Hình tượng rắn trong văn hóa việt nam

Các nhà động vật học đã xếp rắn là loài động vật máu lạnh không chân, không lông mao, lông vũ ở điểm khởi đầu của nỗ lực phát triển lâu dài thành người. Tổ tiên xa xưa của nó là loài bò sát cổ ra đời từ 250 triệu năm trước, rồi trước những biến đổi mạnh mẽ của môi trường sinh thái, cách đây 70 đến 90 triệu năm thời tiết lạnh đột ngột, chỉ loài bò sát nhỏ trong đó có rắn là còn lại đến ngày nay.

 

Trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, rắn là một hình tượng khá phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn. Hình ảnh rắn xuất hiện khá nhiều trong chuyện dân gian (thậm chí cả văn học bác học sau này), trò chơi của con trẻ và trong tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam…

Với kho tàng văn học dân gian, hình tượng rắn thường xuyên xuất hiện với nhiều biến thể khác nhau, lúc là rắn, giao long, khi là thuồng luồng, rồng. Chúng ta có thể kể đến những câu chuyện huyền thoại của người Việt như: Sự tích thánh Linh Lang, Sự tích Hồ Ba Bể, Thạch Sanh, Rắn báo oán, Ông Dài, ông Cộc… hay Lấy chồng rắn trong truyện cổ Chăm. Đặc biệt không thể bỏ qua truyện Con rồng cháu tiên, “đây là huyền thoại chim tổ và huyền thoại rắn bố để trở thành mẹ tiên Âu, bố rồng Lạc sinh ra bọc trứng, nở trăm con – cội nguồn của người Việt ngày nay” (1).

Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, trong bộ Kho tàng cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, trong tổng số 200 câu chuyện (không kể dị bản) thì có 11 truyện đề cập đến hình tượng rắn, hoặc là giao long, thuồng luồng, chằn tinh… Trong đó, phần lớn là những truyện ca ngợi sự giúp đỡ của rắn đối với đời sống của con người, số truyện nói đến việc rắn là kẻ thù của con người chiếm tỷ lệ thấp hơn.

Trong đời sống hàng ngày, nhân dân đã sử dụng rất nhiều hình ảnh của rắn để ví von, so sánh, thậm chí là để dự báo thời tiết.

Trước hết, rắn tượng trưng cho sự sống lâu, trường thọ và sự tái sinh. Trong quan niệm dân gian thì rắn là con vật bất tử, trẻ mãi không già, vì cứ già là nó lại lột xác thành trẻ, cuộc đời nó cứ tuần hoàn như vậy và không bao giờ chết. Con người thì hoàn toàn ngược lại, luôn chịu sự chi phối của sinh, lão, bệnh, tử… Có chuyện kể rằng “Một con quỷ tốt bụng muốn các con rắn chết đi còn con người thì lột da sống đời đời. Chẳng may một con quỷ ác độc đã tìm cách đảo ngược sự xếp đặt đó; chính vì vậy mà rắn cứ lột da mà trẻ lại, còn người thì phải chết” (2). Dân gian ta vẫn thường nói: Rắn già, rắn lột/ Người già, người tụt vào săng.

Trong cuộc sống, đôi khi người ta lại lấy rắn để tượng trưng cho sự may rủi. Nằm trong mạch nguồn của truyền thống văn hóa phương Đông, trong đời sống hàng ngày, người Việt Nam có rất nhiều kiêng kỵ trong đó có kiêng kỵ khi xuất hành, đặc biệt là đầu năm (hoặc mỗi khi có việc quan trọng như cưới hỏi, đi buôn, đi thi…). Chính vì vậy mỗi khi có việc đến, người ta thường chọn người đón ngõ, kỵ nhất là ra ngõ gặp gái vì người ta cho rằng sẽ bị đen đủi, làm việc gì cũng hỏng. Theo quan niệm dân gian, nếu đi đâu lo giải quyết công chuyện mà gặp được rắn là rất may mắn, thế nào công việc cũng được thành công toại nguyện. Dân gian cho rằng rắn đi, quy (rùa) về, nghĩa là ra ngõ mà gặp rắn thì tiếp tục đi còn gặp rùa thì nên quay về, vì có đi tiếp công việc cũng không thành, hoặc là: Khi đi gặp rắn thì may/ Khi về gặp rắn thì hay ăn đòn.

Theo kinh nghiệm dân gian, rắn cũng là loài động vật biết “dự báo thời tiết”. Ở một số vùng của châu thổ Bắc Bộ, căn cứ vào sự quan sát của người dân, mùa hè khoảng tháng 4, tháng 5, nếu trời đang nóng bức, oi nồng mà thấy rắn ráo bò ra thì hôm sau nhất định sẽ có mưa, và ngược lại, nếu trời đang mưa thì sẽ tạnh ráo.

Theo lịch pháp Phương Đông, rắn đã vinh dự được người xưa chọn làm một trong 12 con giáp đại diện cho các tháng trong năm được gọi là tỵ. Tỵ là một trong số 12 chi của địa chi, được coi là chi thứ 6, đứng trước nó là thìn (rồng), đứng sau nó là ngọ (ngựa). Theo nông lịch hiện nay, tháng giêng kiến dần nên tháng tỵ là tháng 4 âm lịch, về thời gian thì giờ tỵ tương ứng với khoảng thời gian từ 9h-11h trong 24h mỗi ngày. Về phương hướng, tỵ thuộc hướng đông nam, theo ngũ hành thuộc hỏa, theo thuyết âm dương thì thuộc âm. Tỵ mang ý nghĩa ngừng lại, đình chỉ, chỉ trạng thái đã phát triển đến cực đại của thực vật sống trong vùng khí hậu nhiệt đới và ôn đới (3). Có lẽ dân gian xưa cũng đã phát hiện rắn là loài có thân biến nhiệt nên lựa chọn và đặt nó vào vị trí giao thời trong lịch pháp (tháng 4 chuyển từ xuân sang hạ, thực chất là chuyển từ lạnh, rét sang nóng, oi; 9h-11h là giao thời của trưa – chiều).

Tử vi phương Đông cho rằng người tuổi tỵ bí ẩn, khôn ngoan, hấp dẫn và lãng mạn, có nghệ thuật tìm được chỗ đứng vào thời điểm đúng lúc, đúng thời. Là người biết tính toán, kiên định biết kìm mình và dấu diếm tình cảm thật của bản thân… song cũng tương đối bướng bỉnh và đôi khi bảo thủ.

Từ đời sống văn hóa, hình ảnh rắn cũng đi vào trong một số tác phẩm văn học viết trung đại, ví dụ như Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư đời Lý: Trạch đắc long xà địa khả cư/ Dã tình chung nhật lạc vô dư. Thậm chí nó trở thành đề của bài thơ chơi chữ tài tình Rắn đầu biếng học của nhà bác học TK XVIII Lê Quý Đôn:

Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà

Rắn đầu biếng học chẳng ai tha!

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ

Nay thét mai gầm rát cổ cha

Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo

Lằn lưng cam chịu vết roi da.

Từ nay trâu lỗ xin siêng học

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia (4).

Hình tượng rồng trong mỹ thuật cổ Việt Nam là lấy mẫu từ con rắn trong tự nhiên, vì rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Có nhà nghiên cứu đã gọi rồng thời Lý là rồng rắn. Hình rồng ở Việt Nam cũng chỉ là con rắn, nhưng đã được biến hóa cho có phần linh thiêng như rắn thần và đã được hư cấu trong tạo hình. Trẻ em Việt Nam thường xếp một hàng dài rồi đi vòng vèo như rồng rắn và gọi đó là trò chơi rồng rắn lên mây (5).

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, rắn được coi là loài vật linh thiêng và có nhiều sức mạnh kỳ diệu.

Quan niệm vạn vật tương quan, có lẽ do tín ngưỡng tô tem mà phát triển lên. Giữa con người với vũ trụ như trăng, sao, sông núi, mạch đất, cỏ cây… đều có thể có những mối liên hệ vô hình mật thiết (6). Từ chỗ thần thánh hóa các lực lượng tự nhiên, gán cho mỗi lực lượng tự nhiên mạnh mẽ, kỳ vĩ ấy một vị thần, con người đã quay ra ngưỡng mộ thế giới đó, nhất là lực lượng tự nhiên nào gần gũi với con người hơn. Tâm lý muốn được cầu thân với tự nhiên, được tự nhiên che chở đã nảy sinh mối quan hệ ruột rà giữa con người với tự nhiên. Người ta tin rằng, cộng đồng mình có quan hệ huyết thống với một loại động thực vật nào đó. Tự nhiên trở thành tổ tiên của con người, thành nơi gửi gắm linh hồn của họ, liên quan trực tiếp đến sự tồn tại, hạnh phúc hay chết chóc của họ. Người Việt đã xem rắn là vật tổ.

Nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao khi nghiên cứu về văn học dân gian xứ Nghệ đã nói đến môtip con rắn xanh cũng được kể ở khá nhiều nơi: “Rắn xanh được thờ ở nhiều nơi và được đưa thành mô típ trong truyện kể, bởi rắn được tượng trưng cho thần nước trước khi là rồng” (7). Nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật qua phân tích hình tượng rắn trong mối quan hệ giữa rắn và con người cũng đưa ra nhận định là giữa rắn và người có mối quan hệ ruột thịt, thậm chí cùng chung một dòng máu. Tác giả khái quát biểu tượng rắn trong quan hệ với người thành 3 dạng: rắn là con nuôi của người, mẹ người + …= rắn; Hôn nhân người – rắn; mẹ người + bố rắn = trứng, cuối cùng tác giả mô hình hóa qua sự chuyển biến và kết hợp giữa huyền thoại chim tổ và huyền thoại rắn để trở thành mẹ tiên Âu – bố rồng Lạc sinh ra bọc trứng (8).

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, trên thần điện, bên cạnh các tượng thờ như Tam tòa thánh mẫu, Ngũ vị vương quan, Tứ vị chầu bà…thì bao giờ cũng có một đôi thường là thanh xà và bạch xà nằm vắt ngang phía trên điện thờ chính, người ta gọi là ông lốt. Nếu tìm hiểu thần tích của các thần trong đạo Mẫu có thuyết cho rằng Quan lớn đệ ngũ, tức quan lớn Tuần Tranh có gốc tích là một con rắn: “Quan Tuần gốc tích là con rắn thần ở sông Đò Tranh (Hải Hưng) thường gây ra những trận sóng lớn ở khúc sông đó” (9).

Những đồ mã dâng cúng lên mẫu rất da dạng và phong phú, có nhiều các loài vật như ngựa, voi, rồng, đáng quan tâm hơn cả là hình tượng ông rắn/ông lốt. Theo một số thanh đồng thì trong khóa lễ sơ tam phủ hoặc di căn hoán số (cầu cúng để thay đổi số mệnh hiện tại mà gia chủ cho là đen đủi để có số tốt hơn!) bắt buộc phải có rắn 3 đầu hoặc rắn tam đầu cửu vĩ. Theo lời những vị này thì rắn tam đầu tượng trưng cho các vị thần tiêu biểu thuộc hệ thống thần điện đạo Mẫu bao gồm: tam phủ công đồng, tứ phủ vạn linh, các thần linh… Cách giải thích này mang đậm chất mê tín, song bỏ qua bức màn hư ảo đó chúng ta cũng có thể suy luận rằng, hình ảnh rắn 3 đầu là ảnh hưởng từ con rắn thần Naga của người Chăm, nó cũng là một trong những bằng chứng cho sự giao lưu văn hóa Việt – Chăm từ trong lịch sử.

Khi dâng cúng rắn tam đầu lên các vị thánh mẫu và thần linh, người dân đã chuyển tới ngài lời cầu mong sao cho của cải và hạnh phúc ngày càng được sinh sôi, nảy nở.

Hình tượng rắn xuất hiện ở hầu hết các nền văn hóa, nó cũng đặt cho mình một dấu ấn riêng trong nền văn hóa Việt Nam. Rắn là một con vật mang nhiều điều bí ẩn trong mình, thậm chí có những cách nhìn trái ngược nhau về hình tượng này, nó bí ẩn như chính đời sống lưỡng cư khô – ướt của nó. Với nền văn hóa Việt Nam, hình tượng rắn đi từ đời sống thường ngày đến đời sống tâm linh. Ý nghĩa biểu tượng chủ yếu nhất của rắn chính là tượng trưng cho nguồn nước vô tận, điều đó cũng phù hợp với tâm thức của cư dân Việt Nam với kinh nghiệm hàng ngàn năm trồng lúa nước.

_______________

1. Trần Minh Hường, Hình tượng rắn qua tục thờ và huyền thoại, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 312, tháng 6-2010, tr.63.

2. Phạm Vĩnh Cư (chủ biên), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 2002. tr.771.

3. Vi.Wikipedia.org

4. Những chữ in đứng trong bài thơ là tên của các loại rắn.

5. Nguyễn Đỗ Bảo, Trang trí thời Lý, trong Mỹ thuật thời Lý, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1973, tr.68.

6. Nguyễn Đổng Chi, Tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, quyển 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr.190.

7, 8. Trần Minh Hường, Hình tượng rắn qua tục thờ và huyền thoại, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 311, tháng 5-2010, tr.78.

9. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.44.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 344, tháng 2-2013

Tác giả : Nguyễn Hải Hậu

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *