1. Vài nét về di tích chùa Chài
Chùa Chài thuộc thôn Võng La, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, còn gọi là Bạch Sam Tự. Vào cuối thời Lê, do phân khu vực hành chính, chùa được 3 xã chung lo việc cúng lễ, trông nom, quản lý, nên còn được gọi tên là chùa Ba Xã. Tên chùa Ba Xã được lưu truyền ở địa phương đến mãi sau này, song song cùng với tên chính là chùa Chài.
Ngôi chùa tọa ngự trên một khu đất tương đối rộng, thoáng, phía trước là sông Hồng. Khuôn viên đất chùa có nhiều cây xanh, cây gạo với cành lá tươi tốt vươn cao, từ xa có thể nhìn thấy. Các công trình kiến trúc của chùa nằm ẩn bởi nhiều cây cối bao quanh xanh tốt, mát mẻ. Chùa gồm nhiều công trình kiến trúc như: chùa chính, nhà tổ, điện mẫu, nhà ở, nhà khách, bếp, nhà kho.
Chùa Chài với kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng truyền thống, được ra đời từ khá sớm. Căn cứ vào tấm bia cổ có trong chùa, có thể khẳng định sự bề thế của di tích và khả năng chùa có từ TK XVII – XVIII, đây là một ngôi chùa lớn, sầm uất, do 3 xã chung lo và sửa lễ. Trong chùa hiện còn giữ bia, tượng vị sư tổ thường gọi tên là Ngọc Động Thánh Tổ, tu đắc đạo ở chùa Bạch Sam từ trước thời Dương Hòa. Bia không ghi rõ về tên, công tích, thân thế, sự nghiệp của vị sư tổ này, nhưng qua khảo cứu, truyền khẩu của nhân dân địa phương, cùng vài ý trong các bia, có thể sơ bộ chép về lịch sử vị sư tổ này. Sư tổ là một vị chân tu đắc đạo được tôn xưng gọi là thánh tổ, họ Nguyễn nhưng các bô lão làng nói ông họ Phan, không rõ húy tên, tu và đắc đạo tại Bạch Sam Tự. Sư tổ có pháp danh là Chu Bồ Đề, có pháp thuật, tài bốc thuốc trị bệnh, cứu người, một lần ngài đã cứu sống mẹ chúa, được triều đình phong sắc ban thưởng. Chức danh ban phong của ngài được gọi là Thánh tổ bồ đề tôn, ngày giỗ là 10-8 âm lịch hằng năm. Ngày giỗ đó trở thành ngày giỗ tổ của chùa, có nghi lễ lớn, còn duy trì đến tận ngày nay.
Tên chữ của chùa là Bạch Sam có nhiều cách giải thích với nhiều tích khác nhau. Nguyên nghĩa đen là áo trắng, thần Bạch Sam là một nhân vật lịch sử từ thời Hùng Vương thứ VI, đánh giặc Ân giúp nước. Căn cứ chứng tích, văn bia, truyền tích dân gian, chưa có một sự duy danh tên chùa nào có sức thuyết phục nhất. Truyền tích dân gian nói tên Bạch Sam liên quan đến tích rắn trắng ở gò chùa khi xưa. Chùa còn giữ được nhiều bia thời Hậu Lê nhưng không còn bia nào thời Nguyễn. Sự mai một của chùa có nhiều nguyên nhân như chiến tranh hay thiên tai, bởi chùa ở kề cận với dòng chảy sông Hồng, sông Cái. Theo phản ánh của các bô lão, khung cảnh chung của chùa đến cuối thời Nguyễn vẫn còn tồn tại kiến trúc, tượng thờ của chùa bị xuống cấp, hư hỏng nặng (1).
Trong những năm sau 1940, cách mạng nước ta do Đảng Cộng sản lãnh đạo dấy lên cao trào mạnh mẽ, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền. Trung ương (T.Ư Đảng quyết định cho xây dựng một căn cứ địa tiền phương gọi là khu an toàn T.Ư (gọi tắt là ATK), ở ven quanh nội thành Hà Nội. Cùng với một số địa phương của Từ Liêm, Hà Đông, Mê Linh…, huyện Đông Anh vinh dự được chọn làm ATK của T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1941 – 1945, có 9 điểm chính là ATK cho T.Ư Đảng, trong đó một điểm thiết yếu, quan trọng là Võng La. Võng La ở ven sông, có cơ sở quần chúng nhân dân trung kiên, nhiệt tình cách mạng, sớm được T.Ư chọn làm cơ sở xây dựng ATK. Bia ghi nhớ sự kiện lịch sử cách mạng nơi đây có viết rằng làng Chài (Võng La) là nơi có nhiều cơ sở cách mạng bí mật của các đồng chí Thường vụ T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, đã tổ chức nhiều hội nghị để quyết định chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng toàn quốc thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Nằm chung trong hoạt động của ATK, chùa Chài cũng tham gia đóng góp tích cực. Theo nhân chứng kể lại, đồng chí Trường Chinh khi nói về cây gạo ở chùa đã cho biết cây gạo này cùng cây gạo Xù ở Phú Thượng được ví như 2 cột cổng để các cán bộ ra vào hoạt động ở nội thành. Đó là điểm hẹn, liên lạc và trao đổi thư từ của Đảng do đồng chí Hoàng Quốc Việt phụ trách. Cây gạo của chùa cao lớn, là mốc tiêu đánh dấu cho các cán bộ của ta từ xa tìm về điểm ATK và các gia đình cơ sở cách mạng. Ở gốc cây thường xuyên được cán bộ Đảng, đội công tác ATK dùng ám hiệu thông báo tình hình, cung cấp các thông tin cần thiết, hiệu quả. Am mộ tháp cạnh cây gạo đã được sử dụng như một hộp thư trao đổi liên lạc, thông báo, tài liệu chưa lần nào bị địch phát hiện. Ngôi chùa có nhiều cây lại ở trục lộ giao thông đông người đến làm lễ, rất bí mật, tiện lợi cho hoạt động của ATK Võng La, ngôi chùa là một điểm hoạt động đáng ghi nhận, góp công sức không nhỏ cho hoạt động của ATK cũng như với cách mạng, lịch sử của dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công là sự nỗ lực cố gắng to lớn của toàn Đảng, toàn dân, mỗi địa phương, cá nhân đã góp công sức nhỏ làm nên thắng lợi lớn của dân tộc. Trong chiến thắng chung của dân tộc và cách mạng, ATK, chùa Chài Võng La đã cùng góp sức với cả nước. Chùa Chài cùng các điểm hoạt động khác của ATK ở Võng La là những điểm di tích cách mạng xứng đáng được ghi nhận. Do thời gian cùng nhiều biến động xã hội, đến nay, địa phương đã có rất nhiều đổi thay, riêng điểm di tích chùa Chài với gốc cây gạo cổ thụ là ít biến đổi, là nơi ghi nhận dấu tích cách mạng đảm bảo tính chất nguyên gốc nhất của các điểm ATK ở Võng La. Sau năm 1945, trong kháng chiến ở chùa cũng ghi nhận một số sự kiện lịch sử liên quan đến sự nghiệp kháng chiến. Dấu tích rõ nhất là ở sau gầm tượng sư tổ, được đào một căn hầm bí mật, nay còn thấy rõ (2).
2. Hệ thống bia đá chùa Chài, những cổ vật cần lưu giữ
Chùa Chài Võng La là một di sản văn hóa cổ đặc biệt của Đông Anh. Hiện, chùa không còn tổng thể các công trình kiến trúc cổ nguyên vẹn nhưng trong chùa có một bộ sưu tập bia đá cổ thời Hậu Lê quý hiếm, rất ít thấy ở các chùa cũng như những di tích khác. Các bia hiện còn của chùa có niên đại kéo dài hơn một thế kỷ (1638 – 1764), những tấm bia thời Hậu Lê khá đặc sắc nhất là các chạm khắc hoa văn trang trí. Bộ sưu tập gồm 19 bia đá rất hiếm thấy ở các di tích mà hiện nay chúng ta còn giữ được. Trong các bia, ngoài việc ghi chép về công đức của các vị hậu, tên đất địa danh thôn, xã rồi việc tu bổ, hương công, xây dựng thời đó, còn là một tác phẩm chạm khắc trên đá độc đáo, quý hiếm và có giá trị nghệ thuật cao. Các chạm khắc đá rất tinh xảo, nhiều đề tài, thể loại, cách thể hiện phóng khoáng tỏ rõ tài nghệ và tinh hoa các bàn tay thợ chạm nước ta.
Ảnh bia đá chùa Chài (ảnh tư liệu do Phòng Văn
hóa – Thông tin huyện Đông Anh cung cấp)
Những bia đá của chùa là các di vật cổ quý hiếm, có giá trị đặc sắc. Bia chủ yếu làm bằng đá xanh liền khối những vật liệu bền chắc, đẹp, có một bia bằng đá trắng, thạch anh, chạm nổi khá rõ hình hoa cúc, vừa chắc khỏe, vừa uyển chuyển sinh động, bố cục cân đối hoàn chỉnh, khá lạ so với các hoa văn ở các bia thời Hậu Lê. Trong bộ sưu tập 19 bia đá tại chùa Chài có 18 bia đá có niên đại vào thời Hậu Lê (TK XVII – XVIII), 1 bia đá niên đại thời Nguyễn; riêng niên đại Chính Hòa (1681 – 1699) tổng số có 7 bia đá gồm 4 bia bốn mặt, 3 bia hai mặt. Niên đại Long Đức 3 (1734) có 3 bia đá 2 mặt. Đặc biệt, trong số 18 bia đá thời Hậu Lê có 1 bia liền tượng sư tổ niên đại Dương Hòa thứ 4 (1638), tấm bia làm liền tượng sư tổ, tượng ở trước, bia liền khối ở sau. Tượng sư tổ chạm nổi kiểu phù điêu vị thánh tổ trên 1 bệ đá cánh sen, thắt chân cổ bồng. Tượng khối liền bia là cổ vật quý hiếm, đặc sắc, bia có chiều cao 170cm, dày 22cm, nhiều hoa văn trang trí đẹp. Diềm và trán bia có hoa văn lưỡng long chầu nhật đan xen cùng các cụm mây, tia lửa thanh thoát và sống động. Ở hai bên diềm là hình chạm nổi tứ quý, chim, đan xen mây lửa, diềm dưới là các cánh sen, mỗi cánh đều có vân mây lửa rất tinh tế. Đây là tấm bia cổ nhất hiện nay ở chùa Chài, cũng khá ít gặp ở các di tích thuộc Hà Nội. Các bia đá khác của chùa ngoài phần văn chữ ghi việc đặt hậu, bầu hậu… như nội dung thường thấy của các bia hậu, còn có các hoa văn trang trí đẹp, tinh xảo, sống động và cầu kỳ như long, phượng chầu nguyệt, hình tứ linh, tứ quý, cúc dây, cánh sen, mây lửa… các họa tiết trang trí ở trên trán, diềm 2 bên, diềm dưới, các bia đều được làm đẹp với nhiều hoa văn, nhiều kiểu đề tài khác loại cùng được thể hiện trên một tấm bia. Các họa tiết hoa văn trang trí của một tấm bia đều có niên đại của thời Hậu Lê (3).
Có thể khẳng định, mỗi tấm bia đá của chùa Chài là tác phẩm nghệ thuật trang trí trên đá đẹp, có giá trị như một kho cổ vật quý hiếm, rất ít nơi có được. Hệ thống bia đá tại chùa Chài là nguồn sử liệu quý giá, chứa đựng thông tin về đời sống văn hóa, con người của vùng đất Đông Anh nói chung, Võng La nói riêng. Bảo tồn, phát huy giá trị của bộ sưu tập bia đá chùa Chài trong bối cảnh đô thị hóa là trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa, cũng như cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Đông Anh để mỗi tấm bia đá mãi trường tồn với thời gian.
_________________
1. Huyện ủy – HĐND – UBND huyện Đông Anh, Đông Anh với nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2010.
2. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh, Hồ sơ kiểm kê di tích chùa Chài, thôn Võng La, xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội, 2012, Tài liệu lưu hành nội bộ.
3. Tư liệu Hán Nôm có trong di tích chùa Chài, Tài liệu lưu hành nội bộ.
Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Linh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay