Lựa chọn mô hình bảo tồn di sản – trường hợp chùa bổ đà

Bảo tồn di sản là vấn đề được bàn thảo khá nhiều trong những năm gần đây. Lựa chọn mô hình bảo tồn nào trước một di sản luôn là câu hỏi được đặt ra. Sự sống còn của các di sản phụ thuộc hoàn toàn vào cách thức lựa chọn mô hình quản lý. Khi bắt tay vào nghiên cứu di sản chùa Bổ Đà ở Bắc Giang, để hoạch định cho di sản này một mô hình quản lý, chúng tôi phải đứng trước khá nhiều vấn đề, chọn một mô hình quản lý theo hướng mô hình bảo tồn nguyên trạng, mô hình bảo tồn trên cơ sở kế thừa hay mô hình bảo tồn phát triển (còn gọi là mô hình quản lý di sản) ở đây. Quá trình bản thảo được đặt ra để tham vấn các nhà quản lý và đặc biệt là sự đồng thuận từ các tổ chức ở cộng đồng để quyết định mô hình cho Bổ Đà. Đây thực sự là một câu chuyện hữu ích và có nhiều nét tích cực để các nơi khác tham khảo.

Giá trị di sản ở chùa Bổ Đà

Chùa Bổ Đà thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa có tên là Quán Âm tự, còn có tên gọi khác là Tứ Ân tự. Quần thể di tích chùa Bổ Đà hiện nay gồm: Chùa cổ có tên là Bổ Đà Sơn (gọi tắt là chùa Bổ Đà, chùa Bổ; còn gọi là chùa Quán Âm), chùa chính Tứ Ân Tự; am Tam Đức. Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương – có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).

Chùa Bổ Đà là một trong những nơi còn lưu giữ nguyên bản những nét kiến trúc truyền thống của người Việt. Với kiểu kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại, chùa còn có vườn tháp lớn và đẹp nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán – Nôm phong phú.

Chùa thờ Tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam Tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), Khổng Tử… Chùa Bổ Đà được xây dựng từ thời nhà Lý (TK XI) khi Phật giáo đang trong giai đoạn thịnh trị. Nhưng sau quá trình lịch sử với chiến tranh liên miên, chùa bị phá hủy nặng nề. Đến thời Lê Dụ Tông (1705 – 1729) niên hiệu Bảo Thái, chùa mới được dựng lại và có hình hài như ngày nay.

Chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam theo dòng thiền Lâm Tế. Sáng lập bởi Thiền sư nổi tiếng của Trung Hoa có tên là Lâm Tế vào TK VIII. Thiền phái Lâm Tế được truyền bá vào Việt Nam được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu vào thời Trần, nhưng trong giai đoạn này thì không thấy xuất hiện ảnh hưởng, phải chờ tới TK XVII khi các thiền sư Trung Hoa tới Việt Nam một cách mạnh mẽ thì tông phái này được truyền bá rộng khắp cả Đàng trong lẫn Đàng ngoài.

Về tư tưởng, bộ kinh Phật tại chùa Bổ Đà mang tư tưởng lớn của hai dòng Phật giáo lớn nhất châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa. Trong đó, với gần 2000 ván khắc mộc bản của các bộ kinh như: Lăng nghiêm chính mạch, Yến ma hội bản, Nam hải ký quy… Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay còn rất sắc, rõ nét. Đặc biệt, bộ kinh gỗ này có nói đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là tứ diệu đế: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, những vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào về sự nhân đức, cõi vô vi… Bộ kinh cũng thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dòng Phật giáo Trúc Lâm Tam Tổ (1).

Nhìn từ góc độ quản lý di sản, cần chú ý đến 3 giá trị có tính then chốt sau: bắt đầu từ TK XVII, chùa Bổ Đà là trung tâm của thiền phái Lâm Tế. Trong suốt bốn thế kỷ qua, chùa đóng vai trò là học viện Phật giáo truyền thống. Bên cạnh đó, chùa cũng là một chi phái Lâm Tế trong hệ phái Lâm Tế của Phật giáo nhiều nước ở châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đây cũng là một thách thức lớn trong công tác quản lý di sản; chùa nằm ở vị trí có cảnh sắc thiên nhiên đẹp, gồm nhiều di tích phụ cận (đình, đền, làng cổ…) tạo thành quần thể di tích danh thắng phong phú. Bên cạnh đó hệ thống di tích chùa Bổ Đà còn nguyên vẹn, hệ thống ván khắc mộc bản còn khá nguyên bản bao gồm gần 2000 bộ mộc bản (3.617 mặt khắc). Nếu được quy hoạch sẽ là một tiềm năng kinh tế lớn cho địa phương nói riêng và huyện Việt Yên nói chung; chùa Bổ Đà nằm ở nơi khá tách biệt so với cộng đồng dân cư, các hoạt động du lịch hầu như chưa được khai thác, mới ở tình trạng tự phát. Chưa hề có sự can thiệp của các bên liên quan. Vì vậy, nhu cầu đòi hỏi thành lập một ban quản lý nhằm quản lý hoạt động của di tích và lễ hội được đặt ra hơn lúc nào hết; với những hiện trạng như vậy việc xây dựng một mô hình bảo tồn cho kho mộc bản nói riêng và quần thể di tích chùa Bổ Đà nói chung là công việc cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Lựa chọn một mô hình cho bảo tồn tại chùa Bổ Đà

Trong lĩnh vực quản lý di sản hiện nay, các nhà quản lý đưa ra 3 mô hình cho việc quản lý di sản đó là: Mô hình bảo tồn nguyên trạng, mô hình bảo tồn trên cơ sở kế thừa và mô hình bảo tồn phát triển (còn gọi là mô hình quản lý di sản) (2). Việc lựa chọn mô hình bảo tồn nào hiện nay không phải là một công việc dễ dàng. Để lựa chọn mô hình bảo tồn cho di sản chúng ta phải căn cứ trên những tiêu chí như: mục đích, nguồn lực, sản phẩm và các chiến lược bảo tồn. Bên cạnh đó, việc khảo sát lấy ý kiến từ các nhà quản lý địa phương cùng những người đang sở hữu di sản đó và người dân trên địa bàn là công việc quan trọng. Đây là công việc thương thảo đầy khó khăn cho việc lựa chọn mô hình quản lý đối với một di sản.

Khi thảo luận với chính quyền huyện, xã cùng với cộng đồng dân cư và sư trụ trì các quan điểm để bảo tồn di sản tại Bổ Đà, chúng tôi tập trung vào các vấn đề cụ thể như: với tổng thể di tích chùa hiện nay, chúng ta cần lấy mô hình bảo tồn nguyên trạng làm định hướng triển khai. Trước sự biến đổi nhanh chóng của xã hội, nhu cầu tâm linh, nhu cầu du lịch, các nhu cầu khác của người dân, bản thân quy mô chùa hiện tại khó có thể đáp ứng số người dân đến chùa. Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận việc mở rộng quy mô di tích, không gian nghi lễ là tất yếu. Trên nguyên tắc mở rộng ra phía ngoài chùa và hạn chế sự can thiệp vào các hạng mục di tích hiện tại; với di sản mộc bản, nên chọn lựa hình thức bảo tồn nguyên trạng, tìm kiếm nguồn lực để xây dựng hệ thống lưu giữ (như nhà trưng bày). Hạn chế tối đa sự can thiệp vào mộc bản. Tôn trọng giá trị độc đáo của di sản mộc bản, lấy giá trị độc đáo làm tương lai lâu dài cho di sản. Tránh tình trạng coi mộc bản là nguồn lợi để phát triển kinh tế, phải coi việc bảo tồn giá trị là trên hết và khả năng sinh lời ở mức độ hạn chế. Cần chọn lựa có chọn lọc khía cạnh nào để khai thác di sản.

Vậy, việc xây dựng mô hình quản lý di sản ở Bổ Đà đòi hỏi chúng ta không được áp dụng máy móc theo các mô hình mà các nhà quản lý di sản đưa ra. Theo các nội dung thảo luận ở trên, việc thống nhất lựa chọn mô hình quản lý di sản theo hướng nguyên trạng nhưng không hoàn toàn theo các nguyên tắc mà mô hình quản lý nguyên trạng đưa ra. Các nhà quản lý theo quan điểm bảo tồn nguyên trạng cho rằng, “những sản phẩm của quá khứ nên được bảo tồn nguyên vẹn như vốn có để tránh tình trạng thế hệ hiện tại làm méo mó, biến dạng di sản. Mỗi di sản chứa đựng những giá trị văn hóa, xã hội nhất định mà không phải lúc nào thế hệ hiện tại cũng có thể hiểu biết một cách cụ thể để phát huy những giá trị ấy một cách thích hợp. Không những thế, những tác động của ngày hôm nay sẽ tạo nên những lớp văn hóa khác không trùng nghĩa với lớp văn hóa mà thế hệ trước chuyển giao lại, vì thế có thể làm cho các thế hệ sau nữa không thể truy nguyên được những giá trị của di sản đang tồn tại” (3). Việc phân loại theo hai hạng mục là di tích chùa Bổ Đà và di sản mộc bản cho phép chúng ta linh động hơn trong việc lựa chọn mô hình cho từng hạng mục di sản.

Những nguyên tắc khi lựa chọn

Tập trung vào hạng mục di sản mộc bản, thực hiện nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản sau đây: bảo tồn nguyên trạng các giá trị hiện tại hệ thống mộc bản nói riêng; đảm bảo sự đồng thuận chính quyền sở tại, những người sở hữu trực tiếp di sản này (trụ trì và các tăng ni ở chùa Bổ Đà) và cộng đồng người dân xã Tiên Sơn huyện Việt Yên. Đặc biệt, vai trò của cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu; xây dựng các trang thiết bị cần thiết từ hệ thống văn bản, quy tắc cho đến các thiết chế liên quan như cơ sở hạ tầng, giao thông… mà không ảnh hưởng tới những di sản mộc bản đang lưu giữ; cần có kế hoạch cụ thể cho một lộ trình để vận hành di sản trong điều kiện thực tế.

Mục tiêu

Nhằm bảo tồn một cách hiệu quả nhất đối với việc bảo tồn di sản mộc bản nói riêng và quần thể di tích chùa Bổ Đà nói chung. Trong đó, làm nổi bật những giá trị cốt lõi của di sản như: giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tâm linh… Bảo tồn một cách nguyên trạng có chọn lọc những giá trị của mộc bản bên cạnh đó đưa ra những hoạt động với mục tiêu nhằm đưa di sản mộc bản vào đời sống cộng đồng.

Trên cơ sở kế thừa những giá trị của di sản để từ đó nhằm phát triển cộng đồng bằng cách khai thác những thế mạnh của di sản. Đặc biệt việc khai thác từ nguồn du lịch cộng đồng là giải quyết công ăn việc làm cho đại đa số người dân bản địa và góp phần nâng cao dân trí, giao lưu văn hóa.

Bên cạnh đó việc góp phần phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho cộng đồng dân cư, mục tiêu tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng như: lập các tour du lịch, sản phẩm từ ẩm thực, cơm chay hay các sản phẩm lưu niệm dựa trên cốt lõi là mộc bản cũng là mục tiêu trong quá trình xây dựng mô hình hoạt động đối với di sản.

Nội dung hoạt động

Hoạt động từ di tích: di sản mộc bản nằm trong một quần thể di tích chùa Bổ Đà. Vì vậy, trong thiết kế các nội dung hoạt động của mình, cần phải coi hoạt động của di tích luôn gắn liền với các hoạt động của di sản mộc bản. Trên tinh thần đó, việc đưa ra các hoạt động của di tích phải đảm bảo tính cố kết giữa hai loại hình di tích và di sản. Trên cơ sở đó chúng tôi đề xuất các nội dung hoạt động của di tích như sau: nghiên cứu lên kế hoạch xây dựng các tour cho các đơn vị du lịch tổ chức tham quan. Đặc biệt chú trọng đến các ngày lễ tổ lớn của chùa, ngày Phật đản, ngày rằm, mồng một…; xây dựng các tour du lịch hàng ngày, trải nghiệm, tour du lịch liên quan đến nghiên cứu Phật giáo, du lịch thiền…; mở các lớp tu tập cho tín đồ, tăng đồ của các giáo phái cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chú ý tới vai trò chùa Bổ Đà vốn là sơn môn thiền phái Lâm Tế nơi đào tạo các tăng ni trước đây để nhằm phục hồi chức năng này cho phát triển hoạt động tâm linh; các hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, cơm chay cũng là những sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo. Và cần coi đây là những sản phẩm hàng hóa đặc trưng.

Hoạt động từ mộc bản: trong lịch sử, chùa Bổ Đà vừa là nơi tu tập, đào tạo tăng sĩ khắp cả nước vừa là nơi in ấn, xuất bản tư liệu của Phật học phục vụ mục đích giảng dạy, học tập. Hệ thống ván khắc mộc bản chính là các sách truyền dạy đạo Phật tại chùa Bổ Đà trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, các giá trị của mộc bản mà chúng tôi đã đề cập còn rất nhiều vấn đề cần lưu trữ để nghiên cứu nên chọn mô hình bảo tồn nguyên vẹn đối với di sản mộc bản là tối ưu cho loại hình này.

Thống nhất chọn mô hình bảo tồn nguyện vẹn cho mộc bản nhưng làm thế nào để cho sản phẩm này được sống trong cộng đồng, để thành những sản phẩm du lịch mang lại lợi nhuận cho cộng đồng, cho chính quyền địa phương. Trả lời câu hỏi này không phải là công việc dễ dàng, sau khi thảo luận, lấy ý kiến chúng tôi đã lựa chọn đưa ra những sản phẩm sau đây: lên kế hoạch thiết kế kho lưu trữ mộc bản; đưa ra cả hai phương án lưu trữ theo phương thức truyền thống như nhà gỗ, trình tường; lưu trữ theo phương thức hiện đại như dùng máy móc để đảm bảo không mối, mọt, ẩm mốc; tiến hành dịch, biên tập, chú giải, số hóa đưa vào hệ thống thư viện điện tử và xây dựng hệ thống tra cứu; khôi phục lại quá trình làm các ván khắc, làm các tiêu bản để phục vụ hoạt động du lịch, tìm hiểu trải nghiệm dập mộc bản; tổ chức xuất bản sách và mộc bản theo các chủ đề khác nhau; xây dựng trưng bày các sản phẩm từ mộc bản theo chủ đề; làm các tiêu bản mộc bản thu nhỏ làm đồ souvenir dùng để bán, làm quà tặng.

Phương án tổ chức thực hiện

Để hệ thống di tích chùa Bổ Đà và di sản mộc bản hoạt động một cách có hiệu quả cần tiến hành lập Ban quản lý di tích. Hiện tại, huyện Việt Yên có tới 20 di tích cấp quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh, dù vậy huyện vẫn chưa có một ban quản lý di tích để quản lý các hoạt động của di tích trên địa bàn huyện. Mong muốn của UBND huyện Việt Yên là cần có một ban quản lý di tích trên địa bàn huyện. Đây là mong muốn thiết thực và chính đáng nhằm quản lý hoạt động của các di tích được hiệu quả hơn. Vì vậy, trong xây dựng mô hình lần này chúng tôi đề xuất việc thành lập ban quản lý di tích trực thuộc sự quản lý của UBND huyện Việt Yên.

Ban quản lý di tích là đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện Việt Yên, chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp, toàn diện của UBND; chịu sự lãnh đạo và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang, phòng VHTT huyện Việt Yên. Trong đó, tại các di tích trọng điểm như chùa Bổ Đà, chùa Sùng Nghiêm, đình Thổ Hà… cần thành lập ban quản lý di tích cấp xã trực thuộc ban quản lý di tích cấp huyện.

Với ban quản lý di tích chùa Bổ Đà, vấn đề nhân sự quản lý và nội dung hoạt động của ban quản lý cũng là vấn đề cấp bách mà các nhà quản lý địa phương, sư trụ trì và người dân sở tại đặt ra.

Nội dung hoạt động ban quản lý di tích phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo quy chế hoạt động: quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tổ chức và quản lý các hoạt động về du lịch và các dịch vụ tại khu di tích; xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về bảo tồn, phát triển, bảo tồn, quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu nhằm phát huy các giá trị văn hóa theo quy định của nhà nước, tỉnh quản lý, giám sát việc kiểm kê, bảo quản, tu bổ và tôn tạo di tích; chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan trong việc tổ chức lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

Từ những nội dung này việc phân định thẩm quyền của các bên cũng cần phải rõ ràng. Quyền của các bên đến đâu trong việc quản lý các hoạt động của di sản. Thảo luận về phân vùng hoạt động của các bên liên quan được thống nhất như sau: các hoạt động nghi lễ, thờ tự phía trong chùa trách nhiệm thuộc về sự điều hành trực tiếp của sư trụ trì và các tăng ni trong chùa. Các hoạt động này phải đảm bảo đúng những quy định về tôn giáo, tín ngưỡng; các hoạt động quản lý di tích, vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hoạt động nhà truyền thống… (tạm gọi là phía ngoài chùa). Do ban quản lý di tích điều hành dựa trên những quy định cụ thể mà ban quản lý cùng thống nhất; nguồn kinh phí thu được từ công đức, tài trợ, nguồn dịch vụ… cần minh bạch và phân vùng thu chi cụ thể; sau khi tổ chức bộ máy, tổ chức nội dung hoạt động cần thiết lập cơ sở pháp lý, phê duyệt thẩm quyền cho ban quản lý di tích. Ban quản lý di tích cần tổ các hoạt động mẫu triển khai với sự điều hành của UBND huyện có sự phối hợp giúp đỡ của các ban ngành liên quan. Bên cạnh đó quá trình vận hành thử cần thực hiện “giám sát và đánh giá trên các lĩnh vực: tác động môi trường, tác động về kinh tế, tác động văn hóa và tác động xã hội”(4) để từ đó có điều chỉnh và vận hành trên thực tế.

Xây dựng một mô hình quản lý di sản theo hướng phát triển là một công việc không dễ dàng, thậm chí có những di sản đặt trước câu hỏi liệu có cần thiết hay không một mô hình quản lý cho một di sản nào đó. Tuy nhiên, với hệ thống di tích và hệ thống di sản mộc bản có những giá trị lớn về lịch sử, tôn giáo, văn hóa… như ở chùa Bổ Đà thì cần thiết phải có một mô hình quản lý giúp cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của di sản trong bối cảnh hiện nay.

Trước sự phát triển ồ ạt của hoạt động du lịch, hoạt động tâm linh. Ngoài việc bảo tồn các di sản này như thế nào cũng cần phải đặt di sản trong những hoạt động kinh tế. Coi di sản là những nguồn lực kinh tế quan trọng tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương và công ăn việc làm cho người dân sở tại.

Tham vấn chính quyền địa phương, sư trụ trì và cồng đồng địa phương để xây dựng một mô hình quản lý di sản tại chùa Bổ Đà hiện nay là một công việc cần thiết và là mong muốn của tất cả các bên. Việc lựa chọn mô hình quản lý di sản theo hướng bảo tồn nguyên trạng cho di sản mộc bản ở chùa Bổ Đà là một lựa chọn khoa học và nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan (5).

_______________

1. Đỗ Thị Thu Huyền, Mộc bản chùa Bổ Đà trong bối cảnh lịch sử Phật giáo Việt Nam, tham luận tại hội thảo Giá trị các mặt của di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang, tr.108.

2, 3. Bùi Hoài Sơn, Thuật ngữ di sản (quản lý), trong 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2008, tr.79 – 82, 80.

4. Lương Hồng Quang, Mô hình quản lý di sản gắn với phát triển du lịch, tham luận hội thảo Giá trị mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà gắn với phát triển bền vững, Bắc Giang, 2016.

5. Bài viết thuộc Đề tài độc lập cấp nhà nước: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang. Mã số 10/15-ĐTDL.XH-XHTN.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : CAO TRUNG VINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *