Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành kiểm lâm quảng ninh

Một trong những tiền đề để tạo ra sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là Đảng ta đã đánh giá đúng vị trí, vai trò của việc phát triển nguồn nhân lực, từng bước xây dựng và phát triển kinh tế tri thức đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Trong số những nguồn lực phát triển kinh tế đất nước, thì nguồn lực ngành kiểm lâm được coi là đặc thù. Hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, nguồn nhân lực ngành kiểm lâm đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ, thậm trí là tính mạng con người, việc ban hành những cơ chế, chính sách bảo đảm hoạt động an toàn là rất cần thiết. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành kiểm lâm về thực chất là nâng cao trình độ, phương pháp nắm và xử lý tốt các tình huống xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực tại và tình huống mới phát sinh.

Quảng Ninh là tỉnh có rừng và đất lâm nghiệp chiếm 70% diện tích tự nhiên. Rừng trải dài theo bờ biển và phủ kín các đảo. 158/184 xã, phường có rừng và đất lâm nghiệp. Những địa danh nổi tiếng như Yên Tử, vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Đồng Sơn – Kỳ Thượng, hồ Yên Lập không thể giữ được nếu không có thảm thực vật rừng. Tài nguyên rừng giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế Quảng Ninh, vì vậy, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, kiểm lâm Quảng Ninh không ngừng phát triển cả về số lượng và trình độ cán bộ. Ngày thành lập, kiểm lâm Quảng Ninh chỉ có 189 người, đa số là cán bộ các lâm trường, bộ đội chuyển ngành. Toàn tỉnh có 12 hạt ở 12 huyện, thị xã, thành phố, hai đội kiểm soát cơ động đường thủy và đường bộ. Về trình độ có 7 người đại học, 11 trung cấp, 63 sơ cấp còn lại chưa qua đào tạo (57%). Đến nay, kiểm lâm Quảng Ninh có 313 cán bộ công chức biên chế tại 14 hạt, 2 đội kiểm soát cơ động đường bộ, đường thủy và lực lượng bảo vệ rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, ban quản lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập. Về trình độ có 167 đại học (3 trên đại học), 107 trung cấp, còn lại là sơ cấp và các ngành khác. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, thì nguồn nhân lực ngành kiểm lâm vẫn còn tồn tại bất cập về chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành kiểm lâm, tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện một số biện pháp:

Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ kiểm lâm về việc bảo vệ rừng

Đội ngũ cán bộ ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cần xác định đúng vai trò và chức năng, chủ động tham mưu cho UBND các cấp và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn những cơ chế, chính sách bảo vệ rừng phù hợp. Bản thân kiểm lâm luôn chủ động thực hiện bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, tuần tra kiểm soát lâm sản. Với những khu rừng trọng yếu ngành kiểm lâm đã thành lập các tổ chức để quản lý ở Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Yên Lập. Tiếp tục đề nghị UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ninh quy hoạch các loại rừng phù hợp với tình hình thực tế. Đây là vấn đề quan trọng có ý nghĩa chiến lược lâu dài đảm bảo cho sự cân bằng sinh thái và phát triển bền vững.

Từ nhiều năm qua, Chi cục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đến tận thôn, bản về vai trò và tác dụng của rừng, những hành vi vi phạm, chính sách về giao đất, giao rừng. Chi cục thực hiện tốt việc phân công kiểm lâm về phụ trách địa bàn xã. Lực lượng này trực tiếp tham mưu cho chính quyền địa phương, hướng dẫn người dân trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng. Đến nay đã có 487 thôn, bản xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng và thành lập được 1.587 tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn tệ nạn phá và khai thác rừng trái phép. Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm được kiện toàn củng cố kịp thời từ tỉnh, huyện, xã, chủ rừng. Để bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh tham mưu xây dựng nhiều công trình phòng cháy. Toàn tỉnh hiện có trên 800km đường băng cản lửa, hàng trăm bảng tin, hàng ngàn biển báo, hàng chục chòi canh gác lửa rừng. Do tích cực thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng nên từ năm 1998 trở lại đây số vụ cháy và diện tích thiệt hại đã giảm, nạn cháy rừng cơ bản được khống chế.

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đối với cán bộ ngành kiểm lâm

Hiện nay, cán bộ hoạt động trong ngành kiểm lâm đã đảm bảo về số lượng và chất lượng, tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì đội ngũ cán bộ này vẫn còn hạn chế. Việc cử cán bộ đi đào tạo nhất là cán bộ chủ chốt, giữ vị trí quan trọng nắm được các vấn đề đặc thù của ngành, hiểu được pháp luật nhà nước để có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục hợp lý, giải quyết tốt nhiều tình huống khi xảy ra. Lựa chọn, sử dụng cán bộ ngành kiểm lâm ở những vị trí đặc thù, theo chốt là những cán bộ có trình độ đại học, sau đại học. Đối với những cán bộ tốt nghiệp mới ra trường cần đưa xuống cơ sở để cọ sát, nắm bắt thực tiễn, trải nghiệm để có những kinh nghiệm trong công tác bảo vệ rừng.

Xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách đúng đắn, kịp thời, hiệu quả đối với cán bộ kiểm lâm

Trước nhiều hiện tượng, vụ việc xảy ra ở công tác bảo vệ rừng thời gian qua, cho thấy sự nguy hiểm của cán bộ làm việc trong ngành kiểm lâm là rất lớn. Việc xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách, văn bản pháp lý để bảo đảm sự hoạt động an toàn cho cán bộ kiểm lâm là cần thiết. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành kiểm lâm Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, hướng dẫn quy định quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, chính sách ưu đãi đối với cán bộ ngành kiểm lâm như: Nghị định số 39-CP của Chính phủ, ngày 18-5-1994 về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm lâm; Nghị định số 119/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm; Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản… Về phía ngành kiểm lâm Quảng Ninh có một số văn bản, chỉ thị, hướng dẫn cụ thể như: công văn số 3595/BNN-KL, ngày 28-12-2007 về việc tăng cường tổ chức triển khai thực hiện giao rừng, cho thuê rừng và quản lý nương rẫy; công văn số 3419/BNN-KL ngày 12-12-2007 về việc hướng dẫn khai thác, vận chuyển, cất giữ gỗ rừng trồng nhóm IA… Những văn bản, chỉ thị, hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy hoạt động có hiệu quả hơn của đội ngũ cán bộ ngành kiểm lâm trong hoạt động bảo vệ, tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiệu quả của các tổ chức, lực lượng cùng tham gia hoạt động bảo vệ rừng.

Xây dựng cơ chế, chính sách về chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với công an, quân đội và các lực lượng khác tham gia công tác bảo vệ rừng. Xây dựng cơ chế và chế độ làm việc, sinh hoạt cho kiểm lâm địa bàn xã, có chính sách ưu tiên tuyển dụng người địa phương. Đối với các xã có nhiều rừng, hay có vấn đề phức tạp trong công tác bảo vệ rừng, có thể tổ chức xây dựng các tổ, đội quần chúng. Xây dựng cơ chế dự trữ và điều động phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng. Quan tâm đến đời sống của cán bộ kiểm lâm, đặc biệt đối với cán bộ trẻ cần có sự quan tâm về cách sắp xếp, bố trí công việc để họ yên tâm công tác, phục vụ cho ngành kiểm lâm.

Tiến hành sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về hoạt động của cán bộ kiểm lâm

Đây là việc làm thiết thực, có tác dụng quan trọng bảo đảm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành kiểm lâm. Thông qua việc tổ chức những hội nghị đánh giá, kiểm điểm về tổ chức thực hiện, triển khai quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh trong công tác bảo vệ rừng của đội ngũ cán bộ kiểm lâm. Đánh giá ưu, khuyết điểm, chỉ ra bài học sau mỗi lần triển khai nhiệm vụ, đề ra giải pháp tối ưu cho những lần thực hiện tiếp theo.

Nhiều vấn đề pháp lý và mối quan hệ dân sự phức tạp trong xã hội phát sinh có liên quan đến ngành lâm nghiệp và công tác quản lý bảo vệ rừng cần được giải quyết, đặc biệt là các tranh chấp quốc tế. Để giải quyết tốt các công việc này, đòi hỏi nguồn nhân lực của lực lượng kiểm lâm phải được đào tạo nâng cao nghiệp vụ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Trong những năm tiếp theo, lực lượng kiểm lâm Quảng Ninh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, cơ quan liên quan và nhiều tổ chức chính trị xã hội phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ phát triển rừng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : PHẠM THỊ THU PHƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *