Lý trần quỳnh giang, độc thoại cùng thời gian


LTS: Tháng 5-2007, Lý Trần Quỳnh Giang được Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức triển lãm cá nhân mang tên chị: Giang. Có lẽ đây là lần đầu tiên, một triển lãm bản khắc gỗ (chứ không phải là tranh in từ bản gỗ khắc và được đánh số thứ tự) cá nhân được giới thiệu và gây ra sự chú ý lớn trong giới mỹ thuật, đặc biệt tác giả là một nữ nghệ sĩ trẻ (sinh năm 1978).

Ngay từ những bức tranh sơn dầu đầu tiên khi còn là sinh viên, Giang được giới mỹ thuật chú ý vì sự khác biệt: hầu hết nhân vật trong tranh đều mang gương mặt của chính tác giả, một chút trễ nải, một chút khắc nghiệt, một chút kiêu hãnh và hết sức cô độc. Khi bắt nhịp sang khắc gỗ, Giang tiếp tục dòng chảy cảm xúc ấy nhưng mạnh mẽ và cuốn hút hơn. Bản khắc gỗ đôi khi được chị nhấn mạnh bằng việc cuốn những vòng vải trắng, đem lại cho sáng tác một khả năng kích thích thị giác và suy luận về nội dung nghệ thuật của người xem.

Nghệ thuật của Giang cho thấy chị đã phả vào trong đó cái tôi cá nhân nguyên bản, chính vì thế nó có khẳ năng chuyển hóa thành một cái tôi xã hội, trở thành một tiếng nói nhất định về tâm trạng xã hội của những người trẻ cùng thế hệ.

Năm 2004, tại cuộc thi Ánh mắt trẻ lần thứ tư dành cho các nghệ sĩ tạo hình trẻ Việt Nam do ĐSQ Pháp tổ chức với sự phối hợp của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Lý Trần Quỳnh Giang đoạt giải nhất bởi bộ tranh khắc gỗ bản độc đáo, kỳ lạ. Đó là bộ ba tác phẩm có tên gọi: Tôi, những cái cây, buồn, tất cả được khắc trên gỗ bản kích thước 100 x100 cm.

Bộ tranh rất đẹp với một trí tưởng tượng khác thường; nơi con người như lẫn vào cây cối, hóa thân vào cây cối, hay ngược lại, cây cối hóa thân thành hình người. Cây cũng có mắt, có chi , có cành, có áo khoác bằng những tán lá buông rủ mềm mại. Mắt gỗ đẹp và tròn như mắt người, chi cành khúc khuỷu như chân tay, vân gỗ như mạch máu, hồn cây như hồn người. Tất cả đan quyện vào nhau, hòa lẫn vào nhau, không có gì phân biệt. Chỉ có sự tĩnh lặng và một nỗi buồn cô đơn, xao xác. Có lần Giang đã nói, chị rất yêu thiên nhiên, khát khao thiên nhiên, mơ ước được sống giữa cỏ cây hoa lá, và đặc biệt thích những nơi êm đềm, vắng vẻ.

Điều nổi bật ở nghệ thuật của Lý Trần Quỳnh Giang chính là sự mới mẻ, táo bạo về quan niệm nghệ thuật cũng như cá tính nghệ thuật rất riêng biệt. Bức Tôi (100 x 100 cm, gỗ bản, 2004) có thể được coi như một lời tuyên ngôn của chị về nghệ thuật cá nhân. Chị vẽ chính mình, khỏa thân trần trụi, trực diện, trên nền một cánh rừng và bên dưới là một đống mắt lá rừng tựa như những con mắt của xã hội xung quanh. Song Giang vẫn đứng thẳng, tự tin, dang rộng hai tay như một sự bộc lộ hoàn toàn cái tôi bên trong, và cũng như muốn khẳng định cái tôi, cái con người cá nhân của mình. Hình tượng này gây ấn tượng mạnh, tương phản và ngược hẳn với quan niệm về khắc gỗ truyền thống trước đây của Việt Nam vốn nặng tính trang trí tả kể, hướng cái nhìn ra bên ngoài với các chủ đề quen thuộc thông thường như phong cảnh, tĩnh vật, chợ quê, lễ hội dân gian truyền thống…

Có thể nói, Lý Trần Quỳnh Giang là một trong những người tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh vực tranh in khắc gỗ hiện đại ở Việt Nam. Trong khi nghệ thuật này lâu nay ít thay đổi, hoặc nếu có thì thay đổi khá chậm chạp, ngôn ngữ phần nhiều nệ thực, nệ cổ, hoặc trang trí ước lệ thuần túy và chủ yếu quay về với tinh thần dân gian, làng quê là chính… thì nghệ thuật của Lý Trần Quỳnh Giang lại mang đến một tinh thần mới lạ, khác hẳn. Ngôn ngữ nghệ thuật của Giang là ngôn ngữ biểu hiện pha các yếu tố siêu thực, tượng trưng. Đồng thời Giang bước hẳn sang một chủ đề nội dung khác: thể hiện chính mình, thể hiện cái tôi, cái cá nhân cô đơn, cái bản năng hiện sinh trong đời sống đương đại.

Một trong những chủ đề quan trọng đáng kể mà Giang đề cập tới trong sáng tác có tên gọi Những cành mệt mỏi. Đó là một serie tác phẩm khắc và vẽ trên các phiến gỗ dài tựa như hình người được che kín hoặc băng bó, quấn vải ở phần giữa, chỉ còn hở hai đầu, nơi được khắc họa một cách tượng trưng những khuôn mặt và những đôi bàn chân xương xẩu, ủ rũ, mệt mỏi. Thiên nhiên mệt mỏi, con người mệt mỏi, hay cả hai đều mệt mỏi, bải hoải trong thế giới này?

Hình tượng “người – cây” trong các tác phẩm của Lý Trần Quỳnh Giang thường khắc khoải, ủ rũ, chịu nhiều thương tổn. Nhiều khi chúng bị đứt rời thành các bộ phận của cơ thể và chia lìa trên các phiến gỗ. Sau đó các phiến gỗ được chị sắp xếp lại, liên kết thành hàng, thành serie với nhau, tạo nên một loạt khuôn mặt, bộ ngực, những tay chân rời rã, trần trụi, lộ lên từng đường gân, thớ thịt. Tất cả được khắc họa bằng một ngôn ngữ biểu cảm mạnh mẽ, và chỉ bằng hai màu đen – trắng tương phản quyết liệt. Những hình tượng này được lặp đi lặp lại, có sức ám ảnh ghê gớm, day dứt. Cảm giác thương vong, đau đớn, vật vã giữa sự sống và cái chết lan tỏa khắp nơi. Và ta tự hỏi cái gì khiến cho “người – cây” đau đến mức như vậy?

Có thể thấy ngôn ngữ nghệ thuật của Lý Trần Quỳnh Giang là ngôn ngữ biểu hiện. Chị lựa chọn cho mình con đường của chủ nghĩa biểu hiện và muốn đưa nó vào nghệ thuật khắc gỗ bản bằng cách truyền trực tiếp xúc cảm, tâm trạng của mình vào các bản khắc, vào từng nét vẽ, đường viền, vào từng vệt dao soi gỗ khi dầy khi mỏng, khi sâu khi nông, khi mềm mại, khi dữ dội. Chị thực hiện công việc một cách tỉ mỉ, cẩn trọng, một lao động sáng tạo miệt mài, nghiêm túc, song đầy say sưa, ngẫu hứng. Các tác phẩm của Giang bộc lộ một khả năng tạo hình tuyệt vời, chỉ đen – trắng, và một nội lực sáng tạo mạnh mẽ từ bên trong. Nếu để ý, ta sẽ thấy các hình hài, vệt khắc, nét bút trên tác phẩm của Giang luôn động đậy, chuyển động, sống động, có khi quằn quại, cào cấu, lẫn vào các thớ gỗ như đường gân thớ thịt, chân lông sợi tóc. Đó là sức mạnh của nghệ thuật biểu hiện. Nó không bình ổn, đều đặn, tinh xảo, thậm chí là trơ lì như trong trường hợp của nghệ thuật khắc gỗ truyền thống, cái mà đôi khi còn bị coi là sự khéo tay mỹ nghệ thuần túy.

Ở sáng tác của Lý Trần Quỳnh Giang ta còn thấy thường xuyên xuất hiện những motip bàn tay, bàn chân gầy guộc chìa ra ở đủ các tư thế; những con mắt sâu trũng lờ đờ thiếu ngủ; những cái nhìn lo âu, suy tư hoặc hoảng hốt; những đám đông mệt mỏi thân phận “một bọn” như nhau. Những ống truyền, “dây chằng”, “tiểu đường” … nhằng nhịt rơi vãi tự do khắp nơi. Sự xuất hiện của những motip này không phải là vô cớ. Dường như trong con người, ngoài đôi mắt và khuôn mặt ra thì bàn tay, bàn chân là những bộ phận biểu cảm, nói lên nhiều thứ. Chúng có thể hé lộ về sức khỏe, tâm trạng, tuổi tác, tình cảm, tinh thần của con người, cho đến mách bảo về nghề nghiệp, tố chất, số phận, thậm chí cả đến những tham vọng và ước muốn thầm kín nào đó của họ. Có lẽ, khó mà che giấu điều gì. Rất có thể vì vậy mà Giang hay để ý đến tay chân, thích vẽ tay chân và những con mắt, nơi sức mạnh biểu hiện tập trung tuyệt đối và căng thẳng. Tuy nhiên, Giang chỉ hay vẽ mình. Chị vẽ nhiều chân dung tự họa, vẽ cuộc sống và tâm trạng hàng ngày của chính mình. Rút mình ra mà vẽ. Gặm nhấm thân xác và sự tồn tại của mình mà vẽ. Vẽ những lúc ốm đau, mệt mỏi như Những cành mệt mỏi. Vẽ những lúc thâu đêm mất ngủ, và cả những lúc ngủ miên man như Mùa ngủ. Những lúc ngồi buồn thì cũng có thể vẽ chân, vẽ tay. Vẽ theo bản năng. Nằm hay ngồi thì vẫn nhìn thấy chân tay của mình là nhiều nhất, quen thuộc nhất, dễ vẽ nhất, thích thú nhất.

Sự vẽ của Giang không chỉ dừng ở các chân dung tự họa bên ngoài, mà nó còn thoát ra từ đời sống nội tâm bên trong, từ sự tưởng tượng, và có lẽ cả những ám ảnh lúc ốm đau, ám ảnh về sự sống và cái chết tạo nên những biến thái có phần hoang tưởng, ảo giác, siêu thực như ở các tác phẩm Mẹ bơi trong nước, Ốm, Hoa sưa, Đám đông, Cafe, Tiểu đường… Nơi đó, con người có thể mang hình hài cá, có thể có khuôn mặt và đôi mắt tựa cú đêm, có thể có cái đầu giống như các chai nước truyền lăn lóc trong bệnh viện, miệng mút chặt lấy ống truyền để tìm sự sống…

Bên cạnh mảng tranh khắc gỗ bản được coi là phần chính trong nghệ thuật của Lý Trần Quỳnh Giang thì vẽ sơn dầu cũng là một phần không thể thiếu được trong đời sống sáng tác của chị. Giang vẽ rất nhiều tranh sơn dầu với một phong cách biểu hiện nhất quán, riêng biệt.

Ở tranh sơn dầu, Giang cũng chủ yếu vẽ mình, hoặc lấy mình làm cái cớ để vẽ. “Nhân vật” của chị thường cô đơn, suy tư, đôi khi hút thuốc, khỏa thân hoặc chơi vĩ cầm. Khi khỏa thân thì khỏa thân đến trơ trụi, cùng cực, nhục cảm, cô quạnh. Có lúc lại trốn sâu vào mình, thụt sâu vào quần áo vỏ bọc như một “chú rùa” chỉ để hở chân tay, khuôn mặt và đôi con mắt đau đáu. Giang có thể vẽ một người, hai người, hay ba người trên cùng một tranh, thì cũng vẫn là vậy, không quan trọng lắm, vẫn chỉ là vẽ mình ở những khoảnh khắc tâm trạng khác nhau, không gian- thời gian khác nhau. Mùa đông rồi đến mùa hè, sáng sớm đến chiều muộn, một mình rồi vô đề… Vẽ bâng quơ để xả stress, để giải tỏa những ẩn ức nội tâm, để thỏa những khát vọng vẽ hay thỏa một thoáng thẩm mỹ cá nhân bất chợt. Sự giải tỏa này ùa ra thành các nhát vẽ to bản, cộm màu, ào ạt, phóng khoáng, xung động. Một lối vẽ trực tiếp, nhanh, mạnh, bản năng, truyền cảm. Đôi khi chị cũng vẽ bạn bè, nhưng không nhiều. Giang có một bảng màu trầm, buồn, lặng lẽ, bí ẩn và cuốn hút. Chị hay dùng các gam màu rêu, nâu, đen, một chút vàng đất, hoặc thêm một chút da cam, hoặc thêm một đốm đỏ chập chờn của đầu thuốc lá chẳng hạn. Ngoài ra, chị cũng ưa vẽ các gam trắng, blue, ghi xám, trong trẻo, sang lạnh và tinh tế.

Nghệ thuật của Lý Trần Quỳnh Giang là cuộc độc thoại bất tận của chị cùng thời gian, là đời sống hiện sinh từng ngày, từng giờ của một con người, một thân phận. Một số tác phẩm sắp đặt – khắc gỗ bản của chị tác động lên tâm thức người xem, đặt ra cho mỗi chúng ta muôn vàn câu hỏi về đời sống nhân sinh, môi sinh, về sinh tồn, sự sống và cái chết, cũng như nhiều vấn đề khác nữa của thế giới đương đại toàn cầu.

Trong nền mỹ thuật Việt Nam còn nhan nhản bức tranh trang trí màu mè mang tính dân gian – ước lệ với những niềm vui đồng dao có phần dễ dãi; nhan nhản cái nhìn hướng ra bên ngoài và tả thực theo con mắt thị giác nông cạn hơn là những cái nhìn thật sâu vào bản thể bên trong và vẽ theo hiện thực tâm tưởng; nhan nhản tinh thần lạc quan tập thể hơn là sự hoài nghi, bi quan cá nhân… thì sự xuất hiện của Lý Trần Quỳnh Giang quả là một hiện tượng đặc biệt. Nghệ thuật của chị mang tính chủ quan cá nhân, là sự vượt rào sang hẳn bờ kia của quan niệm truyền thống, là cái nhìn và thái độ đối cực với cái nhìn và thái độ thẩm mỹ truyền thống, là sự tự do bày tỏ con người cá nhân một cách triệt để, chân thực và dũng cảm.

Rất có thể vì vậy mà Lý Trần Quỳnh Giang trở thành một trong những đại diện hiếm hoi của xu hướng nghệ thuật tân biểu hiện ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chị cũng là một trong những khuôn mặt nghệ sĩ trẻ tiền phong tiêu biểu của nghệ thuật đương đại Việt Nam hôm nay.

 

Thông tin thêm về nghệ sĩ:

 

Cho đến nay, chị là tác giả của 3 triển lãm cá nhân Buổi nhiệt đới (2002), Chiều thức dậy (2004) và Giang (2007). Triển lãm cá nhân lần thứ tư của chị đang được chuẩn bị về mặt tác phẩm, vẫn là các bản khắc gỗ độc đáo, do gallerry Art Việt Nam (số 7 – Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội) hỗ trợ và trưng bày vào đầu năm 2010. Tác phẩm tranh sơn dầu của chị được chọn giới thiệu trong tour triển lãm vòng qua 10 trường đại học khắp nước Mỹ về nghệ thuật của một số nữ nghệ sĩ mỹ thuật Việt Nam mang tên Bản diện đổi thay (Changing Identity, năm 2003-2005) do bà Nora A.Taylor làm giám tuyển với sự tài trợ của Quỹ Ford. Trong chương trình này, các nghệ sĩ được mời tham gia vào nhiều hoạt động cộng đồng như thảo luận, đối thoại với sinh viên Mỹ về nghệ thuật và đời sống văn hóa xã hội ở Việt Nam.

 


Nguồn : Tạp chí VHNT số 304, tháng 10-2009

Tác giả : Bùi Như Hương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *