Nhiều thông tin được đăng tải, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nào là: Giai điệu tự hào được mua bản quyền từ chương trình Báu vật quốc gia của Nga; nào là chương trình có một ekip “khủng” (1) và có nhiều điểm mới… Điều đó đã khiến tôi không thể không quan tâm tới. Số đầu tiên được phát sóng trên VTV1 vào tối 25-1-2014 đã làm tôi hết sức bất ngờ vì kết cấu nội dung của chương trình, vì nhận thức trong cách thưởng thức âm nhạc cũng như phông văn hóa của một số ca sĩ và “bình luận viên”…
Chương trình mới nhưng không lạ
Đi tìm cái mới vốn là bản chất của con người, trong đó một trong những biểu hiện rõ nhất là ở các bộ môn khoa học, mà nghệ thuật âm nhạc cũng chẳng phải trường hợp ngoại lệ. Những người trong ekip của chương trình Giai điệu tự hào chắc hẳn luôn có tâm thức, tâm thế ấy. Do vậy, để tránh sự trùng lặp với chương trình Bài ca đi cùng năm tháng, thì Giai điệu tự hào đã dung chứa trong nó nhiều điểm mới thông qua tên của chương trình, cách phối khí, ca sĩ thể hiện, không gian biểu diễn, hai hội đồng khách mời làm nhiệm vụ bình luận… Điều này đã tạo cho chương trình có một sức hút mạnh mẽ, bởi thế số lượng công chúng – không kể tuổi tác – theo dõi trên màn hình là khá nhiều, đó là những thành công đáng kể không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, số đầu tiên của Giai điệu tự hào với chủ đề Bài ca 5 tấn, tôi mường tượng ngay là êkip làm chương trình sẽ khai thác các ca khúc về nông nghiệp, nông thôn, những số tiếp theo có thể là bài ca xây dựng, bài ca Trường Sơn, bài ca thống nhất… Thực tế khi xem, dự đoán của tôi không đúng, bởi những người thực hiện chương trình có cách làm, cách tư duy riêng, và chủ đề về Bài ca 5 tấn nội dung của nó chủ yếu gồm những ca khúc được viết những năm 60 của TK XX. Cách tư duy này có cái hay riêng, nó phần nào đã cho người thưởng thức hình dung tính đa diện của cuộc sống hiện thực được phản ánh trong các ca khúc trong một số phát sóng. Còn việc lựa chọn những ca khúc này đã mang tính tiêu biểu hay chưa, điều đó lại hoàn toàn phụ thuộc vào tiêu chí lựa chọn của những người làm chương trình.
Sôi nổi, hào hứng, với nhiều cung bậc tình cảm diễn ra trong không gian của trường quay… đó là những điểm hoàn toàn mới mà chẳng ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, tôi vẫn có những băn khoăn mà bản thân tự đặt ra câu hỏi, rồi cũng tự trả lời nhưng chẳng thấy thỏa đáng.
Cách đặt tên cho chương trình là Giai điệu tự hào, liệu có phải êkip thực hiện chương trình muốn dùng những ca khúc tiêu biểu của thời kháng chiến, để hướng người thời nay cảm nhận được khó khăn vất vả mà thế hệ trước đã từng trải qua, từ đó khơi gợi trong mỗi con người lòng tự hào về dân tộc? Nếu đúng như vậy thì các số được thực hiện ở những tháng tiếp theo, dẫu chủ đề là khác nhau, nhưng phải luôn bám sát vào tên của chương trình. Để làm được liều đó, mỗi số phát sóng phải đảm bảo được tính logic từ kết cấu nội dung đến người dẫn chương trình, ca sĩ thể hiện…
Thực tế khi xem số phát sóng đầu tiên với chủ đề Bài ca 5 tấn, đã thấy bộc lộ nhiều vấn đề trong nội tại của nó. Đó là, kết cấu chương trình có độ dãn nở quá nhiều. Nếu thấy cần thiết phải đưa hiện vật của quá khứ để lay thức tâm hồn công chúng, tăng thêm sự sinh động cho chương trình, thì kỷ vật ấy có lẽ nên gắn với một ca khúc nào đó, như vậy sẽ có tính thuyết phục hơn. Tôi xin lấy ví dụ, chẳng hạn kỷ vật là chiếc xẻng, hay chiếc võng dù, hoặc cây chông tre… cùng với nó sẽ các là bài Đào công sự (Nguyễn Đức Toàn), Bài ca bên cánh võng (Nguyên Nhung), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp – Moloyclavi)… Cách tư duy này dẫu mang tính thực dụng, nhưng nếu xét ở phương diện gợi dẫn để công chúng đi sâu vào tác phẩm âm nhạc thì đó là điều có thể chập nhận được. Ngược lại trong lần phát sóng với chủ đề Bài ca 5 tấn, khi đưa kỷ vật là chiếc ăng gô, chiếc kẻng (làm từ vỏ quả bom) đã làm cho kết cấu của chương trình có phần tản mạn, không bám sát vào tên của chương trình Giai điệu tự hào, chứ chưa nói đến chủ đề trực tiếp của lần phát sóng đầu tiên.
Để bám sát chủ đề, vai trò của người dẫn chương trình và ca sĩ là vô cùng quan trọng. Với người dẫn, vẫn biết mỗi người đều có năng lực và phong cách riêng, nhưng một trong những yếu tố bắt buộc phải có, đó là sự am hiểu về lịch sử và kiến thức âm nhạc. Bên cạnh đó, đòi hỏi người dẫn phải tạo ra một không khí phù hợp, cuốn hút được công chúng thông qua cách biểu cảm của giọng nói và các động tác phụ trợ khác. Các công đoạn của người dẫn thường là: gợi – dẫn – bình – phẩm. Tất nhiên, đây không phải là quy tắc cứng nhắc, tùy theo nội dung từng tác phẩm, không gian đêm diễn…, mà các công đoạn có thể đậm nhạt khác nhau. Thậm chí, các công đoạn không xuất hiện đầy đủ, hoặc có thể chấp nhận được những yếu tố từ bên ngoài, như trường hợp mượn lời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nói về ca khúc trước khi ca sĩ biểu diễn. Với cách hiểu mang tính chủ quan như vậy, tôi cho rằng cách dẫn chương trình trong số phát sóng đầu tiên chưa có tính thuyết phục cao.
Đối với ca sĩ, có lớp già, nhưng chủ yếu là lớp trẻ. Điều chung nhất, họ đều là những người nổi tiếng trong giới biểu diễn nghệ thuật thanh nhạc nước nhà. Trong chương trình, có cả ca sĩ hát thật trên bản phối mới (đó là điểm mới và là lẽ đương nhiên), nhưng cũng có cả ca sĩ hát nhép trên bản phối cũ (cũng là điều đương nhiên, không lạ). Ca sĩ là người sẽ chuyển tải tinh thần của bài hát đến với công chúng nghe nhạc. Muốn chuyển tải đúng cái tinh thần ấy, đòi hỏi ca sĩ phải có phông văn hóa nhất định, biết nhìn nhận và đánh giá tác phẩm một cách đúng mức, trên cơ sở đó để có những điều tiết về sắc thái tình cảm cho phù hợp. Ca sĩ sao luôn có sức hút mạnh mẽ đối với công chúng, nhưng đừng nghĩ rằng đã là sao thì hát bài nào cũng được. Đặc biệt, bài hát thuộc những năm kháng chiến của dân tộc ta ở TK XX, nó hoàn toàn không hợp với ca sĩ nhạc nhẹ đầu vàng, đầu đỏ, chỉ trỏ, mơn trớn trên sân khấu, và theo đó là một giọng hát hời hợt, ai ái. Sáng tạo cũng là một trong những cái cần có của ca sĩ, và thời nay, ca sĩ được coi là người đồng sáng tạo cùng với nhạc sĩ. Tuy nhiên, sáng tạo phải trên cơ sở nối dòng ý tưởng của nhạc sĩ để mang lại cho tác phẩm sự tròn trịa về thẩm mỹ và sự hoàn chỉnh về hình tượng, chứ không phải “râu ông cắm vào cằm bà” như trường hợp tốp nam diễn bài Tiến lên chiến sĩ đồng bào (nhạc: Huy Thục; thơ: Hồ Chí Minh).
Bên cạnh đó, một số tiết mục có thể chấp nhận được, chẳng hạn Bài ca 5 tấn (Nguyễn Văn Tý), ca sĩ Tân Nhàn phần nào đã bắt được hồn của tác phẩm; hoặc Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), ca sĩ Kiều Anh tạo ra ấn tượng trên cơ sở sự tươi mới của tuổi trẻ… Còn đa phần tiết mục (kể cả trong số phát sóng thứ 2 vào tối 22-2 vừa qua), ca sĩ hoặc là quá cường điệu, hoặc là quá hời hợt trong cách hát, cách diễn, điều đó vô hình chung đã làm suy giảm tính nghệ thuật trong từng tác phẩm. Suy cho cùng, trong những trường hợp này, lỗi không hẳn thuộc về ca sĩ, mà thuộc về nhà sản xuất chương trình. Nếu chỉ cần độ “nóng” trên sân khấu để thu hút khán giả thì chẳng cần bàn luận, còn muốn toát lên đúng bản chất để phù hợp với tên của chương trình Giai điệu tự hào, thì chọn ca sĩ thể hiện cũng là một trong những khâu quan trọng, cần phải tính toán, cân nhắc.
Sự hồn nhiên của một số bình luận viên
18 vị khách mời được chia thành hai hội đồng bình luận (một nhiều tuổi, một ít tuổi). Đây là điểm khác biệt và tạo nên sự hấp dẫn đối với người xem. Đặc biệt, “sẽ không có giới hạn trong việc đối thoại giữa hai thế hệ khán giả ngay trên sóng truyền hình, để họ có quyền bộc lộ quan điểm của mình”(2). Có điều đặc biệt làm tôi qua tâm, đó là 18 vị khách mời đều thuộc giới văn nghệ sĩ, trí thức (nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, kiến trúc sư, diễn viên, MC…); hội đồng ít tuổi, ai trẻ cũng xấp xỉ ở độ tam tuần. Họ đã nghĩ và bình luận những gì sau khi ca sĩ trình bày xong bài hát?
Hội đồng bình luận gồm những người thuộc thế hệ trước, họ thường có sự cộng cảm mạnh mẽ với từng bài hát. Mỗi khi ca sĩ biểu diễn, họ như được sống lại một thời quá khứ hào hùng, họ say sưa hát theo giai điệu, sau đó cũng say sưa kể lại những câu chuyện của ngày xưa, đôi lúc có chút băn khoăn trăn trở về chuyện ngày nay.
Với hội đồng bình luận thuộc lớp trẻ, cũng qua những giai điệu ấy, được trình diễn trong không gian ấy, họ lại có những nhận thức, quan điểm khác, đó là điều dễ hiểu. Thẳng thắn, bộc trực là ưu điểm nổi trội của tuổi trẻ nói chung, và ở hội đồng bình luận này cũng vậy. Những bình luận trẻ, hình như đã quá dư thừa năng lượng, nên nhiều khi đã thể hiện một cách nhìn khác lạ, nhưng lại quá thiếu về kiến thức lịch sử và văn hóa cảm thụ âm nhạc. Xin đơn cử một hai ví dụ:
Khi xem, nghe xong tiết mục Bài ca 5 tấn của Nguyễn Văn Tý, một bình luận viên – nhà văn trẻ nói: “Khi nghe bài hát này… nó hoàn toàn thuộc về quá khứ. Bởi vì trong ngày hôm nay, nếu như là cái cảm xúc đó nó vẫn còn duy trì cái chúng ta chỉ tự hào về 5 tấn thóc, hoặc chúng ta chỉ tự hào là cái suy nghĩ của chúng ta cùng với mảnh đất mà không biết được rằng là nó lỗi thời với xã hội và thời đại đến như thế nào ấy. Bởi vì, những hình ảnh hiện lên ở đây là những con trâu của những cánh đồng của thập kỷ 60, có lẽ là của Thái Bình. Và, xuyên suốt cả bài hát là hình ảnh ấy được lặp đi lại với những người phụ nữ trên đồng lúa: con trâu đi trước cái theo sau, và đó là một hình ảnh đẹp đẽ, nhưng nó làm tổn thương xã hội này. Bởi vì, suốt 50 năm qua điều ấy nó không thay đổi và thậm chí là nói xin lỗi, một số thanh niên nông thôn vẫn nói rằng chúng tôi chẳng khác gì đời cha anh, tức lấy mông con trâu làm thước ngắm… Có lẽ chính cái người thành phố được ăn học như chúng ta và có hiểu biết, hoặc có nhiều lựa chọn phải có trách nhiệm với những người nông thôn vẫn đi đằng sau lưng con trâu đó” (3).
Khi ca sĩ Quang Thọ trình bày xong Tôi là người thợ lò của nhạc sĩ Hoàng Vân, một bình luận viên trẻ đã trình bày quan điểm: “Đây là một ca khúc cổ động, tôi thì dị ứng với ca khúc cổ động, vì nó chỉ có tính thời sự trong thời điểm đó… Trong số bình luận trẻ nhiều người chẳng thích bài này đâu… Bài hát hay nhưng không có cảm xúc, thành ra bảo “vốt” thì tôi chẳng “vốt”, bảo chê thì tôi chẳng chê” (4).
Với hai ý kiến trên, tôi mường tượng thấy văng vẳng đâu đó có tiếng súng bắn vào quá khứ. Nếu không phải vậy, thì cũng là thái độ vô tình với lịch sử, thờ ơ với truyền thống. Cái tôi được đề cao, mỗi lời nói của họ tỏ rõ sự kênh kiệu của người thành phố, có học. Cao đạo hay tầm thường, thông cảm hay thương hại, trách nhiệm hay nói suông… đó là điều xa lạ và luôn làm tổn thương những người lao động. Chính người lao động mới là chủ nhân thực sự, họ tự biết điều chỉnh cuộc sống. Dẫu còn gặp nhiều khó khăn cả về vật chất và tinh thần, nhưng họ biết sáng tạo ra máy gặt, máy cấy, dịch chuyển những công trình xây dựng, rồi cả chế tạo tàu ngầm, máy bay trực thăng… là những đóng góp thiết thực cho xã hội, chứ hoàn toàn không cần ai đó rao giảng một mớ lý thuyết suông.
Ngược với hội đồng bình luận trẻ, những bình luận viên nhiều tuổi đã thể hiện được sự từng trải hơn. Dẫu vậy, khán giả truyền hình vẫn đón đợi những điều lý giải có liên quan đến tác phẩm âm nhạc. Sự mong mỏi đó của khán giả vẫn không được đáp ứng thỏa đáng, mà thậm chí còn tác động lệch lạc tới cách đánh giá về một tác phẩm âm nhạc. Chẳng hạn, khi một bình luận trẻ nói không thích bài Tôi là người thợ lò bởi tính cổ động của nó, thì một nhà thơ – nhạc sĩ – nhà nghiên cứu âm nhạc (theo lời giới thiệu của người dẫn chương trình) lại trả lời: “Nếu chúng ta sợ bài hát cổ động thì hãy bỏ hết lời đi, và chơi toàn bộ nhạc bài hát này, thì bài hát này cũng ngang tầm với các trường ca trên thế giới” (5). Cách giải thích này vô cùng lạ lẫm, có khác nào người Việt Nam nhuộm tóc vàng sẽ trở thành người Tây. Bỏ lời đi mà chơi mỗi nhạc thôi, thì đâu còn gọi là ca khúc? Hình tượng trong ca khúc luôn mang tính thống nhất là do phần lời và phần nhạc tạo nên…
Có lẽ chẳng phải bình luận thêm, nhưng dễ thấy sau mỗi tiết mục, ý kiến được trao đi đổi lại giữa thành viên của hai hội đồng diễn ra vô cùng sôi nổi. Hăng hái, nhiệt tình thì có thừa, nhưng khả năng tập trung để làm bật chủ đề của chương trình thì lại thiếu – thiếu về nhận thức nghệ thuật nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói riêng. Mỗi tác phẩm âm nhạc được các nhạc sĩ sáng tác trong những bối cảnh, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, bởi thế mà nội dung của nó tất yếu phải phản ánh bức tranh hiện thực của đời sống xã hội trong thời điểm hoàn cảnh đó. Dĩ nhiên là, nội dung được phản ánh trong ca khúc phải chịu sự chi phối của những thủ pháp sáng tác thuộc nghệ thuật thanh nhạc. Mặt khác, cần có cách nhìn khách quan về lịch sử, bởi những nhu cầu của lịch sử cũng tác động vô cùng mạnh mẽ đến quan điểm sáng tác của nhạc sĩ, nội dung phản ánh và số phận của từng ca khúc… Đặc biệt, trong những năm tháng thuộc hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta ở TK XX, văn hóa nghệ thuật cách mạng luôn được coi như một thứ vũ khí tinh thần để động viên quân và dân hăng hái tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc. Vì thế, có lẽ trong giai đoạn ấy, đa phần các bài hát đều mang tính cổ động, đó là điều tất yếu. Những bình luận viên phải có nhiệm vụ làm nổi bật lên tính nhân văn của từng ca khúc, mà cụ thể, trong bối cảnh lịch sử ấy, cho dù lời ca là/ phải cổ động, nhưng các nhạc sĩ vẫn đủ tỉnh táo để sáng tác nên những giai điệu cuốn hút lòng người… Đó là cái mà khán giả luôn mong đợi.
Quá trình nhận thức nghệ thuật (ở đây là ca khúc) diễn ra cũng giống như nhận thức các bộ môn khoa học khác. Tuy nhiên, trong từng công đoạn của nhận thức lại có sự khác nhau: âm nhạc thiên về cảm tính, còn khoa học – đặc biệt là khoa học tự nhiên – lại thiên về lý tính. Chính không nhận biết được cái đường biên mang manh này, nên trong thực tế, nhiều người đã đánh giá ca khúc như một công trình, đề tài khoa học – tính thực tiễn của đề tài khoa học – như vậy, nó sẽ phản tác dụng và không đúng với tên của chương trình. Với những gì công chúng đã nghe và nhìn thấy trên màn hình, rõ ràng khách mời của chương trình được gắn với tên Hội bình luận là không đúng, mà có lẽ nên đổi là Hội đồng kiểm chứng tính thực tiễn của ca khúc thì hợp hơn…!
_______________
1, 2. Theo Ngô Bá Lục, Giai điệu tự hào và những điều thú vị, cập nhật trên VnMedia, ngày 7-2-2014.
3, 4, 5. Lời của các bình luận viên trong Giai điệu tự hào, số 1, Li fetv.vn, tác giả bài viết vẫn giữ nguyên nội dung, chỉ thêm dấu chấm, phảy để độc giả dễ đọc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014
Tác giả : Nguyễn Đăng Nghị
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo