Đao là một nhạc khí độc đáo trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam nói chung, âm nhạc dân gian Khơ mú nói riêng. Do âm sắc cũng như một số khía cạnh liên quan tới cấu trúc và phương thức diễn tấu đao rất độc đáo, nên nó được giới âm nhạc chuyên nghiệp biết đến, đã được đưa vào sử dụng trong nhiều chương trình biểu diễn. Khi đưa vào sử dụng, đao đã lộ ra một số nhược điểm, dẫn tới nhu cầu phải tiếp tục cải biến để đáp ứng cho những sinh hoạt nghệ thuật chuyên nghiệp. Đó chính là nguyên nhân cho những tìm tòi cải tiến nhằm hoàn thiện nhạc cụ này.
1. Một số kinh nghiệm hoàn thiện trong dân gian
Chọn nguyên liệu là khâu quan trọng ảnh hưởng lớn đến chất lượng âm thanh, vì vậy, các nghệ nhân làm đao rất quan tâm đến vấn đề này. Dưới đây là một số cách chọn:
Với loại đao sử dụng nguyên liệu tươi
Theo kinh nghiệm của người Khơ mú (bản Pú Tửu, xã Thanh Xương và bản Ten, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) thì họ chủ yếu chọn một hoặc hai đoạn ở giữa thân cây tút giác để làm đao (tút giác người Việt gọi là cây sặt, người Thái gọi là mạy khôm). Sau khi chặt, nghệ nhân có thể dùng luôn nguyên liệu còn tươi để chế tác mà không cần qua công đoạn xử lý. Nghệ nhân chơi đao Lò Thị Nén (65 tuổi) cho biết, để có được một cây đao hay thì “phải chọn loại cây mọc ở trên đỉnh đồi, đỉnh núi, cây phải mọc cách xa các cây khác, không bị cớm nắng, cây già, vàng bên ngoài, khi gió thổi, cây phải đung đưa…”. Nghệ nhân chơi đao Quàng Văn Phin (84 tuổi) cho biết thêm: “Phải xem cây nào mọc ở trên đỉnh núi, nó chịu được chiều gió vặn đi, vặn lại. Bắt được chiều gió thì làm nó chuẩn nhất, nếu cây mọc chỗ khe nước, thung lũng thì khi làm đao âm thanh không hay”.
Dựa vào kinh nghiệm chọn nguyên liệu của nghệ nhân, ngoài yếu tố vị trí, ánh nắng, tổi của cây, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới sự tác động của gió. Gió thổi cũng là một trong những yếu tố tạo ra độ cong của cây. Dựa vào độ cong này, người ta tạo ra bề mặt của thanh lam thì độ rung của đao sẽ tốt hơn. Ngoài ra, gió còn có tác dụng giúp cho người tìm nguyên liệu phát hiện ra những cây nào có khả năng làm được đao ngay khi đứng từ rất xa. Có thể nói, dựa vào gió để chọn nguyên liệu là một kinh nghiệm khá đặc biệt. Mặc dù đã tìm hiểu nhiều về cách chọn nguyên liệu cho các loại nhạc cụ bằng tre nứa, nhưng chúng tôi chưa thấy nghệ nhân nào nhắc vấn đề này. Nếu yếu tố gió được nghiên cứu và phân tích khoa học về sự ảnh hưởng của nó tới âm thanh, thì vấn đề này không chỉ hữu ích với nhạc cụ đao mà còn có thể ứng dụng với nhiều loại nhạc cụ làm bằng tre nứa.
Để xác minh những điều nghệ nhân cung cấp về sự ảnh hưởng của nó tới chất lượng của nhạc cụ đao, chúng tôi cũng làm một số thử nghiệm bằng cách cùng với nghệ nhân đi lấy và phân loại nguyên liệu theo 2 mức độ khác nhau: những đoạn nguyên liệu hội tụ đầy đủ các yếu tố về tiêu chuẩn, và những đoạn nguyên liệu có thể thiếu một hoặc hai yếu tố. Sau đó, chúng tôi tiến hành chế tác trên các mẫu nguyên liệu được phân loại, kết quả thu được như sau:
Theo đánh giá của các nghệ nhân, những cây đao làm bằng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn có âm thanh hay hơn cây đao làm bằng nguyên liệu thiếu một hoặc hai tiêu chuẩn nào đó.
Theo cảm nhận và đo đạc của chúng tôi, những cây đao làm bằng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn thì nguồn âm của ống hơi phát ra rõ ràng hơn và độ ngân của âm thanh cũng dài hơn.
Loại đao sử dụng nguyên liệu khô
Nghệ nhận Vì Văn Sang (bản Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái) cho biết: “đao làm bằng nứa khô thì âm thanh mới hay, còn các loại tre hóp khác dùng được nhưng không kêu, chỉ dùng tạm thời trong khi không có nứa. Thời gian lấy nguyên liệu thường vào mùa khô, nếu chọn được cây nứa thật già, đặc biệt được cây nứa chết đứng thì càng tốt, khi thời tiết thay đổi, chất lượng âm thanh của đao cũng bị ảnh hưởng nhưng chất lượng âm thanh giảm không đáng kể. Để biết cây nứa có đủ tiêu chuẩn hay không, người ta dùng dao gõ vào thân, nếu thấy kêu cong cong là nứa già. Phải chọn loại cây có độ dày khoảng 3 – 4mm là vừa. Thường thì người ta chỉ dùng đoạn giữa của thân cây để làm đao”. Nghệ nhân Hà Văn Tâm cho biết thêm: cũng có lúc người ta chọn cây nứa từ rui mè của mái nhà, túp lều bị hỏng để làm đao, âm thanh của nó rất hay .
Trong hai cách chọn nguyên liệu kể trên, chúng tôi thấy mỗi loại đều có những ưu điểm riêng.
Về độ bền, loại đao sử dụng nguyên liệu khô hơn hẳn loại sử dụng nguyên liệu tươi. Dù có bảo quản tốt, độ bền của đao làm bằng nguyên liệu tươi chỉ sử dụng được khoảng 3 – 4 tháng, đao làm bằng nguyên liệu khô độ bền có thể tới 20 năm.
Về tính chất âm thanh, giai điệu phát ra từ đao làm bằng nguyên liệu tươi nghe rõ ràng hơn. Do không bị ngâm nước, nên đao làm bằng nguyên liệu khô, âm thanh phần lam sẽ kêu đanh hơn, to hơn so với âm thanh phần lam làm bằng nguyên liệu tươi. Khi âm thanh phần lam kêu to, sẽ át đi âm thanh phát ra từ nguồn âm của ống hơi. Vì vậy, việc nghe giai điệu của nó trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên đây mới chỉ là cảm nhận về âm thanh và cách suy luận cá nhân. Để xác định vấn đề này một cách khoa học, cần phải có sự kiểm chứng bằng một số phương tiện đo đạc về âm thanh học thì mới có thể đưa ra những cứ liệu chính xác. Tuy nhiên ở đây, chúng tôi chưa có điều kiện để thực hiện vấn đề đó.
Việc xử lý nguyên liệu, công đoạn này chỉ được ứng dụng với những nơi sử dụng nguyên liệu khô để làm đao. Theo các nghệ nhân thì sau khi chặt cây về, phải phơi hoặc hong cho thật khô rồi mới làm đao.
Cách bảo quản đao làm bằng nguyên liệu tươi
Sau khi chơi xong, nghệ nhân thường ngâm cây đao xuống nước hoặc có thể để vào chỗ có dòng nước chảy. Nước dùng để ngâm phải là nước sạch và được thay thường xuyên. Trước khi sử dụng, đao được bỏ ra khỏi nước khoảng 1 giờ đồng hồ, khi đó âm thanh của đao mới hay. Để tìm hiểu tác dụng của việc bảo quản này, chúng tôi đã thể nghiệm bằng phương pháp không ngâm đao xuống nước, kết quả như sau:
Thứ nhất, hai khe nứt trên thân của các cây đao đều bị toác ra. Đối với thời tiết hanh khô, đao càng để lâu độ toát càng dài, độ hở càng rộng. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng âm thanh. Nếu khe nứt ít thì có thể khắc phục bằng cách ngâm đao đó xuống nước, khi mang lên sử dụng, dùng dây mây/ lạt buộc vào vị trí bị tách đó để cho khe nứt hẹp lại. Với những cây đao có khe nứt bị tách quá dài thì cây đao phải bỏ đi.
Thứ hai, khi càng khô thì cao độ của đao càng cao dần lên. Điều này gợi mở cho chúng tôi biết thêm về sự thay đổi cao độ của đao trong quá trình diễn tấu. Có nghĩa là cao độ của đao ở thời điểm bắt đầu chơi sẽ thấp hơn cao độ ở những thời gian sau đó. Sự thay đổi về cao độ có thể không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bài bản âm nhạc cũng như các chức năng của nó trong đời sống âm nhạc dân gian, nên một số nghệ nhân không quan tâm đến vấn đề này. Đối với âm nhạc chuyên nghiệp, sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc hòa tấu, bởi vì, các nhạc cụ khác chơi giai điệu đều có sự ổn định về âm thanh.
Bảo quản đao làm bằng nguyên liệu khô
Nghệ nhân Vì Văn Sang (bản Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái) cho biết : “cách tốt nhất là đút đao vào trong ống nứa to. Sau đó lamg nắp đạy rồi để lên nơi cao ráo như gác cửa mái nhà, không nên để đao trên gác bếp vì hơi nóng tác động vào rất dễ làm cho khe nứt của đao bị toác ra. Đây là cách bảo quản tốt nhất, chỉ có nghệ nhân yêu thích đao mới áp dụng cách này”.
Việc tạo 2 khe nứt trên thân đao
Nghệ nhân Lò Thị Nén đã sử dụng phương pháp sau: “dùng chiều ngang của các ngón tay để làm cữ đo chiều dài của khe nứt. Với đao có đường kính khoảng 3,5 cm, dài khoảng 70 cm thì chiều dài khe nứt bằng chiều ngang của 4 ngón tay, với loại đao to và dài hơn thì bằng chiều ngang của 5 ngón tay”.
Theo quan sát của chúng tôi thì không phải nghệ nhân nào cũng thực hiện phương pháp đo đạc này, mà đa số họ chỉ dùng mắt để ước lượng. Sau khi tạo ra độ dài của khe nứt, rồi cho một sợi chỉ vào giữa khe mà âm thanh vẫn chưa hay thì họ sẽ tách cho khe dài hơn. Công việc này phải thực hiện từng ít một cho tới khi chất lượng âm thanh đạt tiêu chuẩn thì dừng lại. Việc điều chỉnh đòi hỏi nghệ nhân vừa phải khéo tay, vừa phải có đôi mắt, đôi tai tinh tường để nhận biết được độ dài và độ hở của khe nứt thế nào là hợp lý.
2. Những tìm tòi cải tiến của nhà chế tác nhạc cụ Tạ Thâm
Việc cải biến đao để phục vụ cho giới âm nhạc chuyên nghiệp, chủ yếu do nhà chế tác nhạc cụ Tạ Thâm thực hiện, còn một số nghệ sĩ khác chỉ dừng lại ở mức độ chỉnh sửa đôi chút cho phù hợp với một khía cạnh nào đó của âm nhạc. Cách cải biến của ông là không sử dụng nhạc cụ đao theo lối đơn chiếc như cách diễn tấu trong đời sống âm nhạc dân gian của người Khơ Mú. Ông đã ghép nhiều cây đao với nhau để tạo thành một dàn đao. Mỗi cây tạo ra một cao độ và một dàn đao sẽ cho nhiều cao độ khác nhau. Những dạng đao được ông chế tác gồm:
Dạng dao cầm tay, dạng này có 5 cây đao được lắp ghép trên chiếc giá gỗ. Phần cuối thành ống của các cây đao được liên kết với giá gỗ bằng những thanh song uốn cong. Khả năng đàn hồi của các thanh song có tác dụng làm cho các cây đao có thể di chuyển theo hai chiều lên, xuống. Khi diễn tấu một tay cầm vào phía sau giá đỡ của dàn đao, các ngón của bàn tay kia sẽ tác động vào cây đao để cho nó chuyển động và đập vào một vị trí xác định đã được gắn cố định trên giá đỡ.
Dạng đao có giá đỡ cố định, gồm có 9 cây đao được lắp ghép trên chiếc giá gỗ. Dạng đao này, ông không sử dụng các thanh song để làm vật đàn hồi mà dùng dây chun. Với cấu tạo như vậy, người diễn tấu có thể sử dụng cả hai bàn tay để tác động lên các cây đao. So với dạng đao cầm tay, dạng có giá đỡ cố định phong phú hơn về số lượng âm thanh cũng như linh hoạt hơn về cách diễn tấu, và nó cũng có khả năng chơi được những bản nhạc phức tạp về giai điệu, tiết tấu cũng như thể loại âm nhạc nhiều bè. Dưới đây là một số nét chính trong việc cải biến đao được nhìn nhận trên các phương diện:
Cao độ, nhạc cụ đao dân gian chỉ có khả năng tạo ra được 4 cao độ khác nhau. Với nhạc cụ đao cải biến, nó có khả năng tạo ra được 9 cao độ và vẫn có thể mở rộng hơn nữa.
Thang âm, đao dân gian thường được cấu trúc theo một dạng thang 4 âm cố định. Với cấu trúc của cây đao cải biến, nó có thể tạo ra được các thang 4 âm, 5 âm, 6 âm, 7 âm… tùy vào nhu cầu sử dụng trong đời sống âm nhạc chuyên nghiệp.
Âm vực, đao dân gian chỉ có âm vực trong phạm vị 1 quãng 8. Cây đao cải biến, âm vực đã được khai thác đến gần 2 quãng 8.
Về kích âm, khi các cây đao được liên kết với nhau trên cùng một giá đỡ thì hình thức kích âm cũng có sự thay đổi so với đao dân gian. Kích âm trong dân gian là dùng một tay cầm đao, và gõ cây đao vào cườm của bàn tay bên kia. Khi đó, với đao cải biến là dùng các ngón tay tác động vào các cây đao làm cho nó chuyển động và đập vào một điểm cố định đã được gắn trên giá đỡ. Về khía cạnh kích âm của nhạc cụ đao cải biến có hai điểm đáng chú:
Thứ nhất, bộ phận để cây đao gõ vào được làm bằng một loại nguyên liệu mền, có tính chất đàn hồi tương tự như phần cườm tay của con người. Vì vậy, tính chất âm thanh của nó cũng tương tự như cách kích âm của nhạc cụ đao theo cách diễn tấu dân gian.
Thứ hai, vẫn giữ nét kích âm độc đáo của đao dân gian, nhưng đao cải biến có thể sử dụng phương thức kích âm bằng dùi gõ như nhiều loại nhạc cụ thân vang khác. Tuy nhiên nhac chế tác nhạc cụ Tạ Thâm lại chọn phương thức chuyển động của nhạc cụ đao để gõ vào một điểm cố định trên giá đỡ.
Nhạc cụ đao dân gian không có khả năng tạo ra hợp âm. Với đao cải biến, lại có khả năng chơi được những hợp âm đa dạng. Dẫu vậy, đao cải biến cũng có những hạn chế, chẳng hạn, không có khả năng tạo ra các âm luyến như nhạc cụ đao dân gian, cho nên, âm thanh của thành ống và âm thanh của ống hơi cùng chung một âm hình tiết tấu.
3. Hai phát hiện về khả năng hoàn thiện và cải biến đao
Việc kế thừa một số kinh nghiệm dân gian và thành quả nghiên cứu của nhà chế tác nhạc cụ Tạ Thâm là cần thiết. Tuy nhiên, trong những kinh nghiệm và thành quả đó vẫn có những khía cạnh có thể tiếp tục tìm tòi, cải tiến để hoàn thiện thêm nhạc cụ này.
Khắc phục tình trạng tách thêm của khe nứt
Trong quá trình nghiên cứu thực địa, chúng tôi được các nghệ nhân cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây ra hư hỏng cho đao là do thay đổi thời tiết dẫn đến sự co ngót của nguyên liệu, làm cho khe nứt bị tách dài ra, ảnh hưởng xấu đến chất lượng âm thanh. Để khắc phục tình trạng này, các nghệ nhân đã tìm ra những phương thức khác nhau như dùng dây mây hoặc dây lạt để buộc vào điểm cuối của khe nứt. Tuy nhiên, cách làm này cũng chỉ khắc phục được phần nào. Trong quá trình thể nghiệm, chúng tôi nhận thấy khe nứt rất dễ bị tách thêm không chỉ trong quá trình sử dụng mà có thể xảy ra ngay khi chế tác. Chính vì thế, chúng tôi đã nghĩ đến việc tạo ra điểm kết thúc cho khe nứt bằng một lỗ khoan nhỏ. Qua kết quả thực nghiệm cho thấy, việc khoan lỗ ở điểm cuối của khe nứt là một cách làm hiểu quả trong việc khắc phục tình trạng tách thêm của khe nứt.
Khả năng phái sinh từ nhạc cụ đao
Đao là nhạc cụ có nhiều phức tạp về khía cạnh âm thanh học. Để tìm hiểu về nó, chúng tôi đã phải làm khá nhiều phương pháp thực nghiệm khác nhau, không chỉ riêng đối với đao mà còn với một số nhạc cụ như như t’rưng, ching kram, sênh sứa, tà khê, bro… có những nét tương đồng về âm thanh học. Một phần trong quá trình thực nghiệm đó là ứng dụng nguyên lý âm thanh của t’rưng vào đao. Trong khâu thực nghiệm này, chúng tôi đã phát hiện ra một âm thanh mới. Lý do và quá trình thực nghiệm để dẫn tới phát hiện trên được diễn ra như sau:
Khi tìm hiểu về tác dụng và nguyên lý hoạt động của 2 khe trên thân đao, chúng tôi đã chế tác ra một cây đao gần như hoàn chỉnh (chưa tạo ra 2 khe nứt trên thân đao). Sau đó sử dụng các phương thức kích âm khác nhau lên phần thân của nhạc cụ này để xem khả năng phát âm của nó thế nào? Kết quả cho thấy, âm thanh của nó pháp ra rất nhỏ. Trong khi đó, t’rưng cũng là nhạc cụ thuộc dạng kết hợp giữa 2 nguồn âm thanh tương tự như nhạc cụ đao (thân vang và hơi) nhưng không cần đến khe nứt, nó vẫn có khả năng phát ra âm thanh có âm lượng khá to. Về cấu tạo, t’rưng cũng là nhạc cụ thuộc họ tre, nứa. Thân của nhạc cụ này gồm có 2 bộ phận: bộ phận được gọt vát (chỉ để lại một phần của thành ống) và bộ phận thành ống không được gọt vát để chứa đựng phần hơi bên trong. Qua việc tìm hiểu, thử nghiệm nhạc cụ t’rưng, chúng tôi nhận thấy: nguồn âm của thân t’rưng và nguồn âm ống hơi chứa đựng trong thành ống có mối liên quan mật thiết với nhau. Tức là, chỉ khi hai nguồn âm thanh có cùng cao độ thì nhạc cụ này mới tạo ra độ vang.
Trở lại với cây đao đang thử nghiệm, chúng tôi phát hiện ra hai nguồn âm của nó là hai cao độ khác nhau. Sau đó, chúng tôi tiến hành ngay việc ứng dụng nguyên lý âm thanh của t’rưng cho đao không có khe nứt. Kết quả thật bất ngờ, một âm thanh lạ tai phát ra khi hai nguồn âm thanh (thân nhạc cụ và ống hơi) của nhạc cụ này cùng có chung một cao độ. Điều đáng chú ý là, âm thanh mới này không giống với tính chất âm thanh của nhạc cụ đao, cũng không giống với tính chất âm thanh của nhạc cụ t’rưng.
Một số điểm khác biệt giữa đao và nhạc cụ phái sinh từ đao
Đối với đao, cao độ của lam và cao độ ống hơi không cần bằng nhau nó vẫn có thể tạo ra độ vang, còn đối với nhạc cụ đao phái sinh, chỉ có một trường hợp đặc biệt và cũng là duy nhất để tạo ra độ vang là khi cao độ của thân nhạc cụ bằng cao độ của ống hơi. Trong trường hợp này, dao động của thân ống, ống hơi mang tính cộng hưởng và có sự tác động hai chiều giữa hai nguồn âm (thân ống, ống hơi) để tạo ra âm thanh có chung một cao độ. Như vậy, hai nguồn âm của nhạc cụ đao phái sinh không mang tính độc lập mà phụ thuộc vào nhau thì mới có thể tạo ra âm thanh. Cho nên, nhạc cụ này không thể tạo ra được các cao độ khác nhau từ nguồn âm của ống hơi như đao.
Khi so sánh với t’rưng, chúng tôi nhận thấy có một sự khác biệt về khía cạnh cấu tạo giữa đao phái sinh với t’rưng ở chỗ: đao phái sinh có 2 thanh lam nằm đối diện nhau, còn t’rưng chỉ có 1 thanh lam. Vì vậy, tính chất âm thanh của 2 nhạc cụ này cũng khác nhau.
Mặc dù chưa chính thức trở thành nhạc cụ, nhưng những phát hiện trên đây đã gợi ý cho khả năng ra đời của một nhạc cụ mới trong tương lai. Tuy nhiên, để hoàn thiện nhạc cụ này, chúng ta cần phải tiếp tục cải tiến thêm một số khía cạnh như thang âm, âm vực, âm khu, âm lượng, phương thức kích âm, phương thức diễn tấu… Hy vọng việc làm trên đây, hy vọng sẽ góp phần vào việc hoàn thiện và phát huy tiềm năng, tác dụng của nhạc cụ đao trong đời sống tinh thần của đồng bào Khơ mú và tron đời sống âm nhạc chuyên nghiệp ở nước ta hiện nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013
Tác giả : Tạ Quang Động
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo