KHỦNG HOẢNG CHÂU ÂU TẤN CÔNG CÁC BẢO TÀNG

 
Trợ cấp văn hóa nghệ thuật ở châu Âu bao năm qua từng là nỗi ghen tị của nghệ sĩ và các tổ chức nghệ thuật Mỹ. Nhưng hai năm trở lại đây, do các chính phủ bảo thủ lựa chọn chính sách khắc khổ nhằm chống chọi với khủng hoảng tài chính, khắp châu Âu đã và đang phải cắt giảm chi phí cho nghệ thuật. Những thay đổi kịch tính nhất lại xảy ra ở các nước vốn trợ cấp nhiều nhất cho văn hóa nghệ thuật, như Vương quốc Anh và Hà Lan. Bên cạnh đó, những nước vốn có trợ cấp ít ỏi hơn cho nghệ thuật cũng tiếp tục thắt chặt nguồn tài chính này. 
Lâu nay, các bảo tàng, không gian nghệ thuật và cá nhân nghệ sĩ ở Vương quốc Anh nói riêng, nhiều nước khác ở châu Âu nói chung, gần như duy nhất được hỗ trợ bởi nguồn ngân sách công, một hệ thống mà với một nền văn hóa dựa vào các quỹ quyên góp cá nhân như ở nước Mỹ thì quả rất khó hiểu. Ví dụ, ở Hà Lan, các nghệ sĩ chuyên nghiệp từng được nhận trợ cấp gần như suốt đời cũng như được cấp nhà ở miễn phí. Vì thế, họ làm nghệ thuật mà chẳng màng đến nhu cầu tài chính cho cuộc sống thường ngày. Thêm nữa, những sáng tác mà họ không bán được thì về sau, nhà nước sẽ thu mua. Ở Pháp, gần đây, vẫn có một ngân quỹ thất nghiệp đặc biệt nhằm hỗ trợ nghệ sĩ trong lúc kiếm việc làm khác. Ở một số nước như Vương quốc Anh, Hungary và Tây Ban Nha, tất cả các bảo tàng nghệ thuật từng được tài trợ hoàn toàn bằng công quỹ chính phủ, thì nay lại đang thay đổi đến chóng mặt.
“Tác động lớn nhất của tình trạng này sẽ xảy đến với việc sáng tác mới, và chủ yếu là ở những nước có thị trường nghệ thuật thị giác đương đại kém phát triển”. Đây là nhận định của Luca Bergamo, tổng thư ký Culture Action Europe – một tổ chức nghệ thuật liên châu Âu có trụ sở ở Brussels, Bỉ. Theo ông này, Vương quốc Anh, Đức, Thụy Sĩ và Pháp là những nước có truyền thống thị trường nghệ thuật đương đại ổn định, nhưng ở Italia hoặc Tây Ban Nha, do có ít sáng tạo nghệ thuật hơn nên tác động của sự biến đổi trên càng mạnh mẽ hơn.
Cho dù ở đâu đó, việc cắt giảm có thể lên tới hàng tỷ đôla Mỹ (USD) nhưng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy sự cắt giảm toàn bộ. Ông Bergamo cho rằng, đây là câu hỏi không thể trả lời. Theo ông, hệ thống chi dùng cho văn hóa ở châu Âu gồm nhiều cấp độ. Nhiều nước còn có những cách thức tính toán, đo lường khác nhau tùy theo hoàn cảnh địa phương. Điều duy nhất có thể nói được là bất kể ở nơi nào, khi đã phải áp dụng chính sách thắt chặt tài chính thì văn hóa luôn là lĩnh vực đầu tiên bị nhắm tới.
Vương quốc Anh
Ở Anh, quỹ cho nghệ thuật bao gồm tiền trợ cấp từ chính phủ liên hiệp và các nguồn tiền từ xổ số nhà nước, phân phối thông qua Hội đồng nghệ thuật Anh. Năm 2013, theo bà Vivienne Bennett, giám đốc mỹ thuật của Hội đồng, nguồn quỹ chính phủ bị cắt giảm từ 702,8 triệu USD (năm tài chính 2010 – 2011) xuống còn 536 triệu USD trong tài khóa 2014 – 2015, tức khoảng 31%. Nguồn quỹ từ xổ số được kỳ vọng là tăng nhưng thực tế, khoản tiền này dao động thất thường.
Trong một phỏng vấn, V. Bennett cho rằng, “chúng tôi đang thực sự thấy có sự cạnh tranh nhiều hơn giữa các nghệ sĩ và tổ chức nghệ thuật trong việc xin tài trợ, nhất là cùng với việc suy giảm nguồn tài trợ từ chính quyền địa phương cũng như các tổ chức cá nhân. Một nguy cơ tiềm tàng khác là các gallery (phi lợi nhuận) do không có nguồn dự phòng nào, nên sẽ phải giảm các chi phí chương trình của họ, nghĩa là cũng tác động không nhỏ đến cá nhân các nghệ sĩ”.
Các chính quyền địa phương, tùy theo thực tiễn cộng đồng và tài chính cụ thể, cũng có nguồn ngân sách riêng cho văn hóa nghệ thuật. Năm 2012, Somerset là hạt (county) đầu tiên ở Anh có sự ủng hộ 100% cho việc cắt giảm ngân sách này, gây tác động tới Newcastle cũng như hội đồng thành phố Tyne với đề xuất tương tự. Theo đó, 4 triệu USD sẽ bị cắt giảm trong 3 năm tài khóa tiếp theo, khiến cho toàn bộ lĩnh vực nghệ thuật bị chao đảo. Hội đồng thành phố Tyne cũng sẽ dừng tài trợ cho bảo tàng Great North (Great North Museum) và cắt một nửa nguồn cung cho hệ thống bảo tàng và lưu trữ Tyne & Wear (Tyne & Wear Archives & Museums), gallery nghệ thuật Laing (the Laing Art Gallery) và bảo tàng Khám phá (Discovery Museum). Theo người phát ngôn của thành phố Newcastle, lý do loại trừ ngân sách cho văn hóa là thành phố phải thực hiện kế hoạch cắt giảm 150 triệu USD mỗi năm trong vòng một vài năm tới. Đối với nơi thiếu nguồn tiền mặt, việc chi dùng cho những dịch vụ hàng đầu như trại dưỡng lão, chăm sóc trẻ em khuyết tật và dễ bị tổn thương,… được ưu tiên hơn là các hoạt động văn hóa.
Ông Iain Watson, giám đốc Tyne & Wear Archives & Museums, trong một thông cáo, cho hay: “Hiển nhiên thực tế này sẽ tác động đến dịch vụ của chúng tôi. Các chương trình học tập dành cho trường học và gia đình, kế hoạch triển lãm và công việc với các nhóm cộng đồng ở Northeast sẽ phải được cân nhắc xem liệu có thể thực hiện nữa hay không trong điều kiện bị cắt giảm tài trợ hiện tại”.
Hà Lan
Ngày 1-1-2013, khoảng 24 tổ chức văn hóa ở Hà Lan bắt đầu phải đóng cửa vì toàn bộ nguồn tài trợ duy nhất của họ từ chính phủ đã bị cắt. Việc thắt lưng buộc bụng này có tác động thiếu cân xứng tới các xưởng nghệ thuật và chương trình lưu trú nghệ sĩ như với Rijksakademie (Học viện nghệ thuật thị giác Hoàng gia) vốn rất có uy tín ở Amsterdam, bị cắt giảm tới 60% ngân sách trong năm nay và sẽ bị cắt toàn bộ trong vòng 4 năm tới.
Những thay đổi được bàn đến từ năm 2011, khi một liên minh bảo thủ, bị định hướng bởi diễn văn hùng biện phản đối văn hóa một cách gay gắt của Halbe Zijistra – vị thư ký đương chức về văn hóa của nhà nước – đã thúc đẩy quốc hội quyết định giảm chi cho nghệ thuật. Sau khi các nguồn ngân sách của tỉnh, thành phố, vùng và liên bang cho năm 2013 được quyết định, phần chi cho văn hóa nghệ thuật cả nước đã bị giảm đi 22%, tương đương 632 triệu USD.
Ông Jeroen Bartelse, tổng thư ký Hội đồng văn hóa Hà Lan phát biểu: “Điều đó đã tác động đến đa dạng các loại hình nghệ thuật thị giác cũng như toàn bộ lĩnh vực nghệ thuật. Chúng tôi mất đi một số tổ chức giảng dạy, sáng tạo nghệ thuật và cuối cùng, Hà Lan sẽ chỉ còn lại ít nghệ sĩ vì nguồn thu nhập bị sụt giảm. Đây là một sự thay đổi có tính hệ thống, ta hoàn toàn có thể nói như vậy.”
Một chính phủ mới vừa thay thế cho liên minh bảo thủ và Bộ trưởng mới của Bộ Văn hóa, bà Mariette (Jet) Bussemaker, là người hỗ trợ tích cực hơn cho nghệ thuật. Tuy nhiên, việc cắt giảm ngân sách đã chính thức có hiệu lực, kéo dài đến ít nhất là năm 2017 và không cách nào hồi vãn được.
Italia
Tháng 4-2012, Antonio Manfredi, giám đốc bảo tàng nghệ thuật đương đại Casoria ở Naples, đã gây chú ý trên trường quốc tế khi đốt những bức tranh nhằm kêu gọi dư luận về sự cắt giảm ngân sách cho nghệ thuật mà không có một ngoại lệ nào của Italia. “1.000 tác phẩm nghệ thuật của chúng tôi phải đương đầu với việc tiêu hủy bởi chính sách thờ ơ của chính phủ” – ông trả lời phỏng vấn của BBC. Cùng thành phố với Casoria, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Donna Regina (MADRE) cũng trải qua bi kịch cắt giảm ngân sách tổ chức triển lãm, đến nỗi phải đóng cửa cả hai tầng của gallery trưng bày.
Do đối diện với khoản nợ 2,5 ngàn tỷ USD, chính phủ Italia phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng trên diện rộng và giảm 1/3 ngân quỹ dành cho văn hóa trong vòng ít nhất là 3 năm tới, với tổng số tiền 1,8 tỉ USD. Cựu Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti bào chữa về quyết sách này như sau: “Tôi không biết tình trạng này sẽ ra sao nhưng suy cho cùng, bạn chẳng thể ăn được văn hóa”.
Italia có khoảng 5.000 bảo tàng và 60.000 di chỉ khảo cổ học, trong đó có 44 địa chỉ là di sản văn hóa UNESCO – con số lớn nhất thế giới. Vậy là các di sản văn hóa của đất nước này sẽ phải đối diện với tình trạng không được quan tâm bảo tồn. Chính phủ cũng không còn khả năng duy trì thành phố cổ Pompeii cho dù nó là nơi thu hút khách du lịch lớn, và đã có hàng loạt những điểm kiến trúc nổi tiếng ở đây bị sụp đổ.
Hungary
Đầu năm nay, bảo tàng nghệ thuật đương đại hàng đầu Hungary, Kunsthalle Budapest, đã được đặt dưới sự kiểm soát của một tổ chức có tên là Học viện nghệ thuật Hungary, một hiệp hội trước đây thuộc tư nhân nhưng giờ có trách nhiệm dốc hầu bao tài trợ cho hoạt động văn hóa trên khắp cả nước. Người đứng đầu tổ chức này, Gyorgy Fekete, đã nói rằng, tổ chức của ông hỗ trợ cho nghệ thuật với “một tình cảm dân tộc rất rõ ràng”.
Đây là một trong hàng loạt cách thức có nguy cơ tác động tiêu cực đến văn hóa kể từ khi chính phủ bảo thủ của thủ tướng Viktor Orban lên nắm quyền năm 2010. Chính phủ này đã viết lại Hiến pháp trong năm 2011, ra lệnh cắt giảm 20% quỹ lương chi dùng cho tất cả các bảo tàng của đất nước, và tiếp đó là cắt ngân quỹ cho việc duy trì các chương trình giáo dục nghệ thuật thường xuyên. Tỷ dụ, ngân sách hàng năm của bảo tàng nghệ thuật đương đại Ludwig ở Budapest đã giảm từ 1,7 triệu USD xuống còn tròn 1 triệu, trong năm 2012.
Janos Szobolai, phụ trách khoa Lý thuyết nghệ thuật và nghiên cứu giám tuyển tại Đại học Mỹ thuật Hungary cho rằng, các nghệ sĩ, nhà giám tuyển và giám đốc bảo tàng “lo lắng” khi thấy sự thay đổi căng thẳng này. Theo ông, tất cả những nỗ lực của những người như ông suốt 20 năm qua dành cho việc giới thiệu nghệ thuật đương đại đến với xã hội Hungary đang bị đe dọa. “Nghệ thuật dựa vào lý thuyết, nghệ thuật hậu khái niệm và nghệ thuật có tính chất phê phán, hay bất cứ dạng thức nghệ thuật nào liên đới đến các vấn đề giới, văn hóa hoặc xã hội, đều rõ ràng là sẽ bị đẩy ra bên lề”. Ông cho biết thêm là đã bắt đầu có những cuộc di trú trong giới nghệ sĩ và trí thức. “Phần lớn trong số họ sẽ chuyển dịch sang Tây Âu. Với các nghệ sĩ, phải nói là khó khăn. Nếu họ không tìm được các hỗ trợ từ những cơ quan, tổ chức công cộng, tôi nghĩ là họ không thể ở lại đây”.
BĐào Nha
Có lẽ, việc cắt giảm tài trợ cho văn hóa gây choáng váng nhất châu Âu diễn ra ở Bồ Đào Nha. Năm 2011, chính phủ nợ nần ngập đầu này đã giảm các trợ cấp thuộc điều hành của chính phủ xuống còn 30% và sau đó là giải tán cả Bộ Văn hóa.
Luis Silva, sáng lập viên và là giám đốc của Kunsthalle Lissabon, một không gian triển lãm nghệ thuật đương đại ở Lisbon, cho hay: Các tổ chức nghệ thuật từng có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho chính phủ để xin tài trợ nhưng trong năm 2012, không có bất kỳ một lời kêu gọi nộp đơn nào nữa. Năm nay, các nhóm nghệ thuật lại được mời tham gia chương trình nói trên, song, tổng nguồn tiền cụ thể là bao nhiêu thì vẫn chưa được công bố.
Từ trải nghiệm thực tế của mình, ông Silva cho rằng, các nhóm nghệ thuật nhỏ có thể có nhiều cơ hội xin được tài trợ hơn nhóm lớn. Tỷ dụ, cơ sở của ông có ngân sách hàng năm khoảng 50.000 USD, và dù bị cắt giảm tới 1/3 trong năm 2012, ông vẫn có thể bù lại bằng cách tổ chức triển lãm hoàn toàn cho nghệ sĩ nước ngoài, những người kiếm được tài trợ từ nước họ. Nhưng với ông, điều này là khó chấp nhận đối với một tổ chức nghệ thuật đương đại của cộng đồng địa phương như Kunsthalle Lissabon.
“Đây thực sự là một điều bất hạnh đối với nghệ thuật Bồ Đào Nha, vốn đã đạt được một số bước tiến dài trên hành trình quốc tế hóa trong những năm gần đây. Trước khi xảy ra khủng hoảng và sụp đổ tài chính, cộng đồng văn hóa chúng tôi đã có một số ưu tiên trong việc phát triển các cấu trúc và cơ chế hoạt động, để giúp đỡ nghệ sĩ trở thành một phần của mạng lưới nghệ thuật quốc tế. Nay thì tất cả đã bị đổ ra sông ra bể. Bạn có khát vọng hy sinh, thỏa hiệp và cam kết với cộng đồng trong một vài năm, nhưng sau, bạn cần phải nghĩ về nhiều điều khác nữa, chẳng hạn như những tiêu chuẩn sống căn bản. Những người làm nghệ thuật thị giác giờ đang vật lộn với cuộc sống. Chúng tôi luôn là cái đuôi của châu Âu nhưng nay thì không thể chịu đựng điều đó thêm được nữa” – Sival kết thúc câu chuyện trong buồn bã.

Nguồn: artinamericamagazine.com

Nguồn : Tạp chí VHNT số 351, tháng 9-2013

Tác giả : Nina Siegal (Hoàng An Đông dịch)

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *