Ngành văn hóa, thể thao và du lịch giữ lửa cho đất nước, giữ hồn cho dân tộc


     LTS: Ngày 17 và 18-2-2009, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2009. Hội nghị đã tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; nghe báo cáo công tác VHTTDL năm 2008, phương hướng, nhiệm vụ năm 2009; Báo cáo kiểm điểm hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; Báo cáo sơ kết chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2007 và ước thực hiện năm 2008 và nhiều đề xuất thực tiễn. VHNT trân trọng giới thiệu phát biểu kết luận của đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL tại Hội nghị. Đầu đề do tòa soạn đặt.

Sau hai ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, tập trung và trách nhiệm cao, Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2009 đã kết thúc tốt đẹp. Hội nghị đã vinh dự tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo Hội nghị đã đánh giá toàn diện các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; sự đóng góp của 19 tham luận của các đơn vị, địa phương, trong đó có 23 kiến nghị góp phần làm rõ hơn những ưu điểm, hạn chế trong công tác thực hiện nhiệm vụ năm 2008, đề xuất được những giải pháp xác đáng, giúp lãnh đạo Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động trong thời gian tới. Thay mặt Bộ VHTTDL, tôi xin tiếp thu kiến nghị, đề xuất, sáng kiến của các Sở VHTTDL, các đại biểu và sẽ sớm xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền, quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch các cấp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn…, sớm đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề về cơ chế tài chính để phát triển văn hóa, chính sách đối với đội ngũ trí thức, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên; các vấn đề liên quan đến quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch một cách đồng bộ, liên hoàn để vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, những tác động xấu từ suy thoái kinh tế thế giới, những ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của toàn cầu hóa, nhưng với quyết tâm khắc phục khó khăn, ngành VHTTDL đã phát huy sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, nhất trí, tăng cường các biện pháp, giải quyết kịp thời những vấn đề quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế chính sách, chế tài phù hợp; huy động có hiệu quả sự đóng góp các nguồn lực xã hội, các tổ chức kinh tế tham gia xây dựng, phát triển ngành; liên kết, phối hợp với các bộ, ban, ngành, mặt trận, các đoàn thể, các hội, hiệp hội, các cơ quan thông tấn báo chí; tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong nước và nước ngoài, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của đất nước năm 2008, tạo tiền đề thuận lợi để vượt qua những khó khăn trong năm 2009.

Hệ thống, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý của ngành ở địa phương được thành lập theo hướng thống nhất, đồng bộ, công tác quản lý nhà nước đảm bảo thông suốt, phát huy hiệu lực, hiệu quả trên từng lĩnh vực. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được ban hành, tạo cơ chế thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Công nghệ phục vụ sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch được đổi mới và hiện đại hóa; các di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng và phong phú về loại hình. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng. Hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, từng bước nâng cao chất lượng. Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng. Nhiều ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các vùng miền được tổ chức thiết thực và hiệu quả, kịp thời động viên tinh thần của nhân dân, góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, vừa củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Luật phòng chống bạo lực gia đình được triển khai, phổ biến rộng rãi, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức xã hội về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển sâu rộng, thể thao thành tích cao đạt Huy chương Bạc môn cử tạ hạng cần 56kg tại Olympic 2008 – Bắc Kinh, tại các giải thi đấu quốc tế, thể thao Việt Nam dần khẳng định vị thế mới với những thành tích mới.

Du lịch Việt Nam ngày càng năng động, chủ động sáng tạo, phát huy lợi thế về địa chính trị, địa văn hóa, ổn định về chính trị xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch; công tác quản lý nhà nước với các giải pháp kịp thời đã góp phần đảm bảo tăng trưởng thu hút khách du lịch quốc tế trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, du lịch Việt Nam được đánh giá là “một trong những điểm đến an toàn và hấp dẫn nhất Đông Nam Á”.

Ngành VHTTDL các địa phương kịp thời củng cố bộ máy, xây dựng những hình thức, mô hình hoạt động mới, phù hợp với từng vùng, miền, huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch. Đội ngũ văn nghệ sĩ, huấn luyện viên, vận động viên, cán bộ, công nhân viên toàn ngành đoàn kết, quyết tâm cao, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật, những yếu kém, tồn tại chậm được khắc phục, những trì trệ, bảo thủ, những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, chưa đồng đều về chất lượng trong các hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch, những tiềm năng và lợi thế của chúng ta chưa được khai thác có hiệu quả. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, trình độ, năng lực ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn những hạn chế, trách nhiệm chưa cao, thiếu sự liên kết, phối hợp đồng bộ… Đầu tư cho văn hóa còn thấp, việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống mặc dù có nhiều cố gắng nhưng làm được còn ít, chất lượng còn hạn chế, còn nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử bị xuống cấp, xâm hại nghiêm trọng. Quản lý lễ hội chưa chặt chẽ, còn để lãng phí và những hiện tượng phi văn hóa trong hoạt động lễ hội; chưa tổng kết, đánh giá, phân loại và hướng dẫn tổ chức phù hợp với từng thể loại lễ hội. Các thiết chế văn hóa còn thiếu, khai thác, sử dụng chưa hiệu quả và lãng phí. Mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân còn thấp, còn sự chênh lệch lớn giữa các vùng, các tầng lớp dân cư; chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chưa cao; danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố, thôn bản văn hóa ở nhiều nơi chưa đúng về thực chất, nặng về hình thức và thành tích. Tình trạng bạo lực gia đình, suy đồi về đạo đức truyền thống, bạo lực thể thao vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận; tại một số nơi, tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các di sản, di tích lịch sử văn hóa, hạn chế khai thác và phát triển du lịch. Công tác quản lý nhà nước có lúc, có nơi còn buông lỏng. Hiệu quả quản lý đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, khi toàn bộ cơ chế quản lý kinh tế của đất nước đã chuyển đổi mạnh mẽ và sâu sắc.

Xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đã và đang ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển đất nước. Bên cạnh những yếu tố tích cực, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, còn có những mặt trái từ nền kinh tế thị trường đã và đang làm biến chất một bộ phận cán bộ công chức nhà nước, đó là sự lãnh cảm, hờ hững, lối sống buông thả, ích kỷ, thiếu trách nhiệm với công việc, với xã hội, với gia đình và với chính bản thân đang trở thành nguyên nhân kìm hãm sự phát triển toàn diện của đất nước.

Phát huy lợi thế, những thành tích đã đạt được của toàn ngành trong những năm qua cũng như việc khắc phục những hạn chế, yếu kém để đẩy nhanh, đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch lên tầm cao mới, tôi đề nghị các đơn vị, các địa phương tích cực nghiên cứu, rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp mang tính lý luận và thực tiễn, áp dụng những sáng kiến thích hợp được nêu tại Hội nghị để chỉ đạo, tổ chức các đơn vị, địa phương mình triển khai tốt kế hoạch công tác năm 2009 với các nhiệm vụ sau đây.

       Nhiệm vụ chung

     1. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch công tác năm 2009, hoàn thành căn bản các chỉ tiêu phát triển ngành, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội (2006-2010) của Chính phủ.

2. Khắc phục sự lãng phí do đầu tư chưa hiệu quả, sớm hoàn thiện các công trình xây dựng dở dang để đưa vào khai thác; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế, các công trình văn hóa, thể thao và du lịch từ các nguồn lực của xã hội, ưu tiên đầu tư bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc.

3. Đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến căn bản trong quản lý, hạn chế những tiêu chực trong hoạt động của ngành, bài trừ sản phẩm văn hóa độc hại, thấp kém, lai căng, các hoạt động mê tín dị đoan để môi trường văn hóa ngày càng lành mạnh.

4. Hoàn thành việc kiện toàn lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng cục Du lịch, các cơ quan quản lý ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở.

5. Tập trung xây dựng các dự án luận trong Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, các văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước hết là: Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Luật Thư viện; Luật Quảng cáo; Chiến lược phát triển văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch Việt Nam đến năm 2020…; quán triệt và tăng cường quản lý thực thi bảo hộ Quyền tác giả và Quyền liên quan theo Chỉ thị số 36/TTg ngày 31-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành tổng kết và Quý I/2009, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý II/2009.

6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, phân cấp quản lý, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, có hình thức khen thưởng, có chế tài xử phạt nghiêm minh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ quản lý, chuyên môn cho cán bộ làm công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, để xây dựng một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có chuyên môn giỏi, mang tính chuyên nghiệp cao, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành và phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực, chủ động triển khai công tác phòng, chống tham nhũng đồng thời với việc đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

7. Hưởng ứng năm Ngoại giao văn hóa 2009: Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế bằng những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; kết hợp chặt chẽ các hoạt động văn hóa, thể thao với hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch; tiếp tục tổ chức các Tuần Văn hóa, Ngày Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, có chiến lược thu hút khách du lịch, thu hút đầu tư, phát triển thương mại; đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh đất nước trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế…; xây dựng và đưa vào khai thác các trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam ở nước ngoài…

8. Tăng cường sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quản lý của UBND các tỉnh, thành; liên kết chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đơn vị, đoàn thể.

9. Các đơn vị, địa phương đăng ký thi đua, tập trung xây dựng các điển hình tiên tiến, hướng đến đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2010; có chương trình, kế hoạch, tổ chức các hoạt động truyên truyền sâu rộng trong cả nước, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2009: Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…; tổ chức thành công Liên hoan Phim lần thứ 16, Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ nhất, Đại hội Thể dục Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3, Seagames 25; chuẩn bị tốt Đại hội Thể thao các cấp hướng tới Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2010; có nhiều công trình, tác phẩm, sản phẩm, thành tích hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2009, 2010.

Các nhiệm vụ cụ thể

1. Về văn hóa: Toàn ngành cần tập trung tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng đơn vị, từng gia đình, từng người dân, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng và lãng phí và các tệ nạn xã hội. Đảm bảo gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng Đảng và phát triển văn hóa. Đề cao và phát huy những đức tính, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; cụ thể hóa sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc thực hiện ký kết chương trình xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực, góp phần giáo dục lòng yêu nước, ý thức giữ gìn bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Liên kết chặt chẽ, phối hợp với các bộ, ngành, mặt trận, các đoàn thể để thực hiện các Chương trình hợp tác đã được ký kết trong năm qua.

2. Về gia đình: Phát động phong trào toàn dân phòng, chống bạo lực gia đình, bạo hành đối với phụ nữ, người già và trẻ em, gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong các khu dân cư; xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tập trung triển khai, phổ biến rộng rãi việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình trong toàn xã hội, nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng nhân cách, lối sống, ứng xử và những nét văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam; xây dựng, thể nghiệm, đánh giá, sơ kết, tổng kết thành tựu và nhân rộng các mô hình xây dựng gia đình tiêu biểu, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam như một lợi thế cạnh tranh toàn cầu; phối hợp với Bộ GD&ĐT tạo đưa môn Gia đình học vào các trường đào tạo, các viện nghiên cứu… nhằm nâng cao nhận thức về vai trò to lớn của gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và tiến bộ, là tế bào của xã hội, tiêu chí, định hướng chất lượng cuộc sống trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

3. Về thể dục thể thao: Đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển thể dục thể thao quần chúng; gắn kết cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại với phong trào xây dựng gia đình văn hóa; kết hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức, xã hội, đoàn thể phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng sâu rộng và ngày càng nâng cao về chất lượng; xây dựng Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020; đề xuất kế hoạch đưa thể thao quần chúng và các môn võ dân tộc vào các trường học, góp phần tạo tính cách, nâng cao bản lĩnh văn hóa và thể chất đối với sự phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn mới; kiểm điểm, đánh giá những thành tựu, rút ra những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân thành công cũng như thất bại trong các cuộc thi đấu; triển khai chiến lược phát triển thể thao thành tích cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến về đào tạo và huấn luyện vận động viên, liên kết đào tạo và đưa đi đào tạo tại các nước có nền thể thao phát triển; kiến nghị với Chính phủ có cơ chế thích hợp để phát huy, sử dụng tài năng đội ngũ vận động viên, tạo tiền đề để có những bước phát triển mới về trình độ và thành tích của thể thao Việt Nam; tập trung tổ chức thành công và đạt thành tích tốt tại Indoor Games III 2009, Seagames 25, Đại hội Thể thao các cấp hướng tới Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2010 tại TP. Đà Nẵng; tổ chức tốt Cúp Bóng đá 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

4. Về du lịch: Triển khai Luật Du lịch, các nghị định, thông tư hướng dẫn về công tác quản lý nhà nước về du lịch; nâng cao hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về du lịch; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, điều chỉnh quy hoạch du lịch phù hợp với phát triển kinh tế xã hội, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đa dạng hóa các sản phẩm, xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường du lịch, đặc biệt là các thị trường truyền thống, các thị trường trọng điểm và tiềm năng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch; tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp cấp bách kích cầu du lịch, khắc phục tình trạng sụt giảm khách du lịch quốc tế, chú trọng đến thị trường khách du lịch nội địa, phát triển mạnh du lịch cộng đồng; quan tâm đến công tác đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, khắc phục hạn chế và thiếu hướng dẫn viên, chuẩn hóa hướng dẫn viên quốc tế và quản lý du lịch; xây dựng tiêu chí, tỷ suất hiệu quả kinh doanh du lịch; phấn đấu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo, ngày càng xứng đáng là ngành kinh tế dịch vụ xuất khẩu tại chỗ, mang lại doanh thu và ngoại tệ lớn cho nền kinh tế đất nước.

Đứng trước thuận lợi, thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức trong năm 2009, tôi kêu gọi toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục hưởng ứng thực hiện thật tốt chiến lược phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu thành tựu, kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa của nhân loại, từng bước xây dựng hệ thống giá trị, bản lĩnh và nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế

      Gắn kết chặt chẽ và đồng bộ phát triển ngành với phát triển kinh tế xã hội, cùng với thể thao và du lịch, văn hóa phải thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành; nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; nắm bắt thuận lợi, thời cơ, chủ động khắc phục khó khăn, thách thức, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, bám sát cơ sở, góp phần vào trách nhiệm giữ lửa cho đất nước, giữ hồn cho dân tộc, đưa sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch phát triển lên tầm cao mới trong công cuộc CNH, HĐH đất nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009

Tác giả : Hoàng Tuấn Anh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *