lý còn bất cập, chưa có sự phối hợp đồng bộ từ các ngành, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận hợp tác giữa bộ máy quản lý với người dân là chủ các nhà vườn; đội ngũ làm công tác bảo tồn nhà vườn còn hạn chế về chất lượng, số lượng, cán bộ khoa học, cán bộ lĩnh vực kiến trúc, cảnh quan, sân vườn… còn chưa đáp ứng kịp thời với tính cấp thiết của công việc. Công tác tuyên truyền vận động người dân trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn chưa cao. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chưa chủ động, đặc biệt trong vấn đề về nhà đất, quy hoạch.

2. Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn Huế

Phổ biến tài liệu, truyền thông

Hiện nay, thành phố Huế chưa chú trọng tới việc xuất bản các tài liệu liên quan đến nhà vườn Huế. Vì vậy, việc quan tâm hỗ trợ để các nhà nghiên cứu có điều kiện được công bố công trình nghiên cứu có giá trị đến với công chúng, truyền thông để quảng bá những giá trị di sản văn hóa nhà vườn một cách tối ưu nhất tới người dân, du khách trong tiến trình đô thị hóa là điều cần thiết. Nội dung ấn phẩm phải tập trung với các đánh giá của nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, khách du lịch, các thành phần khác trong xã hội.

Một số vấn đề cần chú trọng là đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; xây dựng các bộ phim tài liệu, phóng sự về lịch sử hình thành, phát triển nhà vườn, những nếp nhà Huế; giới thiệu các nhân vật lịch sử, văn hóa của địa phương, nguyên là những chủ nhân nhà vườn Huế lồng ghép vào việc quảng bá hình ảnh; xây dựng, phát triển các website quảng bá, chuyên về nhà vườn Huế với đội ngũ biên tập là các nhà khoa học, nhà quản lý, nội dung được kiểm duyệt phù hợp chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; thường xuyên cập nhật, đăng tải các chính sách mới về bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn tại thành phố Huế.

Định kỳ tổ chức các cuộc hội thảo khoa học chuyên đề về lịch sử văn hóa, giá trị nhà vườn Huế, nhằm đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp cho nhà quản lý nhằm đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn tại thành phố Huế trong xu thế đô thị hóa hiện nay.

Tuyên truyền sâu rộng về ảnh hưởng không tốt của sự gia tăng dân số không có kế hoạch, tăng cường công tác kế hoạch hóa gia đình nhằm ổn định dân số, giảm nhẹ gánh nặng kinh tế cho người dân, cũng như góp phần tích cực trong việc hạn chế quá trình chuyển đổi của các nhà vườn truyền thống. Xây dựng thêm các ngôi nhà phụ để làm không gian sinh hoạt cho một gia đình mới (không ảnh hưởng đến kiến trúc ngôi nhà chính), tuy nhiên, các ngôi nhà phụ này cần phải được nghiên cứu, lựa chọn chất liệu, màu sắc phù hợp trong quá trình xây dựng.

Bảo tồn nhà vườn truyền thống Huế

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn nhà vườn truyền thống Huế, chúng tôi đề xuất một số nội dung căn bản sau:

Một là, tiếp tục tiến hành điều tra, khảo sát các nhà vườn truyền thống tại thành phố Huế để nhận diện chính xác về hệ thống nhà vườn, thông qua các cứ liệu lịch sử, các công trình nghiên cứu để đánh giá, xếp loại cụ thể từng loại nhà vườn và đề xuất chính sách phù hợp, đồng thời có cơ sở để lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận di tích lịch sử, văn hóa cho các nhà vườn đủ điều kiện. Mặt khác, các dữ liệu liên quan đến nhà vườn truyền thống Huế đã được thu thập thông qua điều tra, khảo sát cần phải được áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để số hóa các tài liệu, mã hóa thông tin từng ngôi nhà vườn để làm cơ sở khoa học, dễ dàng tra cứu trong công tác bảo tồn, tôn tạo.

Hai là, quá trình trùng tu, tôn tạo các nhà vườn truyền thống Huế phải được tiến hành một cách có khoa học theo đúng yêu cầu trùng tu di tích, yêu cầu giữ nguyên kết cấu kiến trúc ban đầu của ngôi nhà rường, hạn chế sự thay thế các chi tiết, vật liệu khác.

Ba là, chủ đầu tư phải yêu cầu, giám sát đơn vị thi công nghiên cứu sử dụng đúng vật liệu truyền thống, màu sắc phải hợp lý, những chi tiết thuộc kiến trúc là những vật liệu bằng gỗ nhất thiết phải được thay bằng gỗ, không được sử dụng vật liệu khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị kiến trúc của ngôi nhà rường.

Bốn là, để công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa nhà vườn truyền thống Huế đạt được hiệu quả, cần xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn tại thành phố Huế bằng việc làm cụ thể. Chẳng hạn như, tổ chức các sự kiện hội thảo khoa học, các hoạt động cộng đồng nhằm kêu gọi sự chung tay góp sức của toàn xã hội trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn tại thành phố Huế… Các giá trị văn hóa phi vật thể như đạo đức gia đình truyền thống, các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh trong gia đình của người Huế cũng cần phải có những biện pháp bảo tồn có chọn lọc, phù hợp với cuộc sống đương đại, loại bỏ những quan điểm lạc hậu, không còn phù hợp, gây cản trở sự phát triển của xã hội cũng như sự tiến bộ của con người.

Phát huy giá trị nhà vườn truyền thống trong phát triển du lịch

Bảo tồn giá trị nhà vườn Huế phải gắn liền với phát triển du lịch. Hướng tới, cần xây dựng mỗi nhà vườn là một điểm đến, xây dựng không gian Huế xưa để thu hút du khách. Trước xu thế đô thị hóa hiện nay, việc quy hoạch tổng thể đô thị ở Huế cần phải giữ được mối quan hệ hài hòa giữa kiến trúc với môi trường cảnh quan tự nhiên. Mặc dù được mệnh danh là thành phố vườn nhưng không phải vì thế mà Huế áp đặt tất cả các nhà vườn ở đây phải duy trì cảnh quan nguyên sơ, không phát triển. Do đó, căn cứ từng đặc điểm loại hình, các nhà vườn lựa chọn phương án quy hoạch cho phù hợp. Những công trình kiến trúc cổ mang nét văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tư tưởng triết lý, thể hiện qua các đặc trưng của Huế như: cổng vào, lối đi, bình phong, bể cạn, non bộ… hiện diện trong các khu vườn ngự, vườn phủ đệ, vườn chùa, những ngôi nhà vườn nguyên là sở hữu của giới thượng lưu ở Huế cần phải được bảo tồn theo hướng giữ nguyên hiện trạng.

Cùng với quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới, hệ thống nhà vườn cũng là những điểm đến được nhiều khách du lịch quan tâm mỗi khi đến thành phố Huế. Tại đây, du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng những ngôi nhà rường với kiến trúc cổ, những khu vườn thiên nhiên thanh mát. Không những thế, họ còn được hòa mình vào đời sống sinh hoạt của người dân xứ Huế. Vì vậy, Huế cần phát huy giá trị di sản gắn liền với phát triển du lịch bền vững, để biến các nhà vườn trở thành những điểm tham quan du lịch sinh thái với nhiều dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn. Ngoài ra, các hội thảo, tọa đàm khoa học có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tập, kết hợp trưng bày các hiện vật liên quan đến văn hóa Huế như mỹ thuật, trang phục truyền thống của người Huế… tại không gian nhà vườn cần được chú trọng. Thêm nữa, việc ứng dụng y học cổ truyền có từ thời các vị vua triều Nguyễn để phục vụ nhu cầu cho khách du lịch nghỉ dưỡng cũng là một yếu tố cần nghiên cứu để thu hút khách tham quan.

Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn về cách làm du lịch cộng đồng cho người dân nhằm phát triển du lịch cộng đồng, đào tạo nguồn nhân lực từ những chủ nhà vườn, người dân địa phương là một khía cạnh cần chú ý. Cơ quan chức năng cần có nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ pháp lý thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các homestay tại các nhà vườn.

Hơn nữa, cần tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn người dân chăm sóc khu vườn một cách có hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng thu hoạch, tạo ra những sản phẩm cây nhà lá vườn phục vụ du khách mỗi lần đến tham quan, lưu trú tại nhà vườn theo dạng mùa nào thức ấy. Đây cũng là một trong những sản phẩm dịch vụ phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Trong việc phát triển du lịch nhà, vườn cũng cần quan tâm nghiên cứu tái hiện lại các lễ hội văn hóa cộng đồng của làng, xã có giá trị cộng đồng, các nghi thức cúng, lễ truyền thống của người Huế trong gia đình, cũng như các thú chơi tao nhã của nhà vườn truyền thống có các chủ nhân là hoàng tộc, các hàng quan lại, tầng lớp nhân dân trong các dịp đón khách quý như: biểu diễn ca Huế, hát tuồng, hát bội, ngâm thơ… làm phong phú thêm sản phẩm du lịch cũng như nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện tái đầu tư cho dịch vụ văn hóa, lễ hội dân gian, di sản văn hóa phi vật thể bằng nguồn thu từ chính các hoạt động này.

Ngoài ra, cần thành lập một Hội nhà vườn (câu lạc bộ sinh hoạt cho chủ nhà vườn), thành phần ngoài các chủ nhân nhà vườn còn có sự tham gia của cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan môi trường, các nhà nghiên cứu, các hãng lữ hành, để tăng cường được sự liên kết giữa các chủ nhà vườn với nhau, giữa chủ nhà vườn với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, giữa chủ nhà vườn với các hãng lữ hành. Mặt khác, các buổi sinh hoạt sẽ giúp cho chủ nhà vườn có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quản lý nhà vườn hiệu quả.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND ngày 25- 4 -2015 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thông qua Đề án Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng.

2. Phân viện Viện Nghiên cứu VHNT tại thành phố Huế, Di sản văn hóa nhà vườn xứ Huế và vấn đề bảo tồn, Kỷ yếu hội thảo, 2002.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, Đề án Chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế, 2015.

4. Nguyễn Hữu Thông, Nhà vườn xứ Huế, Nxb Văn nghệ, TP. HCM, 2008.

5. Nguyễn Ngọc Tùng (chủ biên), Sự chuyển đổi và bảo tồn nhà vườn truyền thống trong khu vực kinh thành Huế, Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2015.

 

Tác giả: Dương Văn Kính

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *