Phát triển bền vững đã và đang là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Triết lý phát triển bền vững ngày nay chính là triết lý phát triển hài hòa giữa con người và tự nhiên, gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế, chính trị , xã hội và môi trường. Đây cũng chính là tất yếu khách quan, là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang hướng tới trên con đường đổi mới và phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ việc tìm hiểm quan điểm của triết học Mác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, tác giả luận giải một số vấn đề về phát triển bền vững hiện nay.
1. Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên
Con người là một thực thể tự nhiên – xã hội
Con người, trong quan niệm của triết học Mác là một thực thể tự nhiên tồn tại trong mối liên hệ và tác động qua lại khăng khít với các vật thể tự nhiên khác. Con người tồn tại là một sinh vật sống, với những đặc tính vốn có của loài, có các hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu sống của mình và trong quá trình đó, con người cũng chịu tác động của môi trường xung quanh (bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường giữa con người với con người). C.Mác viết: “Con người là thực thể nhục thể, có những lực lượng tự nhiên, sinh động, hiện thực, cảm tính, đối tượng hóa, điều đó có nghĩa là con người có những đối tượng hiện thực, cảm tính làm đối tượng của bản chất của mình, của biểu đời sống của mình, hoặc con người chỉ có thể biểu hiện đời sống của mình dựa trên những đối tượng hiện thực, cảm tính. Có tính chất đối tượng, tự nhiên, cảm tính, điều đó cũng tức là có đối tượng tự nhiên, cảm giác ở bên ngoài mình hoặc bản thân mình là đối tượng, tự nhiên, cảm giác đối với một thực thể thứ ba nào đó” (1).
Hơn thế nữa, khi xem xét mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Mác luôn đặt con người trong mối quan hệ với tự nhiên thông qua lao động, sản xuất. Bởi, con người được sinh ra từ tự nhiên, thông qua quá trình tiến hóa từ vượn thành người, cho nên, con người cũng chính là một bộ phận của tự nhiên. Nhưng, con người không chỉ dừng lại là thực thể tự nhiên, mà điểm khác biệt khiến con người vượt xa các loài động vật khác ở chỗ, bộ não của con người hoạt động có ý thức, khiến con người trở thành một thực thể mang tính người riêng biệt. C.Mác nhấn mạnh: “Con người không phải chỉ là thực thể tự nhiên, nó là thực thể tự nhiên có tính chất người, tức là thực thể tồn tại cho bản thân mình và do đó là thực thể loài. Nó phải biểu hiện và tự khẳng định như là thực thể loài tồn tại của nó cũng như trong tri thức của nó” (2).
Chính trong hoạt động lao động, sản xuất, con người đã biểu hiện tính đặc thù của mình, đó là tác động tác động vào tự nhiên một cách có ý thức, biến tự nhiên tồn tại khách quan chuyển hóa vào lao động của con người. C.Mác cho rằng, “đối với con người thì ruộng đất tồn tại chỉ nhờ có lao động, canh tác. Do đó, bản chất khách quan của của cải đã chuyển vào lao động” (3). Cho nên, có thể nói, lịch sử nhân loại cũng bắt đầu chính từ hoạt động sản xuất vật chất của con người.
Nhưng, sự khác nhau căn bản giữa con người và con vật là ở chỗ, con vật thích nghi với tự nhiên, với các điều kiện tồn tại của nó, còn con người biết cải tạo tự nhiên cho phù hợp với mục đích mà họ đặt ra. Và chính lao động có ý thức giúp con người tạo ra được sự khác biệt đó. Các ông cho rằng: “Con người càng cách xa con vật, hiểu theo nghĩa hẹp của từ này bao nhiêu thì con người lại càng tự mình làm ra lịch sử của mình một cách có ý thức bấy nhiêu; ảnh hưởng của những hậu quả không dự kiến trước, của những lực lượng không kiểm soát được, đối với lịch sử đó, lại càng ít đi bấy nhiêu thì kết quả lịch sử lại càng phù hợp một cách chính xác hơn bấy nhiêu với mục đích đã xác định trước” (4).
Trong mối quan hệ xã hội giữa người với người, chính hai mặt tự nhiên và xã hội cùng tồn tại làm nên điểm khác biệt của con người so với các loài động vật khác. Hai mặt đó không tồn tại riêng biệt, tách rời nhau, mà chúng thống nhất với nhau. Con người nếu tách ra khỏi tự nhiên, hay xã hội thì đều không thể tồn tại đúng là con người được. Ngay đến bản chất tự nhiên của con người cũng chỉ có thể bộc lộ ra khi họ sống trong một môi trường xã hội, thực hiện các hoạt động giao tiếp xã hội. Điều này được nhà triết học Mác khẳng định: “Bản chất con người tự nhiên chỉ tồn tại đối với con người xã hội; vì chỉ có trong xã hội, tự nhiên đối với con người mới là một cái khâu liên hệ con người với con người, mới là tồn tại của con người đối với người khác và tồn tại của người khác đối với người đó mới là nhân tố sinh hoạt của hiện thực con người; chỉ có trong xã hội, tự nhiên mới biểu hiện ra là cơ sở của tồn tại có tính chất người của bản thân con người” (5). Như vậy, ngay cả mặt tự nhiên của con người cũng tồn tại trong xã hội và được thể hiện ngay trong chính hoạt động xã hội của con người.
Tác động qua lại giữa con người và tự nhiên
Con người xuất hiện là sự trải qua quá trình tiến hóa lâu dài. Trong quá trình đó, lao động xuất hiện để phục vụ con người từ những nhu cầu đầu tiên, đơn giản về vật chất cho đến các nhu cầu về tinh thần, xã hội khác. Như vậy, chính thông qua lao động mà bản năng của con người đã được cải tạo dần, cùng với đó, ý thức cũng ngày càng hoàn thiện hơn.
Triết học Mác đã nghiên cứu bản chất của con người trong chính hoạt động xã hội của họ. Từ đó, các ông chỉ ra rằng, con vật tự đồng nhất nó một cách trực tiếp với hoạt động sinh sống của nó, không phân biệt nó với hoạt động sinh sống của nó; còn con người biết biến bản thân hoạt động sinh sống của mình thành thành đối tượng của ý thức của mình. Con người tồn tại hiện thực với phương thức hoạt động đặc thù, đó là hoạt động lao động, sản xuất. Nhờ sự chuyển giao giữa các thế hệ như vậy, mà con người đã hình thành nên những mối liên hệ “lịch sử loài người”. Như C.Mác phân tích: “xã hội… là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người” và “lịch sử của xã hội con người luôn chỉ là lịch sử cho sự phát triển của cá nhân của những con người” (6).
Mùa hồng chín Đà Lạt – Ảnh: Hà Hữu Nết
Con người là “tổng hòa các quan hệ xã hội”, nhưng con người không phải là một hệ thống khép kín, mà con người có vai trò tích cực trong tiến trình lịch sử với tư cách là chủ thể sáng tạo. Chính thông qua quá trình thực hiện vai trò sáng tạo của mình, bản chất của con người được thể hiện ra và thường xuyên có sự vận động, phát triển cùng sự vận động, phát triển của xã hội. C.Mác nhấn mạnh: “tính chất xã hội là cái vốn có của toàn bộ sự vận động; bản thân xã hội sản xuất ra con người với tính cách là con người như thế nào thì nó cũng sản xuất ra xã hội như thế. Hoạt động và sự hưởng dụng những thành quả của hoạt động, xét theo nội dung của nó cũng như xét theo phương diện tồn tại, đều mang tính chất xã hội; hoạt động xã hội và hưởng dụng xã hội” (7).
Thông qua quá trình con người tác động vào tự nhiên, tự nhiên sẽ tác động trở lại con người. Đó không phải là sự tác động một chiều, mà là sự tác động qua lại. Con người lao động tạo ra của cải nuôi sống bản thân mình và xã hội. Sản xuất vật chất là đặc trưng chỉ có ở con người, góp phần thúc đẩy trình độ phát triển xã hội. C.Mác khẳng định rằng, không ai khác chính con người làm nên lịch sử của mình. Do vậy, “lịch sử xã hội của con người luôn chỉ là lịch sử của sự phát triển cá nhân của những con người” (8). Thông qua quá trình hoạt động thực tiễn, con người tác động vào tự nhiên, xã hội và để lại những dấu ấn của bản thân mình vào giới tự nhiên cũng như đối với xã hội và con người từng bước phát triển bản thân mình mỗi ngày. Do vậy, tự nhiên ban đầu tưởng như chỉ là cái tồn tại bên ngoài con người, là môi trường cho con người sống và hoạt động, sau đó đã trở thành kết quả trong hoạt động mang tính lịch sử của con người. Nhờ sự tương tác qua lại giữa con người và tự nhiên, mà con người đã có được những thứ cần thiết phục vụ nhu cầu của mình, không chỉ về nhu cầu vật chất, mà cả nhu cầu tinh thần.
2. Về phát triển bền vững
Phát triển là một quá trình vận động từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện. Triết học Mác khẳng định, “sự phát triển của những hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên” (9), tuân theo các quy luật như quy luật xã hội. Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam khẳng định: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” (10). Theo chúng tôi, phát triển bền vững chính là sự giải quyết hài hòa, cân đối giữa các mục tiêu phát triển từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…, đáp ứng những nhu cầu tăng lên không ngừng của con người hiện tại mà không gây thiệt hại hay cản trở đến khả năng và cơ hội thỏa mãn nhu cầu của con người mai sau khi thụ hưởng các nguồn lực để phát triển mọi mặt.
Suy cho cùng, khi nói về phát triển bền vững, vấn đề được đề cập trọng tâm nhất, mục tiêu hướng tới vẫn là con người với tư cách chủ thể, động lực cho phát triển bền vững. Do đó, các biện pháp đưa ra về hợp tác quốc gia, quốc tế, các mục tiêu đề ra như phát triển kinh tế xanh, bảo đảm an sinh xã hội, tăng số người được dùng nước sạch, loại bỏ hóa chất độc hại trong môi trường; phục hồi trữ lượng nguồn thủy sản bảo vệ đa dạng sinh học; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo… luôn là những vấn đề được quan tâm khi phát triển bền vững.
Ngoài mục tiêu về môi trường, mục tiêu kinh tế – xã hội cũng vô cùng quan trọng. Sự phát triển của mỗi quốc gia bao hàm cả phát triển kinh tế, chính trị, xã hội… không tách rời với môi trường. Có nhiều quan điểm đã được đưa ra, nhưng nhìn một cách tổng thể thì phát triển bền vững cần chính là sự phát triển trong quan hệ thống nhất, hài hòa giữa tất cả các mặt môi trường, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển con người…
Về mặt triết học, phát triển bền vững thể hiện nguyên tắc bình đẳng giữa con người và tự nhiên, con người với con người, sự công bằng trong mỗi thế hệ người cũng như sự công bằng giữa các thế hệ. Khái niệm phát triển bền vững phản ánh hai cặp mối quan hệ chính là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và mối quan hệ giữa con người với con người trong quan hệ với môi trường sinh thái. Đồng thời, khái niệm này cũng thể hiện khía cạnh trách nhiệm của con người với thiên nhiên và với chính bản thân con người.
Về quan hệ giữa con người và tự nhiên, con người không thể thống trị được tự nhiên và cũng không thể tồn tại được nếu không khai thác tự nhiên, không làm chủ tự nhiên. C.Mác khẳng định: “Giới tự nhiên – cụ thể là giới tự nhiên trong chừng mực bản thân nó không phải là thân thể của con người – là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại…” (11). Cùng với lao động, quá trình sống của con người đã để lại nhiều dấu ấn lên tự nhiên, tạo ra sự biến đổi của tự nhiên vốn có, xây dựng nên một tự nhiên thứ hai có bàn tay, khối óc của con người tác động vào, giúp con người vừa tránh khỏi tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên ban đầu, vừa đáp ứng những nhu cầu về vật chất và tinh thần của chính mình.
Con người, một mặt là sinh vật hoạt động có ý thức, có thể tác động vào tự nhiên một cách tự giác; mặt khác, lại là bộ phận của tự nhiên, không thể tách rời. Do vậy, các hoạt động của con người cũng buộc phải tuân thủ những quy luật của tự nhiên và bị tự nhiên quy định. Bởi là một bộ phận của tự nhiên, nên chắc chắn, con người không thể bất chấp các quy luật của tự nhiên mà ngược lại, trong các hoạt động của mình, con người phải luôn tạo mối quan hệ hài hòa với tự nhiên, đối xử với tự nhiên như chính thân thể của mình.
Mối quan hệ thứ hai theo quan điểm phát triển bền vững mà con người cần thực hiện đó là quan hệ giữa con người với con người (tức là giữa thế hệ hôm nay với thế hệ mai sau). Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn chứ không phải vô hạn. Hơn nữa, tài nguyên, thiên nhiên có thể đảm bảo cho việc duy trì cuộc sống của con người hay không cũng chính là do cách mà con người đối xử với chúng. Cho nên, các thế hệ ngày hôm nay có thể khai thác tài nguyên thiên nhiên để thỏa mãn nhu cầu của mình, song việc khai thác đó phải bảo đảm không bị cạn kiệt, để cho các thế hệ tương lai vẫn có cơ hội và điều kiện cần thiết tiếp tục tồn tại, phát triển dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên đó. Điều này cũng chính là sự thể hiện công bằng giữa các thế hệ và trách nhiệm, thái độ ứng xử có văn hóa, đạo đức của thế hệ trước đối với các thế hệ sau.
Về kinh tế, phát triển bền vững “lấy các chỉ số phát triển kinh tế làm thước đo: Bảo đảm tốc độ tăng trưởng ổn định trong thời gian tương đối dài và không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng” (12). Bên cạnh đó, phát triển bền vững kinh tế còn đảm bảo phân phối một cách công bằng về hàng hóa, tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ xã hội cơ bản.
Về xã hội, phát triển bền vững hướng tới các tiêu chí xã hội như thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, khoảng cách giàu – nghèo, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, phát triển văn hóa vừa truyền thống, vừa hiện đại. Trong các mục tiêu trên, công bằng xã hội và phát triển con người được coi là tiêu chí cao nhất về phát triển xã hội.
Về môi trường, khái niệm phát triển bền vững tập trung vào các nhu cầu của con người. Chúng ta thừa nhận quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhưng quyền này cũng phải đi kèm với nghĩa vụ bảo vệ để đảm bảo chức năng sinh tồn lâu dài của con người. Sử dụng tài nguyên thiên nhiên không chỉ gồm khía cạnh khai thác, xử lý tài nguyên mà còn là vì mục đích văn hóa. Do đó, mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi phải tạo sự cân đối giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên đối với con người hiện tại và nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên đối với các thế hệ tương lai. Cùng với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, chúng ta phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và đi đôi với phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng suy thoái của môi trường, tránh các thảm họa tự nhiên có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến các thế hệ hôm nay và mai sau.
Về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế nói riêng và phát triển xã hội nói chung. Phát triển bền vững về văn hóa nhằm xây dựng một nền văn hóa vừa truyền thống, vừa hiện đại, dựa trên cơ sở những tinh hoa văn hóa nhân loại và bản sắc tốt đẹp của nền văn hóa nước nhà. Do vậy, Đảng ta luôn xác định: “gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trở thành tư tưởng chỉ đạo trong chương trình, kế hoạch phát triển” (13).
Như vậy, theo nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý thống nhất vật chất của thế giới, các mặt, yếu tố của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường) là những bộ phận khác nhau của một hệ thống xã hội không tách rời, chúng tất yếu phải liên hệ, ràng buộc, tác động lẫn nhau. Cho nên, muốn phát triển bền vững, phải đứng trên quan điểm toàn diện, nhìn nhận một cách tổng thể trong thế hài hòa giữa tất cả các yếu tố kể trên, đồng thời, chú trọng đến vấn đề phát triển con người một cách toàn diện. Triết lý phát triển bền vững ngày nay chính là triết lý phát triển hài hòa giữa con người và tự nhiên và sự phát triển gắn kết trên tất cả các mặt của đời sống. Đây cũng là tất yếu khách quan, là mục tiêu cao đẹp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang hướng tới trên con đường đổi mới và phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội.
________________
1, 2, 3, 5, 6, 7, 11. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.232-233, 234, 160, 170, 657-658, 169-170, 135.
4. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 20 (Biện chứng của tự nhiên), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.476.
8. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 27, Nxb Chính trị quốc gia, 1996, tr.658.
9. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.21.
10. Luật Bảo vệ môi trường, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.8.
12. Phạm Thị Oanh, Mối quan hệ con người – tự nhiên và phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.60.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, 2016, tr.124.
Tác giả: Nguyễn Thị Hảo
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng