Kinh nghiệm chọn đất lập làng, dựng nhà và làm vườn của người mường


 

Ở Thanh Hóa trước năm 1945 có 54 mường của người Mường, được phân bố chủ yếu ở các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thạch Thành. Trong đó, ở địa bàn huyện Bá Thước có đến 11 mường, tiêu biểu như mường Khô, mường Ống, mường Ai… Người Mường ở Bá Thước thuộc người Mường trong (tức Mường gốc – bản địa), có lịch sử hình thành phát triển lâu đời. Người Mường Ống vẫn cư trú chủ yếu ở không gian cũ, nay thuộc đơn vị hành chính 2 xã Thiết Ống và Thiết Kế, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Mỗi mường của người Mường ở Thanh Hóa nói chung và ở Bá Thước nói riêng trong lịch sử đều gắn liền với những nguồn gốc dân gian rất ấn tượng. Tên gọi Mường Ống, Mường Ai có hai cách giải thích. Theo tiếng Mường, Ống là mường ngoại, Ai là mường bố (nội), có nơi gọi bố là ái, gọi chồng là ại. Mường Ống, Mường Ai có câu chuyện Bà Dạ Dần gánh xường (múa) phân phát cho thiên hạ, bị đứt gánh ở Mường Ai, đứt quai ở Mường Ống, xường rơi hết xuống đây, nên người Mường Ai, Mường Ống xường hay hát giỏi. Với cuộc sống định cư lâu đời, đồng bào Mường Ống đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm rất có giá trị trong sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng như trong việc chọn đất lập làng, dựng nhà và làm vườn… nhằm đảm bảo nhu cầu sinh kế.

1. Kinh nghiệm chọn đất lập làng và dựng nhà

Làng xóm của người Mường thường được xây dựng ở chân đồi, chân núi, nơi đất thoải, gần sông, suối… Trước đây, mỗi làng của người Mường có khoảng vài chục nóc nhà, làng nào đông đúc thì khoảng bốn, năm chục nóc nhà. Nhìn từ xa, làng của người Mường thường ẩn mình trong những lùm cây xanh, nhiều nơi có những rặng tre bao bọc, nhưng ấn tượng hơn cả là hầu hết các làng mường được tô điểm bằng những hàng cau cao vút.

Người Mường ở Bá Thước nói riêng và Thanh Hóa nói chung gọi làng là lúng(1). Đây là đơn vị cơ sở của xã hội Mường gồm nhiều tiểu gia đình phụ quyền. Làng còn là một khối cư dân làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt. Trong xã hội truyền thống, làng (lúng) thuộc sự quản lý của lang đạo trong mường. Mường (mướng) là đơn vị tổ chức xã hội, tập hợp nhiều làng trong cùng một thung lũng, hay nhiều thung lũng liền kề nhau. Đơn vị tổ chức mường đặt dưới sự quản lý của một dòng họ quý tộc, gọi là lang đạo. Cụ thể như các làng Cha, Kế, Chiềng Cốc… trước năm 1945 thuộc mường Ống, dưới sự quản lý của dòng họ Phạm Công; các làng Chiềng Triu, Chiềng Lẫm, Cò, Xăm, Sèo… thuộc mường Khô, dưới sự quản lý của dòng họ Hà Công(2)…

Người Mường là cư dân làm nông nghiệp, nền kinh tế chủ đạo là cây lúa nước, vì thế địa bàn tụ cư của họ gắn liền với hệ sinh thái thung lũng. Do đó, khi chọn đất dựng làng, lập mường họ chọn những khu vực thung lũng hội tụ đầy đủ các yếu tố như nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và khai thác thủy sản, đất trũng làm ruộng, có rừng khai thác lâm sản, có thế đất cao bằng dựng nhà, hướng đất phải thoáng đãng và đi lại giao lưu với các vùng lân cận phải thuận tiện.

Qua nghiên cứu, khảo sát các mường trên địa bàn huyện Bá Thước và các vùng lân cận bước đầu chúng tôi thấy, thông thường một mường cổ trước đây thường có 3 làng cố định, đó là Chu (Chiềng), Ngoọc (Ngọc) và Cốc (Gốc, Cộc). Bên cạnh 3 làng này là các làng khác, nhiều hay ít tùy theo địa vực đất đai, lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của từng mường.

Nhìn chung, trong các loại đất thì đất lập làng được người Mường đặc biệt quan tâm. Để sinh sống và phát triển lâu bền khi chọn đất lập làng, dựng mường họ đã tính toán cho sự định cư bền vững. Đất dựng làng phải đáp ứng các điều kiện sản xuất, các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như môi trường sinh thái. Thực tế cho thấy những điều kiện trên là cơ sở vững chắc để người Mường định cư sinh sống lâu đời trong những vùng thung lũng, trở thành cư dân bản địa có nền văn hóa đặc sắc và văn minh cao: văn minh xóm làng – văn minh nông nghiệp lúa nước.

Tục ngữ Mường có câu Khôộng cài nhá, chệt cài mố (Sống cái nhà, chết cái mồ) để nói lên tầm quan trọng của ngôi nhà trong đời sống của họ. Do vậy, họ rất chú trọng và đặc biệt quan tâm đến việc chọn đất dựng nhà (khường). Người Mường chọn đất dựng nhà thường phải đảm bảo một số điều kiện nhằm đáp ứng cuộc sống định cư lâu dài.

Trước hết là chọn thế đất, người Mường cho rằng, thế đất tạo cho ngôi nhà vững chãi, chắc chắn, vì thế các gia đình thường chọn những thế đất cao, bằng phẳng để dựng nhà. Do đó, các làng của người Mường thường được xây dựng ở những khu vực chân đồi, chân núi, lưng tựa vào đồi, vào núi để tránh ẩm thấp và ngập nước trong mùa mưa lũ.

Điều kiện thứ hai là hướng đất. Tuy không có một quy định chung nào về cách thức xây dựng cũng như hướng nhà, nhưng hướng đất sẽ quy định hướng nhà. Theo nhận thức của người Mường, hướng đất, hướng nhà tốt không những mang lại không khí mát mẻ, mà còn làm cho gia đình hòa thuận và làm ăn thịnh vượng. Do sống ở khu vực có điều kiện thời tiết hai mùa nóng lạnh rõ rệt, nên người Mường chọn hướng đất, hướng nhà phù hợp nhằm ứng phó tối đa với thời tiết nắng nóng của mùa hè, giá lạnh của mùa đông và ẩm thấp của mùa xuân. Vì vậy, hướng nhà trước hết phải quay ra khu vực có không gian thông thoáng như hướng cánh đồng, hướng sông, hướng có đường qua lại. Nếu những hướng này mà trùng với hướng nam là tốt nhất. Vì theo quan niệm của người Mường, hướng nam là hướng mát mẻ, tránh được nóng nực của mùa hè và rét buốt của mùa đông. Còn hướng đông và hướng tây là hai hướng nóng nực vào mùa hè, hướng Bắc là hướng lạnh vào mùa đông. Nhưng địa bàn sinh sống của người Mường cũng rất phức tạp, rất khó chọn hướng đất để dựng nhà theo ý muốn, nên khi dựng nhà người ta cũng cố khắc phục bằng cách đặt hướng nhà theo một trong các hướng như hướng ghé bắc, ghé nam, ghé đông và ghé tây. Tối kỵ dựng nhà theo hướng chính tây và chính đông vì đây là hai hướng nóng nhất vào mùa hè, ngoài ra người Mường còn quan niệm hai hướng này là hai hướng thiêng, chỉ thần linh và ma quỷ mới ở hai hướng này.

Trước đây, nguồn nước duy nhất người Mường ăn uống và sinh hoạt là nguồn nước từ khe suối và nguồn nước ngầm chảy ra từ lòng đất gọi là các mỏ nước (mó nước). Vì vậy, điều kiện thứ ba quyết định việc chọn đất làm nhà là phải thuận lợi nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Ngoài ra, nơi ở có địa hình thuận lợi đi lại cũng là một trong bốn điều kiện cơ bản trong việc chọn đất để dựng nhà của người Mường trong xã hội truyền thống.

Ngoài các tiêu chí trên, nhiều gia đình còn thử đất xem đất tốt hay xấu bằng cách khoét một miếng đất sâu khoảng 20cm, sau đó dùng một cái bát hoặc xanh đồng úp lên đó để qua đêm, sáng hôm sau lật bát lên thấy nếu có hơi nước kết tụ trong bát thì đất ở đó là đất tốt, âm dương hòa hợp, mát mẻ, cây cối xanh tốt quanh năm, ngược lại không có hơi nước kết tụ thì đất ở đó khô nóng, ở không tốt.

Nhìn chung, người Mường ở mường Ống đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc chọn đất lập làng và dựng nhà. Những kinh nghiệm trên nhằm mục đích thích ứng và hòa điệu với môi trường tự nhiên nhằm bảo vệ sức khỏe và tạo dựng cuộc sống định cư bền vững.

2. Kinh nghiệm làm vườn

Người Mường có hai loại vườn, đó là vườn nhà (cha) và vườn rừng (cha rứng). Vườn nhà thuộc phần đất thổ cư của từng gia đình. Vườn của người Mường cũng như đại đa số các dân tộc khác, chủ yếu là vườn tạp được trồng các loại cây lưu niên như mít, mận, mơ, bưởi, chuối, nhãn, dâu gia, dổi… và những loại cây gia vị như gừng, riềng, nghệ, ớt, xả, mơ lông,… Ngoài ra, người ta còn trồng các loại rau ăn như mướp, rau dền, bầu, bí, rau ngót, rau đay, mùng tơi… Một số loại măng như măng mu, măng luồng cũng được đồng bào đưa vào trồng trong vườn nhằm đa dạng hóa nguồn thức ăn cho gia đình. Một số hộ gia đình còn sử dụng vườn để trồng các loại lương thực như ngô, khoai, sắn; một số loại cây lấy gỗ như xoan, lim, lát, một số cây dược liệu… Trong đó, không thể thiếu hai loại cây truyền thống trong khuôn viên của người Mường đó là trầu (trù) và cau (nang). Vườn còn được sử dụng một phần làm chuồng trại, vây rào để chăn thả gia cầm, một số gia đình còn đào ao thả cá.

Vườn nhà của người Mường nhìn chung có một bộ giống cây trồng khá phong phú và đa dạng. Theo thống kê bước đầu ở một số gia đình làng Cha (xã Thiết Kế) cho thấy vườn nhà của đồng bào gồm có chủ yếu các loại cây trồng sau:

TT

Các loại cây ăn quả

Các loại rau

Các loại cây gia vị

Tiếng phổ thông

Tiếng Mường

Tiếng phổ thông

Tiếng Mường

Tiếng phổ thông

Tiếng Mường

1

nhãn

nhàn

bầu

ớt

ợt

2

ổi

ồi

pìn

sả

khía

3

mít

mịt

riềng

phiếng

4

dổi

ngẩy

dọc mùng

xâu oọc

gừng

cơơng

5

bưởi

pười

rau ngót

xâu ngọt

mùi tàu

xâu mủi

6

na

na

rau muống

xâu boóng

lá lốt

xâu clốt

7

chuối

chuồi

rau lang

xâu lang

hành đỏ

 

8

dứa

pạt chừa

tầm tơi

xâu khuôn

tỏi

toải

9

chanh

chanh

rau dền

xâu chênh

kiệu

hiếu

10

dừa

dửa

bồ công anh

xâu chuôi

hành hoa

hềnh chăm

11

khế

khề

rau má

xâu và

hẹ

12

mướp

bược

húng chó

hơm tròn

13

mận

mấn

quả này này

náy (t’ rày rể náy)

húng quế

hơm oọc đằm

14

đu đủ

cân hôồng

rau đay

xâu đay

tía tô

xía tô

15

trứng gà

lơớng kha

rau sắn

xâu cào

 

 

16

vải

đài

rau đậu

xâu dõ

 

 

17

mãng cầu

mãng cầu

rau đắng

chân chim

 

 

18

xoài

đơ rày kèo

rau diếp cá

xâu chụp

 

 

19

vú sữa

vú sữa

 

 

 

 

Ngoài các loại rau, cây ăn quả, cây gia vị trên trong vườn còn có một số loại cây lấy gỗ, cây nông sản, cây lâm nghiệp và một số loại cây dược liệu.

Có thể nói rằng, vườn truyền thống của người Mường gọi là vườn tạp, chưa được đầu tư canh tác và quy hoạch. Song nếu đi sâu vào khám phá cụ thể thì vườn của người Mường không đơn giản như vậy mà người Mường xưa có những ứng xử riêng phù hợp với điều kiện khí hậu và điều kiện kinh tế – xã hội cổ truyền trước đây.

Nhà (nhá) của người Mường thường được dựng ở khu vực trung tâm của đất thổ cư, diện tích đất còn lại được gọi là vườn (cha). Nếu lấy nhà làm trung tâm, có thể chia không gian vườn của người Mường làm 3 khu vực gồm: khu vực đất rìa vườn, khu vực đất giữa vườn và khu vực vườn cạnh nhà.

 Khu vực đất rìa vườn là khu vực cách xa nhà nhất về mặt không gian, giáp với bờ rào. Người ta thường trồng những loại cây dài ngày bao gồm một số cây lấy gỗ như lim, lát, dổi, cọ; cây ăn quả như mít, bưởi, dừa; măng như măng luồng, măng mai… Những loại cây này rất to khỏe, phát triển tốt, không phải chăm sóc nhưng có giá trị nhất định trong đời sống của gia đình. Ngoài việc sử dụng gỗ, luồng… làm vật liệu xây dựng nhà cửa, vườn còn mang lại nguồn hoa quả và nguồn măng làm thức ăn cho gia đình. Đồng thời, những loại cây này còn có chức năng như hàng rào thứ hai vững chắc và kiên cố để bảo vệ những tài sản khác bên trong vườn như các loại hoa quả, rau và gia súc, gia cầm. Đặc biệt nó còn có tác dụng như một hàng rào chắn gió vào mùa mưa bão, mùa đông giá rét và mang lại bóng mát và điều tiết khí hậu mát mẻ ôn hòa vào mùa hè.

Khu vực đất giữa vườn có không gian thông thoáng, đất đai tương đối bằng phẳng, do đó sử dụng để trồng những loại cây lương thực như ngô, khoai, sắn, kết hợp trồng xen một số bụi bầu, bí cho lan dưới mặt đất lấy rau ăn.

Khu vực đất vườn cạnh nhà được dành để trồng các loại cây ăn quả như chuối, na, hồng, ổi, mận, đu đủ, cau… Riêng khu vực phía trước nhà thường dành trồng một số loại rau, các loại gia vị để tiện quan sát trông coi gia súc, gia cầm vượt rào vào ăn. Mặt khác cũng thuận lợi cho công việc chăm sóc như bón phân, làm cỏ, tưới nước và dễ dàng khai thác sản phẩm.

Nhìn chung, trong xã hội truyền thống, vườn của người Mường chưa mang lại giá trị cao về mặt kinh tế, song có thể nói, trong sử dụng đất vườn, người Mường biết kết hợp phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế với cân bằng môi trường khí hậu, giữa các loại cây ngắn ngày và cây lưu niên, giữa cây lương thực với cây ăn quả, giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Vườn rừng (cha rứng) đã tồn tại trong đời sống của người Mường từ rất lâu đời, đây vốn là phần đất hoang trong rừng được đồng bào khai phá biến nó thành vườn sử dụng vào mục đích riêng của gia đình. Do đó, vườn rừng có diện tích lớn hơn nhiều so với vườn nhà, có khi tới hàng mẫu.

Để khai phá vườn rừng, theo kinh nghiệm cho biết phải mất 3 năm cải tạo đất. Việc trước tiên người ta phải vào rừng chọn đất, thông thường đồng bào chọn theo 2 tiêu chí: thứ nhất là ở những khu rừng gần nhà để dễ quản lý và chăm sóc, thứ hai là có chất đất tốt và độ dốc thấp. Tuyệt đối không được khai phá vườn rừng trong phạm vi rừng đầu nguồn của làng quy định. Có thể coi vườn rừng là một khu vườn tổng hợp trồng nhiều loại cây khác nhau mang đặc trưng rừng hơn là vườn và thường dùng để trồng luồng, giang, vầu, nứa, một số loại cây lấy gỗ là chính.

Hiện nay, phát triển vườn rừng là một trong những hướng đi mới có hiệu quả kinh tế cao. Từ những thập kỷ 90 TK XX trở lại đây nhiều hộ gia đình ở đây phát triển kinh tế vườn rừng, chủ yếu là trồng những loại cây lấy gỗ có giá trị hàng hóa cao như luồng, lim, lát… Trong đóm, luồng được coi là cây lâm nghiệp chủ đạo, cây xóa đói giảm nghèo quan trọng của đồng bào Mường Ống nói riêng và người Mường Thanh Hóa nói chung. Ngoài ra, vườn rừng còn trồng một số cây lương thực như: ngô, sắn; một số cây ăn quả như: nhãn, bưởi, mận, na, và một số loại cây dược liệu. Vì vậy, nhiều gia đình làm kinh tế vườn rừng mỗi năm thu hoạch hàng chục triệu đồng, từng bước thoát nghèo và đi lên làm giầu trên chính những khu vườn của gia đình.

3. Kinh nghiệm quản lý

Khác với đất ruộng nước và nương rẫy, đất thổ cư được các hộ gia đình quản lý trực tiếp hàng ngày. Đất thổ cư (bao gồm đất nhà ở và đất vườn) không chỉ đơn thuần là nơi ở mà còn là không gian gắn kết các thế hệ và các thành viên trong gia đình, thậm chí cả dòng họ. Đất thổ cư là nơi chôn rau cắt rốn của mỗi thành viên trong gia đình, vì thế nó không chỉ đơn thuần là đất ở mà nó còn gắn với nhiều kỷ niệm vui buồn nên khó xác định được giá trị cụ thể, nhiều khi trở thành tài sản vô giá. Từ ý nghĩa sâu xa đó, hiện tượng mua bán, chuyển nhượng loại đất này hầu như ít khi xảy ra. Bởi tính chất gia đình phụ hệ nên đất đai nói chung và đất thổ cư nói riêng được ưu tiên trao truyền cho con trai thừa hưởng. Những gia đình nhiều con trai, có đất thổ cư rộng thường được chia cho các con dựng nhà ở riêng. Khi cha mẹ mất thì tài sản đất đai thuộc về con trai.

Mặc dù luật đất đai hiện nay đã khẳng định quyền bình đẳng của giới về đất đai, nhưng ở người Mường nam giới vẫn là giới được ưu tiên hưởng phần đất thổ cư nếu lập gia đình riêng. Tuy nhiên, không vì thế mà loại trừ quyền lợi của nữ giới. Một số ít trường hợp đi lấy chồng vẫn được chia một phần đất vườn để dựng nhà ở do nhà chồng không có đất hoặc quá chật chội. Hoặc trong trường hợp gia đình không có con trai thì con gái được thừa hưởng tài sản đất thổ cư, hay một số phụ nữ không chồng nhưng có con vẫn được cha mẹ dành cho một phần đất vườn để dựng nhà ở riêng.

Người Mường phân định và bảo vệ đất thổ cư cùng tài sản trong nhà nói chung trước hết bằng hàng rào. Một số loại hàng rào được người Mường sử dụng phổ biến đó là hàng rào: tre gai, dâm bụt, xương rồng, thầu dầu, cau, cọc và rào bằng các đường hào.

Trước đây dân số ít, quỹ đất thổ cư của các gia đình còn rộng nên việc phân định đất đai bằng các loại hàng rào như đã nói trên chưa thấy hết được tính đa dạng trong việc quản lý. Bởi nhiều trường hợp hàng rào giữa hai gia đình chỉ là một cây mít hay một bụi chuối… khi có quả hai gia đình dùng chung và người ta ngầm ý thức về địa giới đất thổ cư của nhau. Qua đó cho thấy người Mường tự ý thức rất cao về tài sản của mình và những người xung quanh nên rất hiếm khi xảy ra tranh chấp đất đai nhất là đất thổ cư.

Vườn rừng của người Mường đã có từ lâu đời, nằm ngoài phạm vi đất thổ cư, có diện tích lớn hơn vườn nhà. Để có một khu vườn rừng, kinh nghiệm cho biết cũng phải mất 3 năm khai phá. Người ta nghiêm cấm không được khai phá vườn rừng trong phạm vi rừng đầu nguồn của làng quy định. Những gia đình có vườn rừng được toàn quyền sử dụng và quản lý. Đây được coi như tài sản riêng của gia đình và được kế thừa. Chỉ khi nào khu rừng bị bỏ hóa, không khai thác và quản lý nữa thì trở thành rừng chung của làng.

Để bảo vệ các tài sản trong đất vườn rừng, người Mường có những quy định riêng, tuy bất thành văn nhưng mọi người trong cộng đồng phải thực hiện. Đó là nghiêm cấm xâm phạm vườn rừng như phá hoại rau màu, lấy măng, không được chăn thả trâu bò ở những khu vực vườn rừng có cây non hoặc cây mới trồng, những khu vực trồng cây lương thực ngô, sắn…

Nhìn chung, cùng với những tri thức trong sử dụng đất làm nông nghiệp, người Mường còn đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc chọn đất để lập làng, dựng nhà và làm vườn. Để sinh sống và phát triển lâu dài, khi chọn đất lập làng, dựng nhà đồng bào Mường luôn dự tính cho sự định cư bền vững, đất dựng làng phải đáp ứng các điều kiện sản xuất cũng như đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái. Thực tế cho thấy, những kinh nghiệm lựa chọn trên là sự ứng xử phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, tạo cơ sở vững chắc để người Mường định cư sinh sống nhiều đời trong những vùng thung lũng, trở thành cư dân bản địa giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

_______________

1. Lúng, lùng, hay lụng là theo cách phát âm từng địa phương. Người Mường ở Bắc Bộ như Hòa Bình, Phú Thọ… gọi nơi cư trú của mình là quel hoặc xóm, đều có nghĩa là làng.

2. Qua tìm hiểu được biết những dòng họ quý tộc lang đạo bao giờ cũng có tên lót đứng liền sau tên họ là công như dòng họ lang đạo Hà Công, Phạm Công, Trương Công…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014

Tác giả : Mai Văn Tùng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *