Hôn nhân cổ truyền của người lô lô ở bảo lạc cao bằng

Lô Lô là một trong 16 tộc người thiểu số ở Việt Nam có số dân dưới 10.000 người. Tộc người Lô Lô thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến, cư trú chủ yếu ở các huyện vùng cao biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Đây là tộc người có nền văn hóa rất phong phú và đa dạng, thể hiện qua lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, hôn nhân và gia đình… Tuy nhiên, đến nay việc nghiên cứu các mặt kinh tế – xã hội và sự hiểu biết về tộc người này còn nhiều hạn chế, nhất là các hình thái tổ chức xã hội cổ truyền vẫn chưa được khám phá nhiều.

 Ở vùng phía bắc của tỉnh Cao Bằng và Hà Giang, người Lô Lô được công nhận là một trong những cư dân bản địa sống lâu đời ở vùng đất này. Các tộc người ở Đồng Văn, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang và hai huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm vẫn cúng hồn người Lô Lô, mong được sự phù trợ cho mùa màng tốt tươi, con người hạnh phúc. Vào các dịp lễ/ tết, người Mông vùng này cúng rằng:

 Maz trưl, Khir lâul, luax têz ntor rổng, nhux vax pưv tror

Sơr đơul tuôx nos, tuox hâul

Por phưv por zươv kôngz nong kov rông

Sanhz thir sinhv phưx…

Dịch:

Hỡi hồn những người Lô Lô cổ và người Cờ Lao

Những người khai thiên lập địa đầu tiên ở vùng đất này

Hãy về cùng ăn cùng uống

Cùng phù trợ cho mùa màng tốt tươi

Con người mạnh khỏe, hạnh phúc…(1)

Người Lô Lô theo chế độ phụ hệ, chung sống trong đại gia đình nhiều thế hệ. Người Lô Lô chủ yếu là làm ruộng/ nương, khai thác vùng đồi núi để trồng trọt, đời sống nghèo khó và không ổn định. Nhận thức về việc khai khẩn những vùng đồi, núi dốc chủ yếu làm nương thành đất định canh và phát triển thành ruộng bậc thang giúp đắc lực cho việc xóa đói giảm nghèo, đời sống đồng bào đã khá hơn trước. Cùng với nông nghiệp ruộng nước, làm nương trên núi, nhiều gia đình còn có những mảnh vườn để trồng rau cung cấp cho bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, để cải thiện và tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, người Lô Lô còn làm các công việc như chăn nuôi, săn bắt, hái lượm, đánh cá…

Người Lô Lô có chữ viết từ rất sớm, qua các di chỉ khảo cổ học ở núi Tam Sơn tỉnh Tứ Xuyên và ở Chu Khẩu Điếm Bắc Kinh… nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chữ của người Lô Lô có trước chữ Trung Quốc cổ. Hiện tại các bộ chữ của người Lô Lô ở Việt Nam đã bị mai một, kể cả các thầy cúng trước đây vẫn sử dụng, nhưng nay không còn ai biết đến chữ viết của người Lô Lô nữa.

 Cao Bằng là địa bàn cư trú chủ yếu của người Tày. Ở đây, người Tày ngày càng chiếm ưu thế về dân số và kinh tế xã hội. Trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của người Lô Lô hay một số tộc người khác ở huyện Bảo Lạc, lượng từ tiếng Tày đã tham gia ngày một nhiều hơn trong việc giao tiếp của cộng đồng và trở thành tiếng khu vực. Giới trẻ người Lô Lô hiện nay hầu hết biết và sử dụng chữ quốc ngữ, tiếng phổ thông trong mọi quan hệ xã hội ở nơi công sở hoặc với các tộc người ngoài cộng đồng.

Cũng với sự chú trọng duy trì các lệ tục khác nhau, hôn nhân của người Lô Lô là một trong những tổ chức mang tính thiết chế của xã hội cổ truyền, phản ánh rõ nét những đặc trưng của văn hóa tộc người. Về cơ bản hôn nhân của người Lô Lô thực hiện theo chế độ một vợ, một chồng. Cha mẹ là người đóng vai trò quyết định trong việc dựng vợ, gả chồng cho con cái. Ở các thôn bản, vùng sâu, vùng xa, những nơi còn ít tiếp cận với bên ngoài, vẫn tuân thủ các nghi lễ và tập quán truyền thống, người Lô Lô coi đó là chuẩn mực đạo đức trong quan hệ xã hội của cộng đồng. Những biểu hiện của giá trị văn hóa tộc người vẫn còn hiện hữu, lưu truyền qua các thế hệ. Điều đó giúp chúng ta phần nào nhận diện được những nét cơ bản về bức tranh văn hóa tộc của tộc người Lô Lô qua hôn nhân.

Trong hôn nhân, người Lô Lô có quan niệm cha mẹ đặt đâu con ở đấy, trên cơ sở đó thường đưa ra một số tiêu chí cho người chồng, người vợ tương lai. Người chồng phải khoẻ mạnh, cần cù, giỏi cày bừa, săn bắn, đánh cá, làm giỏi các nghề thủ công như đẽo cày, đan lát hay dựng nhà cửa, đặc biệt là phải biết cúng bái. Với người vợ lý tưởng cũng vậy, phải nết na, lễ phép với bố mẹ, với họ hàng, làng xóm, bên cạnh đó phải thạo dệt, may, thêu thùa, trồng trọt…(2). Trước đây, việc lập gia đình cho con cái ở tộc người này là rất sớm, thường tuổi từ 14 đến 16, hiện nay theo quy định của luật hôn nhân và gia đình thì nữ tuổi 18, nam 20 tuổi trở lên…

Người Lô Lô ở vùng sâu vùng xa vẫn còn phổ biến tình trạng nội hôn, họ thường có câu cửa miệng trâu có trâu, bò có bò, không theo bầy sẽ khó tồn tại, khó sống và sống vất vả, bị phụ thuộc trong lạ lẫm. Tuy nhiên, người Lô Lô không cấm cửa, cấm kết hôn với người khác tộc, dẫu vậy, hiện tượng này không phổ biến. Cho dù nội hôn được đề cao, nhưng người Lô Lô lại rất khắt khe, không cho con cháu cùng dòng họ, cùng huyết thống lấy nhau. Điều này ngoài sự phản ánh về nhận thức mặt khoa học, thì còn chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc về phương diện đạo đức, nghiệp chướng, luân thường đạo lý đi liền với họa phúc. Cởi mở nhưng vẫn khép kín trong sự hài hòa chung, vừa giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa biết chấp nhận nhiều nhân tố mới theo xu thế thời đại, đó cũng là một trong những đặc điểm tiêu biểu trong hôn nhân của người Lô Lô.

Do tâm lý chung là không muốn lấy người khác tộc, và nhất là để giảm bớt sự tốn kém trong lễ cưới hỏi, mặt khác là dễ dàng thoả thuận giữa hai gia đình, nên loại hình hôn nhân giữa con trai cô và con gái cậu là rất phổ biến. Tuy nhiên, họ cấm tuyệt đối con trai cậu lấy con gái cô, nếu sự việc này xảy ra sẽ làm đảo lộn mối quan hệ của hai họ đã được cả cộng đồng công nhận và duy trì từ xưa đến nay.

Theo truyền thống xưa, nếu không may người chống bị chết, em trai chồng có thể kết hôn với chị dâu, nhưng anh trai chồng không được lấy em dâu. Những trường hợp này rất ít gặp, nhưng nếu có cũng không phạm gì đến lệ tục, vì nó vẫn giữ được mối quan hệ hai họ bền vững qua các thế hệ. Tàn dư của chế độ mẫu hệ ở người Lô Lô còn khá đậm nét qua vai trò quan trọng của bà dì, sau đó mới đến ông cậu. Bà dì là người chủ hôn cho cháu trong suốt các nghi lễ liên quan đến hôn nhân. Nghi thức hôn nhân của người Lô Lô gồm các bước:

Hỏi tuổi là nghi lễ quan trọng và bắt buộc. Nhà trai qua nhà gái làm lễ hỏi tuổi. Lễ vật mang theo thường là thuốc lá, chè, rượu. Nếu nhà gái đồng ý, họ sẽ tiết lộ ngày giờ sinh của cô gái. Nhà trai nhờ thầy so tuổi, nếu hợp sẽ thực hiện các bước quan trọng tiếp theo để đi đến lễ cưới chính thức. Không hợp tuổi, nhà trai sẽ báo cho nhà gái biết, và coi như chưa có nghi lễ hỏi tuổi để cô gái không bị mang tiếng. Nếu hợp tuổi nhà trai sẽ chuẩn bị lễ vật sang nhà gái để báo cáo. Theo phong tục cổ truyền của người Lô Lô, lúc này cô dâu tương lai có thể qua lại nhà chú rể giúp việc đồng áng cũng như các công việc khác khi cần. Đây là dịp để cô gái thể hiện sức khỏe, sự khéo léo và mức độ chăm chỉ trong công việc. Ngược lại, chàng trai cũng qua nhà cô gái giúp những công việc cho bố mẹ vợ tương lai.

Sau khi hai gia đình qua lại thăm hỏi và đồng ý cho con cái cưới nhau, nhà trai nhờ thầy chọn ngày, sau đó báo cho nhà gái biết để chuẩn bị qua nhà gái hỏi cưới. Gia đình nhà trai gồm 6 người cùng ông mối làm đại diện đem lễ vật: chè, rượu, thuốc lá, cá khô, hoặc cá tươi sang nhà gái chính thức thông báo xin cưới. Khi nhà trai làm xong thủ tục ăn hỏi, thì thường sau ba năm mới tổ chức lễ cưới. Trong suốt ba năm đó, cô dâu tương lai cùng bố mẹ chuẩn bị những vật dụng cá nhân, của hồi môn để sau này mang sang nhà chồng. Với chú rể tương lai, vào dịp tết nguyên đán và rằm tháng bảy, trong ba năm phải làm lễ xêu tết bố mẹ vợ, lễ vật gồm: cá, gà, gạo nếp.

Đến ngày cưới, họ hàng nhà trai qua nhà gái, lễ vật mang theo có: gạo, rượu, thịt lợn, chè, thuốc lá và một khoản tiền mặt. Toàn bộ lễ vật do nhà trai mang sang được đại diện nhà gái đón nhận, và đưa thẳng vào gian bếp để góp thêm cho việc nấu cỗ cưới. Với người Tày thì khác, lễ vật của nhà trai đưa sang phải đặt lên bàn thờ để báo cáo gia tiên, còn người Lô Lô những lễ vật này không được đưa đến gần gian thờ.

Hai ông mối của nhà trai và nhà gái cùng bàn bạc, thoả thuận với nhau về những nghi thức trong đám cưới. Người Lô Lô, bà mối có vai trò rất quan trọng trong việc thay mặt cha mẹ cô dâu, gửi gắm con gái cho nhà trai, dặn dò một cách khiêm tốn và nhờ gia đình, bố mẹ chồng dạy bảo.

Đám cưới của người Lô Lô, nghi lễ không rườm rà, không có trang phục cưới riêng, chỉ mặc những bộ quần áo mới may, quần áo này không khác so với những bộ họ vẫn mặc trong dịp lễ tết. Lễ cưới thường được tổ chức vào khoảng tháng 9 đến tháng 12 dương lịch, sau khi đã gặt hái xong. Một đám cưới như vậy thường được anh em họ hàng, làng xóm giúp đỡ tận tình. Họ cho rằng ngày cưới là ngày vui nhất của con cháu mình, của gia đình và của làng xóm. Vì vậy anh em họ hàng phải dốc lực vào tổ chức đám cưới cho có tiếng tăm để hãnh diện với làng xóm.

Trong ngày cưới, nhà gái làm cơm cúng tổ tiên. Sau khi nhà trai đến, từng thành viên nhà gái rót rượu mời nhà trai lần lượt làm quen với nhau theo sự hướng dẫn của người đại diện, sau đó đến liên hoan ăn uống và làm quen giữa hai dòng họ. Khách mời đến dự đám cưới thường mang theo vật phẩm như gạo, rượu, gà và những đồ gia dụng khác… Trong tiệc cưới, thanh niên thường tổ chức hát hò vui chơi, giao lưu, đây cũng là dịp để nam nữ tìm hiểu nhau, người lớn tuổi kể chuyện quá khứ và trao đổi những kinh nghiệm lao động. Có một điều khá đặc biệt, trong lúc ngồi uống rượu, hay khi ăn cỗ, giữa những vị khách là nam và nữ, họ không ngồi chung bàn ăn.

Sau khi tiến hành đám cưới ở nhà gái, đoàn nhà trai gồm chủ rể, bạn trai của chú rể và 6 người, đến giờ tốt thì làm lễ rước dâu. Trước khi làm lễ sang nhà chồng, cô dâu được bố mẹ, cô dì, chú bác tặng vòng tay, vòng cổ khăn… Đây cũng là lúc cô dâu được mẹ đẻ trao lại chiếc vòng bạc quý giá, bảo vật của các thế hệ trước để lại.

Đưa dâu về nhà chồng có một phù dâu (bạn của cô dâu). Cô dâu và phù dâu, mỗi nguời gánh một gánh đồ dùng và đồ ăn dọc đường. Có thể cô dâu lấy chồng cùng làng, hoặc lấy chồng rất xa. Dù lấy chồng gần hay xa thì theo phong tục của người Lô Lô trên đường về nhà chồng, đoàn đón dâu và những người mang đồ dùng của cô dâu (chăn, màn, quà mừng…) đều phải dừng chân giữa đường nghỉ ngơi, ăn cơm mà gia đình cô dâu đã chuẩn bị sẵn.

 Ông cậu của cô dâu chịu trách nhiệm phân công cho một số thanh niên mang theo hũ rượu, một con lợn giống hay con bò (nếu gia đình nhà gái khá giả), và các loại nông cụ như cào, cuốc, dao…, đồ dùng gia đình như mâm, nồi, bát, đĩa, chăn màn, gối… của cô dâu về nhà chồng. Khi đoàn đưa dâu của nhà gái trở về, nhà trai chuẩn bị một ít tiền để tạ ơn ông cậu của cô dâu.

Khi đến nhà chồng, cô dâu được bà dì chồng trực tiếp ra đón ở chân cầu thang lên nhà và dặn dò thực hiện các nghi lễ. Một nghi lễ rất quan trọng không thể bỏ qua là, cô dâu và phù dâu phải ra suối gánh nước. Sau khi đã làm xong các nghi lễ cần thiết, cô dâu rót rượu mời khách, dọn dẹp phục vụ tiệc cưới. Khách được cô dâu mời rượu thường mừng lại bằng một vài đồng tiền mặt. Còn cô dâu biếu bố mẹ chồng tấm chăn, hai chiếc gối mới tự tay cô dệt trước khi đi lấy chồng để thay thế cho bộ chăn gối cũ.

Ba ngày sau khi cưới, cô dâu chú rể trở về nhà bố mẹ vợ làm lễ lại mặt, lễ vật mang theo gồm: một chai rượu, 1kg đường, một con gà… Bố mẹ vợ làm cỗ cúng tổ tiên, sau đó đôi vợ chồng trẻ cùng ăn uống với gia đình. Khi hoàn thành các thủ tục, đôi vợ chồng trẻ trở về nhà trai và bắt đầu cuộc sống bên nhà chồng.

Chế độ hôn nhân một vợ, một chồng đã được thiết lập từ lâu trong xã hội người Lô Lô, vợ chồng chung sống với nhau hòa thuận. Hiện tượng ngoại tình, chửa hoang cũng hiếm. Ngày nay, trong quá trình đổi mới, cơ cấu sản xuất thay đổi, chương trình định canh, định cư được xác lập, giao lưu văn hóa đang mở rộng, do đó nhiều tập tục trong hôn nhân của người Lô Lô bị ảnh hưởng một số tộc người lân cận như Tày, Nùng, Kinh…

Trình tự cưới xin của người Lô Lô khá giống với người Tày: dạm ngõ, ăn hỏi, đám cưới, lại mặt… Người dân cũng chú ý đến việc xem giờ xấu, giờ tốt khi tổ chức các nghi lễ cưới. Ngày nay, họ không tự chuẩn bị những lễ vật cho đám cưới như trước nữa. Chính vì vậy, việc cưới xin cũng diễn ra nhanh hơn, không phải đợi đến 3 năm khi nào có điều kiện mới tổ chức lễ cưới.

_______________

1. Lò Giàng Páo, Huyền thoại về cây bông của dân tộc Lô Lô ở vùng biên giới, Tạp chí Nghiên cứu dân tộc, số 4, tháng 12-2013.

2. Khổng Diễn -Trần Bình (đồng chủ biên), Dân tộc Lô Lô ở Việt Nam, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2007.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014

Tác giả : Mông Thị Xoan

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *