Lễ hội cúng ông ở kinh cùng sóc trăng


          1. Diễn trình lễ hội

Vùng duyên hải tình Sóc Trăng có ba lễ hội thờ cúng cá Ông tại các địa phương: cù lao Dung (huyện cù lao Dung), xã Vĩnh Châu (huyện Vĩnh Châu), Kinh Cùng (xa Trung Bình, huyện Long Phú), trong đó lễ hội cúng Ông Nam Hải (còn gọi là lễ hội Nghinh Ông) ở xứ biển Kinh Cùng có quy mô khá lớn, thu hút sự tham gia của nhiều cư dân địa phương và các tỉnh vùng ĐBSCL.

Cá Ông thường được thờ ở lăng (cũng có nơi thờ ở đình, miếu, dinh…). Về kiến trúc, bài trí lăng Ông ở Kinh Cùng cơ bản mang dáng vẻ như ngôi đình làng nhưng có quy mô xây dựng nhỏ, bài trí đơn giản hơn. Mặc dầu vậy, nó vẫn thể hiện rõ chức năng tín ngưỡng và chức năng thế tục. Chức năng tín ngưỡng: là nơi an ngự của thần linh, mà ở đây đối tượng được tôn thờ là cá Ông và các vị tiền bối có công khai khẩn, xây dựng cơ nghiệp, các vị quá cố có công xây dựng, trông coi lăng. Chức năng thế tục: là nơi vui chơi giải trí, đãi khách trong ngày hội của dân vạn chài.

          Các nghi thức cúng tế

Đối với người dân xứ biển, thờ cúng cá Ông là lễ trọng. Ở xứ biển Kinh Cùng, tập quán này không thể thiếu trong sinh hoạt của cộng đồng. Mỗi lần ra khơi họ thắp nhang cầu Ông phù hộ để được thuận buồm xuôi gió và được mùa thu hoạch tôm cá. Niềm tin về Ông được các ngư dân dồn cả vào ngày lễ hội cúng Ông. Đây cũng là dịp để họ đền đáp công lao to lớn của vị thần biển.

Thông thường các ngư dân vùng biển chọn một ngày thống nhất để cúng tế Ông. Chẳng hạn như ở Vàm Láng (Gò Công, Tiền Giang) vào ngày 16 tháng 6 âm lịch, ở xã Thới Thuận (Bình Đại, Bến Tre) vào ngày 20-6 âm lịch… Trong khi đó một số địa phương khác lại tổ chức kéo dài đến hai ba ngày như: ở xã Tân Thủy (Ba Tri, Bến Tre) vào ngày 15, 16-6 âm lịch; tại thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) vào ngày 14, 15, 16-2 âm lịch, ở xứ biển Kinh Cùng vào ngày 21, 22, 23-3 âm lịch hàng năm.

Diễn biến của lễ hội cúng Ông Nam Hải ở Kinh Cùng, được chúng tôi khảo sát vào năm 2007, gồm có hai phần chính:

Ngày 21-3: nghi thức nghinh Ông (rước Ông), cúng Tiên sư, cúng Tiền vãng, cúng Chánh tế.

Ngày 22, 23-3: bà con vạn chài trong và ngoài xã, các hội đoàn đến thắp nhang cúng Ông và nghi lễ xây chầu, đại bội, tôn vương; các trò chơi dân gian.

Nghi thức nghinh Ông

Trước ngày lễ hội các thuyền đánh cá dù đang làm nghề ở xa hay gần, đều phải tề tựu về bến. Ở Kinh Cùng 30 năm về trước, người dân trong vạn lạch tổ chức nghi thức tụng kinh cầu an vào lúc 11 giờ đêm tại đình. Ông chánh vạn và phó vạn làm lễ khấn vái, xin chứng kiến của thần Nam Hải.

Tới một giờ sáng, bắt đầu lễ nghinh Ông. Nghi thức này được đông đảo dân vạn chài tham gia. Đi đầu đoàn rước là ông chánh vạn, phó vạn, tiếp theo là bốn người khiêng kiệu long đình, các lễ sinh, ban nhạc lễ. Nhóm người này xuống một chiếc ghe lớn được trang hoàng cờ hoa rực rỡ, có bàn thờ sắc thần, trước bàn thờ để một con heo quay. Các ghe khác chở đoàn múa lân và các vạn chài. Đoàn rước tiến về cửa biển Định An, cách làng chài khoảng 2 km thì dừng lại. Người ta đốt thêm nhang đèn tiến hành lễ nghinh Ông. Vị chánh vạn đứng ra khấn vái thỉnh mời thủy tướng. Trong khi đó các lễ sinh dâng rượu và trầm hương, các đào thài hát theo nhạc điệu, trống phách của ban nhạc lễ. Nghi lễ cử hành xong, thuyền trở về đình. Hai bên bờ rạch các ghe lớn nhỏ đều treo đèn kết hoa đủ màu sắc. Khi thuyền rước Ông về đến đầu làng chài thì mọi nhà, thuyền ghe đồng loạt đốt pháo. Lệ này được chấm dứt khi đoàn rước đưa Ông an vị tại đình.

Ngày nay người dân ở Kinh Cùng vẫn duy trì lễ nghinh Ông theo lệ xưa. Đêm trước của lễ hội là nghi thức cúng cầu an. Tục này không bắt buộc mà tùy thuộc vào ban tổ chức lễ hội.

Ngày 21-3, từ 6-9 giờ sáng tổ chức lễ cúng và đưa “ngọc cốt” của Ông sang miếu thờ Bà. Lễ vật trong đám rước có heo làm sạch để nguyên con, xôi, trái cây, hoa tươi và nhang đèn, vàng mã…

Tế lễ xong, đúng giờ tốt, theo lệnh của chánh vạn, đoan người ra khơi nghinh Ông. Dẫn đầu đoàn rước gồm có ông chánh vạn, phó vạn, đoàn múa lân sư rồng, bốn người khiêng kiệu long đình là những chàng trai khỏe mạnh chưa vợ (trong kiệu gồm có ngọc cốt của Ông và các lễ vật), các lễ sinh mặc áo dài xanh, hai người mang cờ màu đỏ ở giữa thêu chữ Nam Hải màu vàng, hai người mang lọng màu đỏ, tám người cầm chấp kích và ban nhạc lễ. Đoàn rước tiến ra cửa sông để xuống một chiếc ghe riêng đã được chọn sẵn, gọi là ghe lễ. Chiếc ghe này phải là của gia chủ làm ăn phát đạt, không có vướng mắc những điều xấu. Trên ghe bày bàn thờ có sắc thần, hai bên là nhang đèn, trước bàn thờ bày heo quay nguyên con nằm ngửa, bên cạnh là một đĩa đầy đủ cả gan, lòng heo và các lễ vật khác như xôi nếp, trái cây, nước uống, rượu, nhang, đèn. Trên ghe chính bao giờ cũng có một trống cái để điều khiển các nghi lễ. Sau ghe lễ là các ghe chở đoàn múa lân sư rồng và các ngư dân trong vạn lạch. Trên các ghe này đều bày biện bàn thờ với các lễ vật tương tự như ghe lễ.

Lễ nghinh Ông ở xứ biển này còn gắn với những trò diễn dân gian liên quan đến tập tục của những người đi biển đó là chèo bả trạo. Trò diễn này thường do 4 cặp hoặc 6 cặp nam – nữ trình diễn. Họ là những người có chút ít năng khiếu nghệ thuật, dễ nhập thân tái hiện cảnh sinh hoạt làm ăn trên sông nước xoay quanh hình dạng một con thuyền tượng trưng, hoặc con thuyền được làm bằng khung tre lợp vải không có đáy. Nội dung trò diễn mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, biển cả, thần Nam Hải đã đem lại cho ngư dân những điều tốt đẹp. Và người ta cũng không quên tạ ơn và thỉnh các cô hồn nơi biển cả về cùng chung vui trong ngày lễ hội của làng biển bằng hình thức nghệ thuật chèo đưa linh. Âm nhạc sử dụng trong trò diễn cũng rất uyển chuyển. Nếu như chèo bả trạo âm nhạc mang tính chất vui tươi, hào hứng thì chèo đưa linh người chết âm nhạc có tính chất huyền bí, thánh thót, tang thương. Trò diễn chèo bả trạo tập hợp các động thái cầu cúng, diễn xướng, thực chất nó là một nghi lễ đặc sắc của lễ nghinh Ông.

So sánh các nghi thức cúng tế trong lễ hội nghinh Ông ở một số tỉnh ven biển Tây Nam Bộ cho thấy có nhiều điểm tương đồng. Điểm khác biệt không nhiều.

Trước nhất là về thời gian tổ chức lễ hội. Phần đông số lễ hội được chúng tôi khảo sát, thời gian tổ chức vào trung tuần từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch hàng năm (1). Một số địa phương khác lại tổ chức vào đầu năm từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch hàng năm (2). Việc tổ chức lễ hội nghinh Ông vào ngày rằm là khá phổ biến, bởi vì các ngư dân chỉ đánh bắt thủy sản vào những đêm trời không có trăng. Ngày rằm hàng tháng đánh bắt sản lượng không cao, ngư dân thường vào bờ, đó là thời điểm hợp lý để tổ chức lễ hội. Còn lễ hội nghinh Ông có tần số dày đặc hơn từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch là do khoảng thời gian này thời tiết biển diễn ra phức tạp, thường có dông bão rất nguy hiểm. Có lẽ do điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên như vậy nên khi cá voi lụy được sóng biển đánh dạt vào bờ nhiều hơn. Vào tháng 2, tháng 3 thì trời yên biển lặng, ngư dân ven biển ít gặp cá voi lụy trôi dạt vào bờ. Tập tục của các cư dân vùng biển, khi gặp cá voi chết, dân làng tổ chức đám tang theo nghi thức như một thành viên của cộng đồng. Thông thường ngày tổ chức lễ hội cũng chính là ngày các ngư dân gặp Ông lụy.

Thứ hai, do quan niệm cá Ông ăn cá nên vật cúng tế là đồ mặn gồm heo quay, heo sống để nguyên con cùng hương hoa trà rượu. Riêng ngư dân ở xã Bảo Thạnh (Ba Tri, Bến Tre) lại bày chiếc thủ heo làm lễ vật cúng tế Ông. Có nơi cúng gà, vịt và những vật phẩm mà nhân dân tự sản xuất ra. Lễ nghinh Ông ở vùng biển tỉnh Cà Mau còn có thủ tục chia vật hiến tế cho các thần linh. Ông chủ tế lật ngửa con vật hiến sinh, dùng dao hươ dọc, ngang tượng trưng trên thân con vật, biểu thị đang phân chia cho các thần linh. Nghi thức này được thực hiện ba lần để chia cho đủ, nếu không thì linh thần quở trách, làm ăn không khấm khá. Thủ tục này vừa mang ý nghĩa tâm linh nên được thực hiện rất cẩn trọng, vừa mang tính đời thường “ăn đồng chia đủ”, thật công bằng.

Thứ ba, trong lễ rước Ông ở Kinh Cùng vẫn còn bảo lưu trò diễn chèo bả trạo. Trong khi đó lễ nghinh Ông ở một số địa điểm ở tỉnh Bến Tre, Cà Mau lại không có trò diễn chèo bả trạo. Tập tục này khá phổ biến trong lễ nghinh Ông thuộc các tỉnh Trung Bộ. Phải chăng đây là một minh chứng về nguồn gốc của các cư dân ở Kinh Cùng di cư từ vùng biển Trung Bộ vào?

Thứ tư, trong diễn trình của lễ cúng Ông Nam Hải ở Kinh Cùng và các lễ hội cùng loại ở tỉnh Cà Mau không thấy tổ chức nghi thức túc yết. Trong khi đó lễ hội nghinh Ông ở Vàm Láng (Gò Công, Tiền Giang) và một số địa điểm thuộc tỉnh Bến Tre lại có nghi thức này. Nghi thức túc yết trong lễ hội Nghinh Ông khá đơn giản. Từ những ngày trước lễ mọi người dân trong vạn chài đóng góp tiền của để cúng Ông, nhiều hay ít là tùy tấm lòng của từng gia chủ mà không có một sự bắt buộc nào, và cũng không có sự phân biệt giữa người đóng tiền và không đóng tiền.

Thứ năm là sự khác nhau trong cách sắp xếp thứ tự của đoàn rước. Tại Kinh Cùng, đi đầu đoàn rước là ông chánh vạn và phó vạn, tiếp theo là nhóm múa lân sư rồng, kiệu long đình, các lễ sinh khiêng lễ vật… Một số nơi khác lại sắp xếp nhóm múa lân sư rồng đi trước, tiếp theo là ông chánh vạn và phó vạn, kiệu long đình và các thành viên khiêng lễ vật theo sau. Như vậy, vai trò của các yếu tố trong đám rước ít nhiều đã có những biến đổi theo quan niệm dân gian ở từng địa phương.

Lễ cúng tế tiên sư và cúng tế tiền vãng

Sau lễ nghinh Ông là lễ cúng tế tiên sư và cúng tế tiền vãng. Thời gian cúng tế của hai lễ này từ 9 giờ 30 đến 12 giờ 30. Lễ vật gồm có xôi (xôi trắng và xôi nhuộm màu đỏ hoặc tím), heo quay, bánh hỏi, rượu, hoa trái… Sau một hồi chiêng, một hồi trống ban nhạc lễ tấu nhạc, ông chánh vạn và phó vạn lau tay, mặt (quán tẩy) để thực hành các nghi lễ. Ông chánh vạn đến trước bàn thờ đốt nhang khấn nguyện, các lễ sinh dâng rượu, trà, bánh trái lên bàn thờ thần, đọc văn tế tiên sư và các vị tiền vãng. Văn tế có nội dung: mời các vị thần đến chứng lễ; ca ngợi công đức của thần, sau đó tỏ lòng tri ân của dân làng đối với thần và cầu xin thần bảo hộ cho thôn dân được yên vui thịnh vượng. Đọc văn tế xong, lễ sinh dâng một tuần rượu, một tuần trà lần hai rồi đốt văn tế cùng vàng mã.

Diễn trình của nghi thức này cơ bản giống như lễ tế tiền hiền, hậu hiền của lễ cúng Ông Nam Hải ở một số địa phương ven biển tỉnh Bình Thuận, TP. Vũng Tàu, Tiền Giang, Cà Mau. Điểm khác biệt ở đây chỉ là ngày tháng năm cúng tế, những người tham gia cúng tế và tên gọi của lễ thức.

Lễ chánh tế

Được tiến hành vào lúc 13 giờ 30. Lễ vật cúng tế có heo sống đã mổ thịt đặt nằm sấp trên bàn, các mâm xôi đủ màu, cùng hoa quả, bánh trái… Trong lễ này ban tổ chức chọn một người lớn tuổi, có đức độ, song toàn, được mọi người trong vạn lạch kính trọng làm nhiệm vụ khai mõ. Sau các nghi thức như củ soát lễ vật, tựu vị, chỉnh y, mở đầu buổi chánh lễ là nghi thức khai mõ, kế đến là khai chiêng và khai trống. Các nhạc khí này đều được đánh theo hồi, theo nhịp đã được quy định. Khi nghi thức khai trống dứt là ban nhạc lễ vào nhịp. Phần lễ tế bắt đầu. Lễ sinh dâng hoa, nến cho ông chánh vạn khấn vái cầu an cho dân làng. Sau đó ông thắp nhang lên bàn thờ. Tiếp theo là nghi thức dâng rượu, hương, trà, quả.

Nghi thức chánh tế trong lễ hội nghinh Ông ở xứ biển Kinh Cùng không có gì khác nhiều so với lễ hội cùng loại ở các địa phương khác. Điểm đáng lưu ý trong nghi thức này là thời gian cúng tế và vật tế lễ. Trong lễ hội nghinh Ông ở các địa phương: Vàm Láng (Tiền Giang), Thới Thuận, Tân Thủy (Bến Tre), Sông Đốc, Hòn Đá Bạc, Vàm Rạch Chèo (Cà Mau) và một số địa điểm khác ở ven biển Trung Bộ đều tổ chức lễ chánh tế vào 12 giờ đêm, lúc giao điểm giữa ngày cũ và ngày mới. Theo quan niệm xưa thì giờ này rất thanh tịnh, thích hợp với việc tổ chức lễ chánh. Tuy vậy, ở xứ biển Kinh Cùng lễ chánh tế lại tổ chức vào ban ngày (13 giờ 30). Theo giải thích của ban tổ chức thì lễ chánh tế trong lễ hội này nhiều năm trước vẫn tổ chức theo lệ xưa, những năm gần đây chuyển vào ban ngày là để các cư dân có điều kiện cùng tham dự lễ hội. Còn vật tế lễ, ngoài heo quay, gà, vịt, trà rượu, người ta cúng heo giết thịt để nguyên con, chứng tỏ con vật còn tươi sống. Nghi thức này còn gọi là lễ tỉnh sanh/ tĩnh sinh, chỉ có ở một số đình thờ tướng quân Nguyễn Phục (3), một trong những vị thần phù hộ người đi biển. Có lẽ trong ký ức dân gian của những ngư dân vùng ven biển vẫn còn lưu giữ tục này nên đã đồng nhất và cụ thể hóa ý nghĩa của nó trong lễ thức cúng cá Ông.

Trò chơi và nghệ thuật trình diễn trong lễ hội

Ngày hôm sau (22, 23-3), bà con vạn chài, các đoàn hội đem lễ vật đến cúng Ông và tham gia các trò chơi dân gian như: thi bắt vịt trên cạn, nấu cơm, đi cà kheo, đua thuyền trên cạn, thi chế biến các món ăn từ đặc sản thủy hoặc thi vá chài lưới, cũng có khi thêm một vài trò chơi hiện đại như bóng chuyền, bóng bàn… Buổi tối đầu tiên là nghi thức xây chầu. Trước khi xây chầu, các đào thài lạy trước điện thờ Ông Nam Hải. Người cầm chầu là ông chánh tế. Xây chầu có nguồn gốc từ quan niệm dịch lý của nho gia: “Thuận đạo trời, an đạo đất, hòa đạo người” (tam tài). Quan niệm này đã được dân gian hóa thành những lời ca cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng an khang thịnh vượng. Sau nghi lễ này là các vở diễn được dân vạn chài ưa thích như: Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Xử án Bàng Quý Phi, Phụng Nghi Đình, San Hậu thành. San Hậu thành được diễn vào đêm cuối của lễ hội. Tuồng này, hồi thứ ba có màn hoàng tử được dâng ấn kiếm lên ngôi vua và được các quan tôn vương, còn gọi là lễ tôn vương.

Nhìn chung, các trò chơi trong lễ hội nghinh Ông thường gắn với tập tục làm ăn sinh sống của những người đi biển. Nó mang ý nghĩa đề cao tính nghề nghiệp, đồng thời cũng là để người dân giải trí. Trong khi đó, xây chầu, đại bội, tôn vương lại có tính chất lễ nghi được nghệ thuật hóa. Cho nên các đào thài và người cầm chầu phải thực hiện rất cẩn trọng. Trong thực tế, những thủ tục này đã được giản lược đi, nhưng không phải thế mà mất đi tính quy phạm – linh thiêng của nó.

2. Kết luận

Theo thống kê của chúng tôi ở ĐBSCL có khoảng 15 địa điểm (lăng, dinh, miếu, đình) thờ cá Ông, trong đó có 9 di tích tổ chức lễ hội nghinh Ông với quy mô khá lớn (4) (lễ hội ở Kinh Cùng, Long Phú, Sóc Trăng nằm trong số này). So với lễ hội được diễn ra tại đình, miếu… loại hình lễ hội này không nhiều, nhưng nó phản ánh một tập tục tôn thờ sức mạnh siêu nhiên có từ thờ cổ sơ của loài người.

Xét trên phương diện cấu trúc, lễ hội cúng Ông Nam Hải ở Kinh Cùng cũng như ở các địa phương khác gồm có hai phần: một là các nghi lễ cúng tế (rước Ông, cúng tiên sư, cúng tiền vãng, chánh tế); hai là các trò chơi dân gian và xây chầu, đại bội, tôn vương.

Trong các nghi lễ cúng thần biển thì nghi lễ rước Ông Nam Hải là đặc sắc nhất. Trước tiên là không khí hồ hởi, náo nức của cộng đồng sông nước (gồm người dân địa phương và các vạn chài của địa phương khác) cùng tham gia lễ hội. Các lễ vật rước Ông bao gồm những sản phẩm sẵn có của địa phương như heo giết thịt để nguyên con, heo quay, xôi ngũ sắc, rồng phượng được kết bằng hoa trái… Nghi thức là một hệ thống hành vi đã được quy ước hóa, dân gian hóa theo một trình tự chặt chẽ từ việc lựa chọn các chàng trai khỏe mạnh, chưa vợ khiêng kiệu; hầu kiệu là các nữ sinh mặc áo dài xanh; khi làm lễ, lúc khởi kiệu hay xuống ghe, hoặc xin được keo đếu lấy chiêng, trống làm lệnh. Đoàn thuyền nối đuôi nhau hộ tống ghe lễ trở về bờ, hai bên bờ kênh rạch mọi nhà đều bày trí cờ hoa nhang đèn, lễ vật đón Ông. Nét đặc sắc trong lễ Nghinh Ông ở xứ biển Kinh Cùng còn có chèo bả trạo – một trò diễn đề cao những công việc làm ăn sinh sống hàng ngày. Ở phạm vi hẹp hơn đó là các nghi thức cúng tế trong điện thờ. Các nghi lễ ở đây đều có chiêng, trống kèm theo và các đào thài múa hát chúc tụng công lao của vị thần biển. Như vậy, xét ở phương diện tín ngưỡng, lễ rước Ông là một chuỗi hành động hội mang tính nghi lễ, gắn với nhân vật phụng thờ. Không chỉ có vậy, người dân làng biển còn biểu thị tấm lòng thành kính đối với các vị tiền nhân có công khai khẩn xây dựng cơ nghiệp, các vị quá cố có công xây dựng lăng thờ. Nhìn ở phương diện ứng xử, thái độ biết ơn đối với thế lực siêu nhiên của biển cả và các vị tiền nhân là một đạo lý “có trước, có sau” của các cư dân vạn chài.

Cũng như các lễ hội khác, người dân đến với lễ hội Nghinh Ông là để thỏa mãn nhu cầu về tâm linh và để xem, để chơi sau những ngày lao động vất vả. Các trò chơi ở đây thường mô phỏng, tái hiện những nét đặc trưng nghề nghiệp của những ngư dân sinh sống bằng biển (trò chơi mang tính nghề nghiệp), mặc dầu có đan xen cả trò chơi hiện đại nhưng không nhiều, đó cũng là tính thế tục trong diễn trình của lễ hội truyền thống. Nói đến lễ hội nghinh Ông không thể không nói đến xây chầu, đại bội, tôn vương. Nghi thức này được thực hiện theo một quy trình rất nghiêm ngặt từ cách ăn mặc của người diễn viên đến việc trang trí bàn thờ, trống chầu, việc hành lễ… Cử hành các nghi lễ này dù theo một hình thức nào cũng hàm nghĩa “cầu quốc thái dân an”, do vậy, nó có tính chất nghi lễ nhiều hơn là giải trí.

Lễ hội cúng Ông Nam Hải ở Kinh Cùng là kết tinh của văn minh sông nước theo dòng chảy Bắc – Nam. Theo chiều không gian, đó là sự ảnh hưởng của môi trường tự nhiên vùng, miền; quá trình tiếp nhận các yếu tố văn hóa bản địa và Việt hóa thành hệ giá trị riêng. Chiều này tạo ra sự đa dạng giữa các thành tố trong lễ hội. Theo chiều thời gian, lễ hội được các thế hệ kế thừa phát triển, thể hiện qua những nét tương đồng trong từng thành tố của nó. Điều kiện về thời gian – không gian ở trên đã tạo nên đặc trưng của lễ hội nghinh Ông, một lễ hội “nước” lớn nhất của các cư dân sinh sống ven biển từ Trung Bộ đến ĐBSCL.

_______________

1. Lễ hội nghinh Ông tại các địa phương: Vàm Láng (Gò Công, Tiền Giang) vào ngày 15-6; xã Thới Thuận (Bình Đại, Bến Tre) ngày 20-6; xã Thừa Đức (Bình Đại, Bến Tre) ngày 23-6; xã Tân Thủy (Ba Tri, Bến Tre) ngày 15, 16-6; lễ hội cúng biển Mỹ Long (Cầu Ngang, Trà Vinh) ngày 11, 12-5; thị xã Rạch Giá (Kiên Giang) ngày 5-5; Lại Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) ngày 15-5.

2. Lễ hội nghinh Ông ở thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) ngày 14, 15, 16-2; tại Kinh Cùng (xã Trung Bình, Long Phú, Sóc Trăng) ngày 21, 22, 23-3; tại ấp Phong Thoái (thị trấn Vũng Liêm) và ấp Lăng (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) ngày 15, 16-3.

3. Tướng quân Nguyễn Phục (thời Lê Nhân Tông, 1433). Ông chết vì nạn gươm đao, nên khi cúng tế có tục tỉnh sanh (cúng heo sống), ý không muốn nhắc lại cái chết đau lòng của ông.

             4. Vàm Láng (Gò Công, Tiền Giang); Bình Thắng (Bình Đại, Bến Tre); Phong Thoái (Vũng Liêm, Vĩnh Long) và xã Thanh Bình (Vũng Liêm, Vĩnh Long); Trung Bình (Long Phú, Sóc Trăng), Lạc Hòa (Vĩnh Châu, Sóc Trăng); Hiệp Thành (thị xã Bạc Liêu); Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau); Lai Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang).

Nguồn : Tạp chí VHNT số 298, tháng 4-2009

Tác giả : Nguyễn Xuân Hồng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *