Học tập phong cách làm việc tận tụy, trách nhiệm và khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời vì dân, vì nước; tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, là hiện thân cho những khát vọng cao đẹp nhất của nhân loại. Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta, không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ, đảng viên mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một nội dung, bộ phận quan trọng hợp thành hệ thống chỉnh thể phong cách của Người; là một trong những di sản vô giá mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là lề lối, cung cách, cách thức làm việc có tính khoa học, mang đặc trưng riêng của Hồ Chí Minh, được thể hiện chủ yếu trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của Người nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng.

Phong cách làm việc tận tụy, trách nhiệm và khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư tưởng và tấm gương của Hồ Chí Minh là một mẫu mực về “đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy” [1, tr.239] và “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn” [1, tr.257].

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, hoạt động lãnh đạo thường được thông qua nhiều khâu, nhiều tổ chức với những cơ chế làm việc đa dạng, phức tạp… dễ sinh ra cách làm việc không tới nơi, tới chốn, gây mất uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân và tạo sơ hở cho các phần tử xấu lợi dụng.

Phong cách làm việc tận tụy, trách nhiệm và khoc học của Hồ Chí Minh là nói đi đôi với làm. Đây vừa là phong cách công tác, vừa là phương pháp tư duy hữu hiệu của người cán bộ cách mạng. Nó hoàn toàn khác với “nói một đằng làm một nẻo”, thậm chí “nói mà không làm”. Người đặc biệt lưu ý, người cán bộ muốn tập hợp, tuyên truyền cấp dưới, tự mình phải “miệng nói tay làm, làm gương cho người khác” vì theo Người, “các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Với những cán bộ “miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm mà tự mình thì ăn trưa ngủ trễ, bảo người ta tiết kiệm mà tự mình thì xa xỉ, lung tung thì tuyên truyền hàng trăm năm cũng vô ích” [1, tr.108]. Đó là những cán bộ hỏng. Còn với những cán bộ chỉ biết nói suông, “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”, những người như thế tuy là thật thà, trung thành nhưng không có năng lực, vì vậy, không thể dùng những người đó vào công việc thực tế. Người đã nhiều lần phê bình bệnh hữu danh vô thực ở không ít cán bộ: “Làm việc không thiết thực… Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch… Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm” [1, tr.256-257]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý, đối với nhân dân không thể lý luận suông, chính trị suông, nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực từ những tấm gương sáng, những việc làm thiết thực của cán bộ.

Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pôn bị mù hai mắt nhưng đã có sáng kiến cải tiến nông cụ (Ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh khuyên cán bộ, trong bất kỳ công việc gì cũng phải hiểu năng lực của cấp dưới mà bố trí, sử dụng người cho đúng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm tận gốc, rồi phổ biến những kinh nghiệm ấy cho tất cả cán bộ và cho dân chúng hiểu. Mỗi cán bộ phải học hỏi những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới. Hồ Chí Minh phê phán lối làm việc “không biết nghiên cứu đến nơi đến chốn…, để mà học kinh nghiệm, để mà đặt ra khuôn phép cho công việc khác. Thành thử những cái tốt, cái hay đều không phát triển được. Và công việc xong rồi là thôi, cán bộ không học được kinh nghiệm gì, mà cũng không tiến bộ được mấy” [1, tr.242]. Người khuyên: “Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới” [1, tr.243].

Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã đi xa nhưng  phong cách làm việc tận tụy, trách nhiệm và khoa học của Người còn sống mãi, không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, nhất là  đối với việc xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý của người cán bộ, đảng viên trong điều kiện kiện hiện tại và cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng mới thời kỳ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và hội nhập quốc tế.

Cán bộ, đảng viên học tập phong cách làm việc tận tụy, trách nhiệm và khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong tình hình hiện nay, việc đổi mới phong cách làm việc theo tư tưởng và tấm gương về phong cách làm việc của Hồ Chí Minh đang là một vấn đề quan trọng và cấp thiết. Trước tiên, mỗi người phải thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung, yêu cầu của học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách làm việc Hồ Chí Minh. Từ đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững tri thức về con người, biết trao đổi, làm việc với từng đối tượng cụ thể một cách thật sự dân chủ, văn hóa. Đồng thời, để hình thành phong cách làm việc khoa học, yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

Trong công tác, lao động, sản xuất, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải nêu gương, thể hiện rõ thái độ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp dưới, biết tự phê bình để tiến bộ. Các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị cần thực hiện tốt chế độ kiểm tra báo cáo, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, sớm phát hiện yếu kém, lệch lạc trong phương pháp, tác phong công tác của cán bộ để uốn nắn, khắc phục kịp thời. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cán bộ lãnh đạo ngày càng sâu sát cơ sở, làm việc một cách khoa học, dựa trên trình độ học vấn ngày càng cao và trình độ chuyên sâu trong công việc, năng động sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhiều cán bộ đã thực hành tốt “nói đi đôi với làm” và nêu gương trước cấp dưới, được quần chúng khen ngợi.

Tuy nhiên, còn một bộ phận không nhỏ cán bộ vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong phong cách làm việc. Tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo đang tồn tại ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mà biểu hiện rõ nhất là ở vấn đề nói và thực hành chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tình trạng này làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho kỷ cương, phép nước bị coi thường. Thực tế này vừa phản ánh phong cách làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu mới, vừa phản ánh sự yếu kém về năng lực trí tuệ, sự thoái hóa về đạo đức và những khát vọng đam mê quyền lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta hoặc ít hoặc nhiều đều mắc phải tư tưởng, tập quán, tác phong của xã hội cũ” [2, tr.215]. Mặt khác cán bộ, đảng viên cũng ở trong xã hội mà ra, nhiều điều kiện làm việc chưa được đáp ứng, trong làm việc không thể tránh khỏi những yếu kém, hạn chế, nhất là về tác phong, phong cách.

Để góp phần xây dựng phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý cần tiếp tục đổi mới giáo dục, nâng cao nhận thức về tư tưởng và phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, cụ thể hóa và xác định những yêu cầu cơ bản về phong cách làm việc của từng cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng và mọi cán bộ, đảng viên cho phù hợp. Khắc phục kịp thời những biểu hiện nhận thức hời hợt, phiến diện, chỉ thấy phong cách làm việc là do cá tính riêng của từng người và môi trường làm việc quy định mà không thấy được mối quan hệ giữa phong cách làm việc với năng lực công tác và phẩm chất đạo đức, giá trị nhân văn của người cán bộ.

Phong cách làm việc của người lãnh đạo không hình thành một cách tự nhiên mà đòi hỏi phải có sự rèn luyện nghiêm túc. Ngày nay, đối tượng chịu sự lãnh đạo, quản lý đang có sự phát triển mới, trình độ dân trí ngày một cao, quan hệ ngày càng rộng rãi, xu thế công khai dân chủ hóa đang được mở rộng, các thành tựu về khoa học công nghệ, nhất là về tin học, điện tử đang được ứng dụng vào đời sống và các quan hệ làm việc. Điều đó đặt ra yêu cầu cao về phong cách lãnh đạo quản lý của cán bộ, đòi hỏi họ phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững tri thức về con người, biết trao đổi, làm việc với từng đối tượng cụ thể một cách thật sự dân chủ.

Phong cách làm việc tận tụy, trách nhiệm và khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho cán bộ, Đảng viên noi theo

 

Học tập và làm theo phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nói riêng và cán bộ nói chung phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, làm việc miệt mài, tận tâm, tận tụy với công việc. Trong làm việc, người cán bộ phải nêu gương, thể hiện rõ thái độ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp dưới.

Học tập phong cách làm việc của Hồ Chí Minh cũng là phòng, chống, đẩy lùi, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diến biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng. Cụ thể là biểu hiện “…không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao…” [3].

Tóm lại, mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập, rèn luyện không ngừng, học không chỉ là nghĩa vụ để chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của Đảng mà còn phải là nhu cầu tự thân, học tập thường xuyên, học tập suốt đời  để có phẩm chất tốt, đồng thời có nền tảng học vấn cần thiết. Chỉ khi nào học vấn trở thành công cụ nhận thức, công cụ hoạt động làm tăng lên giá trị của chính mình, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, khi đó học vấn mới trở thành văn hóa, trở thành thành tố quan trọng trong phong cách lãnh đạo, quản lý nói chung và phong cách làm việc khoa học của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

______________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đánh giá và chỉ rõ tình trạng cán bộ, đảng viên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2017.

Tác giả: Lê Đức Thọ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *